Ngô Thụy Trúc Lâm


Phỏng vấn ông Trần Văn Thắng

Lời giới thiệu: trong khuôn khổ chương trình phỏng vấn cựu thuyền nhân Việt Nam tại Hòa Lan, chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn ông Trần văn Thắng (TVT) do ông Ngô Thụy Trúc Lâm (NTTL) thực hiện. Là một cựu sỹ quan không quân, đến định cư tại Hòa Lan từ năm 1981, trong suốt hơn 40 năm qua, ông Thắng đã luôn đi đầu trong nhiều sinh hoạt cộng đồng. Ông Trần Văn Thắng cùng gia đình hiện cư ngụ tại thành phố Eindhoven.

***

NTTL: Chào anh Thắng, trước hết xin anh kể qua về thân thế và gia đình, cũng như về môi trường nơi anh sinh trưởng ở Việt Nam?

TVT: Chào Trúc Lâm, trước hết phải nói là hoàn cảnh tỵ nạn mỗi người mỗi khác nhưng có chung một điểm vì hai chữ tự do mà phải chấp nhận đánh đổi cả sinh mạng khi quyết định ra đi xa lìa quê hương. Được hỏi thì phải đáp thôi chứ chẳng vui gì nhắc lại chuyện xưa khi còn mãi sống đời lưu lạc nương thân xứ người khi tuổi đời ngày càng chồng chất!

- Là đứa con thứ năm trong gia đình có 6 anh chị em, ba tôi vốn là nhà giáo , không rõ nguyên nhân ông bỏ về sống cùng ruộng vườn, má tôi vừa lo nội trợ vừa buôn bán nhỏ để phụ thêm lợi tức gia đình cho anh em tôi có đủ điều kiện đến trường. Khi nhỏ tôi học ở trường làng, hết bậc tiểu học tôi thi đậu vào trường công ở quận, khi lên đệ nhị cấp thì được gia đình cho học ở Sài Gòn .

Sau 30/4/1975 ngoại trừ ba má tôi, các chị và cô em gái út, còn lại anh em chúng tôi đều vào tù mà CS gọi là trại cải tạo.

NTTL: Anh vào học sỹ quan không quân năm 1968, sau đó anh phục vụ những đơn vị nào? Anh có gặp những nghịch cảnh gì không?

TVT: Sau Tết Mậu Thân, lệnh tổng động viên ban hành nên dù muốn dù không cũng phải bỏ ngang việc học để thi hành trách nhiệm người trai thời loạn. Sau hơn một năm thụ huấn quân sự và chuyên môn tôi về phục vụ KĐ 33 tác chiến đồn trú tại căn cứ Tân Sơn Nhứt, theo nhu cầu phát triển nên năm 1970 trở thành SĐ5KQ . Tuy đơn vị gốc ở TSN nhưng thường xuyên biệt phái nhiều nơi, tuy hơi vất vả và hiểm nguy nhưng rất vui, học nhiều kinh nghiệm cho đời binh nghiệp. Suốt 7 năm quân ngũ vui buồn đong đầy, thăng trầm theo từng chuyến quân hành…, nhưng tất cả chỉ còn là kỷ niệm nhạt nhòa.

NTTL: Sau năm 1975, anh bị đi học tập cải tạo, tình hình trong trại cải tạo ra sao?

TVT: Dấu mốc 30/4/1975. Cả miền Nam VN sụp đổ đã nhanh chóng trở thành địa ngục trần gian của sự khốn cùng và chết chóc, quân dân miền Nam bị CS trả thù một cách thâm độc, hèn hạ. Qua ngụy từ học tập cải tạo để che dấu âm mưu thâm hiểm, đảng CSVN đã gom hết sỹ quan, công chức VNCH vào các trại tập trung không ngoài mục đích ngăn ngừa sự nổi dậy của quần chúng miền Nam, lợi dụng sức lao động của chúng tôi để làm ra của cải vật chất cho chúng hưởng thụ .

NTTL: Sau khi được thả, như anh đã có lần trả lời một nhà báo Hòa Lan vào năm 2008 là anh từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn. Sinh hoạt của anh và gia đình lúc ra khỏi trại cải tạo thế nào?

