Nguyễn Hiền
Phỏng vấn ông Nguyễn Quyết Thắng
Lời giới thiệu: Trong khuôn khổ chương trình phỏng vấn cựu thuyền nhân Việt Nam tại Hòa Lan, chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn ông Nguyễn Quyết Thắng (NQT) do ông Nguyễn Hiền (NH) thực hiện. Là một nhạc sĩ trụ cột của Phong Trào Du Ca Việt Nam, ông Nguyễn Quyết Thắng được nhiều người biết đến qua những sáng tác như “Vắt Tay Lên Trán”, “Đứa Học Trò Trở Về”… Ông định cư ở Hòa Lan từ năm 1981.
***
NH: Chào anh Thắng, trước hết xin anh kể sơ qua về thân thế gia đình, và cuộc sống của anh trước đây ở Việt Nam.
NQT: Tôi sinh năm 1949 tại Hà Nội, nhưng đến năm 1954 thì theo cha mẹ di cư vào miền Nam, cho nên những ký ức kỷ niệm thuở ấu thời nơi sinh ra không thể nhớ được ngoài những địa danh đã lưu lại một thời gian ngắn như Quảng Trị, Biên Hòa, Sài Gòn, và cuối cùng Banmêthuột là nơi đã giữ chân tôi từ năm 1957 cho tới năm 1981. Trong thời gian còn ở bậc tiểu học, tôi có tham gia sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Việt Nam. Lên Trung học, tôi thành lập ban nhạc trẻ, sau đó thành lập đoàn Ấu Thiếu Nhi kiểu mẫu, rồi đến đoàn Du Ca tại Ban Mê Thuột.
Tôi đã gia nhập quân đội VNCH vào năm 1968 và giải ngũ năm 1970. Sau đó tôi đã kết hôn với Minh Chiến và có với nhau 3 người con. Tôi đã làm việc trong Công Ty Ống Thủy Tinh Biên Hòa một thời gian ngắn, sau đó chuyển qua làm việc tại The Young Men’s Christian Association viết tắt là YMCA (Hội Thanh Niên Cơ Đốc Phụng Sự Xã Hội Thế Giới) cho đến ngày 30-04-75.
Sau những ngày tháng ngụp lặn trong lao tù CS, tôi đã làm đủ mọi công việc nặng nhọc như: thợ hồ, thợ mộc, thợ điện, thợ may, thợ hàn, thợ tiện, sửa điện nhà, TV lẫn sửa xe máy, xe ô tô v.v.. Tôi như một thằng Ngợm, không phải để sinh nhai, mà để viện mọi lý do chống lại sự ép buộc của Tổ-Khối địa phương, cưỡng bức gia đình tôi phải dỡ nhà đi Kinh Tế Mới, với nhiều lý do. Nhưng lý do rõ ràng nhất là họ muốn chiếm căn nhà tôi đang ở, nằm chung vách với họ. Trong thời gian này tôi mới thấy sự giá trị khoảng thời gian đã là học sinh Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng SG và Kỹ thuật Y-Út Ban Mê Thuột, đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
NH: Anh đến Hòa Lan năm nào và bằng cách nào? Có gặp nhiều sóng gió hay không?
NQT: Mặc dù tôi đã chứng tỏ là một người có tay nghề cao và lao động tốt, nhưng chính quyền tổ khối địa phương vẫn tìm đủ mọi cách bắt tôi phải dỡ nhà đi Kinh Tế Mới trong khi cánh tay tôi đang bị gẫy băng bột vì tai nạn. Cuối cùng, tôi đã phải nhất quyết vượt thoát về SG để xa lánh sự thù ghét của tổ khối trưởng địa phương trù dập. Sau 2 năm trù tính vượt biên, với những lần tan vỡ vì sóng gió đại dương, vì máy móc ghe tầu hư hỏng, với những nguy hiểm trước mắt của 2 lần ra biển thất bại phải quay trở lại. Kinh tế đã khô cạn, tôi quyết định vượt biên 1 mình, lần thứ 3 tôi đã được tầu buôn Nedloyd Dejima Hòa Lan cứu vớt lại biển đông, đưa về trại tỵ nạn tại Singapore năm 1981.
Những giây phút hát chung trong trại tị nạn Singapore (1981)
NH: Và xin anh cũng cho biết sơ qua về thời gian ở Hòa Lan của anh (và gia đình).
