Ngô Thụy Trúc Lâm
Phỏng Vấn Thuyền Nhân: ông Phạm Kim Luân
Trong khuôn khổ Dự Án thu thập dữ liệu để hình thành một bức tranh tổng quát tương đối đa diện của Cựu Thuyền Nhân Việt Nam đang định cư tại Hòa Lan, dưới đây là cuộc phỏng vấn ông Phạm Kim Luân (PKL) được thực hiện bởi ông Ngô Thụy Trúc Lâm (NTTL).
***
NTTL: Xin ông kể qua về thân thế và gia đình, cũng như về nơi ông sinh trưởng ở Việt Nam?
PKL: Tôi xuất thân từ một gia đình có 5 anh em. Tôi là anh cả. Ba tôi là sĩ quan Không Quân trong quân lực VNCH. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học. Quê nội ở Biên Hòa. Quê ngoại ở Sài Gòn. Tôi sinh ra tại Sài Gòn nhưng lớn lên và đi học ở Biên Hòa cho đến năm cuối cùng của trung học mới chuyển trường về Sài Gòn.
|
|
Trường Ngô Quyền (Biên Hòa) Ông PKL thứ ba từ trái sang phải |
Trường Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn) Ông PKL thứ năm từ phải sang trái |
NTTL: Trong trường hợp nào ông đã quyết định ra khỏi Việt Nam?
PKL: Tôi quyết định rời khỏi VN sau 4 năm sống dưới chế độ cộng sản. Trong khoảng thời gian nầy tôi va chạm thực tế và nhận ra rằng tương lai của tôi sẽ vô cùng khốn đốn trong chế độ nầy. Khi anh em tôi ra đi thì cha tôi vẫn còn trong trại cải tạo của cộng sản ở miền bắc.
Năm 1977, tôi đi một mình ra miền bắc để tìm đến trại cải tạo Hà Tây thăm ba tôi. Thời gian đó chưa có chính sách thăm nuôi chính thức nên tôi đã bị cán bộ quản giáo trại làm khó dễ, phải nài nỉ lắm mới được phép gặp ba tôi 15 phút. Trong khi nói chuyện, có hai bộ đội ngồi chung bàn. Ban đầu, cả hai cha con đều khóc mà không nói được gì. Lúc đó tôi muốn báo cho ba tôi biết là sẽ vượt biên bằng cách nói rằng "con sẽ đi thăm cậu Năm ở vùng kinh tế mới". Cậu Năm thật ra đang ở Mỹ. Ba tôi hiểu ý và khuyên nên hỏi ý kiến cậu Năm để đưa mẹ và các em đi "kinh tế mới" luôn. Sau khi trao quà, cha con tôi chia tay mà không dám quay lại nhìn nhau. Tôi trở về Sài Gòn mà lòng ngổn ngang, vừa buồn, vừa phẫn nộ. Hình ảnh đoàn bại binh ốm yếu gầy gò lểu thểu vác cuốc đi trên cánh đồng nắng cháy ban trưa hôm ấy không bao giờ phai mờ trong tâm khảm tôi.
Trong lần đi thăm bố ở trại cải tạo ngoài bắc
NTTL: Ông vượt biên khỏi Việt Nam một mình? Chuyến đi có suôn sẻ không?
PKL: Tôi vượt biên bằng thuyền cùng với một người em trai. Sau 3 đêm trên biển, thuyền chúng tôi được tàu hàng Hòa Lan cứu vớt vừa kịp lúc có cơn bão lớn sắp đến.
NTTL: Lúc được tàu Hòa Lan vớt, cảm xúc của ông ra sao?
PKL: Tôi vô cùng hạnh phúc khi đặt chân lên sàn tàu Hòa Lan vì biết mình còn sống sót và đã thoát khỏi một chế độ độc tài, phi nhân bản.
NTTL: Chắc hẳn ông đã ở trại tỵ nạn ở Singapore trước khi sang Hòa Lan? ông có chuyện gì vui buồn trong thời gian này để kể không?
