.
1 – Thân chào chị Như Tuyết. Rất vui mừng khi chị đồng ý hợp tác với Dự Án Phỏng Vấn Thuyền Nhân, câu đầu tiên xin được hỏi là: Chị đang làm gì và hiện sống ở đâu?
- Chào anh Linh. Tôi hiện là nhân viên tài chánh của Gelders Archief ở Arnhem, đây là văn khố quốc gia của tỉnh Gelderland.
- Tôi sinh sống tại Arnhem.
2 – Chị làm ở đây bao lâu rồi và có hài lòng với công việc mình đang làm không? Chức năng, đồng nghiệp và không gian ở chỗ làm...? Có gặp phải hiện tượng xung đột văn hóa, kỳ thị màu da hoặc hiểu lầm ngôn ngữ?
- Tôi làm ở đây đã 22 năm, 12 năm đầu trong chức vụ Medewerker Financiële Administratie, sau 8 năm tôi vừa đi làm vừa học thêm 4 năm, sau đó giữ chức vụ Beheerder Financiën tới nay. Tôi may mắn được nhận công việc đúng với học vấn và khả năng của mình. Năm đầu phải làm quen với tổ chức, công việc và đồng nghiệp mới, và vì phải cải tổ công việc theo ý mình, giữ đúng quy luật nên có khi bị phản kháng nhưng sau đó mọi người quen và hiểu cách tổ chức của mình nên được chấp nhận và quý trọng. Mặc dù không phải sinh hoạt trong ngôn ngữ của mình nhưng mình cũng cố gắng học hỏi, rèn luyện để không bị sai trái trong công việc, cho thấy khả năng của mình, lấy lòng tin của xếp nên được đồng nghiệp thương mến, không bị kỳ thị chủng tộc.
Với đồng nghiệp
3 – Có khi nào chị nghĩ là mình sẽ tìm việc khác, hoặc một công việc tương tự nhưng ở nơi khác, hay làm ở đây cho đến lúc nghỉ hưu?
- Là nhân viên duy nhất trong trách nhiệm tài chánh và là cánh tay mặt của giám đốc kinh doanh của sở, sở làm gần nhà, đồng nghiệp dễ thương và cũng còn không lâu lắm là về hưu nên nếu đi làm chỗ mới phải làm quen lại từ đầu hơi ngán. Mình sẽ ở đây tới về hưu, năm nay làm bớt lại 1 ngày, có thể sẽ nhận thêm việc chỗ khác.
- Hiện tại đang giúp đỡ vài đồng hương trong tình cảnh khó khăn.
4 – Chị đang sống ở Arnhem, thành phố duy nhất tại Hòa Lan có loại xe Bus chạy bằng điện truyền qua đường dây cáp (Trolleybus). Ngoài xe bus độc đáo đó ra, Arnhem có gì đặc biệt khác nữa, chị có thể vui lòng “quảng cáo" chút ít về thành phố của mình được không?
- Arnhem có nhiều cây xanh, có sở thú Burgers’ Zoo rất lớn, có Openluchtmuseum, có công viên Sonsbeek rất đẹp, có sông Rijn, có chợ trời lớn bán nhiều loại cá lạ, hoa quả, vải v.v. rất vui. Phố lớn nhiều tiệm quán. Arnhem là thủ phủ của tỉnh Gelderland.
- Gemeente Arnhem hiện tại luôn quan tâm cải tổ môi trường sống, tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân cùng sự sung túc và an toàn của dân, lập nhiều khu sinh hoạt công cộng v.v. Không như mấy chục năm trước, quan liêu và khuôn khổ.
5 – Chị ở đây từ lúc mới sang hay trước đó đã có ở một hay nhiều nơi khác?
- Tôi đến Hòa Lan tháng 7 năm 1980. 9 tháng đầu ở trại tiếp nhận, sau đó 7 năm ở Doorwerth một làng nhỏ trên đồi cao rất dễ thương, có rừng lớn cạnh nhà, có lâu đài cổ, cách Arnhem 15 cây số. Sau đó dọn ra Arnhem tới nay là 33 năm.
6 – Nhắc lại trại tiếp nhận ở Steenwijkerwold. Một cái làng bé tí xíu (dân số chưa tới 2000 người, nằm ở cực bắc tỉnh Overijssel, nếu đi thêm chút nữa sẽ đặt chân lên ngay tỉnh Friesland). Chị còn nhớ gì và có ít nhiều kỷ niệm trong thời gian ở đó không?
