Nguyễn Hiền
Dịch cúm A H1N1 và những ảnh hưởng trên xã hội
Vào tháng 3/2009 bệnh viện ở Mexico đã phát hiện một trường hợp nhiễm cúm lạ nơi một em bé 4 tuổi ở Veracruz (Mexico). Sau đó, một loạt ca nhiễm cúm này được ghi nhận ở những vùng phụ cận. Qua những thử nghiệm siêu vi, người ta đã xác định đây là loại virus A, thuộc chủng H1N1 (thường gây bệnh cúm ở heo). Một tháng sau đó, khi nhiều trường hợp cúm với bệnh trạng tương tự được phát hiện ở Hoa Kỳ và nhất là ở Mexico City, báo chí và truyền thông toàn thế giới đã nhất loạt lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của một trận đại dịch với tác hại khủng khiếp.
Virus cúm A H1N1 và đại dịch cúm:
Virus cúm A H1N1 là một biến thể của chủng virus Influenza H1N1, chủng này có thể gây ra bệnh cúm ở người, chim và heo. Những con số đi sau mẫu tự H (Hemagglutinine) và N (Neuraminidase) xác định cấu trúc proteine của phần ‘vỏ’ virus. Bịnh cúm mùa Ðông gây ra bởi nhiều chủng virus khác nhau, trong đó hai chủng thường gặp là H1N1 và H2N2. Cúm gà xuất hiện ở những quốc gia Ðông Nam Á trong những năm vừa qua thuộc chủng H5N1. Mỗi nhóm virus cúm chỉ lây lan trong một giới động vật, ít khi lây sang giống khác. Bình thường, người không bị nhiễm cúm heo, nhưng trong một số ít trường hợp người bị nhiễm cúm heo, do những đột biến trong cấu trúc của virus cúm hay do những nguyên do chưa xác định rõ. Nếu do đột biến một lần nữa khiến virus trong người nhiễm cúm heo có thể lây lan sang người khác (rất hiếm xảy ra), mà không có thuốc trị hay chủng ngừa, dịch cúm sẽ xảy ra. Nếu virus cúm có cơ hội phát tán nhanh, và đúng khoảng thời gian chuyển mùa từ nóng sang lạnh (trong thời gian này sức đề kháng của con người suy giảm), dịch sẽ có cơ lan rộng khắp thế giới thành đại dịch.
Như thế để chúng ta thấy rằng đại dịch phải do rất nhiều yếu tố và cơ may hội nhập trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Trong quá khứ, có nhiều lần dịch cúm bộc phát mạnh mẽ, để lại những con số tử vong rợn người: 20 – 100 triệu (dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919, dân số thế giới lúc đó là 1,5 tỉ), 2 triệu (dịch cúm Á châu 1957), 1 triệu (dịch cúm Hongkong 1968-1969)... Trong thời đại hiện nay, với mức dân số toàn cầu đầu năm 2009 là 6,7 tỉ, sự tiếp cận cơ thể giữa các vùng tăng vọt do phát triển của ngành du lịch và trao đổi thương mại liên châu, sự mờ nhạt của chuyển đổi thời tiết (do giao tiếp giữa nam và bắc bán cầu), viễn tượng xa vời của một thuốc trị cúm hiệu nghiệm... tin phát hiện virus cúm mới đã làm cả thế giới cùng lên cơn sốt, nhất là khi mỗi tối truyền hình cho chiếu hình ảnh đường phố Mexico-city vắng hoe, người mang mặt nạ, đeo bao tay cùng lời cảnh báo nên đứng cách nhau hai thước khi trò chuyện.
Khác những chứng cúm thông thường hay xảy ra ở người thật trẻ hay hơi già, cúm ‘Mexico’ hay ‘cúm heo’ (tên gọi ban đầu của cúm A H1N1) lại xuất hiện nhiều ở lứa tuổi 25 – 45. Ðiều này làm người ta lo sợ thêm, vì nó sẽ tác động lên khối nhân lực lao động và ưa chuyển dịch. Triệu chứng cúm 'Mexico' cũng giống cúm mùa Ðông, nhưng bệnh nhân thường bị tiêu chảy nặng và ói mửa.
