Phạm Đình Lân
Lá trường sinh
Nguồn gốc, thân thế và tên gọi
Cây trường sinh là một loại thảo mộc thích hợp với khí hậu đại dương và nhiệt đới. Nó được tìm thấy nhiều trên đảo Madagasca, đảo Reunion, các quốc gia Nam Mỹ, Đông Nam Á, trên các hải đảo trong biển Caribbean và Thái Bình Dương.
Tên khoa học của cây trường sinh hay sống đời là Kalanchoe pinnata thuộc gia đình Crassulaceae. Ngoài ra nó còn những tên khoa học khác như: Bryophyllum pinnatum, Bryophyllum calicinum, Bryophyllum germinans, Verea pinnata, Cotyledon calycina, Cotyledon calyculata, Cotyledon pinnata, Cotyledon rhizophilla, Crassula pinnata, Crassula floripendia, Sedum madagascariense.
Người Việt Nam gọi là cây trường sinh hay sống đời vì cây nầy không bao giờ chết. Thông thường lá cây rụng xuống đất thì rã mục và hòa lẫn với đất cát thành phân. Lá cây trường sinh khi rụng xuống đất thì ra rễ và ra nhiều cây trường sinh con. Đó là nguồn gốc của tên Trường Sinh của nó.
Các nhà làm vườn rất sợ sự xâm lấn đất nhanh chóng của cây trường sinh. Gió thổi, cuốn lá trường sinh từ nơi nầy sang nơi khác để có nhiều cây trường sinh con mọc lên từ các răng quanh rìa lá. Nhưng nếu nhìn sự sinh tồn của cây trường sinh bằng cái nhìn triết học y dược thì ta mới thấy được sức đề kháng dị thường của loại thảo mộc đặc biệt nầy trong môi trường sống. Tên gọi cây trường sinh dựa vào sức sống ngoan cường của chính nó. Nó còn được gọi là:
– lá bỏng vì lá dùng để chữa phỏng lửa hay nước sôi rất hay.
– lá cầm máu hay lá thuốc hàn vì cầm máu rất nhanh.
– lá Quan Âm vì có khả năng chữa trị được nhiều thứ bịnh như Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu độ vậy. Người Tây Ban Nha gọi là Angelica (Thiên Thần Diệp).
Người Trung Hoa gọi là:
– lạc diệp sinh căn vì lá rụng thì ra rễ và sinh ra nhiều cây con.
– đả bất tử có nghĩa là đánh cũng không chết. Người Trinidad gọi cây trường sinh là "Never Dead".
Ở Ấn Độ cây trường sinh mọc rất nhiều ở vùng Bengal. Tiếng Phạn (Sankrit) gọi là Parnabija có nghĩa là cây có nhiều rễ. Rễ ra nhiều từ kẽ lá chớ không phải dưới gốc cây. Chữ Parnabija cũng đồng nghĩa với dhanvantari có nghĩa là "thiêng liêng, thần diệu". Như vậy cây trường sinh là "thiên thảo" vì một lý do nào đó.
Nhân loại không hẹn nhưng lại gặp nhau trong việc đặt tên cho cây trường sinh qua hiệu năng trị liệu của nó.
Người Phi Luật Tân gọi cây trường sinh là katakata-ka tức cây kỳ diệu.
Người Nam Mỹ gọi nó là Angelica (Thiên Thần Diệp), Siempre Viva (sinh diệp), Hoja de aire (không thảo). Ở Trinidad người ta gọi cây trường sinh là Never dead (bất tử), Wonder of the world (kỳ quan thế giới). Một vài quốc gia Trung và Nam Mỹ gọi lá trường sinh là good luck leaf (lá may mắn), miracle leaf (lá thần diệu), love leaf (lá tình yêu). Ngoài ra cây trường sinh còn được gọi là Goethe’s plant (1).
Trong tiếng Anh có nhiều tên gọi dành cho cây trường sinh như air plant (không thảo, dịch từ hoja de aire), cathedral bell (vì hoa cây trường sinh giống hình cái chuông), mother of thousands (mẹ hàng ngàn con vì sự sinh sản của cây con quá nhiều), life leaf (dịch từ Siempre Viva), live forever (trường sinh, sống đời).