TVT: Sau khi ra khỏi trại trong rừng thâm sơn cùng cốc có nghĩa là rời nhà tù nhỏ chuyển ra nhà tù lớn hơn, qua sự giám sát của công an tôi phải trình diện hàng tuần, không được ra khỏi địa phương cư trú nếu không có giấy phép, thời gian nầy gọi là quản chế. Sống bất an, phập phòng không biết mình sẽ bị tóm lại lúc nào? Để có phương tiện sinh sống và không phải đi vùng kinh tế mới, tôi xin vào làm công nhân sản xuất phân hữu cơ của người dì tôi, vợ tôi là giáo sư toán trường trung học. Nương tựa vào sự hỗ trợ của hai bên gia đình nên cũng tạm sống qua ngày.

Sỹ quan không quân Trần Văn Thắng và nữ sinh lớp 12 ban toán Nguyễn Thị Rép (1971)

NTTL: Chuyến vượt biên khỏi Việt Nam có gặp khó khăn gì không? Có việc gì xảy ra khiến anh không thể nào quên?

TVT: Cảm thấy không thể tiếp tục sống mãi trong nỗi lo âu, nguy hiểm rình rập của một chế độ tàn ác vô nhân nên tôi đã nhiều lần tìm mọi cách rời bỏ quê hương. Chắc quý vị cũng cảm nhận được cảm giác của một người chuẩn bị xa lìa gia đình rời bỏ quê cha đất tổ nhưng chưa biết phải trôi dạt về đâu, tương lai vô định, biết có còn cơ hội gặp lại cha mẹ, vợ con.

Sau 6 lần thất bại không đạt được hoài bão, đành chấp nhận hiểm nguy, tôi nhận trách nhiệm lo cho con tàu của dì tôi đang nằm ở Sông Bé trong danh sách đi bán chính thức. Dì dượng tôi sau hai lần bị đánh tư sản xem như bị cướp hết tài sản, may mắn trước đó cất đi được một số nay dùng mua con tàu và tu sửa vỏ tàu, thay máy v.v.. Khi hoàn hảo thì tiền đã cạn không thể hối lộ để tranh chuyến với các chủ tàu Chợ Lớn, do đó chúng tôi tìm cách đưa con tàu về hợp đồng với Công ty vận tải đường sông ở Sài Gòn. Nói sơ qua con tàu, thuộc dạng tàu biển nhỏ dài 22,5 mét, ngang 5,2 mét , trọng tải 65 tấn, thân tàu bằng ván sao dầy 6 phân, thật chắc chắn và lý tưởng.

Sau khi được hợp thức hoá, chúng tôi ký nhiều hợp đồng với nhiều công ty có nhu cầu vận chuyển đường thuỷ và luôn chọn ưu tiên các địa danh gần cửa biển. Điều thú vị là ngày xưa làm việc trên không, giờ đây phải tập tành cùng sông nước nên phải chú tâm học hỏi thật nhiều ở các chú bác tài công nhiều kinh nghiệm.

Đêm 30/10/1980 tàu vào bãi lúc 10 giờ đêm, thấy đèn đuốc sáng choang cùng lao xao tiếng người. Trao đổi ngắn gọn với người của bãi và cho người lên tàu. Người lên đã khá nhiều mà chẳng thấy số người nhà nên tôi phản đối ngưng việc cho người lên và tuyên bố tàu sẽ không rời bến dù phải trả bất cứ giá nào nếu không có  đủ thân nhân của chúng tôi. Vào cabine thỉnh ý ông dượng và cháu của ông là Hải quân đại uý vừa mới ra tù. Cảm thấy mình bị gạt nên sau khi bàn thảo chúng tôi vẫn giữ ý định huỷ bỏ chuyến đi. Khi ấy một vài vị đứng tuổi ngỏ lời khuyên can, giải thích vì sự an nguy của bao người trong đó có cả chúng tôi và yêu cầu cho tàu rời bến. Sau nầy mới biết trong các vị đó là một trung tá vừa mới ra tù và linh mục Nguyễn thanh Xuân.

NTTL: Như anh đã kể là chuyến đi của anh và gia đình tổ chức có mua bến bãi với công an, họ bất ngờ đưa nhiều người của họ lên tàu cùng đi. Những người này thuộc dạng nào?

TVT: Chúng tôi không trực tiếp với công an Vũng Tàu trong việc bãi bến mà do một nhóm khác lo. Theo thoả thuận thì tàu sẽ đón khoảng 150 người của các nhóm tổ chức, nhiên liệu, nước uống, thực phẩm phải mua của bãi với giá cắt cổ. Tình trạng bi đát, các con cháu thân nhân của dì tôi và của tôi đều bị bắt giữ lại ở Long Thành. Thế vào đó là người của họ.

