Nguyễn Hiền
Bộ sưu tập tài liệu về Việt Nam tại KITLV
KITLV là tên tắt của Viện Nghiên cứu Hoàng gia về Ngôn ngữ, Đất nước và Sắc tộc học (Koninklijke Instituut van Taal-, Land- en Volkenkunde) – đúng ra phải thêm vào phía sau mấy chữ ‘Đông Nam Á và Caribbean', vì trên thực tế Viện chỉ chuyên về vùng này chứ làm sao kham được cả thế giới. Sau lần đến đây nghe ông giáo sư Oscar Salemink thuyết trình về một đề tài của ông về Việt Nam, tôi mới được biết là Viện này có tàng trữ một bộ sưu tập các tài liệu liên quan đến Việt Nam, vì thế tôi đã dành một buổi đến thăm và tìm hiểu thêm.
KITLV được thành lập năm 1851. Một trong những mục đích chính của KITLV khi đó là thu thập những tài liệu về những xứ thuộc địa Đông Ấn (Nam Dương, Molukken…) trong các lãnh vực ngôn ngữ, lịch sử, nhân chủng, xã hội… Sau thế chiến thứ II, KITLV mở rộng phạm vi thu thập sang cả vùng Caribbean và những quốc gia Đông Nam Á. Đó là lý do vì sao KITLV có bộ sưu tập về Việt Nam. Hiện có khoảng 70 nhân viên đang làm việc cho KITLV và hơn 2000 hội viên, phân nửa là người (có gốc) ngoại quốc. Trụ sở chính của KITLV đặt tại Leiden, ngoài ra Viện còn có một văn phòng ở Jakarta (Indonesia).
Sau khi tìm ra tòa nhà, nằm ở một vị trí khá kín đáo sát bên trung tâm thành phố Leiden, tôi gặp ông Ngô Thụy Trúc Lâm, người phụ trách bộ sưu tập. Làm việc cho KITLV từ 1992, hiện nay ông giữ nhiệm vụ trông coi thư viện và phụ trách thêm công tác quản lý bộ lưu trữ bản đồ của viện. Bộ sưu tập Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng tài liệu về những xứ cựu thuộc địa Hòa Lan như Nam Dương (từ đầu thế kỷ 19 đến 1949 là thuộc địa của Hòa Lan, nay là Indonesia), Suriname (độc lập từ 1975), Aruba (độc lập từ 1986)...
Nói là ít nhưng khi xem trong website của viện (www.kitlv.nl) và chọn từ khóa Vietnam, tôi thấy có 11180 tài liệu. Với từ khóa ‘Vietnamese': 2710, ‘Vietnamees': 144. Tình cờ tra những tài liệu viết về lúa gạo, tôi thấy có một số bài viết của ông Nguyễn xuân Hiển, một vị cao niên ở Hòa Lan chuyên nghiên cứu về lúa nếp. Ngoài ra tôi cũng thấy trong thư mục một số sách tiếng Việt đã được xuất bản ở Hòa Lan, và vài quyển truyện dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hòa Lan.
Trong buổi đi thăm, tôi đã được xem vài bộ ảnh xưa thật quí giá, trong số hơn 100.000 tấm ảnh được lưu trữ tại đây. Thời ‘Quan Toàn quyền' De Graeff nắm quyền thuộc địa ở Nam Dương vào cuối thế kỷ thứ 19 - đầu thế kỷ 20, ông đã mấy lần đi du lịch ở Việt Nam, thăm cố đô Huế, Hội An, hay đi thám hiểm dài ngày ở suốt vùng châu thổ sông Cửu Long. Trong những lần đó ông đã chụp nhiều ảnh về đất nước và về dân chúng, có nhiều tấm chụp chung với những quan lại Việt Nam khi xưa, chỉ tiếc là người Tây phương không quan tâm nhiều đến dân thuộc địa, nên ảnh thường không ghi đầy đủ tên họ. Nhìn những bức ảnh, thấy chỉ mới xấp xỉ 100 năm thôi mà cách phục sức, nhà cửa, đường xá đã đổi thay quá nhiều, chẳng thể tưởng nổi vài trăm năm hay một ngàn năm trước cảnh vật ra sao. Về hội họa, người Việt khi xưa chỉ vẽ truyền thần để thờ, hay những bức tranh Thần, Phật, tranh gà tranh lợn v.v., quả là một thiếu sót lớn so với Âu châu.