Nhiều tên gọi khác nhau dành cho cây trường sinh cho thấy loại thảo mộc nầy có một vị trí đặc biệt trong đời sống của các dân tộc và bộ lạc sống trong vùng khí hậu nhiệt đới và đại dương. Có 600 loại cây thân thuộc với cây trường sinh dòng Bryophyllum hay Kalanchoe thuộc gia đình Crassulaceae nhưng chỉ có Kalanchoe pinnata lá hình bầu dục, rìa có răng cưa và hoa giống như cái lồng đèn có dược tính tốt mà thôi.
Đặc điểm cây trường sinh
Cây trường sinh là một loại cây nhỏ, mình xốp và dòn, cao lối 1m. Ở Madagascar có những cây trường sinh cao đến 6m. Lá cây trường sinh dầy, màu xanh, hình bầu dục. Hai bên rìa lá có nhiều răng cưa với lằn viền màu tím nhạt. Khi lá rụng xuống đất, rễ mọc ra từ các răng cưa. Hoa trường sinh giống như cái chuông màu đò tím nhạt. Hoa kết thành chùm như những cái chuông hay bóng đèn nhỏ kết thành một lồng đèn cao 60cm – 70cm trông đẹp mắt. Hoa trường sinh rất lâu tàn.
Cây trường sinh được trồng bằng lá, hột hay chặt cây già ra làm nhiều khúc rồi đặt xuống đất trồng như trồng tre, mía hay khoai mì (sắn). Cây con sẽ mọc lên từ những mắt cây. Trường sinh không cần nhiều nước. Nếu được tưới mỗi ngày lá sẽ dầy và mộng nước. Nếu cây không có nước, lá vàng và rất chát.
Lá trường sinh thay đổi 3 vị trong ngày:
– Vị chua trước khi mặt trời mọc.
– Vị chát sau khi mặt trời mọc. Lá vàng và lá xanh trên đọt luôn luôn chát.
– Vị lợ khoảng 3 hay 4 giờ sau khi mặt trời lặn.
Lá chua dùng để uống hay dùng ngoài da để cầm máu hay trị phỏng lửa và nước sôi.
Lá chát chỉ dùng ngoài da. Uống lá chát có hại cho tim vì gây khó thở. Súc vật ăn cỏ ngoài đồng, ăn nhằm lá trường sinh chát nên khó thở. Lá vàng vì thiếu nước hay lá trên đọt của cây trường sinh mọc thiên nhiên luôn luôn chát. Khi lá vàng và chát, không thể phục hồi cho lá xanh và chua trở lại bằng cách tưới nước hay bón phân tro.
Lá trường sinh thay đổi vị 3 lần trong ngày. Hoa phù dung (Hibiscus mutabilis) thay đổi sắc 3 lần trong ngày nên được gọi là phù dung tam sắc túy.
Trường sinh diệp trị liệu
Người Ấn Độ và các bộ lạc sống dọc theo thung lũng Amazon ở Nam Mỹ đã dùng lá trường sinh để trị bịnh từ lâu. Người Âu Châu biết đến lá trường sinh qua những kinh nghiệm trị liệu cổ truyền của các dân tộc miền khí hậu nhiệt đới và đại dương, nơi có nhiều cây trường sinh. Cây trường sinh được vào danh sách thực vật học Anh vào thế kỷ 18. Nhà văn Von Goethe cũng có trồng cây trường sinh. Những tên gọi lá trường sinh, lá Quan Âm, Angelica, miracle leaf, life leaf, "katakata-ka"... không phải là tên gọi ngẫu nhiên mà căn cứ vào tính năng trị liệu bao quát của loại dược thảo đặc biệt nầy.
Người Việt Nam dùng lá trường sinh trị đau mắt, ho, cảm, phỏng lửa, phỏng nước sôi, cầm máu.
Người Trung Hoa dùng lá trường sinh trị thổ huyết, đau mắt, mũi, tai, cuống họng, cầm máu.
Ở Ấn Độ, Nam Mỹ, Phi Luật Tân lá trường sinh có công dụng rộng lớn như trị các chứng bịnh về máu như huyết tiện, xuất huyết, thổ huyết, kinh nguyệt, trĩ, huyết áp, bịnh lao, tiểu đường, sạn thận, đau răng, đau mắt, đau mũi, loét dạ dày (dùng chút muối khi dùng lá chua), ung thư, viêm, sốt, nhức đầu, viêm bàng quang, suyễn, bịnh ngoài da, cước khí, động kinh, kiết lỵ, tiêu chảy, táo bón, chống kết sạn, thông đại tiểu tiện. Lá trường sinh kích thích tử cung nên người ta khuyên phụ nữ mới sinh không được dùng.