PKL: Trong 2 tháng tạm cư ở trại tỵ nạn Singapore vào năm 1979, tôi có tham gia các sinh hoạt hướng đạo vì bản thân cũng là hướng đạo sinh. Phân phát thư từ, giúp đỡ đồng bào trong trại trong việc dọn dẹp và giữ vệ sinh trại là những kỷ niệm đẹp. Ngoài ra, chuyện lén lút trốn ra khỏi trại để làm công việc linh tinh kiếm thêm tiền, xem phim kiếm hiệp v.v.. là những kỷ niệm khó quên.
Rời trại tỵ nạn Singapore, đi Hòa Lan
NTTL: Ông đã sống ở Hòa Lan khoảng bốn mươi năm, những năm đầu hẳn có nhiều bỡ ngỡ. Ông có thể kể một vài kinh nghiệm của mình trong thời gian này không? Ông có hài lòng với cuộc sống ở Hòa Lan không?
PKL: Trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ. Kế đến là văn hóa khác biệt. Vì thuộc vào thế hệ người Việt đầu tiên đến Hòa Lan nên những kinh nghiệm có được trong đời sống đều là trải nghiệm cá nhân, không có cơ hội trao đổi với ai hết. Nỗi cô đơn là điều đáng sợ nhất. Mỗi khi gặp khó khăn tôi luôn liên tưởng đến khoảng thời gian sống tại VN sau 1975 và lấy lại nghị lực để vượt qua. Tôi kết hôn vào năm 1993. Vợ chồng tôi có một con gái đã tốt nghiệp và có việc làm đúng với ngành nghề. Chúng tôi hài lòng với đất nước Hòa Lan.
Gia đình ông PKL
NTTL: Ông học ngành kỹ thuật ở Delft. Là sinh viên Việt Nam, ông thấy mình có lợi điểm và khó khăn gì trong việc học?
PKL: Sau khi qua kỳ thi sát hạch các môn Toán và Vật lý tại trường đại học Kỹ thuật Delft tôi theo học ngành Kiến Trúc tại đây chỉ một học kỳ. Tôi gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ cho các môn học đòi hỏi nhiều kỹ năng tiếng HL như lịch sử Kiến trúc, Văn hóa & Xã hội Tây phương v.v., tôi đã xin chuyển sang học hệ Cao đẳng Kiến Trúc tại Den Haag và tốt nghiệp từ trường nầy vào năm 1987. Tại trường HTS Den Haag (giờ là Haagsche Hogeschool) tôi là sinh viên Việt Nam duy nhất nên rất được các giáo sư và bạn cùng đặc biệt quan tâm giúp đỡ.
NTTL: Ở Delft có nhiều sinh viên Việt Nam đến từ khắp nơi. Ông thấy sự gắn bó của những sinh viên lúc ấy như thế nào? Ông có tham dự sinh hoạt với Quán Trăng của Nhóm trẻ Delft không?
PKL: Khi còn ở Delft tôi có tiếp xúc với các em gốc Việt trẻ hơn và tham gia vài sinh hoạt của các bạn trẻ ấy, như thuyết trình về kiến trúc của kinh thành Huế và lịch sử cận đại của Việt Nam. Khi về học ở Den Haag tôi không còn cơ hội để tiếp tục sinh hoạt với các bạn trẻ nữa.
NTTL: Ông cũng có sinh hoạt trong cộng đồng người Việt ở Delft. Ông thấy những sinh hoạt này thế nào? Hiện nay ra sao?
PKL: Vì phải tập trung vào việc học nên những sinh hoạt với cộng đồng người Việt tại Delft bị phai nhạt dần theo thời gian. Những sinh hoạt thời đó (80-85) là tổ chức tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, lớp Việt Ngữ và những buổi diễn thuyết của các tổ chức chính trị có mục tiêu tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
NTTL: Ông có thời gian viết truyện và viết bài cho báo cộng đồng là tờ Việt Nam Nguyệt San. Sinh hoạt viết lách thời ấy thế nào? Hiện nay ông có còn tiếp tục sáng tác không?
PKL: Như đã bày tỏ, nỗi cô đơn và nhớ quê hương đã khiến tôi tập tành sáng tác và cộng tác với tờ VNNS trong khoảng thời gian còn đi học. Sau này vì khung cảnh sống nơi đây không có nguồn cảm hứng để sáng tác nữa.