- Tôi nhớ rất nhiều vì thời gian chị em tôi và những người trẻ trong trại ở đây lâu hơn những người lớn tuổi và có gia đình. Mọi người rất vui vì được đến đất tự do, được tiếp nhận ân cần, được đưa đến trường hoặc học tiếng Hòa Lan với thầy dạy trong trại, được đưa đi những chỗ du lịch, được dân địa phương nhận làm bạn gia đình để giúp hội nhập xã hội mới, được giúp đỡ và tạo điều kiện xây dựng tương lai ở xứ này.
- Chúng tôi tổ chức mừng Tết Nguyên Đán đầu tiên ở đây, đầy đủ các tiết mục văn nghệ đàn, hát, múa kịch, các chị may thêu các bộ y phục để trình diễn, chúng tôi tập đàn, hát, múa nhộn nhịp. Tôi nhớ mãi cái Tết đầu tiên rất thành công và vui nhộn này.
- Chúng tôi có dự hai đám cưới của người trong nhóm được tổ chức trong trại, phái nữ mặc áo dài Việt Nam do hai chị trong trại đo may, chúng tôi tập nhảy đầm cho đám cưới.
- Chúng tôi làm gì cũng chung từng nhóm như đi chợ trời mỗi thứ bảy, đi mua đồ cũ, đi du ngoạn, các anh đá banh, học lái xe và mọi người học tập rất chăm chỉ chuẩn bị cho tương lai.
- Nhóm chúng tôi sinh hoạt vui vẻ, không hiềm khích, không tranh chấp, nhiều kỷ niệm vui đáng nhớ.
Tết Nguyên Đán 1981 tại trại tiếp nhận Steenwijkerwold
7 – Từ Sài Gòn, một thành phố náo nhiệt, đông đúc hàng triệu người và chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn chuyển sang trú ngụ trong một trại ở một vùng quê hẻo lánh. Chị có bị ‘’shock’’ không với cái tuổi rất trẻ hồi đó?
- Những năm đầu ở đây khi mùa Giáng Sinh và Tết đến thấy dân bản xứ quây quần bên gia đình, tụ tập vui chơi không khỏi nhớ cha mẹ và gia đình với những bàn tiệc đông đảo linh đình trước 1975, thời gian năm năm sau đó đời sống gò bó và nhiều lần vượt biên không thành công làm mình thấy tương lai đen tối, vô vọng. Sài Gòn thời đó có 3 triệu dân, có sống động náo nhiệt hơn các nơi khác nhưng không quá ngột ngạt hỗn độn và nguy hiểm. Đi vượt biên là chấp nhận mọi thử thách, cả cái chết, cho nên đến được một đất nước thanh bình, giàu có như thế này mặc dù buồn tẻ nhưng biết mình có tự do và tương lai nằm trong tay mình.
Với mẹ, những ngày còn ở Việt Nam
8 – Rời bỏ gia đình tìm tự do khi còn rất trẻ. Chị vượt biển một mình và tự quyết định cho chuyến đi của mình hay do sắp xếp của cha mẹ hoặc người thân?
- Cha tôi bị bắt giam trước đó hai năm khi đưa cả gia đình đi vượt biên.Trong trại tù quen người đồng cảnh, chú ấy nhất quyết ra tù sẽ tổ chức đi tiếp và ba tôi tin chú ấy nên gởi hai đứa con lớn đi theo, chú ra tù trước và chuẩn bị tổ chức vượt biên như đã nói. Ba tôi ra tù hai tuần trước ngày tổ chức vượt biên, đến ngày hẹn, ba tôi chở chị em tôi bằng xe Lambretta xuống điểm hẹn ở Mỹ Tho và về lại Sài Gòn trưa hôm đó. Ba má tôi đau đớn với quyết định táo bạo này nhưng chỉ cách này mới hy vọng con mình có tương lai, chúng tôi đồng ý và chấp nhận thử thách này.
Chị Nguyễn Thị Như Tuyết (hàng sau, bên trái)
trong một tấm ảnh khi còn sum họp gia đình
9 – Chị còn nhớ ít nhiều về cuộc hành trình của mình cũng như những người cùng ghe lúc đó?
- Ghe chúng tôi rời khỏi điểm hẹn trong đêm 4 tháng 6 năm 1980 ra thuyền lớn, hành trình ba đêm hai ngày trên biển, bị những trục trặc như mắc cạn, đứt ròng rọc tay lái, tắt máy bất tử, hải bàn không làm việc v.v.. Anh tài công rất vất vả vừa lo lái, vừa sửa máy và ngăn chận những người ‘đòi lung tung’. Tôi thì bị say sóng nặng không ăn được gì trong suốt mấy ngày ở dưới thuyền, chỉ thỉnh thoảng uống nước cầm chừng nên rất yếu, nằm mẹp suốt, không biết nhiều chuyện xảy ra trên thuyền, chỉ nghe loáng thoáng chung quanh và nghe kể lại.
