Phạm Đình Lân


Thảo mộc mang tên Đào hay Điều

 

Đào có nghĩa là đỏ, hồng như má đào, yếm đào. Người miền Nam cũng dùng chữ Đào để chỉ màu đỏ hay hồng nhưng chữ Điều được dùng nhiều hơn. Như vậy chữ Đào và Điều đều đồng nghĩa.

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người dảy gấm khăn điều vắt vai.
(khăn điều: khăn đỏ)

Nhưng cây điều (cashew tree), cây đào (peach tree) và cây đào (cây mận, cây lý Malaysian fruit tree, water apple tree) là ba cây ăn trái khác nhau.

Trong bài viết ngắn ngủi nầy chúng tôi lần lượt trình bày về Cây Điều, Điều Nhuộm, Cây Mận mà người miền Nam còn gọi là Cây Đào và sau cùng là Cây Đào và cây Đào Tiên.

 

Cây Điều: Đào Lộn Hột

Cây đào lộn hộtGọi là Điều hay Đào Lộn Hột vì trái có màu đỏ và hột nằm phía ngoài trái chớ không nằm trong trái như những hột trái cây khác. Thực tế ngoài trái điều màu đỏ còn có những trái điều màu vàng óng ánh rất đẹp.

Cây điều gốc ở Brazil được người Bồ Đào Nha đem giống trồng ở Ấn Độ và Phi Châu vào thế kỷ XVII. Ngày nay cây điều được trồng ở nhiều nơi có khí hậu nhiệt đới trên thế giới. Cây điều thích hợp với đất cát và có thể sống ở vùng có vũ lượng thấp.

Tên khoa học của cây điều là Anacardium occidentale thuộc gia đình Anacardiaceae. Người Bồ Đào Nha gọi cây điều là caju, phỏng theo cách gọi của người Tupi: acaju. Người Anh gọi là cashew tree.

Cây điều cao từ 5 - 10m. Lá to và dầy. Hoa chùm, có tia màu tím nhạt. Trái to như trái lê. Hột nằm dưới phần nở phì của trái. Trái điều non rất chát. Hột điều to và có lớp vỏ cứng bên ngoài. Muốn ăn hột bên trong người ta phải nướng hột điều. Nhựa toát ra từ hột điều nướng gây phỏng da hay dị ứng khó chịu. Hột điều có nhiều chất béo ngon hơn đậu phọng, hột pecan và các loại hột có chất béo và dầu khác. Khi trái điều còn non mà bị mất hột thì trái bị thối, không lớn và chín được.

Cây điều có nhiều nhựa gây dị ứng da. Rễ cây không sâu nên cây điều dễ bị trốc gốc khi gặp gió lớn. Ờ miền Nam các tỉnh Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Tây Ninh là những nơi có trồng nhiều cây điều. Trước năm 1975, Lái Thiêu lại là nơi sản xuất kẹo hột điều nổi tiếng.

Ờ miền Nam người ta thường ăn cá nướng lụi với điều vào mùa điều sau Tết Nguyên Đán. Nước vắt của trái điều được dùng để nấu một loại nước mắm thực vật dành cho những người ăn chay.

Trái điều có sinh tố B, ác xít ascorbic, thiamine, riboflavine, niacine, Fe, Ca. Dầu lấy từ hột điều có nhiều phenols. Dầu lấy từ vỏ hột điều có 90% ác xít anacardic C22 H32 O3 và 10% cardol C32 H27 O4. Cồn cất từ lá điều có tác dụng hạ đường trong máu và kháng bướu. Nhựa điều làm mềm các vết chai. Ờ Ấn Độ người ta dùng nó để trị bịnh hủi. Người ta cũng dùng nhựa điều để làm vẹt-nit làm cho mối mọt phải tránh xa. Vỏ cây điều dùng để trị tiêu chảy, kiết lỵ và chứng thiếu đường trong máu (hypoglycemia). Hoạt chất lấy từ vỏ cây điều có tác dụng ngừa thai. Nước vắt của trái điều dùng để trị cảm cúm.

Các quốc gia sản xuất nhiều hột điều trên thế giới là:
1- Việt Nam: 28%
2- Ấn Độ 25%
3- Nigeria: 10%Cây Ðiều nhuộm
4- Brazil: 8%

Quốc gia nhập cảng nhiều hột điều nhất là Hoa Kỳ.

 

Cây Điều NhuộmTrái của cây Ðiều Nhuộm

Cây điều nhuộm hay sim phụng gốc ở Nam Mỹ. Người Tupi gọi là urulu. Người Anh gọi là achiote tree.