NQT: Tôi được tạm cư tại trại Singapore này 3 tháng để lập hồ sơ cá nhân và kiểm tra sức khỏe, trong thời gian này, tình cờ tôi biết được địa chỉ của ông Ronald Luce là cựu Phó Tổng Giám Đốc YMCA tại VN mà trước kia tôi đã phục vụ, nay ông ta cũng vẫn làm việc với YMCA tại Houston Texas Hoa Kỳ. Tôi đã liên lạc ngay với ông ta, và chẳng bao lâu tôi đã nhận được giấy của YMCA do ông Ronald Luce bảo lãnh, ông ta hứa với tôi rằng đã có sẵn một chỗ ở, một công việc cho tôi để tiếp tục làm việc tại YMCA-Texas, ngay sau khi tôi vừa đặt chân đến Mỹ. Điều làm tôi phải suy nghĩ, đắn đo nhiều ngày, vì lúc ấy Mỹ chưa bang giao vói VN, việc đoàn tụ thật xa vời. Mặc dù tôi đã được Mỹ phỏng vấn, chờ kết quả định cư. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định đi Hòa Lan vì tầu Hòa Lan đã cứu vớt tôi ngoài biển cả, chính quyền Hòa Lan đã gọi máy kêu tôi lên ký giấy nhận vé máy bay sớm, và điểm thuận lợi nhất cho tôi là chính phủ Hòa Lan có chính sách bảo lãnh đoàn tụ gia đình. Dĩ nhiên việc đầu tiên tôi phải bận tâm là làm thủ tục xin bảo lãnh gia đình, và tham dự khóa học 400 giờ đầu tiên ngôn ngữ Hòa Lan, sau đó mọi người có thể ghi danh những khóa học chính thức của bộ giáo dục hay lựa chọn ngành nghề mình ưu thích.
Thủ tục bảo lãnh gia đình (vợ và con) của tôi rất đơn giản, không có gì là khó khăn, thế nhưng với tôi là cả một niềm tuyệt vọng, đen tối lúc đó. Bởi chính quyền, tổ khối nơi gia đình cư ngụ, đã chặn giữ tất cả thư từ liên lạc của tôi gởi về, bắt giữ vợ con tôi trong sự quản chế khắt khe.
Suốt cả tháng trời, mỗi ngày họ bắt vợ tôi cùng các con nhỏ phải ngồi trên Phường 8 tiếng, viết biết bao nhiêu tờ khai vẫn chưa đủ. Tờ khai nào cũng bị phê “Không chấp thuận, vì chồng đã vượt biên phản quê hương tổ quốc”. Họ còn ra lệnh cho vợ tôi “Chị phải gọi chồng chị về trình diện ngay”. Thật khôi hài, trong khi đó tôi đang sống ở Hòa Lan rồi.
Tôi không nhận được tin tức gì của gia đình tôi còn sống hay đã chết, hoặc đang bị giam cầm nơi đâu? Tôi không nhận được giấy tờ khai sinh, hôn thú cần thiết, để nộp đơn xin đoàn tụ. Đó là khoảng thời gian làm tôi lao đao nơi đất lạ xứ người. Với mọi khó khăn âm thầm chịu đựng vượt qua. Kết cuộc 2 năm sau, chúng tôi đã được đoàn tụ tại Hòa Lan, và bắt đầu một cuộc sống mới thực sự.
Với “kinh nghiệm” của sự “đổi đời” cấp bách, làm sao có được một công việc sinh nhai thật nhanh chóng nơi đất lạ quê người. Nhà tôi chọn theo học khóa “đè đầu, bẻ cổ, vò đầu, bứt tai” thiên hạ. Còn tôi theo học lại khóa Kỹ Nghệ Họa, mà trước kia tôi đã từng học ở quê nhà, trước vẽ trên giấy, nay vẽ trên Computer. Sau đó, tôi cũng được vị giáo sư quí mến cùng đi với tôi đến một số cơ quan, xí nghiệp, giới thiệu và trình bầy khả năng của tôi, hầu mong có một công việc thích hợp cho tôi. Mặc dù với mọi nỗ lực, nhiệt tâm của vị giáo sư, nhưng kết quả cũng không đến đâu. Tôi chuyển qua học ngành điện toán và được sở Lao Động giới thiệu đến làm tạm thời trong Công Ty Điện Tử Expice tại Hoorn, ngay nơi thành phố tôi cư ngụ. Nói là “tạm thời” thế nhưng không ngờ nó lại kéo dài đến ngày tôi về hưu, tổng cộng 20 năm.
Các con của tôi, tất cả đã được học hành tới nơi theo ước muốn, và tất cả đã có một công việc ổn định lâu dài. Chúng đã tự tạo riêng cho mình một mái ấm bình yên với đám con ngoan. Tôi rất an tâm, điều mơ ước của tôi cũng chỉ có thế.
NH: Năm 1969 đơn vị của anh bị pháo B40 khiến anh bị trọng thương, và chấn thương này còn theo anh đến Hòa Lan. Anh có thể kể sơ lược lại chuyện đó?
NQT: Thật ra, một chuyện không vui mà phải nhắc lại mãi, càng… không vui hơn. Tuy nhiên, nó cũng là một vết tủi hổ mà mình vẫn phải ghi nhớ. Đã hỏi thì tôi xin trả lời ngắn gọn thôi nhé.
1969 một ngày mưa không dứt, sau cuộc hành quân lùng giặc trên vùng cao nguyên Darlac, chiếc GMC đưa đơn vị chúng tôi trên đường trở về căn cứ đóng tại ngọn đồi Chư Cúc cây số 52, nằm giữa Khánh Dương và thành phố Banmêthuột. Gần đến chân đồi, chúng tôi được tiểu đội Thám Báo cho biết đêm nay du kích quân dự định phá hoại chiếc cầu 52, lệnh của Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 bổ nhiệm đại đội Thám Kích truy lùng và tiêu diệt du kích quân đó. Thế là cả Đại Đội 411 Thám Kích chúng tôi nhẩy xuống xe đi ngược trở lại, phân chia địa điểm chiếm cứ, mỗi toán 4 người nằm rải rác dọc theo quốc lộ 21, toán của tôi nhằm ngay tọa độ cách chân cầu khoảng 20 mét, và nằm yên ở đó chong mắt chờ địch lộ diện….