- Đêm thứ ba bị bão lớn, may mắn gặp tàu Hòa Lan nhân đạo cứu vớt và đưa đến trại tỵ nạn Singapore, chúng tôi ở đây đúng 40 ngày thì được quốc gia Hòa Lan tổ chức đón về nước của họ. So ra chuyến đi của chúng tôi may mắn hơn những trường hợp vượt biên khác.
- Anh tài công, một năm sau ngày vượt biên, là người bạn đời của tôi.
Tại trại tỵ nạn Singapore, 06/1980
10 – Bình thường, phụ nữ khi đã có gia đình thì bận rộn hơn so với nam giới. Như chị chẳng hạn, vừa đi làm, vừa quán xuyến việc nhà và tiếp tục con đường học vấn. Chị sắp xếp ra sao để làm trọn vẹn ba công việc cùng một lúc được như vậy?
- Tôi nhắm vào mục đích mà cha mẹ tôi đã lựa chọn cho con là hy vọng cơ hội tạo tương lai tươi sáng, tôi đã thấy sự vất vả của những công nhân cấp thấp trong ba ngày làm chui ở trại tỵ nạn Singapore. Ở Việt Nam chúng tôi chưa từng phải đi làm kiếm tiền phụ gia đình như nhiều bạn trang lứa. Với kiến thức có được từ nhà trường và tuổi còn trẻ chị em tôi cố gắng học tập, hết cấp này lên cấp khác. Tôi mặc dầu lập gia đình sớm nhưng quyết định lập tương lai trên đất nước mới trước khi có con, chồng tôi tôn trọng và ủng hộ tôi trên con đường tôi chọn lựa. Cả ba đứa tôi đều đến trường trong nhiều năm.
- Tôi cố gắng hết sức mình để tự lập, có chỗ đứng trong xã hội vừa làm đầy đủ bổn phận với chồng con, thành công với thử thách này là niềm hạnh phúc và hãnh diện của tôi. Tôi may mắn đạt được nguyện vọng và thành công trên mọi quyết định, cũng nhờ sự hỗ trợ của chồng tôi.
Gia đình, 1999
11 – Thời gian sau này, chừng hơn chục năm, chị xuất hiện và hoạt động rất tích cực trong sinh hoạt Cộng Đồng. Chị có thể chia xẻ tâm tình của mình về chuyện này được không? Chẳng hạn như từ đâu và từ bao giờ chị có ý định tham gia làm việc chung?
- Từ nhỏ, có lẽ qua tấm gương của cha mẹ tôi, tôi muốn ít nhiều góp phần xây dựng xã hội, giúp đỡ những người kém may mắn. Tôi không am hiểu chính trị, chỉ biết góp phần trong khả năng của mình để giúp đỡ những đồng hương yếu kém và làm những việc tôi thấy nên làm. Muốn được vậy trước hết phải xây dựng chính bản thân mình, kiến thức, gương mẫu và đạo đức như cách sống của cha mẹ tôi.
12 – Làm việc chung ở địa phương và làm việc chung ở Cộng Đồng, chị thấy có sự khác nhau không và nếu có thì khác như thế nào, theo kinh nghiệm riêng của chị?
- Hai tổ chức khác nhau, hai văn hóa khác nhau, mình có lợi điểm là thông thạo hai ngôn ngữ và còn biết nhiều về lịch sử Việt Nam, phân biệt thói quen và tập quán của hai văn hóa nên áp dụng kiến thức này để làm việc. Có điểm giống nhau là muốn người ta tôn trọng mình thì chứng tỏ bằng khả năng làm việc chứ không qua lời nói suông.
- Nhưng có khi mình cũng cảm thấy hơi ‘tây’ quá trong cộng đồng người Việt và có khi cảm thấy mình cũng còn máu ‘ta’ giữa cộng đồng bản xứ.
13 – Thành quả nổi bật của chị trong vai trò trưởng ban vận động xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân, chỉ trong vòng 2 (hay 3, 4?) năm Cộng Đồng người Việt tại Hòa Lan đã có được một tượng đài rất đẹp và có ý nghĩa được dựng lên trong khuôn viên của chùa Vạn Hạnh tại thị xã Almere. Xin chị vui lòng kể lại quãng đường từ ban đầu cho đến lúc hoàn tất của công trình quan trọng này gồm những thuận lợi và khó khăn gặp phải.