Đó là một loại cây cao từ 4 - 6 m. Lá láng màu xanh tươi. Hoa năm cánh màu tím nhạt với nhiều nhụy màu tím sẫm. Trái có gai mịn tựa trái chôm chôm màu đỏ. Nhưng tên điều nhuộm phát xuất từ công dụng của hột dùng để nhuộm thức ăn màu đỏ tươi rất đẹp. Hột điều nhuộm nhỏ như hột tiêu nhưng màu đỏ. Thổ dân ở Nam Mỹ dùng hột điều nhuộm để làm màu đỏ sơn vào người hay làm son. Vì vậy người Anh còn gọi cây điều nhuộm là lipstick tree. Người Da Đỏ cũng dùng hột điều nhuộm để nhuộm tóc.

Tên khoa học của cây điều nhuộm là Bixa orellana thuộc gia đình Bixaceae. Tên khoa học của loại thảo mộc nầy được đặt theo nhà thám hiểm Tây Ban Nha Fracisco de Orellana (1511-1546). Người Tây Ban Nha đem hột điều nhuộm sang Phi Luật Tân và từ đó cây điều nhuộm được tìm thấy khắp Đông Nam Á.

Ở Việt Nam hột điều nhuộm làm cho các nồi bò kho, cà ri, bún bò Huế có màu đỏ tươi hấp dẫn. Hột điều nhuộm cũng có mùi thơm.

Hột điều nhuộm có bixin (annatto) C25 H30 O4, carotenoids, apocarotenoids.

Dầu lấy từ hột điều nhuộm dùng để trị phỏng lửa, phong hủi, ngộp thở, viêm cuống họng, viếm cuống phổi. Nhựa cây điều nhuộm dùng để trị tiểu đường loại II.

 

Cây mận: cây đào

Ở Nam Bộ người ta gọi cây mận là cây đào hay tiên lý. Đó là một loại cây ăn trái có rất nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, các hải đảo Thái Bình Dương và biển Caribbean. Gọi là cây đào căn cứ vào màu đỏ của trái. Thực tế màu của trái mận có thể là màu trắng, xanh nhạt, đỏ, hồng, sọc đỏ hay tím sen (đỏ bầm). Hoa mận có năm cánh màu trắng với nhụy dài màu vàng tự như hoa mai rất đẹp.

Cây MậnTên khoa học của cây mận là Eugenia aquea thuộc gia đình Myrtaceae. Người anh gọi là Water apple, Malaysian fruit tree, Indonesian fruit tree. Ở vùng Caribbean, Florida có mận Pitomba mang tên khoa học Eugenia luschnathiana màu vàng và cơm mềm.

Trái mận ngon là trái mận to, cơm dày và hột nhỏ. Mận là một loại trái cây có giá trị tầm thường nên không thể xuất cảng được. Ở Nam Bộ người ta dùng lá mận non để ăn bánh xèo. Trái mận được ăn tươi hay rim đường để làm mứt.

Vỏ cây mận đắng và chát vì có nhiều tannins dùng để nấu nước rơ lưỡi cho trẻ em.

Ở miền Bắc Việt Nam trái plum của dòng thảo mộc Prunus, gia đình Rosaceae được gọi là trái MẬN. Cây Prunus mume mà người Nhật gọi là ume (âm tương tự với ô mai), Anh: Chinese plum hay Japanese apricot. Người Trung Hoa gọi hoa của cây Prunus mumeMeihua (mai hoa). Cây gọi là cây MAI hay MƠ. Trái gọi là Meiyu (mai vũ) vì trái chín vào mùa mưa. Hoa bắt đầu trổ vào mùa đông để nở vào đầu xuân. Ở miền Bắc người ta gọi hoa cây Mai nầy là hoa Đào vì hoa có năm cánh màu đỏ hay hồng nhạt dùng để chưng vào ngày Tết với hy vọng có Thần Trà, Uất Lũy ẩn nấp dưới cành hoa Mai đào nầy để xua đuổi tà ma như người miền Nam chưng hoa mai để cầu may vậy.

Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Hoa đào năm trước còn cười gió đông nầy là hoa của cây Mai (Mơ) Prunus mume nầy chớ không phải là hoa của cây Đào (Peach) Prunus persica sẽ nói ở phần sau.

Cây Mai Prunus mume hoàn toàn khác với cây Mai Ochna harmandii thuộc gia đình Ochnaceae ờ vùng nhiệt đới. Cây Mai Prunus mume có trái to. Khi chín khô trái chuyển sang màu đen. Từ đó có tên gọi trái ô mai. Trái ô mai được dùng để làm nước chấm hay để cất rượu. Đó là mai tửu (meijiu). Xí muội được làm từ trái mai dùng để cho người bịnh ngậm cho đỡ lạt miệng.

