Mai Thanh Truyết


Phát huy sáng kiến kỹ thuật trong phát triển tại Việt Nam


Kể từ khi chiến tranh chấm dứt, tiếng bom đạn hoàn toàn im hơi trên dải đất hình chữ S, toàn cõi Việt Nam đã có một lãnh đạo mới và đã bắt đầu kế hoạch phát triển quốc gia ngay sau ngày 30/4/75. Trước cuộc qua phân của đất nước, người dân miền Nam ngay từ ngày đầu tiên sau chiến tranh đã phải hứng chịu nhiều hụt hẫng và mang một tâm trạng thật phức tạp, nhất là giới trí thức. Dù khách quan hay chủ quan, trong tận đáy sâu của mỗi người đều tự đặt câu hỏi cho chính mình: Làm thế nào để thích ứng và hội nhập vào chế độ mớỉ Cho đến hôm nay, sau 29 năm chấm dứt chiến tranh, thiết nghĩ cũng không dễ để có một câu trả lời thích đáng!

Lý do là tình tự dân tộc dường như thiếu vắng không thể hiện ra được nơi đây vì những rào cản vô hình ảnh hưởng đến tâm cảnh của mỗi người dù ở trong nước hay hải ngoại. Vì đâu nên nỗi? Xin nhường câu trả lời cho mỗi người trong chúng ta.

Từ các uẩn khúc riêng tư của từng cá nhân một, do đó việc hội nhập vào xã hội mới thể hiện muôn vàn hình thức khác nhau. Duy có một điểm chung duy nhất là làm thế nào để có thể "sống còn", nhất là về phương diện đời sống kinh tế gia đình. Đó là điều mà mọi người đều phải trực diện và quan tâm đến nhiều nhất, và nhu cầu trên đã thúc đẩy người dân nhất là giới trí thức cần phải "phát huy sáng kiến" để bảo vệ nồi cơm gia đình.

Bài nầy có mục đích ghi lại trung thực một số sáng kiến điển hình đã được phát huy trong lãnh vực khoa học kỹ thuật đã và đang thực hiện tại Việt Nam trong thời kỳ gọi là "quá độ" từ tháng 5 năm 1975 và thời kỳ từ năm 1986, năm bắt đầu có chính sách đổi mới phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các sáng kiến khoa học kỹ thuật nầy phát xuất từ nhu cầu ngoi lên để giữ được sự sống còn, chính yếu chỉ nhằm hiệu quả trước mắt trong sản xuất mà không lường được những hậu quả vô cùng tai hại cho con người và cho xã hội. Các thí dụ điển hình sau đây có thể cho chúng ta có thêm một cái nhìn đậm nét hơn về xã hội Việt Nam trong hai giai đoạn trên để từ đó rút tỉa ra những kết luận cá biệt của từng người về chế độ đang lãnh đạo toàn cõi đất nước Việt Nam.

Giai đoạn giao thời

Định mốc thời gian từ 1975 đến 1986, giai đoạn nầy được đánh dấu một số biến động làm xáo trộn tận gốc rễ xã hội miền Nam, thay thế kinh tế tự do bằnh một nền kinh tế hoạch định bao cấp như: chiến dịch đổi tiền, triệt hạ tư sản mại bản, học tập cải tạo tập trung v.v... Về phương diện kinh tế, hầu hết những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày lần lần biến mất trên thị trường do đầu cơ hoặc do thiếu nguyên liệu sản xuất (các mặt hàng như xì dầu, bột ngọt, xà bông cục, xà bông bột, kem đánh răng, rượu, và nước ngọt). Có thể nói đây là một thời kỳ quá độ trong quá trình tiến lên xã hội chủ nghĩa. Từ đó nảy sinh ra nhiều sáng kiến trong dân gian để bươn chải vì bản năng sinh tồn cũng có hay vì trục lợi cũng không thiếu. Xin đan cử ra đây vài thí dụ cụ thể:

– Kem đánh răng: Hàng tiêu dùng nầy được trộn thêm vôi và hàn the (borax) với mục đích vừa làm tăng trọng lượng và vừa ngậm nước (giữ nước) để cho kem còn giữ ở thể đặc không bị chảy nước. Do đó phẩm chất của kem rất kém và có thể làm lở (phỏng) miệng người đánh răng.
– Xà bông: Trong chuyến đi vào thực tế ở Thái Mỹ, hai giáo sư hóa lý hữu cơ và địa chất ở đại học Khoa học Sài gòn đã khám phá ra chất đất sét "bentonite", một loại đất sét có đặc tính hấp phụ (adsorption) các chất dầu mỡ. Từ khám phá nầy, đã nẩy ra sáng kiến hình thành một dự án nghiên cứu sản xuất thử ở cấp thành phố. Đất sét được thêm vào trong quy trình sản xuất xà bông cùng với dầu dừa và xút (NaOH). Nhờ vậy, hai hóa chất sau được giảm thiểu tối đa để có thêm lợi nhuận. Ở nhiều nơi, vôi và borax cũng được thêm vào để tăng trọng. Sau cùng xà bông sẽ không bao giờ đạt tiêu chuẩn 72% dầu như xà bông Cô Ba trước kia. Được biết ở nhiều cơ sở sản xuất loại xà bông trên, lượng dầu có thể giảm xuống còn khoảng độ 30% dầụ Do đó, tính tẩy rửa của xà bông cũng giảm theo lượng dầu trong quy trình sản xuất.

– Sản xuất xì dầu: Trên nguyên tắc, có nhiều phương pháp để sản xuất xì dầu: hoặc từ xương heo, bò được đun dưới áp suất trong một dung dịch acid, hoặc dùng khoai mì hay các loại đậu. Xì dầu cũng là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất bột ngọt bằng phương pháp vi sinh hay hóa học. Quan trọng hơn hết là hoá chất chống mốc meo được thêm vào để bảo quản xì dầu trong một thời gian dài. Hóa chất xử dụng và được chấp thuận dùng trong thực phẩm là Natrium benzoate (C6H5ONa) hoàn toàn bị khan hiếm trong thời gian nầy. Tuy nhiên, công đoạn trên đã được thay thế bằng thuốc sát trùng dùng để chống mốc qua các sáng kiến kỹ thuật của dân chúng. Thêm nữa, trước kia (trước 1975), trong quá trình sản xuất bột ngọt của các nhà máy ở Bình Đông (Sàigòn), trung bình 1 lít thành phẩm có thể kết tinh được 90-110 gram bột ngọt (MSG-Mono Sodium Glutamate) còn được gọi là mì chính. Sau nầy, vì muốn có nhiều sản phẩm phụ phế thải là xì dầu để cho công nhân và nhất là ban giám đốc làm kế hoạch bán xì dầu ra ngoài thị trường để thủ lợi riêng, do đó bột ngọt được kết tinh không bao giờ đạt tiêu chuẩn hơn 12 g/l vì bột ngọt ở dạng lỏng đã được biến thành phế thải xì dầu trong sản xuất.

– "Xá xị con cọp BGI": Sau 75, công ty la-ve và nước ngọt BGI của Pháp bị tiếp quản, mọi nguyên vật liệu nhập cảng đều bị đình chỉ. Trong việc sản xuất xá xị cần có một nguyên liệu thực vật chánh là đại hồi (anise), đây cũng là nguyên liệu chánh trong việc nấu nước phở. Cây đại hồi không mọc ở miền Nam, nhưng mọc rất nhiều ở vùng Hoàng Liên Sơn ngoài Bắc. Có lẽ vì miền Bắc chưa có nhân sự để tiến hành việc chưng cất tinh dầu, và các hột đại hồi được chuyển tải vào Nam để tinh chế. Tinh dầu đại hồi tinh chế rất trong màu nghệ, có tỷ trọng (density) là 0,94 và có một đặc tính đặc biệt là khi thêm nước vào thì biến thành màu đục như sữa. Nắm bắt được tính chất nầy, tinh dầu được thêm nước (tỷ trọng là 1,0) và thêm rượu cồn 90% (alcohol, tỷ trọng 0,82) để mang dung dịch nước + tinh dầu về lại tỷ trọng ban đầu của tinh dầu tinh khiết có dạng trong nguyên thủy. Làm như vậy để tăng lượng "thành phẩm" trong quá trình chưng cất để có thêm "điểm" trong quá trình chưng cất. Thêm nữa, ngoài thị trường lại có thêm một loại rượu khai vị (appéritif) đặc biệt của Pháp: đó là rượu Pernod được chế biến từ một lượng đại hồi dư thừa từ "khâu" sản xuất theo sáng kiến trên. Thêm một tác hại nguy hiểm khác là trong rượu cồn 90% dùng để pha chế rượu Pernod có chứa một phế phẩm, đó là rượu methylic, rất độc có thể làm chết người, và dĩ nhiên có nhiều tai nạn tử vong khi uống rượu Pernod nầỵ đối với việc chưng cất rượu từ gạo, nếp hay đường mía, việc pha cồn để làm tăng độ rượu cũng như việc thêm thuốc trừ sâu rầy để cho rượu được trong trẻo và bắt mắt. Lại có thêm bao nhiêu tai nạn cũng vì sáng kiến độc đáo trên.

