Lê Ngọc Vân
Truy tầm tội phạm qua DNA
Lần đầu tiên trong lịch sử truy lùng tội phạm ở Hà Lan, một phương pháp khoa học đã được đem áp dụng thử nghiệm sau nhiều bàn cãi. Ðó là phương pháp scan DNA của cư dân trong một quy mô lớn, từ đó so sánh với DNA lạ lấy từ cơ thể, vật dụng của nạn nhân hay tại hiện trường để cuối cùng tìm ra đích danh thủ phạm.
Nội vụ bắt đầu vào ngày 30/04/1999, ngày lễ hội Nữ hoàng Hà Lan. Tối hôm ấy, cô Marianne Vaatstra (16 tuổi) khi tan party đã cùng với hai anh bạn đạp xe về nhà của họ. Sau đó, lúc gần hai giờ khuya, cô nhất định đòi một mình đi xe đạp về nhà, mặc cho bạn cản. Sáng sớm hôm sau, không thấy cô về, người ta đi tìm và thấy xác cô bị bỏ trong một khe đá bên bờ đường, ngay gần nhà, cách nơi cô từ giã bạn không xa. Một kẻ lạ mặt đã cưỡng hiếp, siết cổ cô bằng nịt vú rồi sau đó cắt cổ. Chuyện xảy ra trong một vùng quê hẻo lánh thuộc Tây Bắc Hòa Lan.
Vì tính cách đặc biệt của vụ án, 12 nghi can đã lập tức bị câu lưu điều tra, sau đó là một cuộc khảo cứu 900 mẫu DNA của những người có liên quan ít nhiều đến nạn nhân. Người dân trong vùng, luôn cả ban điều tra, đặc biệt chú ý đến một trại tị nạn gần đó. Nhưng những kết quả xét nghiệm đều không dẫn đến dấu tích thủ phạm.
Ban điều tra đi vào ngõ cụt, vụ án nhiều lần bị xếp lại, nhưng dư luận và nhất là gia đình nhất quyết đòi hỏi phải điều tra đến cùng. Nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng không có giả thuyết nào đứng vững, không có một chứng nghiệm đáng tin cậy. Nhiều câu hỏi đặt ra không có lời giải: không có dấu vết chống cự, không có dấu hiệu bạo hành. Như vậy chắc chắn hung thủ phải là người quen của cô. Trong túi xách của cô có chiếc bật lửa, chắc chắn của hắn. Tại sao tối ấy cô không về theo con đường quen, mà rẽ sang lối khác v.v… Báo chí cũng nhảy vào, cả một số điều tra viên độc lập, nhà ngoại cảm… cũng tham gia cuộc tìm kiếm, nhưng chỉ hoài công.
Do áp lực từ nhiều phía, và do hoàn cảnh địa lý đặc biệt dễ khoanh vùng, còn một phương pháp sưu tra diện rộng, đó là scan DNA dân cư toàn vùng bất kể ai, từ đó tìm ra người có DNA giống như mẫu vật lấy được từ thi thể nạn nhân (trong trường hợp cô Marianne là tinh trùng của người đã hiếp cô). DNA là một chuỗi những gen kết lại với nhau. Số lượng gen tuy giới hạn, nhưng do thứ tự nối kết biến đổi không cùng cho nên mỗi cá nhân có một “bản đồ gen” độc nhất. Tỉ lệ trùng nhau của bản đồ gen DNA tính bằng phần tỉ, tức cả tỉ người mới có hai người có bản đồ gen giống hệt nhau.
Ðể dễ hiểu, có thể so sánh phương pháp này với phương pháp cổ điển bằng cách lấy dấu tay tất cả mọi người và so dấu tay lạ trên cơ thể, vật dụng của nạn nhân để tìm ra người có dấu tay giống như vậy. Lý thuyết là vậy, nhưng sưu tra qua dấu tay bao giờ cũng chỉ thu gọn trong một số nghi can. Tìm theo phương pháp ‘mù’ sẽ không đi đến đâu, do tổn phí quá lớn. Ðiểm khác biệt với phương pháp lấy dấu tay là DNA chính xác hơn qua kỹ thuật số hóa. Ngoài ra DNA mang những gen di truyền, những người trong cùng dòng họ có những khúc gen trong chuỗi DNA tương tự nhau, việc dò tìm vì thế có thể định hướng được, không cần phải dò tìm từng mẫu cho đến khi tìm ra sự giống nhau 100% giữa nghi can và dấu vết để lại nơi nạn nhân.
Sau nhiều đắn đo, cuối cùng vào ngày 29/09/2012, ban điều tra tội phạm đã quyết định kêu gọi tất cả cư dân trong một vùng bán kính 5km đến lấy mẫu để thử DNA. Hơn 8000 người đã hưởng ứng lời kêu gọi. Gần 2 tháng sau (18/11/2012), người ta đã tìm ra nhân vật có bản đồ DNA giống 100% mẫu lấy được từ người cô gái. Lúc này, mọi người mới bật ngửa. Nhân vật này là một người Hà Lan hoàn toàn, ở cách hiện trường 2,5km, và lạ nhất, đây là một người “bình thường”, và không có dấu hiệu gì quen thân cô gái. Jasper, tên người đàn ông 45 tuổi, cũng đã nghe lời kêu gọi, tình nguyện đến để cho lấy mẫu thử DNA.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn còn là ẩn số, vì anh chàng Jasper không còn nhớ gì mình đã làm, dường như anh bị một chứng tâm thần nào đó, vẫn chưa xác định. Người ta tự hỏi nếu anh là thủ phạm, vì sao anh ta lại đến nạp mạng. Hay là phương pháp thử sai, nhưng kết quả của lần thử thứ hai để, cũng xác định rõ ràng DNA đó là của anh!