Đêm dài mệt mỏi dần trôi qua, cây cỏ vẫn yên bình ấp ủ mùi đất ẩm, ánh mặt trời không xuyên nổi lớp sương mù mờ đục buổi sáng, chúng tôi nhìn nhau không nói một lời, ngồi yên cho đến khi sáng tỏ mặt người, cho đến khi nghe những tiếng xe đò hành khách bắt đầu chạy ngang trên đường như thường lệ mới yên tâm, và ở yên đó đến chiều chờ lệnh mới. Nghe máy gọi rút quân về, chúng tôi kéo nhau ra lề đường đón xe, chiếc GMC gom từng toán rải rác bên đường, đang từ từ dừng lại cho chúng tôi leo lên, đã có 2 toán ngồi trên xe, thêm chúng tôi nữa là 12 người, còn vài toán nữa đang chờ phía trước, chiếc xe jeep truyền tin cũng đang chạy theo phía sau. Cởi cái ba lô ra, ngồi xuống băng ghế bên hông xe, tôi vén tay áo nhìn đồng hồ, “5 giờ chiều”, giơ tay sửa cái nón sắt đội trên đầu, thì bỗng:
- “Đùng...” một tiếng nổ kinh thiên động địa, ngay bên cạnh. "Đùng..." tiếng thứ hai liền theo.
Xe đã bị đột kích, 2 trái B40 gần vệ đường bay về chúng tôi, đạn trúng vào thành xe nổ chát chúa, tiếng nổ đã làm bùng điếc tai, buốt nhói lên óc. Trái thứ hai trúng vào phía sau, nhưng tôi không còn nghe rõ nữa. Giữa khói và lửa mầu vàng trắng cuồn cuộn, tôi bật dậy, phản ứng tự nhiên là phủi lửa, lửa xung quanh, lửa trên đầu, lửa dưới chân..., không còn nhìn thấy gì ngoài ánh sáng của lửa. Liền sau đó có 3 tia chớp lóe lên, tia sáng của những trái lựu đạn mà người lính đeo trên mình, đã bị B40 bắn trúng, trong quay cuồng tích tắc đó, tôi cảm thấy dường như có vật gì đập mạnh vào gan bàn chân bên phải, chắc vì tiếng nổ dội mạnh làm thốn chân mà thôi? tôi nghĩ thế. Tất cả diễn ra chỉ trong khoảnh khắc mươi giây rồi vụt tắt. Sức công phá của B40 dường như không mạnh như tôi từng nghĩ, có lẽ vì trúng vật cản quá mềm bằng xương thịt chăng? (bình thường sự công phá của nó có thể xuyên thủng xe tăng). Chiếc GMC khựng lại làm tôi chúi ra sau, có lẽ người tài xế đã nhẩy ra khỏi xe? và xoay mình dự định cũng nhẩy xuống để tìm chỗ ẩn nấp, nhưng cái chân như bất động. Chung quanh không thấy ai nhúc nhích, họ nằm im đó sống hay là đã chết, tôi chưa biết rõ, việc điều đầu tiên là phải nhặt lại khẩu súng M16 vừa buông rơi, cây súng giờ đã bị vỡ báng và nòng súng cong cong. Tôi thoáng nghĩ: "Thế nào VC cũng sẽ còn tiếp tục tấn công nữa", nên từ từ ngả người trên băng ghế, thò tay rút cây Colt 45 bên hông lên đạn để phòng thân, cái cơ bẩm cứng ngắc không thể nào kéo lên được, cũng có thể vì bàn tay dính đầy máu. Nghiêng đầu nhìn lại sàn xe, xác đồng đội nằm phanh thây ngổn ngang bên nhau, họ chết không kịp rên la, không kịp gào thét, không kịp biết mình đã chết, trái đạn bất ngờ đã biến thây người thành những mảnh vụn tan tác tung bay...
Xe tiếp tục nhắm hướng Chư Cúc chạy về, cũng may người tài xế không bị thương, và chiếc xe không bị hỏng, bằng không, chẳng biết chuyện gì sẽ còn xẩy ra nữa. Chạy một đoạn thì thấy đạn pháo binh trên đồi bắn xuống xối xả, quanh chỗ chúng tôi vừa bị phản kích, các toán trong đơn vị còn ở lại dọc đường cũng tấn công lên. Xác 3 đặc công cộng sản đã tìm thấy, cũng tan xương nát thịt bên bờ khe nước chẩy. Có lẽ những đặc công này đự định giật sập cầu, nhưng đã phát hiện âm mưu của mình bị bại lộ, và không biết chúng tôi đang phục kích chỗ nào? tiến thoái lưỡng nan đành nằm im một chỗ, không ngờ hôm sau, nhân cơ hội thấy sự sơ hở của chúng tôi trong lúc rút quân, nên đã bắn tới đúng lúc.