Câu:
Mai cốt cách tuyết tinh thần (Đoạn Trường Tân Thanh - Nguyễn Du)
Mình hạc xương mai

đề cập đến cây mai Prunus mume hơn là cây mai Ochna harmandii mặc dù cây mai Ochna harmandii rất chậm lớn trong khi cây mai Prunus mume có thể cao từ 10m - 15m. Hoa mai Prunus mume trắng, đỏ hay hồng, nhụy vàng. Ý của hai câu trên xuât phát từ người Trung Hoa khi nói về cốt cách đầy nữ tính của người phụ nử. Cây mai Prunus mume được tìm thấy nhiều ở Trung Hoa. Nó thích hợp với vùng khí hậu bán nhiệt đới và ôn đới trong khi cây mai Ochna harmandii chỉ mọc ở vùng khí hậu nhiệt đới mà thôi. Trái cây mai Ochna harmandii nhỏ, màu đen láng nhưng không ăn được. Cả hai cây mai trên đều nở hoa vào mùa Xuân. Cả hai loại Mai đều tượng trưng cho sự hy sinh cao cả của người phụ nữ trong xã hội Đông Phương nhưng lúc nào cũng lạc quan tươi cười, chuẩn bị chào đón Xuân về ngay trong tiết mùa đông.

Cây MaiHoa mai Prunus mume là đề tài được các nghệ nhân Trung Hoa khai thác trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Đó là hoa biểu tượng của Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan - Đài Loan). Hoa có năm cánh tượng trưng cho Ngũ Quyền Phân Lập: Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, Giám Sát và Khảo Thí. Hoa có ba nhụy ở mỗi cánh hoa. Ba nhụy đỏ tượng trưng cho Tam Dân chủ Nghĩa (San Min Chu I) của Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên): Dân Tộc, Dân Quyền và Dân Sinh.

Ở đây chúng ta thấy có nhiều phức tạp trong cách dùng tên thông dụng:
1- Cây Prunus mume được gọi là cây MAI hay MƠ thuộc dòng Prunus chớ không phải MAI thuộc dòng Ochna tức cây MAI ở Nam Bộ.
2- Hoa của cây MAI Prunus mume thì gọi là hoa ĐÀO (hoa màu đỏ hay hồng nhạt).
3- Trái plum của thảo mộc dòng Prunus được gọi là trái MẬN (miền Bắc Việt Nam).
4- Trái cây MAI Prunus mume được gọi theo người Trung Hoa là mai vũ (Meiyu - trái chín vào mùa mưa) hay ô mai (wumei hay oomei) ( trái chín khô chuyển sang màu đen).

 

Cây Đào (Peach tree)

Cây và trái ÐàoAlexander Đại Đế là người đã đưa giống trái đào từ Ba Tư (Persia - Iran bây giờ) về Hy Lạp và đinh ninh rằng cây đào gốc ở Persia. Vì vậy tên khoa học vủa cây đào là Prunus persica thuộc gia đình Rosaceae. Trung Hoa là sinh quán của cây đào. Từ đó cây đào được du nhập vào Persia (Ba Tư), Ấn Độ, Nam Âu. Người Tây Ban Nha du nhập cây đào vào Mỹ châu vào thế kỷ XVI. Người ta thấy cây đào đầu tiên ở Virginia vào năm 1720.

Gọi là cây đào vì cây có trái màu đỏ-vàng. Trái đào có lông mịn. Trái đào và trái nectarine mang cùng một tên khoa học. Về màu sắc hai loại trái này như nhau. Trái đào có lông mịn trong khi trái nectarine có da láng bóng. Cơm trái đào nhão và có vị chua-ngọt. Vị của trái nectarine cũng chua-ngọt nhưng cơm không nhão như cơm trái đào. Cả hai đều có hột rất cứng. Hoa cây đào màu đỏ hay hồng nhạt, có năm cánh rất đẹp.

Trái đào có sinh tố A, C, chất sắt, potassium v.v. Trái dùng để ăn, làm mứt hay cất rượu. Ngày nay các nước Trung Hoa, Hoa Kỳ, Ý Đại Lợi và Hy Lạp là bốn quốc gia sản xuất nhiều trái đào nhất thế giới. 75% mức sản xuất trái đào của Hoa Kỳ xuất phát từ California. Nhưng trái đào là biểu tượng của tiểu bang Georgia và hoa đào là hoa biểu tượng của Delaware.

Cây đào, hoa đào và trái đào có một vị trí đặc biệt trong văn hóa Trung Hoa với chuyện Đào Viên Kết Nghĩa. Trong bức tranh Tam Đa, Ông Thọ cầm trái đào biểu tượng cho sự trường thọ.