- Dự án Tượng Đài Thuyền Nhân được hoàn tất trong 3 năm, Ủy ban xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân được thành lập tháng 9 năm 2013 và tượng đài được khánh thành ngày 30 tháng 4 năm 2016. Đây là một thành quả lớn, một niềm hãnh diện của Cộng Đồng người Việt ghi dấu chặn đường đi tìm tự do khi đặt chân đến xứ sở Hòa Lan là quê hương thứ hai của mình.
- Chính tôi cũng không rõ động cơ nào thúc đẩy mà tôi dám mạo muội đứng ra nhận chức vụ trưởng ban xây dựng Tượng Đài, bởi vì hôm thành lập ủy ban tôi chỉ là người tham dự buổi họp khoáng đại hàng năm mà không biết có đề tài này trong bổi họp. Có lẽ không khí sôi động khi bàn về đề tài này, mọi người đồng lòng, đầy nhiệt huyết, không một ai bác bỏ mặc dù có vài anh cũng đã nằm trong tổ chức trước đó đã gãy gánh, họ lại vẫn can đảm xung phong vô ban xây dựng mới, lúc đó có được 7 anh chị em nhận vô ban tổ chức xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân trong đó có tôi, không ai dám nhận trọng trách trưởng ban, tôi cảm thấy đây là cơ hội cuối cùng để thực hiện dự án này cho người Việt tỵ nạn ở Hòa Lan và tin tưởng vào khả năng của các anh chị em tình nguyện nên chấp nhận đề nghị của đa số quý vị hiện diện hôm đó đã biết tôi làm chủ tịch cộng đồng người Việt ở Arnhem thành công nhiều năm.
- Đây là một thử thách lớn cho chúng tôi vì Ủy ban phải tự lo từ đầu tới đuôi, từ vận động gây quỹ tài chánh, tìm chỗ đặt tượng, chọn mẫu mã, tìm nghệ nhân thực hiện theo ý mình và kiên nhẫn chờ đợi đến khi tài chánh cho phép, xin giấy phép đặt tượng, mẫu tượng đài cũng đã thay đổi theo thời kỳ quyên góp và thay đổi kích thước khi tìm được địa điểm xây dựng có diện tích lớn hơn dự tính ban đầu. Song song với tổ chức xây dựng, chúng tôi có sự góp sức tình nguyện của kiến trúc sư, các chuyên viên xây dựng người Việt và các chương trình vận động gây quỹ, ngoài người Việt ở Hòa Lan Ủy ban còn được sự ủng hộ tài chánh từ nhiều nước khác kể cả Việt Nam. Tôi may mắn lấy được lòng tin cũng như giải đáp được thắc mắc của các vị quan tâm đến dự án này về các quyết định của Ủy ban. Chúng tôi rất cảm động và hãnh diện về sự đóng góp tài chánh cũng như công sức của người Việt và một số thân hữu người Hòa Lan, đặc biệt nhận trợ cấp ủng hộ của Prins Bernard Fonds để có tượng đài ngày hôm nay. Riêng tôi là người vui mừng nhất vì đứng mũi chịu sào, nếu dự án không thành thì sẽ mang tiếng xấu vì làm sao trả tiền lại cho mọi người và làm mọi người thất vọng. Mất lòng tin là điều đáng buồn nhất đối với tôi.
Lễ khánh thành Tượng Đài Thuyền Nhân tại chùa Vạn Hạnh, 30/04/2016
14 – Theo chị, sau Tượng Đài Thuyền Nhân chúng ta cần có thêm một Bảo Tàng Thuyền Nhân không? Và nếu cần thì liệu chúng ta làm được hay không và phải làm như thế nào?
- Theo tôi thành lập một bảo tàng viện ở Hòa Lan là điều khó thực hiện vì người Việt ở đây quá ít, không đủ khả năng thành lập và bảo quản.
- Điều chúng ta có thể và nên thực hiện là lập một văn khố (archief), thu thập các tài liệu của người Việt tỵ nạn ở Hòa Lan như những hình ảnh, phim ảnh từ khi mới đặt chân đến Hòa Lan cho tới khi hội nhập thành công trong xã hội mới, những tài liệu lịch sử, báo chí hoặc các di vật tiêu biểu v.v. đưa vô lưu giữ trong các văn khố quốc gia Hòa Lan để các thế hệ sau này có dữ liệu khi muốn tìm hiểu nguồn gốc của mình.
15 – Từ chuyện Tượng Đài Thuyền Nhân quay sang chuyện Cộng Đồng. Chị đánh giá Cộng Đồng hiện nay như thế nào? Những gì cần thay đổi và những gì phải gìn giữ để Cộng Đồng tồn tại và phát triển trong tương lai?