Tôi được chở thẳng đến Bệnh Viện Dã Chiến Banmêthuột cấp cứu, khám nghiệm và lập hồ sơ, họ gắn lên tôi một bình nước biển, dùng một loại thuốc sát trùng sủi bọt trắng như xà bông chà phết lên thân thể tôi, những chỗ bị thương máu rịn ra thấy rõ dưới lớp bọt trắng, suốt từ vai trái xuống đến chân, là những mảnh nhỏ của B40 rải khắp, như nắm cát tung vào người tôi, lỗ chỗ không thể đếm được là bao nhiêu. Một mảnh lớn bay ngang mông đùi, cắt mất đi một khoảng da thịt to bằng miệng chén, mảnh khác nằm sâu trong bắp chân, tạo thành một lỗ hổng sâu hoắm to bằng đầu ngón tay. Một mảnh lớn bay ngang lưng, rạch một đường từ trái qua phải, nếu mảnh đạn vào sâu chút nữa thì xương sống của tôi đã bị đứt làm 2 đoạn, sẽ tàn tật và ngồi xe lăn suốt đời, (có thể ngồi xe lăn được không?). Thêm một mảnh hiểm nghèo nữa sớt ngang sau ót, giá như chỉ vào sâu thêm 1cm nữa thì gân và xương cổ cũng đứt đôi và tôi đã chết (liệu có chết được không?). Phía mắt cá của bàn chân phải, bị cả chùm mảnh lựu đạn tạt vào, lúc ban đầu chỉ thấy hơi thốn, giờ thì hoàn toàn tê dại, không thể dùng đến nó được nữa, 3 trái lựu đạn mà những người lính đã đeo bên mình, đã bị 2 trái B40 bắn trúng, phá hư thìa an toàn khiến lựu đạn phát nổ, vô tình nó đã tiếp tay với giặc giết hại vài đồng đội của mình, nếu nó nổ gần hơn chút nữa, và không được bao bọc bởi thân xác người lính chung quanh, thì bàn chân của tôi cũng nát bấy chẳng còn nguyên vẹn. Nhóc Toản đeo sau lưng chiếc máy truyền tin PRC25 thường cận kề bên tôi, đã hứng tất cả mảnh đạn thay cho tôi, chiếc máy bể nát và thân hình không còn toàn vẹn, thương cho anh người trai trẻ yêu đời mới 18 tuổi, thích hát cải lương. Đầu ngón tay trỏ bấm đàn guitar của tôi, gìờ cũng bị bung ra như nụ hoa huệ, cái móng tay thì đã bay đâu mất. Còn nữa, tiếng nổ chát chúa cận kề của trái pháo đã làm rách màng nhĩ tai trái, hệ thống thính giác bị dập vỡ, một dòng máu đỏ ứa ra, tôi đã bị điếc một bên, còn tai kia bị ù đi, không còn nghe một âm thanh nào cả, mãi cho đến cả tháng sau mới bắt đầu nghe được, với những âm thanh lệch lạc không định hướng. Từng mảnh thịt vụn và óc cháy đen khét lẹt, quấn chặt vào lọn tóc, quyện sát vào da đầu, tạo lên mùi tanh tưởi nhờn nhợn, khiến tôi muốn nôn oẹ khi nghĩ đến. Sau này Minh Chiến đã dùng alcool cặm cụi vuốt từng lọn tóc, đôi khi phải cắt bỏ từng chùm, để làm sạch. Riêng cái mùi khét đó vẫn theo ám ảnh tôi đến cả năm sau. Thời gian thấm thoát trôi qua gần một năm, tôi ra trình diện Hội Đồng Giám Định Y Khoa tại Quân Y Viện Banmêthuột, Tôi chống nạng, cầm giấy quyết định về trình diện Trung Tâm Giải Ngũ Quân Khu 2 tại Nha Trang để lập thẻ Thương Phế Binh và nhận hồ sơ giải ngũ. Thương Phế Binh loại 2, loại tàn phế nhẹ có thể tự sinh sống, không được nhận sự cấp dưỡng tàn phế nào khác.
NH: Anh là một trong những con chim đầu đàn của Phong trào Du Ca Việt Nam. Anh gia nhập Phong trào từ năm nào và cơ duyên nào đã đưa anh tham gia Phong trào?
NQT: Vào một buổi tối 1965, tôi đã nghe được tiếng hát của Nguyễn Đức Quang phát ra từ chiếc máy radio với những bài ca tuổi trẻ sinh hoạt thanh niên thật đúng ý, và từ đó tôi đã tham gia vào Phong Trào Du Ca Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Đó là khoảng thời gian thần tiên và đáng nhớ nhất của tôi trong tuổi mới lớn, khi chưa vướng bận những ưu phiền của cơm áo, chưa vướng mắc đau thương của con người trong vận nước điêu linh. Tôi bị mê hoặc bởi những bài hát của Nguyễn Đức Quang, bởi âm điệu bài hát thật lạ lùng và mới mẻ “chẳng giống ai” không phải là lời tỏ tình, cũng không phải lời an ủỉ hay kêu than, mà là một lời truyền đạt, một bầy tỏ một phán quyết. Tôi có ý định đi tìm cho ra những bản nhạc này, thì tình cờ tôi có được những tài liệu của một người bạn mới quen tại Long An tặng cho. Nhờ đó, tôi đã thành lập được một toán “Thanh Ca Tác Động” tại Banmêthuột vào ngày 25-12-1966.