Việc nghiên cứu lá trường sinh hiện nay được các nước Ấn Độ, Brazil, Nhật, Pháp, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ tiến hành. Kết quả những cuộc nghiên cứu và thí nghiệm trên chuột cho thấy lá trường sinh kháng trùng, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, kháng histamine. Dùng lá trường sinh trị suyễn, kiết lỵ, tiêu chảy, sốt Dum Dum (2) có kết quả tốt. Sốt Dum Dum (leishmaniasis) là một loại bịnh nhiệt đới gây tử vong và khó trị nhưng có thể trị khỏi bằng thuốc chế từ lá trường sinh. Khả năng cầm máu của lá trường sinh làm cho các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến dược tính và khả năng trị liệu rộng rãi của nó.
Lá trường sinh có alkaloids, triterpene glycosides, flavonoids, steroids, lipids, bufadienolides. Bufadienolides có tác dụng như digoxin C41H64O14 và digitoxin C41H64O13 dùng để chữa bịnh nghẽn tim. Bufadienolides chống kết bướu, kháng khuẩn, ngừa ung thư. Chất nầy có trong nọc độc của con cóc (Bufo fowleri, gia đình: Bufonidae) và cây hành biển (Urginea maritima dùng làm thuốc thông phổi). Chất độc nằm trong nhựa mủ trên da sần sùi của con cóc (thiềm thừ) được gọi là thiềm tô dùng làm thuốc trị ung độc trong Đông Y.
Thân cây trường sinh có ác xít arachitic, behenic, cinnamic, coumaric, ferulic, oxalic, palmitic, protocatechuic, succinic, syringic, cafeic. Ngoài ra còn có astragolin, beta amyrin, benzenoids, bryophynol, bryotoxin C, bufadienolides, campesterol, cardenolides, clerosterol, clionasterol, codisterol, epigallocatchin, flavonoidsglutinol, friedelin, hentriacontane, isofucosterol, kaempferol, oxaloacetate, patuletin, peposterol, phosphoenol pyruvate, pyruvate, pseudotaraxasterol, quercitin, steroids, stigmasterol, taraxerol, triacontane.
Lá trường sinh chua hay chát đều cầm máu và trị phỏng rất tốt. Uống lá chua để trị các bịnh về máu khác nhau như kinh nguyệt quá đa, xuất huyết nội, huyết tiện, thổ huyết, bịnh trĩ, hạ huyết áp và cholesterol. Lá chua trị được táo bón, kiết lỵ và tiêu chảy nghĩa là có khả năng giải quyết hai chứng bịnh trái ngược nhau: táo bón và tiêu chảy, kiết lỵ, Nếu trị phỏng kịp thời bằng lá trường sinh thì người bịnh không bị đau nhức và không bị vết phỏng. Lá trường sinh hạ sốt, hạ huyết áp, nhuận tiểu, trị ho, sạn thận, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, kháng histamine... với kết quả khả quan. Về liều lượng không nên dùng quá 5 gram cho mỗi ký lô trọng lượng.
***
Sau đây tôi xin trình bày vài câu chuyện về lá trường sinh:
Năm 1977 tôi về quê nội. anh cả tôi định làm thịt hai con gà (một con trống và một con mái) nhốt chung trong một cái lồng làm bằng tre. Hai con gà nằm ủ rũ vì bịnh, miệng nhểu đầy nước dãi. Tôi nói anh tôi đừng giết chúng, để tôi chữa chúng bằng lá trường sinh. Tôi giã lá trường sinh, vắt nước nhỏ vào miệng hai con gà rồi dùng tay nhét xác lá giã nhuyễn vào miệng chúng. Sau trên hai tiếng đồng hồ hai con gà vẫn nằm bất động nhưng chưa chết. Trời sụp tối, tôi đạp xe về nhà và dặn anh tôi tiếp tục chữa hai con gà như tôi đã làm. Sáng hôm sau tôi đạp xe đến nhà anh tôi để xem hai con gà ra sao. Tôi vui mừng khi thấy hai con gà đứng trong hai cái lồng khác nhau. Sau khi lành bịnh, hai con gà có vẻ khác thường. Chúng thường mổ lá trường sinh để ăn. Con gà trống không buồn chạy khi trời mưa. Con gà mái đẻ 49 trứng. Có phải chăng vì lá trường sinh có khả năng kích thích sinh dục mà người Mễ Tây Cơ gọi cây trường sinh là cây tình yêu (love plant)?