NTTL: Sau khi tốt nghiệp, ông (đã) làm ở những đâu? Ông thấy tình cảm trong sở và với đồng nghiệp thế nào? Ông có kinh nghiệm gì để truyền đạt?
PKL: Tôi đã từng làm việc cho khá nhiều các văn phòng thiết kế kiến trúc, đầu tư địa ốc, tư vấn xây dựng v.v. nên có cơ hội giao tiếp với người bản xứ với nhiều chuyên môn và trình độ khác nhau. Nói chung thì tôi không gặp khó khăn gì quan trọng. Người bản xứ đa số là trực tính, tôn trọng nguyên tắc, đôi khi ứng xử, dưới mắt người Á châu, có vẻ kém tế nhị. Tuy nhiên điều này xảy ra ở mọi nơi và tùy thuộc vào cá tính. Tôi luôn giữ vững bản tính của riêng mình và lúc nào cũng giữ phương châm: “muốn biết mình đi về đâu thì phải biết rõ mình từ đâu đến”.
NTTL: Việc dạy dỗ con trong môi trường hai văn hóa, ông đã rút được những kinh nghiệm gì? Ông nghĩ lớp trẻ như con ông và con tôi sẽ còn giữ được văn hóa Việt nữa không?
PKL: Tôi sử dụng tiếng Việt với con và kể cho con nghe thời thơ ấu của mình kèm theo những giải thích về lịch sử. Vì con tôi sinh ra và lớn lên ở Hòa Lan nên tôi quan niệm nước Hòa Lan là quê hương mà cháu có quyền lợi và trách nhiệm. Khi tìm hiểu về Việt Nam, tôi luôn khuyên cháu nên có một cái nhìn đa chiều và rèn luyện kỹ năng phản biện. Giữ được hay không văn hóa Việt là một câu hỏi khó, không riêng gì cho thế hệ con em chúng ta mà tôi nghĩ còn là một điều đáng quan tâm cho cả chính thế hệ chúng ta. Cái gì nên giữ, cái gì nên sửa, cái gì nên bỏ?
NTTL: Ông có thể mô tả tình cảm của ông với Việt Nam sau 40 năm không?
PKL: Việt Nam là nơi chôn nhau cắt rốn. Tình cảm đối với VN của tôi có phai nhạt theo năm tháng.
NTTL: Cộng đồng người Việt ở Delft năm nay đã mất đi một thành viên vì viêm phổi Vũ Hán, tôi muốn nói đến ông Lê Ngọc Bích (LNB), là một người năng nổ trong sinh hoạt cộng đồng từ những ngày đầu. Sự ra đi của ông Bích chắc không khỏi bàng hoàng trong cộng đồng?
PKL: Tôi và anh Bích quen nhau từ trại tỵ nạn Singapore. Cùng định cư tại Delft và cùng sinh hoạt liên tục với nhau trong suốt mấy mươi năm và liên lạc thường xuyên. Cơn đại dịch đã cướp đi anh Bích trong sự bàng hoàng của nhiều người, trong đó có tôi. Trong nỗi bàng hoàng tôi mới nghiệm ra sự phù du của kiếp nhân sinh.
Trại tỵ nạn ở Singapore, hàng đứng: PKL thứ tư và LNB thứ bảy từ trái sang phải
NTTL: Thế hệ thuyền nhân đầu tiên đến Hòa Lan hiện nay trẻ thì cũng trên dưới sáu mươi, nhiều người cũng đã ra người thiên cổ. Ông thấy cộng đồng cần phải làm gì để tương trợ nhau hơn lúc tuổi già ốm đau?
PKL: Nếu có cơ hội, cần duy trì mối liên lạc. Tương trợ, động viên tinh thần, chia sẻ vui buồn trong đời sống là những điều có ý nghĩa rất lớn trong tuổi già.
.
Ngô Thụy Trúc Lâm
_____________
Xem một số bài thơ của Phạm Kim Luân
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvanphamkimluan.htm