Cuối cùng rồi con tàu cũng phải rời bến Thạnh An lúc 2 giờ sáng ra biển Đông, khoảng 6 giờ thì bị 2 chiếc tàu khác rượt đuổi, may mắn chúng tôi thoát khỏi. Sau mấy ngày hải hành, qua 2 cơn bão lớn nhưng con tàu vẫn an toàn, có một lần máy tàu bị ngưng sau vài mươi phút, nguyên nhân một thuyền nhân bất cẩn ngồi đè làm nghẹt ống dẫn dầu, thợ máy khám phá cho nổ máy tiếp tục hành trình. Trong số 303 thuyền nhân được Nedlloyd Sinoutskerk cứu vớt gồm nhiều thành phần như quân nhân công chức VNCH, tu sĩ , bác sĩ, kỹ sư, sinh viên học sinh và rất đông dân của bãi .

Một câu hỏi mà tôi khó trả lời chính xác khi các phái đoàn của CIA và tình báo Úc qua nhiều lần tiếp xúc là trong chuyến nầy có những ai được CSVN gài theo không?

Con tàu 303

NTTL: Lúc được tàu Hòa Lan vớt, cảm xúc của anh ra sao?

TVT: Qua ngày thứ 4 khoảng 9.30 giờ chúng tôi thấy một phi cơ của hải quân Hoa Kỳ lượn thấp nhiều vòng và thả một vật gì xuống biển khá xa, lúc đó sóng to nên chúng tôi không vớt được nên tiếp tục đi theo hướng đã chọn.  Ba giờ sau một chiếc tàu lớn tiến càng lúc càng gần về hướng chúng tôi, trong khoảng cách an toàn họ ra dấu bảo chậm lại, khi liên lạc được họ cho biết sẽ vớt chúng tôi vì chiều nay sẽ có một cơn bão rất lớn đến và nghĩ rằng chúng tôi sẽ không thoát nạn!

Tuy con tàu vẫn an toàn nhưng mọi người đều mệt lả vì say sóng, 3 thuyền nhân bệnh  tim và một bé trai sốt nặng được lên vào cabine trên tàu. Khi viết lại những dòng nầy tôi như sống lại những cảm xúc lúc đó, một cảm giác khó tả, mừng vui lẫn lo âu. Các vị lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ và những người yếu sức được đưa lên bằng lưới võng, thanh niên thì leo lên bằng thang dây, tôi và chú em thợ máy leo lên sau cùng khi kiểm soát lần chót trong khoang tàu, cuối cùng mở nước “lỗ lù” cho nước biển vào để tàu chìm dần vào lòng đại dương .

Khi leo lên tàu lớn câu hỏi đầu tiên từ vị sĩ quan điều hành: ông có biết có bao nhiêu sinh mạng vừa được vớt không? suy đoán hai lần đều sai, ông cười chỉ vào tôi và đếm 303 và con chó nhỏ trên tay ông là 304.

Một cảm xúc đến nghẹn ngào qua cách đối xử lịch sự, cao thượng của tất cả nhân viên trên tàu dành cho chúng tôi dù họ và chúng tôi không hề quen dù là một lần gặp gỡ. Họ được lệnh chỉ dùng đồ hộp và dành thức ăn tươi như rau quả trái cây, bò gà v.v. cho thuyền nhân chúng tôi. Những ân tình cao quý nầy tôi ghi nhớ suốt đời.

Thuyền trưởng và sỹ quan tàu Nedlloyd Sinoutskerk với bảng số con tàu 303

NTTL: Khi đến trại tỵ nạn ở Singapore, anh có nhiều chuyện vui buồn để kể không?

TVT: Con tàu ân nhân cứu vớt chúng tôi Nedlloyd Sinoutskerk trên hải trình từ Hong Kong chở hàng về Simngapore nên chúng tôi được đưa về hải cảng nầy, lưu lại trên tàu thêm một ngày để lo thủ tục, chiều ngày 6/11/1980 xe bus chở chúng tôi về trại tỵ nạn 25 Hawkins Road. Cơn vui được hồi sinh đến được bến tự do dần thay bằng nỗi buồn gậm nhấm, nhớ vợ con, cha mẹ và cả quê hương thân yêu vừa bỏ lại, nên thẫn thờ chẳng màng tìm nơi trú ngụ, chọn sân khấu làm gác trọ cho những ngày đầu trên bước đường lưu xứ! Đã không ăn mất ngủ hơn nửa tháng để chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi của con tàu, giờ đây thân xác rã rời nhưng không sao tìm được giấc ngủ mà luôn suy nghĩ bâng quơ.