Những tin tức về số người nhiễm cúm tăng nhanh ở Mexico và California làm thế giới quan tâm. Tháng 4/2009, một tháng sau khi phát hiện chủng cúm mới này, người chết đầu tiên đã được ghi nhận, đồng thời người ta cũng phát hiện vài trường hợp đáng ngờ là virus cúm này đã lây từ người sang người. Ngày 11/06/2009 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cấp báo động dịch cúm lên mức độ 6 (cao nhất), dựa trên số ca nhiễm và số vùng quốc gia có người mắc bệnh, tức là có nguy cơ trở thành đại dịch. Mức báo động này mang ý nghĩa là chính phủ toàn thế giới bắt đầu cho thực hiện một số biện pháp dự phòng: Kho thuốc chiến lược trị cúm được đặt trong tình trạng sẵn sàng, phần mở của những ‘cẩm nang trong trường hợp nguy cấp’ được công bố và hướng dẫn cho những nhân viên giữ chức vụ then chốt. Những cơ quan trọng yếu cũng phải lập kế hoạch và tập dượt một số biện pháp đối phó khi dịch xảy ra để bảo đảm một sinh hoạt tối thiểu trong những lãnh vực không thể để bị ngưng trệ như: y tế, giao thông vận tải, truyền thông, cảnh sát, cứu hỏa, hệ thống tài chính...
Kho thuốc chiến lược trị cúm
Năm 2006, trước nguy cơ dịch cúm chim H5N1, những nước Âu Mỹ đã nghĩ đến việc lập một kho thuốc dự trữ để có thể phân phối thuốc tức thời đến toàn dân khi dịch xảy ra. Khi đó, trên thế giới người ta gần như chỉ biết đến thuốc Tamiflu, có chứa hoạt chất Osetamivir phosphate. Chất này được chế tạo từ trái Ðại Hồi (Steranijs – Chinese anise), là một hương liệu trong ngũ vị hương. Cây Ðại Hồi mọc ở miền Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Người ta không thể bắt ép thiên nhiên sản xuất nhanh được. Ðể có đủ Tamiflu cho cả thế giới dùng, phải mất một thời gian hàng chục năm, trong khi đó thuốc Tamiflu chỉ có hạn sử dụng 3 năm, nói tóm lại sản xuất liên tục ngày đêm vẫn không đủ cho thế giới dùng. Tamiflu được hãng bào chế Roche đăng ký năm 2003 như là thuốc trị cúm Influenza nói chung. Thuốc làm giảm sự gia tăng virus trong người bệnh. Roche hiện độc quyền sản xuất Tamiflu.
Trước những khó khăn, nhất là về mặt luật lệ, khối EU và Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã quyết định bằng mọi cách phải lập một kho thuốc dự trữ chiến lược cho một phần dân số (ở Hòa Lan là 1/3 số dân), đồng thời dùng áp lực bắt công ty Roche phải cung cấp hoạt chất Oseltamivir phosphate cho từng nước trong khối liên Âu sản xuất thuốc dự trữ, với điều kiện những thuốc trong kho này không được bán ra trên thị trường. Khi đại dịch bùng nổ, WHO sẽ tùy hoàn cảnh điều động thuốc trong kho trữ của từng quốc gia đến vùng cần giúp.
Mỗi quốc gia Âu châu vì thế từ 2006 đã được phân phối đủ lượng nguyên liệu Oseltamivir phosphate để dùng cho mục tiêu trên, tùy hoàn cảnh mà đặt ra chiến lược tồn trữ (làm ngay thành thuốc, hay trữ ở dạng nguyên liệu để khi cần thì phân phối đến cho nhà thuốc và nhà thuốc sẽ chế thuốc nước phân phối cho dân, hoặc một biện pháp cứng rắn hơn là trưng dụng một số xí nghiệp dược phẩm khi hữu sự để chỉ sản xuất ‘Tamiflu’). Hòa Lan vào cuối năm 2008 đã sản xuất xong gần 30 triệu liều ‘Tamiflu quốc doanh’, đủ lượng thuốc cho 1/5 dân số – mỗi người sẽ phải uống 10 ngày liên tiếp, mỗi ngày một liều. Số thuốc còn thiếu vẫn được tiếp tục đặt mua cho đủ cung ứng đến 1/3 dân số.
