Lại Mạnh Cường
Vài điểm đặc biệt trong Y tế Hòa Lan năm 2008
Gây tê tủy sống trong tất cả các bệnh viện
Từ nay về sau các bệnh viện ở Hòa Lan phải gây tê tủy sống cho các sản phụ chịu đau đẻ nhiều. Điều này được ghi nhận trong phác đồ điều trị mới của các bác sĩ sản phụ khoa, cô đỡ và bác sĩ gây mê.
Cho đến nay chỉ có 40 % các bệnh viện cho dùng phép gây tê tủy sống trong trường hợp sanh đẻ khó trên, nhưng cũng không phải là ngày đêm áp dụng nó. Bởi có một số bác sĩ gây tê mê không chịu đến bệnh viện làm việc ngay sau giờ làm việc. Đồng thời các cô đỡ cũng thường không hưởng ứng, vì lý do phản ứng phụ thường gặp là sốt cao và hạ áp huyết. Vả lại sanh đẻ ở nhà thì lại không thể áp dụng gây tê tủy sống được.
Chính vì thế mà ở HL hiện nay chỉ có 10 % sản phụ được gây tê tủy sống, trong khi ở nước lân bang phía nam là Bỉ lên đến 70 %.
Thử nghiệm rộng rãi thuốc chủng ngừa nghiện hút thuốc
Thuốc chúng ngừa nghiện hút thuốc lá là điều ước muốn con người. Chính vì thế mà đại học Maastricht ở cực nam Hòa Lan đang thực hiện.
Theo các khảo cứu đã qua của đại học Maastricht thì thuốc chủng ngừa này kích thích cơ thể tạo ra một chất sẽ dính liền với chất nicotin trong thuốc lá và làm cho nicotin không lên đến não bộ để gây tác hại.
Có khoảng 600 người hút thuốc khoẻ mạnh tham gia vào thực nghiệm thử nghiệm trên. Theo dự đoán vào khoảng năm 2012 sẽ tung ra thị trường loại thuốc chủng này.
Thành công trong việc áp dụng rộng rãi phương pháp chích lấy máu gót chân
Nhờ vào sự mở rộng việc truy tầm các bệnh bẩm sinh di truyền bằng cách lấy máu gót chân trẻ sơ sinh, nên tìm ra kịp thời thêm nhiều trường hợp mới, theo như kết quả khảo cứu của Viện quốc gia về Y tế và Môi sinh (RIVM).
Kể từ tháng giêng năm 2007 việc truy tầm được mở rộng từ ba lên đến 17 bệnh, nên tìm ra thêm 120 trẻ trong tổng số 194 trẻ mắc bệnh, như bệnh thiếu máu do sự biến dạng hồng cầu (dạng hình lưới hái chẳng hạn).
Đây là một thành công lớn, vì nếu không phát hiện sớm để can thiệp kịp thời các tác hại của bệnh có thể không thể nào hồi phục được nữa.
Nhiều vụ bất cẩn tại trung tâm tâm thần
Tại trung tâm bệnh tâm thần SPDC ở Amsterdam nơi mà hồi tháng 9 vừa qua một bệnh nhân ở trong phòng cách ly bị chết, mọi sự đều không ổn.
Mặc dù có những khuyến cáo từ cơ quan giám sát y tế về tình trạng tồi tệ trong chăm sóc bệnh nhân, hầu như sau đó vẫn không có sự cải tiến nào cả. Theo báo cáo của điều tra viên bác sĩ điều trị và nhân viên điều dưỡng làm việc không gắn bó nhau và việc phục vụ thuốc men cẩu thả.
Trường hợp bệnh nhân bị chết nói trên là do bị chết sặc bởi một mẩu bánh. Điều này dẫn đến sự đóng cửa dưỡng đường này.
Ghi chú: Trong năm nay có một số bệnh viện ở các thành phố lớn nhỏ bị đóng cửa phòng mổ do không đạt đúng tiêu chuẩn đề ra, như hệ thống thông gió trong phòng mổ không bảo đảm vô trùng.
Theo tôi cảm nhận, kể từ sau khi có sự tư nhân hóa trong lãnh vực y tế (privatisatie in de sector Volkgezondheidzorg), nên trong những năm qua mặc dầu tiến đóng bảo hiểm gia tăng mạnh nhưng phẩm chất có chiều đi xuống thấy rõ ngày một nhiều. Tôi không nghĩ do nhờ cách mạng thông tin nên mọi việc (bê bối) lớn nhỏ được nhanh chóng phơi bày ra ánh sáng hơn trước nhiều.
Số tử vong ở trẻ sơ sinh còn cao
Hòa Lan vẫn còn là một trong những nước có tử xuất trẻ sơ sinh cao nhất tại Âu châu, theo như khảo cứu về mẹ và con sơ sinh ở 26 nước.
Trong năm 2004 cứ 100 trẻ sơ sinh có một trẻ bị tử vong trong lúc mang thai hay ít lâu sau khi ra đời. Chỉ có Pháp và Letland là tử xuất trẻ sơ sinh cao hơn Hòa Lan thôi. Vào năm 1999 tử xuất cao nhất trong các nước được khảo sát.
Chính các nhà khảo cứu cũng chưa rõ lý do tại sao như thế. Có thể do sự ngưng chữa trị sớm các trẻ sinh quá non ngày tháng. Cũng có thể do các sản phụ cao tuổi quá khi mang thai.
Unicef: Chỉ trích chính sách nhà trẻ của Hòa Lan
Theo báo cáo của UNICEF (United Nations International Childrens Emergency Fund; Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp Trẻ em Quốc tế của LHQ) Hòa Lan là nước mà ngày nghỉ phép của cha mẹ dành cho chăm sóc con cái rất ít nhưng tiền chi cho nhà trẻ lại khá cao. HL là một trong số những nước có ngày nghỉ đó ngắn nhất ở Âu châu. Cơ quan này báo động, nếu cứ để mặc cho các em nhỏ ở lâu trong nhà trẻ thì sẽ có ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của các cháu bé sau này.
Dựa vào số liệu năm 2005 Unicef cho biết các phụ huynh ở Hòa Lan phải trả trung bình là 44% chi phí cho nhà trẻ, trong khi đó trung bình nơi khác là 25%.
Tuy vậy Unicef khen ngợi sự giáo dục trẻ lớn 4-6 tuổi tại Hòa Lan, nhất là những chương trình đặc biệt dành cho trẻ không chính gốc ở Hòa Lan.
Lại Mạnh Cường