Lê Ngọc Vân
Truyền hình nổi 3D – Bước tiến mới của ngành truyền hình
Nếu khoa học không gian thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin thì thể thao và âm nhạc cũng góp một phần không nhỏ cho việc thúc đẩy cải tiến không ngừng của ngành truyền thông, mà giai đoạn hiện nay là truyền thông qua hình ảnh.
Tuy nhiên một điểm yếu của màn ảnh truyền hình phẳng là hình ảnh mất đi chiều sâu, một yếu tố không thể thiếu để cho người xem có được cảm giác như thật 100%. Chiều sâu người ta nhận biết được khi xem tranh ảnh, truyền hình là do sự tưởng tượng của trung tâm phán đoán trong óc, dựa vào sự che lấp lẫn nhau của vật thể hay dựa trên sự so sánh giữa các vật trong hình với nhau trong khi đối chiếu với những ý niệm có sẵn. Thí dụ khi thấy trái banh bị che một phần bới cầu thủ, óc sẽ cho thông tin là trái banh ở phía sau. Trái lại khi thấy trái banh lớn lên bất thường so với cầu thủ, người ta biết là anh chàng đang sút banh về phía bạn.
Trong thực tế, chiều sâu người ta nhận biết được là do mắt phải nhận được một hình hơi khác hơn mắt trái, do ở góc độ nhìn vật thể khác nhau. Vật càng gần mắt thì hình do mắt trái nhận càng khác hình do mắt phải nhận được, và óc sẽ suy đoán dựa theo kinh nghiệm để cho ta biết vật thể cách xa mắt khoảng bao nhiêu. Một người bị mù một mắt chỉ thấy một thế giới ‘phẳng', nhưng họ ít bị ảnh hưởng trong sinh hoạt hàng ngày là do óc cho họ biết một thông tin giống như khi ta xem truyền hình.
Phim ảnh 3D đã được phát minh sau thế chiến thứ 2, bằng cách thu hình cùng lúc từ 2 máy quay phim đặt ở góc độ giống như nhìn bằng hai mắt. Hai cuộn phim sẽ được chiếu cùng tốc độ, trên màn ảnh người xem thấy như phim có bóng mờ bên cạnh, nhưng khi đeo kính xem (1 mắt kính màu đỏ, 1 màu xanh) thì mỗi mắt sẽ chỉ nhìn thấy một phim, hình ảnh giác khác nhau nhận được từ hai mắt sẽ cho người xem cảm giác hình nổi lên trên màn chiếu. Tuy nhiên phim sẽ trở thành đen trắng.
Với công nghệ LCD hiện đại, đầu thế kỷ 21 các phòng nghiên cứu của Texas Intrument, Philips… đã thành công trong việc chế tạo truyền hình 3D. Nguyên tắc của kỹ thuật này là sự chế tạo màn hình bằng những tấm gương rất nhỏ, với góc độ tương ứng với góc độ nhìn của hai mắt. Máy sẽ chiếu lên hai mặt này hai tấm phim đồng bộ, một cho mắt phải, một cho mắt trái. Mỗi mắt sẽ nhận phần lớn hình ảnh dành cho mắt này, khiến cho người xem có ảo giác là hình nổi lên như thật.
Tại Hoa Kỳ, cho tới nay đã có nửa triệu máy truyền hình ‘3D ready' được bán ra và ở Nhật truyền hình cũng đã thí nghiệm phát hình 3D mỗi ngày 1 giờ.
Từ ngày bắt đầu giải quần vợt (tennis) Roland Garros 2008, công ty Orange đã cho trưng bày màn ảnh truyền hình 3 chiều, một biểu dương đầu tiên tại Âu châu. Khi mang kiếng Ray-Ban (lại một công ty được ‘ăn ké' theo phát minh) người ta sẽ thấy hình nổi lên. Đây sẽ thành màn ảnh nhỏ trong tương lai gần, đẩy màn ảnh 2D cổ điển vào phòng ngủ hay vào sọt rác trong mọi gia đình.
Hollywood chỉ chờ đợi có thế, để bắt đầu chuyển đổi những phim 2D thành 3D. Hiện tại đã có một số phim 3D bán trên thị trường Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất là những phim ‘Return to the Superman' và ‘Monster House' phát hành năm 2006, và phim hoạt họa ‘Meet the Robinsons' năm 2007.
Lê Ngọc Vân
(05/2008)