Một năm sau đoàn chính thức đổi tên thành Đoàn Du Ca Lòng Mẹ Banmêthuột, do Phong Trào Du Ca Trung Ương tại SG thông báo. Sau những buổi tập hát vào những ngày Chủ nhật, chúng tôi tham gia sinh hoạt với các đoàn thể bạn như: Thanh Sinh Công, Gia đình Phật Tử, Hướng Đạo, và sinh hoạt ngay trong các bệnh viện để ủy lạo thương binh. Với lòng non choẹt của học sinh lớp Đệ Lục bậc Trung học, chúng tôi dắt nhau đến các mái trường, từ Tiểu học cho đến Trung học, không chỗ nào không có mặt chúng tôi, mọi người có thể cùng hát theo với những lời bài hát ca ngợi quê hương, dân ca, thanh niên ca, được viết trên bảng hoặc trên giấy quay roneo. Chúng tôi cũng đến hát cho đồng bào sống trong các Quận, Làng, Xã xa xôi với những bản dân ca quen thuộc hoặc vui đùa với các em nhỏ trong thôn xóm, sinh hoạt trò chơi lành mạnh. Chỉ có khoảng trên chục Du ca viên mà chúng tôi đã thực hiện được đầy đủ mọi tiết mục, đơn ca, song ca, hợp ca, ảo thuật, kịch vui, múa, hoạt cảnh v.v. thật là hăng say và thích thú.
Tháng 9 năm 1967, Tôi cùng 3 Du Ca Viên khác đại diện cho đoàn du ca Lòng Mẹ Banmêthuột về Sài gòn tham dự đại hội du ca toàn quốc lần thứ nhất tại trường đại học văn khoa cũ trên đường Nguyễn Du, Trong buổi thi sáng tác ca khúc, tôi đã được các anh huynh trưởng chấm gỉải nhất Ca Khúc Sáng Tác Tại Chỗ. Đó là một khích lệ rất lớn cho tôi, đã thúc đẩy tôi tiếp tục sáng tác những bản nhạc kế tiếp như: Vắt Tay Lên Trán, Gọi Tên Đất Mẹ, Đứa Học Trò Trở Về v..v. đa số đều được anh chị em trong Phong Trào Du Ca hưởng ứng. Đó cũng là khởi đầu cho sự ham thích sáng tác nhạc khúc và sự đam mê phong trào Du Ca Việt Nam.
NH: Sau khi ở Hòa Lan bao lâu thì anh bắt được liên lạc với Phong trào để cùng sinh hoạt lại? Và sinh hoạt của các toán Du ca ở hải ngoại hiện nay – cũng như tại Hòa Lan – ra sao?
NQT: Khi tôi vừa được đến bến bờ tự do, tôi đã thực hiện ngay ý định thành lập một đoàn Du Ca. Tôi được một số anh em cùng chuyến tầu vượt biển ủng hộ góp tay, và toán Du Ca Hòa Lan đã ra đời, ngay tại tỉnh Hoorn nơi chúng tôi cư ngụ. Trong những thời gian kế tiếp, dần dần tôi đã tìm được địa chỉ của một số huynh trưởng Du Ca đang sống tại Mỹ. Và cũng từ đó, tôi đã liên lạc được một số khá lớn các cựu Du Ca viên, tiếc là những vị này mặc dầu có tâm huyết với Phong trào Du Ca, nhưng vì kế sinh nhai nơi đất khách quê người, phải tạm ngưng hoạt đông. Tìm được những người mới cùng chí hướng, để phục vụ một nền văn nghệ cộng đồng nơi đất lạ thật là khó khăn. Một vài toán đã có như ở Canada, Úc, Pháp, Mỹ, và Hòa Lan. Nhưng chỉ sinh hoạt được một thời gian rồi ngưng.
Trong một buổi trình diễn tại Paris
Riêng tại Hòa Lan, sau 400 giờ học ngôn ngữ Hòa Lan, mọi Du Ca Viên phải rời tỉnh Hoorn để theo học các ngành chuyên môn, một phần có công ăn việc làm ở nơi xa, phần lập gia đình, hoặc theo một sở thích mới. Nói chung, mặc dù anh em còn tinh thần Du Ca đó, nhưng khả năng chuyên môn về âm nhạc lẫn trình diễn hơi thiếu thốn, nên sau một thời gian sinh hoạt, toán cũng đã cùng số phận với các Du Ca khác trên thế giới.
Riêng bản thân tôi, tâm tư và nguyện vọng tinh thần Du Ca vẫn luôn thôi thúc. Tôi vẫn nuôi dưỡng tinh thần đó và đi sinh hoạt ở mọi nơi, bất cứ chỗ nào có thể, trong Hòa Lan hay các quốc gia láng giềng. Đây là khoảng thời gian quá dễ dàng và thuận tiện cho tôi, vừa đi làm việc, vừa đi sinh hoạt, vừa sáng tác, mà ít tốn nhiều thì giờ.