- Tôi không dám đánh giá Cộng Đồng vì đó là những người làm việc thiện nguyện, không lợi lộc, có nhiệt huyết và dám hy sinh công sức để phục vụ mọi người, bảo vệ lẽ phải, vậy mình là ai mà dám đánh giá họ? Mặc dầu tôi không là thành viên trong Cộng Đồng nhưng tôi vẫn giúp sức khi cần.
- Theo tôi trong một tổ chức lúc nào cũng có thể làm việc tốt hơn nếu mình biết thay đổi. Tự nhận thức và có khả năng thay đổi hay không? Bằng cách nào? Điều đó tùy thuộc ban lãnh đạo. Tuyệt đối không vì lợi nhuận cá nhân.
- Tôn chỉ là căn bản Cộng Đồng thì không thể thay đổi chỉ phát triển tốt hơn thôi. Nên thay đổi cách tổ chức nếu nhận ra phương thức cũ không còn hợp thời và hấp dẫn người tham dự nữa. Nên mời gọi sự hợp tác của những người có khả năng góp tay với mình để chia sẽ trách nhiệm và gánh nặng. Những cộng tác viên này không nhất thiết phải là thành viên trong Ban Thường Vụ, điều quan trọng là ý thức trách nhiệm của mình và vui vẻ cộng tác chung, chẳng hạn trong những dịp tổ chức các lễ hội lớn cần có một điều hợp viên nắm rõ chương trình của Cộng Đồng và các tổ chức bên ngoài để hướng dẫn sinh hoạt cho trôi chảy. Các ý kiến đóng góp mới chỉ thực hiện được khi người góp ý trực tiếp góp phần tổ chức. Điều này đòi hỏi sự uyển chuyển khéo léo của Ban Chấp Hành Cộng Đồng.
16 – Câu hỏi trên được đặt ra bởi từ mối liên quan đến công việc vận động tìm ứng cử viên cho cuộc bầu cử Ban Chấp Hành Cộng Đồng, mà chị là người tích cực tham gia liên tục hai hay ba kỳ trong Ủy ban này. Những trở ngại và thuận lợi trong công việc này đối với chị như thế nào?
- Trở ngại là không tìm được người mới hoặc lớp trẻ có khả năng và chịu hy sinh nhận trách nhiệm để tiếp nối cho người đi trước. Khác với thế hệ trước là nhiệt huyết bảo vệ chính trị, văn hóa của mình ở xứ lạ và niềm vui khi có dịp gặp gỡ nhau. Thế hệ trẻ bây giờ tích cực xây dựng tương lai cho mình và hưởng thụ thời gian nghỉ ngơi riêng, không hứng thú hội họp với những người không quen, nhiều khi bất đồng quan điểm.
- Thuận lợi là còn các anh chị em ý thức được tầm quan trọng của việc nối tiếp sinh hoạt Cộng Đồng.
17 – Câu hỏi cuối cùng: Việt Nam với chị bây giờ là gì? Chị có ước mơ hoặc mong đợi điều gì ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình cho hôm nay và mai sau?
- Dẫu gì thì trong tôi cũng còn giòng máu Việt. Tôi ước mơ Việt Nam thay đổi chế độ, các lãnh đạo biết lo cho dân nhiều hơn, yêu nước nhiều hơn là túi tiền của mình. Thấy và giải quyết sự khốn khổ của dân thay vì bắt nạt, áp bức, hãm hại thậm chí chôn sống người không thương xót. Tôi đau lòng khi thấy những con người không có lối thoát mà mình không là thần thánh để biến đổi, đập tan những tai biến này.
- Ở đây tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ vài đồng hương tại Arnhem lâm cảnh khó khăn cần sự trợ giúp của mình về cả vật chất lẫn tinh thần trong khả năng của tôi.
18- Chân thành cảm ơn chị Như Tuyết cho bài phỏng vấn hôm nay. Chúc chị và gia đình vui khỏe, thành công trong mọi sinh hoạt.
- Cảm ơn anh Linh và nhóm tổ chức đã nghĩ đến tôi, chúc thành công mọi việc.
.
Nguyễn Thanh Linh
_________
Xem thêm:
• Khánh thành Tượng Đài Thuyền Nhân - Hòa Lan - Thanh Tâm
• Phóng sự tại chỗ: Khánh thành Tượng Đài Thuyền Nhân tại Hòa Lan - Tường An, phóng viên đài SBTN Hoa Kỳ (video, 5 phút)
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvannguyenthinhutuyet.htm
Cái Đình - 2021