Hai hôm sau bà Luise Druke trưởng cao uỷ tỵ nạn ở Singapore cho mời tôi lên văn phòng để tìm hiểu thêm về con tàu 303, trong dịp nầy bà ngỏ ý nhờ tôi phụ giúp ban ngoại vụ của văn phòng đang thiếu nhân viên, thêm một trách vụ nhọc nhằn mà không từ chối được là đại diện cho tàu 303 mỗi tuần hai lần nhận tiền từ cao uỷ phát lại cho thuyền nhân cùng tàu, cùng ngày hôm đó bà cho người hướng dẫn tôi nhận một phòng nhỏ ở tầng trên nhà 12. Hôm sau, ngày đầu lên văn phòng để nhận việc tình nguyện của ban ngoại vụ, cảm giác đầu tiên suýt khóc khi nhìn thấy lại lá quốc kỳ thân yêu đã bao năm xa cách.

Văn phòng trại tỵ nạn tại Singapore (1980)

NTTL: Sau khi đến Hòa Lan, anh đã đi học và đi làm những đâu?

TVT: Đến Hoà Lan vào muà tuyết phủ trắng vạn vật, về trại chuyển tiếp Leerdam, ở đây một tuần kiểm tra sức khoẻ, sau đó 37 người về trại Stapelen ở làng Boxtel. Theo chương trình thì được học 400 giờ tiếng HL nhưng khoảng 1/2 khoá thì một nhóm chúng tôi được  gửi đi học chuyên môn. Sau mấy năm quay lại thời học trò, tốt nghiệp xong tôi xin được việc làm khá tốt ở nơi tôi thực tập và làm ở đó suốt gần 30 năm cho đến khi nghỉ hưu. Số mạng tôi không ở đơn vị gốc, khi xưa cũng biệt phái khắp nơi, sang xứ người cũng biệt phái hết Philips lại sang các viện đại học Eindhoven, Tilburg rồi các bệnh viện v.v. Rong ruổi theo dòng đời mọi việc êm ả trôi qua.

NTTL: Việc dạy dỗ con cái trong môi trường hai văn hóa, anh chị đã rút được những kinh nghiệm gì? Anh có hướng nghiệp cho các con hay không?

TVT: Việc giáo dục con cái là một vấn đề khá phức tạp giữa hai nền văn hoá, phải thật khéo léo, tế nhị, chứng tỏ cho con cái thấy được sự thương yêu , chăm sóc lẫn hy sinh của chúng ta dành cho chúng, thưởng phạt cương nhu đúng từng trường hợp, thưởng để khích lệ, phạt để răn đe chứ không hành hạ, khủng bố.

Thoạt đầu về Eindhoven, chúng tôi thành lập ngay Hội NVTNCS địa phương, tổ chức lớp Việt ngữ dạy thiện nguyện cho con em, hàng năm tổ chức Tết Nguyên Đán, Trung Thu, trại hè, thể thao v.v.. Luôn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tình tự quê hương. Những sinh hoạt nầy cho đến nay vẫn tiếp nối. Chúng tôi có hai cháu trai, cháu lớn sang HL khi được 7 tuổi và cháu nhỏ sanh ở HL, cả hai đều nói và viết được tiếng mẹ đẻ, tương đối thành công trong xã hội nhưng vẫn giữ được cội nguồn, văn hoá Việt Nam, luôn hoà thuận, lễ phép và hiếu thảo, âu cũng là niềm an ủi trong lúc tuổi già bóng xế!

Gia đình ông bà Trần Văn Thắng (2016)

NTTL: Anh đã sinh hoạt trong ban trị sự chùa Vạn Hạnh ở Hòa Lan đã lâu, nhìn lại những năm đầu gầy dựng mái chùa hẳn anh có rất nhiều kỷ niệm. Anh có thể kể vài kỷ niệm?