NH: Anh và các đoàn viên Phong trào đã có những buổi trình diễn Du ca ở nhiều nơi trên thế giới. Cảm tưởng của anh về sự đón nhận của quần chúng ra sao? Nơi nào mang đến cho anh sự lưu luyến nhất? Anh và các bạn có gợi lại được cho khán thính giả hình ảnh Phong trào Du ca ngày trước tại Việt Nam không?
NQT: Đại đa số cựu Du Ca Viên đều định cư tại Mỹ Châu, nơi đó có số lượng người dân Việt đông đảo nhất so với các châu khác, vì thế tính theo tỷ lệ, người thích sinh hoạt theo chiều hướng Dân Ca, Du Ca, và Sinh Hoạt hướng đạo cũng đông đảo hơn. Mặc dù các vị huynh trưởng đầu não của Phong trào đã cùng chung tay để gây dựng lại phong trào Du Ca, nhưng tiếc là chỉ có quan, mà thiếu quân.
Trong những lần viếng thăm các nước bạn, tôi đã cố công tìm kiếm lại các bạn cũ, và khuyến khích thành lập lại các toán Du Ca ở các nơi. Hiện nay những toán sinh hoạt mạnh mẽ nhất như Đoàn Du Ca Bắc Cali và đoàn Du Ca Nam Cali, sau đó là đoàn du ca San Diego Mỹ, đoàn Du Ca Paris Pháp, và đoàn Du Ca Sydney Úc Châu, Các đoàn Du Ca này đã được sự hưởng ứng tích cực của khán thính giả địa phương, Du Ca đã đánh đúng vào nguyện vọng của những người tỵ nạn xa xứ, nâng cao tinh thần người Việt yêu chuộng tự do không cộng sản.
Cùng Minh Chiến trong buổi ra mắt tuyển tập nhạc của ông tại Virginia (2012)
Sự lưu luyến của tôi nhiều nhất qua những lần sinh hoạt với các đoàn Du Ca tại Cali, không phải ở lối sinh hoạt cá biệt của mỗi đoàn, mà ở tinh thần khắng khít tình Du Ca đã trao cho nhau.
Hình ảnh Du Ca sinh hoạt ngày trước, không còn thích hợp nơi hải ngoại. Trước kia, anh em Du Ca đến sinh hoạt cùng người dân Việt với nhiều hình thức khác nhau. Trong bối cảnh chiến tranh, đau khổ, mất mát, Du Ca viên có thể xoa dịu, chia xẻ với người dân bằng lời ca, tiếng hát đích thực và gần gũi. Bằng công tác thiện nguyện, dựng lều, xây trường cho dân nghèo nơi làng ấp xa xôi. Hát với sinh viên nơi trường học, sinh hoạt thể thao với trẻ em nơi vỉa hè, khoảng đất trống. Cắm trại ngoài trời cùng các đoàn thể bạn nơi núi cao, đồng rộng.
Cũng vì thế, tôi cho rằng, chốn thành thị phồn hoa xứ người, không phải là đất “dụng võ” của Du Ca thực sự, nó chỉ là tiếng nói hổ trợ, hầu nuôi dưỡng một Du Ca chính thức trong nước hồi sinh mà thôi.
NH: Phong trào Du Ca được thành lập với tôn chỉ: “Dùng tiếng hát chung của cộng đồng để tô điểm cho nền văn nghệ dân tộc một màu xanh đầy hy vọng, đưa mỗi người đến gần nhau hơn để cùng lo xây đắp một quê hương tươi sáng”. Tôn chỉ này hiện nay có còn áp dụng được nữa không?
NQT: Tôn chỉ của PT Du Ca được đề ra từ ngày thành lập, và được duy trình đến 30-04-75. Sau đó Phong trào cũng nằm chung số phận với các đoàn thể khác đã bị CS ngăn cấm. Cho đến nay đã có một số đoàn Du Ca mới, đã được thành lập ở mọi nơi trên thế giới. Anh chị em đã nhiều lần có ý định qui tụ một Đại Hội Du Ca Thế Giới, để cùng đóng góp ý kiến thay đổi một hướng đi, cho phù hợp với nguyện vọng người dân hiện tại. Từ đó Nội qui, và Tôn chỉ của Phong Trào Du Ca cũng có thể được soạn thảo lại, thêm bớt hay sửa đổi cũng nên.
Đáng nhẽ ra, năm ngoái 2020 đã tổ chức đại hội Thế giới này, để đánh dấu nửa Thế Kỷ của PT Du Ca VN. Nhưng vì dịch Covid-19 nên đã phải đình lại. Tuy nhiên, các anh chị em vẫn luôn hy vọng nó vẫn được thành hình trong những ngày tháng sắp tới.
NH: Hiện nay anh sáng tác nhiều trong hướng nào? Anh có thể kể vài thử nghiệm của anh trong những sáng tác mà anh thấy hài lòng.