Nhưng sau đó, vì không có bằng chứng rõ rệt là Tamiflu có công hiệu trên cúm A H1N1, Hòa Lan sau đó đã đặt thêm 34 triệu liều thuốc chủng, sẽ được giao vào tháng 10 hoặc tháng 11/2009, coi như biện pháp dự phòng dài hạn.
Ðại dịch đi đến đâu?
Qua thời gian ‘hoảng loạn’ ban đầu, người ta dần dần thu thập được nhiều dữ kiện về virus mới này. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo nên dùng thống nhất tên cúm A H1N1 thay vì cúm Mexico, cúm heo... Sự đột biến của virus cúm để có thể lây từ người sang người cho tới nay được ghi nhận là hiếm xảy ra. Tác hại của cúm không đến mức như người ta tưởng. Tháng 8/2009, báo cáo của nhóm nghiên cứu về chủng cúm mới của Hòa Lan đưa ra kết luận là cúm A H1N1 không gây tác hại hơn cúm mùa Ðông xảy ra hàng năm (mỗi năm toàn thế giới có từ 3 tới 5 triệu người nhiễm cúm nặng, trong đó từ 250 ngàn tới nửa triệu người chết (phần lớn do nguyên nhân gián tiếp như sưng phổi, tiêu chảy, suy tim, kiệt sức...), so với con số hiện nay về cúm A H1N1 là hơn 260 ngàn người nhiễm trên toàn thế giới với 3607 người chết (số liệu ngày 14/09/2009). Nguy cơ đại dịch kể như tạm lắng dịu.
Ảnh hưởng của cúm A H1N1 ở một số lãnh vực trong đời sống hàng ngày
1.- Tác động của thông tin mang tính thổi phồng.
Ngẫm lại, lời phát biểu “Ðại dịch có thể xảy ra” chứa đựng rất ít thông tin, thế nhưng người ta vẫn tin vào nó, nếu người phát biểu là một vị giáo sư, bác sĩ hay một viên chức cao cấp trong chính phủ. Trên thực tế, người phát biểu câu trên không bao giờ sai. Nó cũng giống như những bài tường thuật về những thiên tai với lời kết: “Con số nạn nhân tử vong có thể sẽ còn tăng.” Vì thế, để tạo một lưới chắn dư luận 100%, một số không ít vị chức sắc đã dùng kế mọn này để bảo vệ thanh danh hay bảo vệ ghế ngồi.
Trong những tường trình và trên báo chí, người ta cũng thường dùng xảo thuật ngôn ngữ để làm thông tin trở nên quan trọng. Có khi người ta dùng con số tuyệt đối, có khi dùng số phần trăm, tùy theo trường hợp (nếu số phần trăm ít, hay khó xác định chính xác thì người ta dùng con số tuyệt đối, số phần trăm thường chỉ được trong thông tin cho đại chúng khi nó lớn hơn 50). Con số tuyệt đối bao nhiêu người chết do cúm vì thế trở nên vô nghĩa khi xét trên số phần trăm (1,25% tử vong ở cúm A H1N1). Ở Hòa Lan cho đến giờ chỉ có 2 trường hợp tử vong do cúm A H1N1!!!. Tuy nhiên thà thổi phồng để biết mà đề phòng còn hơn giấu nhẹm, miễn là sau đó phải có nghiên cứu đứng đắn và phúc trình khách quan.
2.- Một lần nữa thế giới lại có dịp trắc nghiệm những hệ thống báo động toàn cầu hay trong quốc gia của mình xem nó đã được cải biến đủ hữu hiệu chưa. Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, và với sự ra đời của những mạng thông tin điện tử, các quốc gia dù muốn hay không cũng đã mở cánh cửa thông tin. Hệ thống thông tin, báo động hiện nay không nằm độc quyền trong tay chính phủ hay các cơ quan truyền thông, mà còn có thêm một hệ thống thông tin toàn dân hoạt động song hành, nhiều khi tỏ ra quá nhanh nhạy, dễ bị kích động và thổi phồng.
Ngành học hỏi về thái độ (behavior) qua báo động đại dịch cúm lại có cơ hội nghiên cứu về cách ứng xử của con người trước một biến chuyển lớn của xã hội hay trước một tình huống nghiêm trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với những phương tiện thông tin vượt tầm kiểm soát của chính phủ, cuộc diện có thể xoay chiều theo một hướng không ai lường trước. Cuộc xuống đường với hàng trăm ngàn người trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua ở Iran là kết quả của những kêu gọi của giới trẻ qua hệ thống thông tin ngắn Twitter là một thí dụ. Trong tình trạng báo động, mạng điện thoại hay internet có thể tắc nghẽn, đưa đến hoảng loạn. Nghiên cứu về tác động của thông tin qua mạng viễn thông (điện thoại quốc tế, internet…) trên (phản ứng của) con người giúp các cơ quan cứu cấp và phòng vệ tiên đoán một phần nào chiều đi của luồng tin và mật độ của nó, có thể ứng dụng được trong những lĩnh vực hoàn toàn khác, như trong chiến tranh (cơ giới hoặc truyền thông) hay để đối phó với những lũng đoạn kinh tế tài chính qua thị trường chứng khoán.
3.- Cúm đã tác động lên đời sống tôn giáo và văn hóa ứng xử: Chính phủ Ai Cập ngày 01/05/2009 đã ban hành lệnh giết tất cả 300000 tới 400000 con heo trong quốc gia này, gây nên một làn sóng công phẫn từ những người không theo Hồi giáo khi họ cho rằng chính phủ đã ‘thừa gió bẻ măng’, kết án đây là một hành động mang tính kỳ thị, nhắm vào Thiên chúa giáo (theo Hồi giáo heo là con vật dơ bẩn, người theo Hồi giáo không ăn thịt heo). Tháng 8/2009 có những tố cáo tệ nạn nhân viên phục vụ trong khu cách ly ở phi trường Tân Sơn Nhất làm tiền những du khách bị đưa vào khu cách ly (vì nghi nhiễm cúm) nếu họ muốn hưởng một chế độ chăm sóc tốt hơn, hay muốn được về nhà sớm hơn hạn định v.v…
Khi giao tiếp, nếu gặp đối tượng ho hen sổ mũi, hiện tại người ta cũng đặt dấu hỏi phải chăng người đó đang nhiễm loại cúm bất trị. Ở một số cơ quan, khi nhân viên khai mắc bệnh cúm là bị bắt buộc phải về nhà nghỉ, sợ lây bệnh. Ðã có một thời gian ở Hòa Lan, khi bệnh nhân điện thoại lấy hẹn đi khám bác sĩ, nếu khai là bị cúm, sau khi nghe kể bệnh trạng, nếu nghi ngờ nhiễm cúm A H1N1, nhân viên phòng tiếp nhận sẽ cho biết là không được đến khám, mà phải cử người nhà đến lấy toa, lấy thuốc.
