Lê Ngọc Vân
Con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã bị giết
Vùng sinh sống của loài tê giác một sừng Java (tên khoa học: Rhinoceros sondaicus annamiticus) vốn trải rộng từ Ấn Ðộ đến phần lớn lãnh thổ Indonesia. Trước đây, người ta tưởng loài thú hiếm này chỉ còn xuất hiện ở Indonesia, nhưng vào năm 1988, người ta đã phát hiện một quần thể nhỏ tê giác một sừng Java đang sống ở vùng Cát Tiên (Lâm Ðồng).
Sau đó, khảo sát về gen năm 2004 trên mẫu phân cho thấy là chắc chắn còn hai con tê giác Java trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tháng 4 năm nay (2011) người ta đã tìm thấy xác một con tê giác bị bắn què, sừng bị cắt mất. Từ đó về sau người ta không còn tìm thấy dấu vết sinh sống nào của loài tê giác nữa.
Vùng sinh sống của tê giác đã bị thu hẹp do sự phát triển dân số ở Việt Nam. Theo Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới (WWF) thì tình trạng này còn bị dân săn bắt thú lậu và do thất bại trong việc tuần tra làm cho trầm trọng thêm. Kết quả điều tra của tổ chức này và của Tổ chức Bảo tồn Tê giác Thế giới (IRF) đã được công bố vào ngày 25/10/2011 với kết luận là tê giác Java ở Việt Nam đã “tuyệt chủng ngoài tự nhiên”. Theo ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc Gia Cát Tiên, không thể nào ngăn chận việc săn thú khi có tới một trăm ngàn người sinh sống trong khu vực quanh vườn. Ða số những người này chỉ kiếm được 7 euro mỗi ngày, trong khi đó một kí sừng tê giá khoảng một trăm ngàn đô. Trong một cuộc phỏng vấn do báo Thiên Nhiên tổ chức sau buổi công bố kết quả, ông Thành đã thừa nhận là “...sự quan tâm đối với công tác bảo tồn còn nhiều bất cập, chưa đồng thuận, việc thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí là yếu kém trong khi nhu cầu của xã hội đối với động thực vật hoang dã ngày càng gia tăng...”
Trong vườn bảo tồn thiên nhiên Ujung Kulon (Ðông Java, Indonesia) hiện còn từ 40 tới 60 con tê giác cuối cùng đang sinh sống. Loài tê giác này không có trong bất cứ sở thú nào trên thế giới.
Ðược biết là một dự án xây dựng thủy điện ở vùng Cát Tiên đã được đệ trình, nhưng trong quá khứ, việc xét duyệt đã gặp phản kháng của dân chúng cũng như của những người quan tâm đến động thực vật hoang dã, một trong những lý do đưa ra là phải bảo tồn sinh thái cho những con tê giác cuối cùng này. Nay tê giác không còn, việc xem xét chấp thuận dự án rất có thể sẽ rẽ sang một bước ngoặt khác.
Cũng theo báo cáo từ Việt Nam, vào ngày 22/10, tại khu vực sông biên giới thuộc phường Ka Long, Móng Cái, Đội kiểm soát Hải quan số 1 ở Quảng Ninh đã phát hiện một chiếc đò chở hơn một tấn ngà voi. Số lượng ngà voi trên được coi là vi phạm bị phát hiện lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Móng Cái, Quảng Ninh.
Lê Ngọc Vân