Lá, hoa, hột, vỏ và trái đào đều được dùng như thuốc nhuận tiểu, nhuận trường, hạ sốt, trị lãi, ho, ho gà, suyễn, viêm phế quản, táo bón, cước khí, hoàng đản, kinh nguyệt, tươi nhuận máu, thông khí quyển cho sản phụ v.v... Lá cây đào có độc chất cyanogenetic glycosides. Hột có hydrogene cyanide. Nhưng trong Đông Y người ta dùng đào nhân (tao ren - hột trái đào) để trị ho, suyễn, táo bón, kinh nguyệt, nhưng không dùng hột sinh đôi vì độc. Người ta cho rằng hột trái đào ăn được nhưng không nên ăn hột đắng vì có nhiều độc chất. Độc chất trong hột trái đào ở liều lượng nhẹ có tác dụng tốt cho sự tiêu hóa và hô hấp. Hột trái đào có sinh tố B17 được xem là có tác dụng trị ung thư. Dầu lấy từ hột trái dùng làm kem dưỡng da.

Lá cây đào dùng làm màu nhuộm xanh hay vàng. Các bà nội trợ ở vùng ôn đới dùng lá cây đào để chùi nồi chảo nhằm khử sạch mùi mỡ hay mùi hành, tỏi.

Trái đào cho màu nhuộm màu xanh lá cây sậm.

Nhựa dẻo làm keo hay thuốc cầm máu, thuốc hượt trường.

 

Cây đào tiên

Cây Ðào TiênSinh quán của cây đào tiên là các quốc gia Trung-Nam Mỹ nhiệt đới và các hải đảo trong biển Caribbean. Tên khoa học của cây đào tiên là Crescentia cujete thuộc gia đình Bignoniaceae. Người Anh gọi là gourd tree, calabash tree; Tây Ban Nha: calabasa. Chữ calabash chỉ trái bầu hồ lô.

Cây đào tiên cao lối 6m - 7m. Lá xanh sậm và láng. Hoa màu xanh nhạt. Trái tròn và xanh tựa trái bưởi. Trái chín toát mùi thơm dịu dễ chịu. Trái có lớp vỏ dày và cứng khi chín khô. Bên trong có nhiều cơm trắng và mềm với nhiều hột đen. Hột ăn được và có vị ngọt như cam thảo.

Trái đào tiên là thân thuộc gần của trái Jicaro ở Trung và Nam Mỹ nhiệt đới, mang tên khoa học Crescentia alata. Người Maya xem cây đào tiên là thiêng mộc.

Trên các hải đảo Caribbean người ta cưa trái đào tiên khô làm đôi để làm chén ăn cơm hay làm gáo nước. Trái đào tiên tẩy xổ rất mạnh. Thổ dân ở Mỹ Châu nhiệt đới và đại dương nấu trái lấy nước uống trị tiêu chảy, đau bụng, cảm hàn, ho, viêm phế quản, viêm đường tiểu. Lá đào tiên dùng để hạ huyết áp.

Theo truyền thuyết vườn đào của Xi Weng Mu (Tây Vương Mẫu) mấy ngàn năm mới ra trái một lần. Ai ăn trái đào nầy thì sống ngàn năm. Vậy trái đào trong truyền thuyết nầy là trái đào Prunus persica hay trái đào tiên Crescentia cujete?

Trái đào trong bức tranh Tam Đa mà Ông Thọ cầm trên tay là trái đào Prunus persica (peach) biểu tượng cho sự trường thọ chớ không phải trái đào tiên (calabasa) Crescentia cujete. Cây đào gốc ở Trung Hoa. Cây đào tiên gốc ở Mỹ Châu nhiệt đới.

Trong bài hát Thiên Thai của Văn Cao có câu:" Thiên Thai! Chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên". Có phải là trái đào tiên Crescentia cujete không?

Tại sao trái đào luôn luôn gắn liền với Tiên? Đối với Tiên Ông đó là sự trường thọ bất tử (Immortals)? Đối với Tiên Nữ là sắc đẹp và thanh xuân miên trường như màu hồng tươi nhuận của trái đào và màu xanh tươi của trái đào tiên? Trái đào tiên không bao giờ hư thối rã rụt. Phải mất bảy, tám tháng trái mới chín và tỏa hương thơm.

Tại sao trái đào là biểu tượng của sự trường thọ? Vì dược tính đa dạng, nhất là khai thông khí huyết của lá, hoa, hột, vỏ và trái đào?

Thắc mắc cuối cùng là tại sao gọi là trái đào tiên mặc dù trái nầy không có màu đỏ khi chín? Xin độc giả vui lòng góp ý.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
(Bài viết tổng hợp nầy dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Tự Điền do chính tác giả Phạm Đình Lân biên soạn)

 


Cái Đình - 2012