Nguyễn Thanh Linh
Phỏng vấn anh Cao Đình Khanh
.
1.- Thân chào anh Khanh. Xin anh cho biết ít nhiều về bản thân và gia đình của mình.
Chào anh Linh. Cám ơn anh và rất ngạc nhiên khi anh ngỏ ý muốn phỏng vấn em. Vì thấy mình cũng giống như những gia đình người Việt bình thường khác. Em lớn lên, đi làm rồi lập gia đình và có hai cháu nay cũng đã trưởng thành.
2.- Anh sống ở Hoà Lan bao nhiêu năm rồi và hiện nay đang ở đâu?
Em sống ở Hoà Lan được 40 năm và hiện đang ở tại thị xã Nieuwegein, tỉnh Utrecht.
3.- 40 năm sống ở đây, một khoảng thời gian không ngắn. Anh nhìn Hòa Lan ra làm sao? Đất nước, con người, văn hóa, xã hội... đại thể là anh thấy mình là “Hòa Lan” bao nhiêu phần trăm rồi?
Sống ở đây 40 năm, dài hơn bên Việt Nam nên cách suy nghĩ, lối nhìn và đối xử trong cuộc sống hằng ngày đều bị lai theo văn hóa của họ. Em nghĩ là “Hòa Lan” hóa khoảng 70 phần trăm rồi. Mình lợi hơn họ là có được hai văn hóa, bên nào cũng có cái hay cái tốt. Điều gì hay thì giữ còn không được hay thì tùy cơ ứng biến. Về con người thì ở đâu cũng có người tốt và người không tốt mà số người không tốt chỉ là phần tử nhỏ, nếu số không may thì gặp phải thôi. Nhìn chung thì người Hoà Lan rất hiền từ và vui vẻ.
4.- Việc hội nhập vào đời sống nơi đây cũng như hiện tượng kỳ thị, qua công việc và đời sống hàng ngày anh có cảm nhận là mình gặp khó khăn hay bị phân biệt về màu da hay thói quen không?
May mắn là em ít gặp những trường hợp này. Em vẫn nghĩ là mình sống bên xứ người ta, vấn đề kỳ thị thì ở nơi nào cũng có nên lờ lờ nó đi cho dễ sống. Biết là điều đó không được phép nhưng bản chất của con người nên không tránh khỏi. Em coi thoáng vấn đề này, có thể vậy mà em không cảm nhận nhiều khi nó đến với em.
5.- Rời Việt Nam lúc còn rất trẻ, anh nhớ gì và còn giữ được kỷ niệm nào thời thơ ấu của mình không?
Hai ba năm trước khi rời Việt Nam em có sinh hoạt trong Giáo Xứ nơi em sống. Là cậu bé lúc đó khoảng 10 tuổi được Cha Xứ gọi vào cho gia nhập ban giúp lễ. Trong thời gian này em có cơ hội học đàn organ. Lúc đó cảm thấy rất thích và hãnh diện vì trong xứ còn cả trăm cậu bé khác nữa. Ngoài ra còn những kỷ niệm vui chơi, phá phách cùng với những người bạn học thân. Trong hai ba năm đó thì quá ngắn với tuổi của em để có thêm được nhiều kỷ niệm cho thời thơ ấu của mình.
6.- Chuyến vượt biển của anh có gặp trở ngại gì không và anh đi cùng với ai cũng như có điều gì để lại ấn tượng mạnh trong trí nhớ của mình?
Đêm từ trong nhà “trọ” đến khi lên tầu may mắn là không có gặp trở ngại gì cả. Qua hết đêm đầu mới có vấn đề. Các điều này thì chắc chắn gần như hết các chuyến tàu vượt biển đều phải gặp là khát và đói ngoài say sóng ra. Chỉ có người nào trải qua rồi mới thấm và hiểu được thôi. Em không nhớ là khi đó đi được mấy ngày rồi, thấy sợ và nản quá nên cứ năn nỉ với mẹ là còn bao nhiêu vàng thì đưa hết cho ông chủ tàu để ổng quay về. Nhìn lại thấy sợ quá anh Linh à. Bây giờ không dám đi lại lần nữa.
Trong chuyến đi này Mẹ em lo cho em, em gái và hai người anh em đi cùng.
7.- Đến Hoà Lan anh ở ngay chỗ hiện nay hay là cũng có một thời gian sống trong trung tâm tiếp nhận người tỵ nạn? Và có thì những điều gì khiến anh không thể quên được trong khoảng thời gian ở đó?
Khi đến Hòa Lan thì em ở trong trại chuyển tiếp Leerdam 1 tuần, sau đó được đưa về trung tâm tiếp nhận người tỵ nạn tại Lobith, một làng nhỏ nằm phía Đông sát biên giới với Đức quốc. Em sống trong trại một năm, sau đó thì chính phủ họ đưa về Nieuwegein.