Giai đoạn phát triển ổn định

Từ năm 1986 trở đi, số cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật từ miền Bắc vào đã tề tựu đông đủ và hiện diện trong mọi lãnh vực sản xuất, giáo dục, nghiên cứu ở miền Nam. Nhờ đó, lượng sáng kiến kỹ thuật có chiều hướng tăng cao và có tầm quan trọng lớn, thể hiện một tình trạng trăm hoa đua nở trên quê hương. Từ đó, lượng hàng tiêu dùng được sản xuất nhiều hơn và xuất hiện cùng khắp. Các mặt hàng ngày càng bắt mắt, trông đẹp hơn nhất là mặt hàng trái cây, rau đậu. Chúng ta sẽ dễ dàng trông thấy những cọng rau muống quá khổ, những lá rau thơm to rộng không kém gì tại Hoa kỳ, những trái dưa hấu xanh bóng ngoài mặt nhưng bên trong có thể chứa đầy chất lỏng v.v…

Trên mặt báo, trong vòng 5 năm trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có chạy tin trúng độc thực phẩm ở căng tin nầy, hoặc ở một buổi ăn tập thể nọ, ngay cả tiệc đám cưới cũng có thể xảy ra những vụ trúng độc.

Đó là kết quả của những sáng kiến kỹ thuật làm tăng trưởng trái cây, rau đậu hay bảo quản thực phẩm lâu hư, giữ màu cây trái tươi tốt. Và các hoá chất được xử dụng để làm tăng phẩm chất, năng xuất cùng bảo quản thực vật trên là formol (HCHO – hóa chất dùng để ướp xác người và thú vật, rất độc hại), sulfide, borax, hóa chất diệt cỏ dại (nếu dùng với số lượng ít sẽ biến thành một kích thích tố tăng trưởng tế bào của cây, trái). Theo thống kê năm 2001, hàng năm tỷ lệ ngộ độc ở Việt Nam là 800 bệnh nhân trên một triệu dân và tỷ lệ tử vong là 15 người/1 triệu dân.

Đó là những phát huy sáng kiến có mục đích trục lợi về kinh tế và có tính cách cá thể. Ngoài ra cũng có những dự án phát huy sáng kiến có tầm cỡ quốc gia đã được phổ biến rộng rãi cũng như đem ra áp dụng ở nhiều nơi. Các thí dụ điển hình sau đây cho thấy thực trạng về phát huy sáng kiến trên:

– Chính sách con tôm ôm cây lúa: Chính sách nầy có mục đích nuôi tôm trong ruộng lúa đã được đem vào áp dụng rộng rãi tại Cần Giuộc, Rạch Kiến, Long Đinh, Cần Đước (Tân An) và vùng Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau trong vòng 5 năm trở lại đây. Phương pháp nầy dựa theo nguyên tắc trồng lúa trên nước lợ (bán mặn) để có điều kiện nuôi tôm. Chất phế thải của tôm sẽ là nguồn phân bón cho lúa, do đó môi trường nước nuôi tôm sẽ không bị ô nhiễm. Muốn làm được thế cần phải đào hào chung quanh ruộng lúa ít nhất là 1,2 m sâu để tôm có chỗ trú ngụ. Do đó, diện tích trồng lúa bị thu hẹp lại và năng suất cũng sẽ thấp vì trồng trong nước lợ. Còn con tôm nuôi trong điều kiện trên cũng không phát triển được như ý, không kể đến việc tôm ăn phá chân lúa làm cho cây lúa bị chết nhiều hơn. Tóm lại kế hoạch nầy đã làm nông dân bị vỡ nợ trong những năm gần đây sau một hay hai mùa đầu có kết quả khích lệ. Thống kê tại tỉnh Trà Vinh năm 2002 thể hiện rõ ràng sự thất bại của việc nuôi tôm ở tỉnh nầy. Năm 1990, toàn tỉnh Trà Vinh có gần 500 gia đình không có đất hữu sản; cho đến năm 2002, con số gia đình không có đất tăng lên hơn 5000 vì đất đã bị ngân hàng truất hữu do thất bại trong việc nuôi tôm, do đó không thanh toán được tiền vay nợ của ngân hàng.

– Ruồi lính đen: đây là một khám phá thật "sáng tạo" của một tiến sĩ trẻ Việt Nam.
Trên báo Nhân Dân trung tuần tháng 2/2001 có đăng một loạt bài phóng sự của báo Tuổi Trẻ, ký tên Phú Đức dưới tựa đề "Ông tiến sĩ và những chú ruồi lính đen". Bài báo tường thuật khá tường tận khám phá của Trần Tấn Việt, tiến sĩ côn trùng học vừa tốt nghiệp ở Nhựt về. Tiến sĩ Việt "miệt mài đi tìm" ấu trùng của ruồi lính đen với một chuyên gia nước ngoài. Ruồi lính đen dịch từ tiếng Anh "Black soldier fly" và có tên khoa học là Hermetia Illucens đã được các nước phát triển ứng dụng trong việc xử lý chất thải hữu cơ. Sau nhiều tuần lễ truy tìm, sau cùng TS Việt đã phát hiện ruồi lính đen ngay trong vườn nhà tại Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Kết quả nghiên cứu của TS Việt đã cho thấy những thành tựu sau: Trong một thùng rác 1m2 chứa 14 Kg rác, chỉ cần 14 giờ cho việc xử lý toàn bộ rác sinh hoạt, 24 - 48 giờ cho phế phẩm từ quá trình chế biến thực phẩm hay gia súc, 7 - 8 ngày để giải quyết rác hỗn hợp. Trong khi đó nếu để ở môi trường tự nhiên, các loại rác trên phải mất 280 ngày mới có thể phân hủy. Điểm đặc biệt của phương pháp nầy là không gây mùi hôi và không tạo nguồn chất thải; đồng thời sau khi xử lý, thể tích rác sẽ giảm 90% so với ban đầu. Ngoài ra, cứ một tấn rác từ phương pháp xử lý trên còn cho thu 200 Kg nhộng, một loại thức ăn rất giàu dinh dưỡng cho gia cầm và cá.

Để có một khái niệm về sự phân hủy rác tại một bãi rác ở Los Angeles, nơi đây mới vừa xảy ra một tai nạn sụp lở do ống chuyển vận nước rỉ (leachate) của rác bị bể. Rác được đào xới lên từ độ sâu hơn 100 m và đã "trú ngụ" trong lòng đất hơn 20 năm. Khi được đào lên, tình trạng phân hủy của rác vẫn còn đang tiếp diễn và lượng khí methane vẫn tiếp tục được thải hồi với nồng độ trên 100 mg/l trong lúc đó nhiệt độ của rác vẫn còn ở khoảng 100 ºC. Người viết không thể tự giải thích được tại sao ở Việt Nam chỉ cần 280 ngày rác sẽ bị phân hủy hoàn toàn như lời của TS Việt.

Suy luận từ các kết quả trên và nhận thấy vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến môi sinh và sức khỏe người dân, thiết nghĩ cần phải làm sáng tỏ thêm biện pháp xử lý nầy. Trước hết cần phải minh định việc phân loại rác cho rõ ràng: rác sinh hoạt, phế phẩm từ quá trình chế biến thực phẩm hay gia súc, và rác hỗn hợp. Theo kinh nghiệm, các loại rác có thể được phân loại như sau:

– Rác sinh hoạt là loại rác phế thải từ mọi sinh hoạt trong nhà, trọng tâm là các thức ăn uống dư thừa (trước 1975), và các loại rác từ cây, trái, củ, ... trong quá trình nấu nướng. Cần phải kể thêm các bao, bì giấy, nylon và... các đồ phế thải cần vất bỏ.

– Phế phẩm từ quá trình chế biến thực phẩm có thể được hiểu là rác đến từ các nhà máy chế biến trái cây, thịt hộp, cá hộp v.v...

– Rác hỗn hợp. Xin chịu! Không thể hình dung được thành phần cấu tạo của rác nầy.

Ngoài những thông số đã nêu ra, TS Việt còn cho biết nhộng của ruồi lính đen là một thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia cầm và cá. Bài viết nầy xin góp ý về tính cách khả thi và tình trạng thực tế trong việc áp dụng phương pháp xử lý rác mới nầy.

Qua sự tìm hiểu về côn trùng học, người viết nhận thấy hai vấn đề căn bản cần phải thảo luận nơi đây là: xử lý rác dưới dạng nào, và việc xử dụng nhộng làm thức ăn cho gia cầm.


Trước hết, ở các quốc gia phát triển, việc dùng ruồi để xử lý phân chuồng (manure) như phân gia cầm và nhất là phân bò được thực hiện rất hạn chế và ở những khu ít dân cư ngụ. Họ đã dùng Ruồi nhà (House fly – Musca domestica), "Ruồi chuồng ngựa" (Stable fly – Stomoxys calcitrans), Ruồi rác đen (Black garbage fly – Ophyra aenescens), Ruồi lính đen, và Ruồi lằng hay Nhặng (Rat-tailed maggot – Eristallis tenax). Bằng phương pháp nầy Sheppard (Environ. Entomol. 12:1439 - 1442, 1983) đã giảm thiểu được 50% thể tích của phân chuồng sau khi xử lý. Nên nhớ phân chuồng là một hợp chất hữu cơ thuần nhất, không chứa các tạp chất như bao, bì hay nylon, vỏ cây, v.v..., và là thức ăn thuần túy cho ấu trùng. Phương pháp cũng đòi hỏi một quy trình xử lý rất quy mô và nhộng sẽ bị giết chết bằng thuốc sát trùng Larvadex trước khi lột xác thành ruồi. Trong việc xử lý phân bò được nuôi để lấy sữa, các "nhà máy" xử lý phải đặt cách xa các trung tâm sản xuất và lưu trữ sữa vì ruồi có thể mang mầm bịnh như: bovine virus diarrhea (BVD), infectious bovine rhinitis (IBR), para influenza serotype 3 (PI 3) và trên 65 mầm bịnh cho người và súc vật. Do đó, dùng ruồi lính đen để giải quyết 90% rác sinh hoạt quả là một việc làm không tưởng!

Thêm nữa, việc xử dụng nhộng để làm thức ăn cho gia cầm và cá có thể là một vấn nạn lớn nếu đem vào áp dụng. Làm thế nào kiểm soát vấn đề "vệ sinh phòng dịch" khi con người tiêu thụ các gia cầm được nuôi bằng phương pháp trên? Và làm thế nào để giữ nhộng dưới dạng nhộng trước khi biến thành ruồi? Nếu không dân thành phố "Hồ Chí Minh" sẽ không còn thấy mặt trời một khi số lượng gia cầm không tiêu thụ hết lượng nhộng sinh sản ra qua quá trình xử lý, và đạo quân ruồi lính đen sẽ vây kín bầu trời của thành phố!

TS Việt đã làm một bước cố gắng là động não để tìm một phương cách giải quyết vấn đề rác ở Việt Nam. đó là một điều rất đáng khích lệ trong chiều hướng làm cho môi trường Việt Nam sạch hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, nếu bằng mọi giá để đưa ra những thông số kỹ thuật không hợp lý và không thực tế, để quy về một thành tựu "tưởng tượng", kết quả của một vài thí nghiệm "đặc biệt", để rồi sau cùng cổ võ cho một sáng kiến mới, điều nầy là một việc không nên làm. Xin hỏi 14 kg rác sinh hoạt là rác gì (?) mà ấu trùng có thể "sơi tái" hết 90% trong vòng 14 giờ? Nếu đây là một thực tế xin đan cử bãi rác Đông Thạnh làm thí dụ.

Bãi rác Đông Thạnh là một bãi rác chứa tất cả phế thải sinh hoạt của hơn 5 triệu cư dân thành phố Sài Gòn và có diện tích rộng hàng chục mẫu tây. Nếu đem áp dụng phương pháp của TS Việt thì chỉ cần 14 giờ... hay trễ lắm là 7 - 8 ngày ta có thể giải quyết được 90% của hàng triệu tấn rác. Chúng ta sẽ không cần đến nhà máy xử lý nước rỉ ra từ rác. Sẽ không còn "sự cố" bể bờ ở bãi rác như tai nạn đã xảy ra vào tháng sáu và tháng bảy năm 2000. Sẽ không còn tình trạng cư dân vùng Hốc Môn ngăn chặn không cho hàng ngàn xe chở rác tiến về bãi rác làm ứ đọng đường xá và làm ô nhiễm một vùng trời trong tháng 3/2001. Và sau cùng quốc gia sẽ có một nguồn ngoại tệ "vĩ đại", nguồn lợi mang đến từ việc "xuất khẩu" gia súc dư thừa do kết quả của việc tăng gia chăn nuôi nhờ vào nguồn thức ăn giàu protein là nhộng (của ruồi).