Đầu năm 1978 một người bạn ấu thời của tôi đi học tập về. Anh ghé nhà thăm và trò chuyện với tôi trước khi về nhà. Anh lo lắng về bịnh suyễn của mẹ anh giữa lúc anh khốn đốn mặc dù trước kia anh từng điều khiển Chi Y Tế trong một quận trong tỉnh Bình Dương. Đó là sự lo âu tự nhiên của người học tập vừa mới được tự do khi nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với gia đình. Tôi nói sơ qua về lá trường sinh và đề nghị anh cho mẹ anh thử nhằm phá vỡ một trong những sự lo âu chồng chất của anh. Ban tôi không còn cách nào hơn là nghe theo tôi. Nhà anh chật hẹp nên anh phải trồng cây trường sinh trước sân nhà tôi rồi hái lá về cho mẹ anh dùng. Anh xác nhận việc trị liệu có kết quả.
Một hôm tôi đi thăm mộ của một người bạn ở Nhị Bình. Bà cô của bạn tôi mời tôi ở lại ăn cơm. Trời nhá nhem tối bỗng bà la thét ầm ĩ rồi nằm dãy dụa, rên siết thảm thiết dưới đất. Vì trời tối bà đụng phải nồi thịt kho đang sôi. Cả nồi thịt kho nóng bỏng đổ vào chân bà. Trong lúc mọi người bối rối chưa biết phải làm gì thì tôi hỏi con trai bà có trồng cây trường sinh nào quanh nhà không. Anh xác nhận "có" và chạy ra hái lá đem rửa vội và rồi dùng cối giã nát lấy nước phết trên vết phỏng rồi lấy vải mùng cắt nhỏ để băng xác lá trường sinh vào vết phỏng. Đêm hôm ấy bà ngủ yên. Khi mở băng, nơi bị phỏng còn vết đỏ nhưng không bị phồng lên.
Một buổi sáng năm 1982 có hai ông già đến nhà tôi. Một ông 82 tuổi và một ông 77 tuổi. Cả hai đều là bạn già quen nhau trong lúc đi lễ tại nhà thờ Bình Nhâm, xã sinh quán của Á Thánh Gẩm và gia đình Nguyễn Hiệp. Ông thứ nhất là em của một viên chức cao cấp ở Trung Việt thời Quốc Trưởng Bảo Đại và là ký giả của tờ Le Journal d' Extrême Orient ở Sài Gòn. Ông thứ hai xanh xao yếu đuối. Trông ông chao dao và mất tinh thần khi được bác sĩ cho biết ông bị bịnh ung thư. Ông lo sợ vì tuổi già, tiền hưu trí không có lại mắc phải bịnh ngặt nghèo. Trước kia ông là nhân viên thâm niên của bộ Giáo Dục và là thầy học của nhiều viên chức cao cấp trong chánh phủ Sài Gòn. Không biết tại sao ông tin lời của ông già thứ nhất để đến gặp tôi trong khi ông ra bến xe để đi xuống bệnh viện Chợ Rẫy tái khám bịnh. Ông già thứ nhất biết tôi vì tôi chữa cho ông khỏi chứng lãng tai cách đó vài tháng. Sau vài phút nói chuyện, tôi cho rằng ông bị huyết tiện (hematuria). Sau 4 ngày chữa trị tôi không thấy ông đến nên thầm nghĩ rằng việc trị liệu không có kết quả nên ông không đến. Trên một tháng rưỡi sau ông đến xin lỗi và cho biết bịnh ông đã khỏi. Ông vội vã về Thủ Thừa chở gạo nên không đến thông báo cho tôi được. Ông cho biết ông có thể chở 60 ký-lô gạo từ Thủ Thừa về Bình Nhâm bằng xe đạp.