Thời gian trong trại có rất nhiều điều khó quên. Em sang Hòa Lan vào tháng 12, ngay trong mùa đông. Tuyết trắng ngập tràn, thấy rất đẹp. Hình như lúc đó cơ thể mình còn chất năng lượng của Việt Nam hay sao đó. Quần áo đâu có được đàng hoàng, họ cho cái nào thì mặc cái đó vì chưa có tiền để mua sắm. Vậy mà ra ngoài đường chơi ném tuyết, ngồi bao nylon trượt tuyết xuống dốc mà không cảm thấy lạnh như bây giờ. Mình là dân từ Á qua Âu nên mọi điều đều lạ. Nếu nhắc lại thời gian trong trung tâm tiếp nhận thì ai cũng nhớ đến các điều vui khó quên cả.
8.- Bên cạnh công việc mưu sinh hàng ngày, được biết anh còn hoạt động rất tích cực trong Cộng Đoàn Công Giáo tại Hoà Lan. Anh có thể chia sẻ về mảng hoạt động cũng như vai trò của mình trong lãnh vực này?
Anh nói quá, em cũng như các Chú Cô và anh chị em khác đang hoạt động trong Cộng Đoàn thôi. Mỗi người có năng khiếu riêng, mỗi người giúp một việc. Riêng em, em cảm nhận được là Thượng Đế rất thương em nên Ngài ban cho em được nhiều năng khiếu khác nhau. Ngược lại nếu nhận được nhiều thì phải trả nhiều nên khi em thấy giúp cho ai được việc gì trong khả năng thì em luôn sẵn sàng.
Thời gian đầu trong quá trình hoạt động thì em có giúp đánh đàn trong ca đoàn giáo xứ, sinh hoạt với ca đoàn. Hai năm trước đây em chuyển qua bên Ban Phim Ảnh và hiện tại đang lo bên Truyền Thông của giáo xứ.
9.- Xin anh giải thích thêm phần Truyền Thông này. Nghe qua nghe rất là thích, vì thấy có phần mới lạ. Giáo xứ có đài phát thanh, tờ báo, chương trình truyền hình hay kênh YouTube riêng của mình?
Nói về Truyền Thông thì ý nghĩa của nó rất rộng. Cũng như anh đã nêu ra như đài phát thanh, truyền hình hay kênh Youtube v.v....
Như ở bên nhà thì những phần này không có vấn đề vì trong xứ đạo có sinh hoạt và tin tức hằng ngày. Bên này sinh hoạt của giáo xứ bị hạn chế vì giáo dân ở rải rác khắp nơi. Trong năm có 5 thánh lễ được tổ chức ở một địa điểm chung để các giáo dân cùng về tham dự, cũng là dịp để các đồng hương có cơ hội gặp gỡ nhau. Vì thế không có nhiều tin tức sinh hoạt mới mẻ, sốt dẻo để đưa lên truyền thông hằng ngày. Nên phần truyền thông của giáo xứ cũng chưa được phong phú lắm. Hiện tại giáo xứ đã có tờ báo thông tin, trang web, trang Facebook và kênh YouTube.
Vì lý tưởng và đam mê nên cùng với một người em đã lập ra một kênh YouTube riêng, mục đích là đưa tin mừng thêm đến cho nhiều người qua cách này với chút thay đổi mới mẻ trong phần trình bày. Kênh mang tên “Catholic VietNeT” với sự giúp đỡ và cộng tác của nhiều linh mục trong và ngoài nước.
10.- Sinh hoạt tôn giáo có ý nghĩa và mang lại cho anh điều gì? Và tại sao anh chọn Cộng Đoàn Việt Nam mà không chọn giáo xứ Hoà Lan nơi anh đang ở?
Như em đã nói ở trên. Nhận được nhiều thì phải trả nhiều. (Câu này em nghe mẹ em nói nhiều lần, chắc là nghe nhiều rồi cũng bị thấm). Sinh hoạt tôn giáo nói riêng và các việc chung nó mang lại cho em được niềm vui và hạnh phúc sau khi mỗi công việc đã xong. Vì thấy được mình đã làm cho ai một việc nho nhỏ mà họ cần đến mình.
Bên giáo xứ Hòa Lan em có làm việc một thời gian nhưng so với Việt Nam thì em chọn bên mình. Vì thứ nhất là ngôn ngữ, thứ nhì là người mình với nhau làm việc thuận hơn. Dĩ nhiên là mỗi bên đều có cái hay và cái không hay.
11.- Anh Khanh này! Phỏng vấn anh mà không đề cập đến mục văn nghệ là một thiếu sót rất lớn. Hơn ba thập niên qua anh hoạt động văn nghệ không ngừng nghỉ. Điều gì đã giúp anh giữ mãi được nỗi đam mê với âm nhạc?