Như thế, lý do nào anh ta lại tình nguyện đến. Có nhiều giải thích:
– Anh biết mình có tội, và sau nhiều năm bị lương tâm dằn vặt giờ đây muốn rũ bỏ tất cả bí mật phải giữ
– Anh bị áp lực xã hội thúc đẩy, không thể có một chọn lựa khác. Trong một vùng quê hẻo lánh, mạng lưới xã hội rất chặt. Nếu anh không tuân theo lời kêu gọi, mặc nhiên anh là kẻ đáng nghi ngờ.
– Anh biết là mình có tội, nhưng theo luật pháp Hà Lan, kết quả thử DNA không đủ yếu tố buộc tội. Vì thế anh chấp nhận rủi ro.
– Anh đã cố gắng chôn vùi vụ hãm hiếp và cố sát để nó chìm sâu vào sâu trong ký ức, sự tự kỷ ám thị đã lên tới mức anh hoàn toàn cảm thấy mình vô tội.
– Anh biết mình có tội, và nhận thức rằng mình không còn có cách nào trốn tránh được nữa.
Trong khi chờ đợi màn bí mật được vén lên, chúng ta thử xem vụ việc này đã gây ra những phản ứng xã hội ra sao.
– Sau khi xác cô bé được phát giác, người dân trong vùng đã chĩa ngay mũi dùi vào trại tị nạn cách đó không xa. Ðiều này dễ hiểu. Trong một khu làng nhỏ, mọi người quen mặt nhau, cùng sinh hoạt với nhau, không ai có thể tưởng tượng được là một người hàng xóm có thể nhẫn tâm làm chuyện dã man như thế. Nhất là sau đợt xét nghiệm DNA lần đầu nơi những người có thể bị tình nghi, người ta đã không tìm ra dấu vết thủ phạm. Một người Irak có lần đã giơ tay hăm dọa cô Marianne và làm dấu cắt cổ, đã bị câu lưu thẩm vấn. Anh cho biết họ đã ép cung đến mức anh ta sắp sửa nhận một tội không có.
– Ngay khi ban điều tra thông báo tìm được “match 100%”, người ta đã gửi cho nhau tin nhắn, tweets là “người da trắng”, mọi người ngỡ ngàng tự hỏi “có thể nào như thế được”, chứng tỏ vấn đề chủng tộc, sắc dân ở những vụ án đóng vai trò quan trọng. Ðồng thời chưa có giới chức thẩm quyền hay tờ báo ngỏ ý tiếc là đã nghi oan cho những người tị nạn, nhất là cho anh Irak kia, nếu không có sức chịu đựng dai thì giờ này đã nằm trong nhà tù, chịu sự nguyền rủa. Ở Hoa Kỳ có thể anh ta đã đi gặp đấng Allah ở trên trời.
– Sự phát hiện ra thủ phạm là người bình thường như mọi người khác trong vùng đã làm gia tăng sự nghi ngờ ngay những người hàng xóm của mình. Trong những năm gần đây, liên tiếp qua nhiều vụ cho thấy có những chuyện động trời xảy ra ngay trong vùng, ngay sát cạnh nhà mà không ai ngờ. Xã hội với cá nhân chủ nghĩa phải chăng đã là nguyên nhân cho những vụ việc như thế?
– Nhờ vụ này mà người dân được giải thích khá rõ ràng về những thủ tục cần có để lấy mẫu thử, qui trình thử, sự cất giữ hồ sơ... Một điều làm người ta yên lòng là theo luật pháp Hà Lan hiện hành, DNA chưa phải là yếu tố định tội, mà phải có một bằng chứng khác. DNA chỉ là một cơ sở để định hướng cho cuộc điều tra được tiếp tục.
– Dư luận chung hiện chia ra làm hai khuynh hướng chính: đa số không muốn nhà nước lưu giữ bản đồ DNA của tất cả mọi người dân. Trên lý thuyết, một khi DNA của toàn thể dân chúng trên địa cầu được lưu giữ, không ai có thể lường được tầm ảnh hưởng của nó, nếu bất kỳ một vụ án nào, cho dù nhỏ nhặt đến đâu, cũng có thể nhờ vào DNA để tìm ra đích danh thủ phạm. “Big Brother is watching you” là một ý niệm chỉ nghĩ đến đã thấy rùng mình, tưởng tượng như đang ở trong một xứ độc tài hay đang ở trên thiên đường cộng sản.
– Nhưng có một thiểu số lại thấy rằng điều đó tốt. Lý luận của họ là: nếu bạn không làm điều gì sai trái thì việc ấy có làm sao đâu, nó còn giúp ích cho luật pháp nữa. Như Luxembourg đặt camera đầy đường, nhưng vẫn được tiếng là một quốc gia có trật tự.
Lê Ngọc Vân