Những nhận xét trên đây đã chứng minh một cách rõ ràng là chương trình xử lý rác sinh hoạt bằng ruồi lính đen khó có thể thực hiện được vì không thực tế và không có căn bản khoa học vững chắc. Do đó đề nghị TS Việt nên tạm dừng nơi đây và có thể xoay hướng nghiên cứu về việc xử lý phân chuồng bằng ruồi (chứ không bắt buộc phải là ruồi lính đen). Các phế phẩm sau khi xử lý có thể được xử dụng làm phân hữu cơ. Làm như thế cũng đã là một bước tiến dài trong việc làm sạch môi trường và phát triển quốc gia.

– Cây Thuốc Cá: đây cũng là một trong những phát minh "sáng kiến khoa học" đứng trước nguy cơ xuất cảng tôm vì hàm lượng thuốc kháng sinh chloramphenicol quá cao trong tôm gây trở ngại cho việc xuất cảng.

Cây Thuốc Cá có tên khoa học là Derris Elliptica Benth chứa hoạt chất rotenone. Công thức hóa học của rotenone là C23H22O6 . đây là một loại thuốc sát trùng mạnh và độc hại cho con người, đã được EPA xếp vào loại hóa chất gây mầm bịnh ung thư (carcinogen). Khả năng gây 50% tử vong cho chuột (LD 50 - Lethal dose 50%) là 132mg/kg. Mức an toàn trong không khí là 5mg/m3 (TLV – Threshold Limit Volume). Khi bị nhiễm cấp tính qua đường hô hấp hay ăn phải thức ăn đã bị nhiễm độc, con người có thể bị ói mửa, mất cảm giác (numbness), đường hô hấp có thể ngưng hoạt động tùy theo cường độ của hóa chất xâm nhập vào cơ thể. Nhưng nếu bị nhiễm lâu dài có thể gan và thận bị ung thư. (Dangerous Properties of Industrial Materials, Irving Sax, 1984).

Sở dĩ cây có tên là cây Thuốc Cá vì khi thả loại cây nầy xuống ao hồ, cá sẽ bị nổ mắt mà chết nhất là những loại cá thở bằng mang. Do đó nông dân Việt Nam dùng rễ cây để đi bắt cá. Theo tin thời sự gần đây nhất, người Mỹ đang có dự định dùng hóa chất nầy để trừ khử loại cá Đầu Rắn (snakehead fish) đã xâm nhập vào các hồ ở miền đông Hoa kỳ. Cây chịu đựng được hạn hán, dễ trồng trên mọi loại đất. Viện Sinh học Nhiệt đới thành phố HCM đã chiết xuất cây Thuốc Cá để làm thuốc trừ sâu và trừ gián, muỗi, v.v…

Từ khoảng năm 200 trở đi, nhiều gia đình nông dân ở vùng Dầu Tiếng (Tây Ninh) trở nên giàu có nhờ trồng cây Thuốc Cá trên. Lý do là rễ cây nầy trở thành một nguồn lợi rất cao so với việc trồng lúa, khoai mì hay các nông sản khác. Một kg rễ cây trên thị trường hiện nay có giá từ 17 đến 26.000 đồng (giá thị trường 7/2002). Một mẫu đất có thể thu hoạch dễ dàng 2 tấn rễ, không kể các thân cây được cắt thành khúc và đem bán như cây giống.

Đây là một phong trào lớn mạnh hiện tại. Nhà nhà thi nhau trồng cây Thuốc Cá vì nông dân không đủ cung ứng cho thị trường miền Tây.

Lý do?

1. Những nhà nuôi tôm sú hiện nay đang xử dụng rễ cây nầy như một loại kích thích tăng trưởng cho tôm. Tôm ăn phải hóa chất sẽ được thay vỏ sớm hơn định kỳ, do đó tăng trưởng nhanh hơn.

2. Một lý do khác là hóa chất trên còn có thể được xử dụng như một loại thuốc diệt khuẩn để thay thế kháng sinh chloramphenicol mà thị trường Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đã cấm đoán sự hiện diện của chất sau
nầy trong tôm xuất cảng.