Anh đã nêu lên rồi đó, “đam mê”.
Chắc là vì có khiếu về nhạc nên mỗi khi chơi đàn hoặc phân tích một bài nhạc em đều nhận ra và thấy được các nét hay mới mẻ cuả khúc nhạc đó. Điều quan trọng nữa là khán giả, mang niềm vui đến cho khán giả. Khi đứng trên sân khấu nhìn xuống thấy khán giả vui cười, khiêu vũ hoà mình với điệu nhạc. Đó là điều giúp em giữ được nỗi đam mê với âm nhạc.
12.- Từ Vết Chân Hoang, Rạng Đông cho đến Mây Hồng hiện nay, đó là tên của ba ban nhạc mà anh là một trong những thành viên trụ cột. Anh có thể kể vài kỷ niệm buồn vui đặc trưng của từng giai đoạn sinh hoạt của mình với ban nhạc hoặc với ca sỹ đã hợp tác?
Ban nhạc đầu tiên em được gia nhập là Ban nhạc Vết Chân Hoang, còn nhỏ, lính mới nên rất rụt rè. Lúc đó là đi theo các đàn anh, không dám quậy gì hết. Với Vết Chân Hoang, thời 80 em đã đệm nhạc cho các ca sĩ tên tuổi của Việt Nam. Khánh Ly, Giao Linh, Elvis Phương, Hương Lan, Thanh Tuyền, Sơn Tuyền, Trường Hải...v.v.
Điều này đâu bao giờ em dám mơ.
Qua thời ban nhạc Rạng Đông thì sinh hoạt văn nghệ ở Hòa Lan nó khác đi so với thời gian trước. Trình diễn với các danh ca ít đi nhưng có nhiều niềm vui khác. Ban nhạc Rạng Đông trong đó là các anh em cùng lứa tuổi, vượt biển cùng chuyến tàu,, ở cùng trại và ở cùng địa phương.
Mây Hồng là ban nhạc em đang tham gia hiện nay. Điều đặc biệt của Mây Hồng là ngoài ban nhạc ra còn có Ông Bầu, Thủ quỹ, Ban ẩm thực v.v. Sinh hoạt rất chặt chẽ và chu đáo. Ngoài những đêm văn nghệ Dạ Vũ – Hát Cho Nhau Nghe, ban nhạc có tổ chức thêm những đêm văn nghệ gây quỹ từ thiện và tham gia ủng hộ các ban tổ chức từ thiện khác. Mệt mà vui và có ý nghĩa.
13.- Với Cộng Đồng người Việt tỵ nạn ở Hoà Lan, biết anh có cộng tác văn nghệ trong thời gian có thể nói là lâu dàì. Anh có nhận xét gì về lãnh vực sinh hoạt này của Cộng Đồng?
Hơn ba thập niên qua hầu hết như tất cả các chương trình văn nghệ mừng Xuân mỗi năm em đều có cộng tác. Em nghĩ văn nghệ cũng là một trong những cách và cơ hội để mang con người đến với nhau. Nên văn nghệ luôn luôn phải giữ lại trong chương trình sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn ở Hòa Lan.
14.- Anh nhìn người Việt ở Hoà Lan như thế nào và có suy nghĩ về Cộng Đồng và sự tồn tại nay mai?
Em thấy đa số người Việt chúng ta đã gia nhập vào xã hội Hòa Lan. Công việc và cuộc sống ổn định. Các sinh hoạt chung đều tốt. Em thấy không có gì phải lo cả.
15.- Câu hỏi cuối, Việt Nam trong mắt nhìn và tình cảm dành cho của mình. Quê hương, con người và tương lai?
Việt Nam nhìn phía ngoài thì có phát triển, ngược lại bên trong thì khoảng cách giàu nghèo còn rất xa nên còn phải thay đổi nhiều. Mong sao các vị cầm quyền vì con người và tương lai hãy xây dựng lại đất nước với trái tim đầy tình thương.
Năm mới Nhâm Dần sắp đến em mến chúc anh và gia đình nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào và mọi sự như ý.
Chân thành cảm ơn anh Khanh. Cũng vậy, Tết sắp đến, chúc anh và gia đình năm mới luôn được an khang và thịnh vượng.
.
Nguyễn Thanh Linh
__________
Chú thích: Những link liên hệ đến Giáo xứ Công giáo tại Hòa Lan
Website Giáo xứ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: https://giaoxuvietnam.nl/
FB Giáo xứ Việt Nam.- Hòa Lan: https://www.facebook.com/giaoxuvietnam.nl
Kênh YouTube Giáo xứ Việt Nam tại Hòa Lan: https://www.youtube.com/channel/UCit1TBV_1GTy3Qo7itisEAg
Kênh YouTube Catholic VietNeT: https://www.youtube.com/channel/UCIUUZtEbsoVO7k6EhFoozxw
Direct link: