Lê Ngọc Vân
e-Book, hiểm họa của sách?
Một trong những phát minh gần đây nhất trong công nghệ thông tin dành cho đại chúng là e-Reader. Sau mp4 player, G Phone/3G iPhone..., e-Reader tiếp tục khai thác con đường mới mở trong hành động ‘đọc’: nhiều người đã quen đọc trên màn hình computer, nhiều người không còn hứng thú đọc chữ trên giấy nữa, thậm chí có những người không thể đọc chữ trên giấy vì đã quá quen với laptop. Chiếc e-Reader cho phép người ta có thể lấy sách từ trên mạng xuống (e-Book) để đọc trên màn hình nhỏ bằng bàn tay. Google! đang dồn nỗ lực số hóa những tác phẩm cũ thành e-Book, sẽ tới số triệu tác phẩm. Dĩ nhiên download sách phải trả tiền. Nhưng chắc chắn với đà phổ biến của e-Reader và e-Book, những tiệm sách đang phải đối mặt với một thử thách giống như những tiệm bán băng đĩa nhạc/phim một thập niên trước.
Liệu rằng sự số hóa sách vở có thể thành một đại họa cho thế giới bán sách báo như nó đã xảy ra trong kỹ nghệ âm nhạc? Liệu rằng những tác phẩm e-Book sẽ được copy truyền cho nhau xem, hay phóng lên forum đẻ mọi người có thể tự do download? Ở Hà Lan hiện có chừng 20.000 e-Reader đã được bán ra, con số này ngày sẽ càng tăng, nếu nó trở thành một món quà tặng, hay nếu có kèm theo chiến dịch khuyến mãi bằng cách tặng không một vài cuốn sách ‘best seller’ khi mua e-Reader. Chắc chắn e-Reader thuộc những thế hệ sau sẽ có nhiều chức năng thân thiện hơn, dễ đọc, dễ truy cứu hơn chẳng hạn. Số lượng e-Reader lưu hành càng cao thì số e-Book đương nhiên cũng sẽ gia tăng theo. Một best seller e-Book ở Hà Lan hiện nay bán được (trong thời gian ra mắt) từ 500 tới 1000 ‘download’. Khác hơn sách, chi phí thực hiện và phân phối e-Book chỉ tăng theo một tỉ lệ rất nhỏ so với số ấn bản, vì chi phí chỉ bao gồm tiền thuê tên vùng, một hệ thống tự động phân phối qua mạng, giao kèo với những công ty chuyên trả tiền qua mạng và những công ty trung gian thực hiện dịch vụ quảng cáo… Thêm nữa, gần như hoàn toàn không có phí tổn cho kho lưu trữ. Lợi điểm của người đọc là nhỏ gọn, ‘cả một tủ sách bỏ vừa trong túi áo’, và những tiện ích của một bản văn digital.
Nhưng bù lại, e-Book sẽ đối mặt với nạn copy lậu. Trên thị trường tiêu thụ hiện nay đang có khuynh hướng ‘phải cho không’, ‘phải có quà kèm theo’ để cuối cùng rút tiền qua ‘ngõ hậu’: cho không máy điện thoại di động hay laptop khi ký giao kèo thuê bao, cho không một chiếc xe đạp hay một tá máy móc dùng trong nhà khi mua một bộ ghế salon, mua giàn tủ bếp chẳng cần mua máy vì được tặng nguyên con… Nhật báo phát không ở Hà Lan hiện có 3 tờ, từ ‘gratis’ được người ta search nhiều nhất trên mạng marktplaats.nl, v.v… Trong lãnh vực nhạc, phim, kỹ thuật ngăn chặn không thể cản được dân chơi ‘rip’ những bản nhạc hay hoặc toàn bộ chiếc CD hay chuyển phim sang dạng DivX và truyền trên forum, chưa kể những BitTorrent. Châm ngôn của giới trẻ hiện nay là “nếu bạn móc túi tôi bằng cách của bạn – đã mua vé xem concert mất 50 euro, lại phải bỏ thêm vài chục mua đĩa CD/DVD – thì tôi sẽ tìm cách móc túi lại bạn bằng cách của tôi.” Bằng cách này, thị trường nhạc phim trên đĩa đang trên đà xuống dốc thảm hại.