NQT: Nói về lãnh vực sáng tác ca khúc, trước tiên tôi xin nhấn mạnh rằng. Sáng tác nhạc, với cá nhân tôi, không phải là lãnh vực chuyên môn để sinh nhai, cũng không phải là trách nhiệm cao cả của Phong Trào Du Ca đã giao phó. Đó chỉ là sự thao thức của ý chí, tình cảm cá nhân, sự đòi hỏi của tâm hồn, đã thôi thúc khiến những ca khúc ra đời. Tôi viết để thỏa mãn sở thích của cá nhân tôi, tôi viết cho người tôi yêu, tôi viết cho bằng hữu tôi quí, tôi viết cho đoàn thể tôi trọng, và tôi viết cho quê hương tôi nhớ, tôi thương. Tôi nghĩ rằng, nếu đã là một người Du Ca thì tất cả những sáng tác đó, đều dành cho Du Ca. Nếu muốn nói lời yêu quê hương rộng lớn, thì phải biết nói lời yêu thương lứa đôi, nhỏ bé chân tình. Muốn nói lời trân quí cả dân tộc Việt, thì phải biết nói đến lời trìu mến bằng hữu, đoàn thể chung quanh. Đó là châm ngôn của tôi (của người Du Ca), để làm tiêu đề viết ca khúc, với lời yêu thương, lời chính khí, chân tình.
Đại đa số những ca khúc của tôi đều nói lên những hiện thực thật đơn giản mà mọi người đều có thể làm được. Không đao to búa lớn, không hoang tưởng, phù phiếm. Chỉ cần một tấm lòng chân thật, thế thôi.
Ngoài ra, còn một số ca khúc tôi phổ nhạc từ thơ của các bằng hữu, với ngụ ý muốn nối kết tình bằng hữu trân quí lâu dài, qua những lời thơ nét nhạc của nhau cùng hòa điệu, gắn bó với nhau suốt đời.
NH: Ngoài thời giờ dành cho Phong trào Du Ca trên toàn thế giới, hẳn anh cũng đóng góp nhiều trong các sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Hòa Lan, và tại địa phương nơi anh đang cư ngụ?
NQT: Môi trường sinh hoạt văn nghệ ở Hòa Lan cũng hơi hạn hẹp, nhất là về mặt văn nghệ cộng đồng. Số người phục vụ cũng như số người hưởng ứng cũng không nhiều so với các nước có dân số người Việt đông đảo hơn. Riêng cá nhân tôi, thỉnh thoảng có đóng góp chương trình văn nghệ sau khoảng thời gian đã sáng tác những ca khúc mới, đủ cho một chương trình văn nghệ.
Tôi rất cám ơn các bạn quí mến, đã đứng ra tổ chức những đêm nhạc này của tôi như: Cộng Đồng Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan, Nhóm Cái Đình, cùng các thân hữu và ca sĩ. Tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, tôi vẫn còn có thể thực hiện được những đêm nhạc tiếp theo. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn ao ước tất cả các nhóm văn nghệ sẽ cùng chung sức bắt tay nhau thực hiện những đêm văn nghệ, trong tình đoàn kết, đầy sắc thái. Để tất cả dân Việt có cơ hội, cùng tham dự đông đảo nơi vùng đất nhỏ bé này.
Hòa Lan: Trong Đêm nhạc NQT do Cái Đình tổ chức (1998) và hát chung với Minh Chiến trong Buổi Nhạc Thính Phòng NQT
do một nhóm thân hữu tổ chức, với sự hỗ trợ của CĐVNTNCS/HL (2008)
NH: Anh chị đã hát chung một cách thật gắn bó với nhau suốt nửa thế kỷ. Anh chị còn lấy các nốt nhạc để đặt tên cho các con. Phải chăng đó cũng là kỳ vọng có cháu nào sẽ “nối nghiệp nhà”? Ước vọng đó đến nay ra sao?Và việc dạy dỗ con cái trong môi trường hai văn hóa, anh chị đã rút được những kinh nghiệm gì?
NQT: Vâng, sở thích của tôi là âm nhạc, bận rộn về những âm bậc cao thấp, cũng vì thế, tôi không mất nhiều thì giờ suy nghĩ để chọn một cái tên cho đứa con chào đời. Tôi đã có sẵn những nốt nhạc đó để gọi tên cho con không có gì khó cả, như: Cung Mi, Cung La, Cung Đô. Các con tôi cũng rất thích tên của mình đã được đặt, cho nên bây giờ tôi cũng có thêm các cháu nội - ngoại cũng bằng nốt nhạc như: Cung Đàn, Cung Bas, Fa Thăng, Giáng Si, Hạ Sol và Ca Re.
Tuy vậy, âm nhạc đối với các con - cháu tôi ở đây cũng chỉ là sở thích. Chúng học đàn guitar, piano, đàn tranh v.v... Nhưng chưa ai có khả năng sáng tác ca khúc cả. “Cha mẹ sanh con trời sanh tính”, tôi không thể bắt buộc chúng được, ngoài sự khuyến khích và tạo cơ hội cho chúng mà thôi. Có đứa lại thích về võ nghệ, đứa kia thích cây kiểng, đứa này lại thích về gia súc.
Riêng về ngôn ngữ Việt Nam của các con sống nơi đây, tôi không lo ngại gì cả. Bởi vì thường ngày chúng nói chuyện với cha mẹ cũng như với anh chị em trong gia đình, hoàn toàn bằng ngôn ngữ VN. Nay chúng đã lớn và cùng lập gia đình riêng rồi. Điều thuận lợi cho chúng là vị hôn phối cũng đều là người VN. Vì thế, tiếng Việt không bị mất ngoại trừ những từ không thường sử dụng hằng ngày. Chúng trò chuyện với ông bà, cha mẹ rất thoải mái, bình thường.