TVT: Từ thuở nhỏ được theo cha mẹ đến chùa vào các dịp lễ, được dạy để tập sự làm công quả như nấu nước pha trà, dọn dẹp v.v. Mãi rồi thành thói quen, do đó khi chùa chiền có nhu cầu là tôi hưởng ứng ngay. Trước khi thầy Minh Gíac1 từ trại tỵ nạn Thái Lan sang và thời gian mấy năm đầu mỗi lần lễ lạc phật tử phải tổ chức lưu động mỗi lần một địa phương. Mãi đến đầu thập niên 90 thuận duyên đã đến nên hội mua được khu đất số 65 Middenweg ở Nederhorst den Berg, đây là nhà bán cây kiểng nên phải sửa chữa thật nhiều để biến thành ngôi chùa VN đầu tiên ở Vương quốc HL. Sau nầy vào các ngày lễ số lượng phật tử về chùa càng ngày càng đông, do nhu cầu sinh hoạt nên hội phải tìm cách thích ứng bằng cách tìm, dọ hỏi qua nhiều nơi. Cho đến năm 2012 mới mua được khu đất ở Almere để xây dựng nên ngôi chùa Vạn Hạnh hôm nay. Nhắc đến đây phải thành thật ca ngợi, tán thán tinh thần hy sinh, dấn thân của tất cả các anh chị em trong thời gian xây cất ngôi chùa, dù thiếu thốn mọi bề, trong giá rét căm căm nhưng vẫn vang vang tiếng ca, tiếng cười, mỗi người mỗi việc không nề hà nặng nhọc.

Sinh hoạt Phật Giáo không chỉ giới hạn trong phạm vi ngôi chùa, chùa lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu không thanh vấn đề, mà mục đích là làm sao cho con người biết hướng thiện, luôn tu sửa thân tâm. Nhiều chùa, nhiều tông phái không làm trở ngại việc tu học miễn sao người hướng dẫn và phật tử luôn giữ đúng chánh pháp, đây mới là điểm cần lưu tâm!

Trong giới phật tử trẻ HL hiện nay có nhiều em cháu có khả năng lẫn đạo đức. Hy vọng trong tương lai thành phần nầy sẽ là rường cột làm cho Phật giáo VN ở HL ngày càng khởi sắc và phát triển nơi xứ người.

NTTL: Anh là một thành viên kỳ cựu của Hội Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa ở Hòa Lan. Mục đích của hội là gì? Việc quyên tiền giúp các thương phế binh VNCH có khó khăn và thuận lợi gì?

TVT: Là một trong các thành viên đầu tiên thành lập Gia Đình QCCVNCH/HL, tôi sinh hoạt trong tổ chức nầy cho tới nay. Mục đích quy tụ anh em có cùng chung lý tưởng nêu cao chính nghĩa người Việt quốc gia tỵ nạn CS, đoàn kết cùng các đoàn thể bạn, hỗ trợ CĐVNTNCS. Song song các công tác đấu tranh chống tà quyền CSVN, chúng tôi tìm cách giúp đỡ anh em TPBVNCH đang sống lầm than ở quê nhà qua sự tiếp tay của đồng hương cùng cảnh ngộ lánh nạn CS. May mắn thay! tình thương mến những chiến binh ngày xưa còn nồng nàn trong tâm tư khối người tỵ nạn, nên việc kêu gọi lòng từ tâm không mấy khó khăn hay trở ngại.

NTTL: Anh có thể mô tả tình cảm của anh với Việt Nam sau 40 năm không?

TVT: Sau 40 năm sống xa quê hương, sống đời lưu lạc xứ người, nhưng hình bóng quê nhà không phai mờ; Thời trai trẻ đã qua, tuổi đời ngày thêm chồng chất, mặc dù cố gắng với thật nhiều công sức cho công cuộc quang phục quê hương, ước vọng cho một nước VN tươi sáng còn xa trong tầm tay, tuy nhiên chúng tôi không bỏ cuộc dù chỉ còn chút hơi tàn!

Ai xa quê hương, lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà không nhớ không thương. Mãi đến bây giờ trong tôi vẫn còn rõ những làng quê mộc mạc, từ con đường làng râm mát với những rặng trâm bầu, bằng lăng cao vút, con sông quê lững lờ với những dề lục bình hoa tím mộng mơ tuổi học trò.

Trong tôi, quê hương VN muôn đời đáng yêu luôn trân quý, rất tiếc vì tham lam, thiển cận đảng CSVN xem VN như tài sản của riêng, điều hành đất nước một cách tuỳ tiện làm cho lòng người càng ngày càng ly tán, tiềm năng tàn lụi. Mong rằng nhà cầm quyền VN sớm thấy được hiểm hoạ mất nước gần kề mà thức tỉnh trao trả quyền lãnh đạo cho toàn dân. Mong lắm thay!

NTTL: Xin cám ơn anh Thắng đã dành thời giờ quý báu để trả lời phỏng vấn.

.

Ngô Thụy Trúc Lâm

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvantranvanthang.htm


Cái Đình - 2021