e-Book vì thế phải tìm cách đối phó với tệ nạn này. Ðể đối lại với nạn copy lậu trong e-Book, hiện nay người ta sử dụng công nghệ DRM (Digital Rights Management), kỹ thuật này cho phép mỗi e-Book chỉ được copy 5 lần. Nhưng e-Reader sẽ được cải tiến liên tục, đặt người tiêu thụ vào cảnh: Thay vì như quảng cáo ‘một tủ sách sẽ được thu gọn lại trong một e-Book’, thì nay rõ ràng là cứ khoảng 15 – 20 năm người ta sẽ phải mua một ‘tủ sách’ mới hoàn toàn nếu muốn lưu giữ tất cả sách cũ, do phải thay computer và e-Reader đã hư, chưa kể mất chiếc e-Book là mất một phần (lớn) tủ sách, hay khả năng format trong tương lai có thể thay đổi như đã xảy ra trong lãnh vực hình digital.
Với người viết văn, cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Người nghệ sĩ nào cũng đều đòi hỏi một sự tôn trọng lẫn nhau, sự tôn trọng của độc giả dành cho tác giả là biết trân trọng tác phẩm. Tác quyền, ngoài tác dụng giúp tác giả có phương tiện tiếp tục viết, còn là một biểu tượng cho sự trân trọng tác phẩm. Thế nhưng tác giả sẽ rất hài lòng khi tác phẩm của mình được nhiều người đọc. Trong công nghệ thông tin, con số này có thể được kiểm bằng số lần ‘click’ chuột để đọc tác phẩm, trực tiếp hay gián tiếp qua những search engine như Google! hay những mạng tương tự. Người viết cũng có thể lý luận rằng rất là không hợp lý trong thời đại này khi [tác giả + nhà xuất bản] ấn định tác quyền (giá download e-Book) theo cách của họ. Rằng tại sao không để cho độc giả tự định giá tác phẩm và theo đó định giá tác quyền? Khi mọi chuyện đã tự động hóa, mọi người có thể on-line 24/24, thì chi phí mỗi download chẳng là bao, con số lần ‘click’ mới thực sự là sự phấn khích cho tác giả, và là một quảng cáo cho những tác phẩm sau.
Bạn đọc có thể cho rằng lý luận này là từ những người viết không có tài năng. Nhưng không hẳn vậy. Blogs là những minh chứng hùng hồn. Có những người viết nổi tiếng qua blogs nhưng họ không nghĩ đến việc xuất bản sách in trên giấy, vì không muốn phải qua một trung gian cai thầu (là nhà xuất bản). Ngoài ra có những người muốn mở một hướng mới.
Một trong những người ấy là Ivo Victoria. Khi tác phẩm đầu tay của ông ‘Hoe ik nimmer de Ronde van Frankrijk voor min-twaalfjarigen won’ đạt con số 10.000 ấn phẩm bán trong 3 tháng chỉ trong Hà Lan, ông đã quyết định đưa tác phẩm này trong dạng e-Book không có DRM chống copy đến độc giả với giá do chính độc giả tự chọn, tối thiểu là 1 euro. Theo ông, đây là một thử nghiệm cho một sự đền bù công bằng cho tác giả, và ông tin tưởng rằng độc giả cũng hiểu tác giả cần một nguồn tài chánh nào đó để có thể tiếp tục sáng tác. Sau nhiều đấu tranh, nhà xuất bản cũng đành nhượng bộ ý tưởng lạ đời này, ở thời điểm đúng ra tác giả có quyền ‘lợi dụng’ con số bán đang ở mức cao.
Nhưng liệu rằng nếu với đà này, có thể sẽ đến thời kỳ sách cho công chúng chỉ còn ở dạng số hóa trên mạng, trên e-Reader hoặc trên những tờ print A4 của độc giả chăng? Khi đó có lẽ tác giả sẽ tự tay chép lại một bản thủ bút tác phẩm của mình và bán đấu giá, như ngành hội họa và điêu khắc, chỉ có một bản thực, còn lại chỉ là reproductions?
Lê Ngọc Vân