Là người giữ kho bản đồ với khoảng 15000 tấm, ông Lâm cũng lấy cho tôi xem tấm bản đồ Đông Dương thời trước, do người Hòa Lan vẽ. Tôi có ý tìm những địa danh đang gây xôn xao dư luận, như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc…, nhưng vì chúng nhỏ quá nên không có ghi trên bảun đồ. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng nằm ngoài phạm vi tấm cạc tông. Theo tôi, cho dù không có ghi, nhưng đường biên giới quốc gia chiếu theo tọa độ cũng có thể là chứng cớ rõ ràng phần đất nào của ta, phần nào của Tàu. Hòa Lan là nước không hề có liên quan đến vụ tranh chấp biên giới này, và khi đó không có quyền lợi trực tiếp ở Việt Nam và Trung Hoa, thì những bản đồ này có thể xem là một bằng chứng khách quan tin cậy được.
Trong thư viện, tôi thấy có một số tạp chí tiếng Việt do KITLV đặt mua. Theo ông Lâm đi dọc mấy kệ sách, được ông chỉ cho xem một số cuốn mang tính biên khảo cao. Ông cho biết về nguồn sách thì khá khó khăn. Vì không có nhiều người mượn sách Việt Nam, do đó KITLV không đặt ưu tiên cao cho việc duy trì và vun đắp thêm cho kho tài liệu Việt Nam, nhất là trong thời suy thoái kinh tế hiện nay. Một số sách được KITLV đặt mua từ Hoa Kỳ và Việt Nam, một số khác được thân hữu tặng. Nỗi băn khoăn thường trực của ông Lâm là làm cách nào để có thể kích thích sự tò mò của người Hòa Lan khiến họ tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam. Ông dự định vào mùa hè tới sẽ tổ chức một kế hoạch giới thiệu Việt Nam bằng cách dành một góc trong thư viện để triển lãm sách và hình ảnh về Việt Nam.
Nhận xét của riêng tôi là những tài liệu lưu trữ trong KITLV rất có giá trị và thật là uổng nếu để chúng mai một, hay để đó mà không ai biết. Theo ông Lâm, Thư viện Trung Ương cũng như Thư viện Hoàng Gia của Hòa Lan tuy có nhiều sách, nhưng nếu kể về những tài liệu cổ về Việt Nam – ngoài sách – thì KITLV là kho chứa phong phú nhất ở Hòa Lan. Đặc biệt hơn nữa, nơi đây có giữ những thủ bút của các viên chức cao cấp trong guồng máy thuộc địa, những cuốn nhật ký hải hành của tàu buôn Hòa Lan khi xưa v.v.. Điều này đúng, nhưng do vậy bộ sưu tập Việt Nam ở đây giống một viện bảo tàng để người ta đến nghiên cứu về lịch sử, văn hóa hơn là một thư viện để người ta đến mượn sách về đọc. Có những nghiên cứu sinh từ Việt Nam đến Hòa Lan thực hiện luận án cũng đến KITLV tra cứu, điển hình là anh Hoàng Anh Tuấn mới vừa hoàn thành luận án về những hoạt động của Công ty Đông Ấn (VOC) tại Việt Nam, được đúc kết trong cuốn sách với tựa: “Silk for silver: Dutch-Vietnamese relations, 1637-1700”.
Địa chỉ:
KITLV
Reuvenplaats 2
2223 BE Leiden
Đt.: +31-(0)71-5272637 (Lam Ngo)
www.kitlv.nl
Nguyễn Hiền