Một buổi sáng cũng vào năm 1982 có một thanh niên xanh xao, môi đen thâm đến nhà nhờ tôi chửa bệnh tim của anh theo lời giới thiệu của bác sĩ D. tại địa phương. Anh thành thật cho tôi biết bịnh của anh ở vào thời kỳ bị "thầy chê". Tôi ở vào tâm trạng vô cùng bối rối. Ai cũng không dám chữa cho anh ấy thì tôi làm sao lại dám. Bác sĩ D. là người quen biết với tôi. Tôi có giúp cho ông một chuyện với kết quả tốt ngoài ước muốn của ông khiến ông tin tưởng tôi. Ông không chữa cho người thanh niên bị bịnh từng được bác sĩ C. ở Sài Gòn chữa trong nhiều năm qua mà lại giới thiệu cho tôi. Quả tình tôi lo ngại vì nhiều lý do khác nhau. Tôi sống trong cảnh thiếu thốn ngặt nghèo. Tôi không nhận sự báo đáp tiền bạc của người bịnh đến với tôi. Nhưng nếu có chuyện gì không may xảy ra thì họa đến với tôi trùng trùng.
Sự từ chối của tôi làm cho người thanh niên thất vọng. Anh khóc và quỳ xuống lạy tôi. Tôi kéo anh đứng dậy và tự thấy có tội làm cho người thanh niên tuyệt vọng. Tôi đứng trước bàn thờ và cầu nguyện để được phép chữa người thanh niên bị bệnh nghiêm trọng nầy. Tôi cũng cầu xin nếu chữa không lành bịnh thì cũng đừng có chuyện bất lành nào đến với tôi. Khấn nguyện xong tôi ngồi yên vài phút cho tâm hồn thật lắng đọng và bình thản trước khi bắt tay vào việc chữa trị. Một lần nữa tôi khuyên anh dùng lá trường sinh. Ngày hôm sau anh trở lại với sự tin tưởng và lạc quan. Anh cho biết lần đầu tiên anh có một giấc ngủ thật yên. Sau ba tuần lễ anh cỡi xe đạp đi Sài Gòn để nhờ bác sĩ C. xem bịnh tình của anh như thế nào. Lộ trình khứ hồi gần 50km. Để cho bác sĩ giữ tính khách quan, tôi dặn người thanh niên đừng nói gì về việc gặp tôi. Bác sĩ C. ngạc nhiên và cho rằng bịnh của anh giảm 90%. Anh mừng quá chạy thẳng đến nhà tôi để báo tin mừng.
Trong những người mà tôi kể qua bây giờ chỉ còn người thanh niên bịnh tim nầy còn sống mà thôi.
Thời gian trôi qua nhanh. Cây trường sinh vẫn trường sinh. Con người có trường thọ nhưng không trường sinh. Tôi viết bài nầy để nhớ lại:
– Anh tôi, kỹ sư Phạm Đình Trị, người đã phổ biến Cây Sống Đời lần đầu tiên trên báo Tin Sáng.
– Những người bịnh kể trên đã đem lại cho tôi những tin vui làm cho tôi tìm thấy hạnh phúc trong tâm giữa lúc lâm vào cảnh túng quẫn ngặt nghèo.
Dẫu rằng ai có nghìn vàng
Đố ai mua được một tràng mộng xuân
Tôi không mua một tràng mộng xuân. Tất cả những tin vui mà các vị kể trên mang lại đều là thật. Các vị ấy cám ơn tôi. Họ không ngờ rằng chính tôi cám ơn lại họ vì tôi đã tìm một hạnh phúc không chân dung làm cho tôi sung sướng và lạc quan để thấy được rằng có một loại hạnh phúc độc lập với danh, lợi và sự dồi dào vật chất.
– Kỷ niệm hai lần nói chuyện về Châm Cứu và Thuốc Nam tại Lái Thiêu năm 1982. Sau buổi nói chuyện lần thứ nhất tất cả cây trường sinh trước sân nhà tôi đều bị nhổ sạch. Đó là vụ trộm thuốc trường sinh đáng yêu mà tôi được biết khi còn ở quê nhà.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
__________________
(1) Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) là nhà văn, nhà soạn kịch và nhà vạn vật học Đức. Ông là tác giả của The Sorrows of Young Werther, Faust, Roman Eligies, Metamorphosis of Plant v.v. Ông đã trồng cây trường sinh và viết về loại thảo mộc nầy trong sách thực vật học của ông. Các nhà thực vật học Âu Châu đã biết cây trường sinh vào thế kỷ 18..
(2) Tên một thành phố ở Ấn Độ. Chứng bịnh nầy là bịnh miền nhiệt đới do nhiễm trùng Leishmania làm sưng lá lách, mất máu, da nhăn và chết. Nó được biết dưới tên y học "bịnh Kala azar" (tiếng Ấn Độ "'kala":đen, "azar":thuốc độc) hay Leishmaniasis hay Dum Dum fever.