Được mặt này mất mặt kia, tôi nghĩ rằng chắc chúng sẽ gặp những khó khăn về mặt ngôn ngữ Hòa Lan, bởi sự phát âm bị ảnh hưởng giọng Á đông chen lẫn.
NH: Anh đã viết một số đoản văn ghi lại những dấu ấn trong quá khứ, và anh cũng đã vẽ vài bức tranh. Anh có dự định sẽ viết tiếp “Hồi Ký Đời Chiến Binh” hoặc viết thêm về Phong trào Du Ca để lưu lại cho các thế hệ sau này không?
NQT: Nói về “Hồi Ký” nó là cả một đoạn đời gian truân của tôi, cũng chẳng khác gì những người VN khác sống trong thời gian chiến tranh thê lương. Thoạt đầu, tôi định tâm chỉ viết sơ qua một vài điểm đáng nhớ trong đời, để con cháu sau này có dịp thấu hiểu phần nào về cha ông, và để giúp chúng rõ hơn về lý do tại sao chúng có mặt tại vùng đất xa xôi này. Và viết ra để phòng ngừa sau này không còn nhớ, bởi tuổi tác mỗI ngày một cao.
“Hồi Ký Đời Chiến Binh” của tôi cũng rất ngắn, bởi vì tôi đã bị loại ra ngoài cuộc chiến, sau đợt phục kích đụng độ với Cộng quân năm 1969, không có gì dài để viết tiếp cả, ngoài những đoạn đời đã qua kế tiếp.
Tôi cũng muốn viết thêm những suy nghĩ riêng tư với những biến đổi sinh hoạt của Phong Trào Du Ca Việt Nam hiện nay, hy vọng nó sẽ đem lại cho đàn em Du Ca sau này có thêm những điểm đáng chú ý, hầu có thêm kinh nghiệm tiếp tục con đường lý tưởng của Phong Trào Du Ca. Thật sự, đó cũng là những điểm tôi đã từng thắc mắc và đòi hỏi nơi người đàn anh Nguyễn Đức Quang. Nhưng tiếc thay, anh Quang đã đột nhiên qua đời, để lại sự hụt hẫng trong tôi, và từ đó tôi phải tự giải quyết cái khó khăn cho mình.
NH: Em Corey Cao Nguyễn đang sưu tầm tài liệu để thực hiện cuốn phim “Son of Vietnam: Nguyễn Đức Quang” về cuộc đời ông ngoại của em. Là người đã sánh vai với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang hơn 40 năm, anh có được mời tham gia vào cuốn phim này không?
NQT: Tôi cũng chưa được biết rõ công việc của cháu Corey Cao Nguyễn sẽ làm những điều gì cho ông ngoại Nguyễn Đức Quang của cháu, ngoài ý định thực hiện một cuốn phim nói về nền văn nghệ Du Ca của Nguyễn Đức Quang. Nhưng cháu đã hỏi, thì tôi cũng đã nhận lời, và đã gởi tất cả những tài liệu, hình ảnh liên quan đến ông Quang về cho cháu Corey. Cháu cũng muốn làm một cuộc phỏng vấn trực tiếp tôi trong tương lai. Tuy nhiên, dù đã nhận lời, nhưng hiện nay bệnh dịch Covid-19 đã làm trở ngại cho việc gặp gỡ, quay phim v.v... Tôi không biết việc thực hiện này bao giờ thì hoàn tất? Nhưng luôn hy vọng và chúc cháu thành công.
NH: Trước đây anh quản lý trang mạng của Phong trào Du ca (www.ducavn.com), tuy nhiên thời gian gần đây dường như website này không còn hoạt động. Những người muốn tìm hiểu thêm về Phong trào Du ca Việt Nam sẽ phải tìm ở đâu?
NQT: Đúng vậy, hiện thời web có những trở ngại phải tạm ngưng một thời gian, tuy nhiên trên Facebook vẫn có trang Du Ca Việt Nam để liên lạc (https://www.facebook.com/DuCaVietNam1). Hy vọng trong thời gian tới trang web Du Ca với địa chỉ mới sẽ tái sinh.
NH: Cám ơn anh Nguyễn Quyết Thắng đã dành thời giờ quý báu để trả lời phỏng vấn. Chúc anh chị Nguyễn Quyết Thắng-Minh Chiến gặt hái nhiều thành công trên những bước đường lưu diễn tiếp đây.
NQT: Cám ơn anh thật nhiều.
.
Nguyễn Hiền
_________
Xem thêm:
– Một số đoản văn của Nguyễn Quyết Thắng đã đăng trên www.caidinh.com
– Bài tường thuật Đêm văn nghệ "Nói Với Người Du Ca Banmê" (Hòa Lan - 16/09/2017) - Nguyễn Hiền và Buổi nhạc Thính Phòng Nguyễn Quyết Thắng" (Hòa Lan - 06/04/2008) - Thanh Tâm
– Nghe một số bản nhạc của Nguyễn Quyết Thắng
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvannguyenquyetthang.htm