Cho dù một trong hai lý do trên là nguyên nhân của việc xử dụng cây Thuốc Cá trong kỹ nghệ nuôi tôm, thiết nghĩ cần phải lưu ý vấn đề trên vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến: 1) người trồng tỉa, 2) người chăn nuôi tôm, và 3) người tiêu thụ.

Rotenone là một hóa chất không nằm trong danh mục phân tích các chất độc hại của EPA; tuy nhiên hóa chất rotenone được phân tích theo phương pháp EPA 8325 bằng HPLC/PB/MS (High Performance Liquid Chromatography/Particle Beam/Mass Spectrometry). Người viết đã thăm dò trên 10 phòng thí nghiệm phân tích lớn (trên 100 chemists) ở tiểu bang California, nhưng không có nơi nào có khả năng phân tích hóa chất trên. Cũng qua điều tra, chỉ có phòng thí nghiệm của EPA (Triangle Park) có các dụng cụ phân tích kể trên. Còn đối với FDA, chỉ có yêu cầu đặc biệt, cơ quan nầy mới tiến hành thủ tục phân tích trên thực phẩm.

Mục đích của bài viết nầy là để nêu lên những thông tin liên quan đến ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu thụ khi xử dụng những sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, các cuộc điều tra tiếp theo cũng rất cần thiết để soi sáng vấn đề đang còn nóng bỏng trên.

– Luận án tốt nghiệp: Biết được điện thư của người viết, một sinh viên đang sửa soạn luận án tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Hóa học Phú thọ Sài gòn đã ngỏ ý xin chúng tôi cung cấp tài liệu về phương pháp cũng như các thông số kỹ thuật để thiết lập dự án cho nhà máy xử lý nước thải của công ty Vissan (lò sát sinh cũ). Trong thư, sinh viên nầy còn có một yêu cầu đặc biệt là làm thế nào để xử lý và biến nước thải thành "nước súp" cho con người! (Xin được nói rõ là công ty Vissan đã bị biên bản đóng cửa từ năm 1997 do lệnh của Uỷ Ban Nhân dân Thành phố nhưng vẫn liên tục hoạt động cho đến ngày nay mặc dù vẫn không giải quyết hệ thống xử lý nước thải).

Người viết đã cố gắng thỏa mãn các yêu cầu của sinh viên trên; tuy nhiên, đối với yêu cầu đặc biệt, người viết đã nhấn mạnh rằng đừng nên nghĩ đến vì đó là một điều hoàn toàn "phản" khoa học và không tưởng! Phải mất nhiều ngày, người viết mới vơi đi nỗi bàng hoàng trước những suy nghĩ "sáng tạo" của các nhà làm khoa học trong nước đã "mớm" cho sinh viên nầy tận dụng nguồn phế thải không thể thu hồi lại được như nước thải của công ty Vissan. Nơi đây thể hiện một chính sách giáo dục trong đó sự hướng dẫn và gợi ý cho người làm khoa học cố gắng "động não" để nghĩ ra những đề án táo bạo đầy sáng tạo..., nhưng cuối cùng vẫn là những đề án không thể thực hiện được hay thực hiện nửa vời không bao giờ có được thành quả như đã được đề ra.

Các trường hợp điển hình kể trên cho thấy những tác hại to lớn của những sáng kiến khoa học kỹ thuật đôi khi quá quái dị, được hình thành trong nổ lực xoay sở cố tìm cho được lối thoát đạt hiệu quả trước mắt trong phát triển sản xuất mà không cứu xét, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh cần thiết liên hệ đến toàn quy trình sản xuất, đến môi trường, và đến người tiêu thụ, v.v...; và riêng đối với người làm công tác khoa học kỹ thuật, tính phản khoa học không thể nào chấp nhận được của dự án.


Các trường hợp điển hình trình bày trên đồng thời cũng cho chúng ta một cái nhìn thiết thực và đậm nét hơn, phác họa một tình trạng hầu như vô vọng về mặt phát triển kinh tế đang diễn ra từ 1975 đến nay tại Việt Nam, để mỗi người trong chúng ta, trên cương vị là người Việt Nam, rút tỉa những kết luận của từng người về chế độ chính trị đang lãnh đạo toàn cõi đất nước Việt Nam chúng ta.

Mai Thanh Truyết
Xuân Giáp Thân 2004


Cái Đình - 2004