4.- Hòa Lan có thành ngữ: ‘Cái chết của người này là bánh mì của người khác’ (De ene zijn dood is de andere zijn brood). Danh ca Michael Jackson chết chưa đầy 1 ngày, ngoài tiệm đã bán đầy áo thun in chữ và hình tưởng niệm. Cũng vậy, cúm A (H1N1) đã là cơ hội hiếm có cho nhiều công ty làm giàu. Đối với những công ty dược phẩm có liên hệ đến bệnh cúm, diễn biến giá cổ phần của công ty dường như quan trọng hơn diễn biến dịch bệnh. Sau kỳ báo động về cúm chim/gà năm 2006, giá cổ phần của công ty Roche (độc quyền sản xuất thuốc Tamiflu) đã tăng vọt (xem biểu đồ). Công ty 3M kiếm bạc nhờ sản xuất khẩu trang. Ðã có lúc hàn thử biểu đo thân nhiệt biến mất trên thị trường. Những dịch vụ mới đang hốt bạc ngon lành có thể kể: làm vệ sinh, lau chùi văn phòng với nước tẩy virus cúm, thảo mẫu kế hoạch đối phó khi đại dịch xảy ra để bán chúng cho những công ty theo giá trên trời, sản xuất máy scan nhiệt độ... Có những ngành phụ gặp thời ăn theo, một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất là trồng và khai thác cây Ðại Hồi, nguyên liệu chính để bào chế Oseltamivir, hoạt chất trong thuốc Tamiflu. Có những văn phòng tìm việc làm chuẩn bị hồ sơ sẵn cho các ứng viên lớn tuổi có gốc Á châu, họ cho rằng những người này đã qua nhiều trận dịch cúm nên khả năng đề kháng cao hơn. Thế nhưng bây giờ những chuyện đó đã trở thành quên lãng hay là chuyện mua vui.
5.- Nhờ những hiểu biết được thâu thập về siêu vi, nhờ phương pháp tân tiến trong nghiên cứu và sản xuất, người ta đã sản xuất thuốc chủng ngừa bệnh cúm mới này trong một thời gian kỷ lục. Cũng cần nên biết là thuốc chích ngừa cúm được chế tạo bằng cách gây nhiễm cúm ở phôi trứng gà đang ấp, quy trình sản xuất có thể kéo dài tới nửa năm.
6.- Nhưng chính sự tiêm chủng trên con số mấy trăm triệu, có thể tới hàng tỉ người đã đặt nhân loại vào thế nan giải. Khi tiêm chủng, chắc chắn người ta phải chấp nhận sẽ có một số người chết do phản ứng thuốc. Trong khi đó, không ai có thể tiên đoán được là nếu không chích ngừa, số người thực sự sẽ chết vì cúm A H1N1 sẽ là bao nhiêu. Sự thúc hối của dư luận quần chúng tại Hòa Lan đã đưa chính phủ đến một quyết định khó tránh khỏi: Hòa Lan đã đặt mua của công ty Novartis 34 triệu liều thuốc chủng cho tất cả cư dân, bắt đầu thực hiện từ những nhóm người có rủi ro mắc bệnh cao: nhân viên bệnh viện, điều dưỡng viên, người lớn tuổi, bị hen suyễn v.v... Ðồng thời chính phủ Hòa Lan cũng đã bắt đầu cho xuất kho dự trữ chiến lược thuốc Tamiflu trị bệnh cúm chim vì nhận thấy không cần thiết nữa, và đã có dấu hiệu cho thấy một số chủng virus đã kháng thuốc Tamiflu.
Kết luận
Cúm A H1N1 đã cho chúng ta nhiều bài học và kết luận đi ra ngoài phạm vi y tế. Hiện tại, tất cả mọi biến cố trên thế giới đều tạo nên những tác động chằng chịt trong nhiều lãnh vực. Một điều chắc chắn: Việc ngừa virus cúm A H1N1 đã làm chi phí y tế tăng, gánh nặng này cuối cùng sẽ trút lên vai của tất cả cư dân. Người ta ước lượng tiền đóng cho bảo hiểm y tế năm 2009 ở Hòa Lan sẽ tăng khoảng 5%, một phần cũng vì những hãng bảo hiểm đã tìm được một lý do khả tín, để tăng tiền, với hy vọng sẽ bù được những thiệt hại do sự tuột dốc của thị trường chứng khoán từ 2 năm nay.
Nguyễn Hiền
(09/2009)