Phan Văn Song


Tản mạn: đọc chuyện Tàu, nghĩ chuyện Ta:

Vượt biên chánh thức
Khi các đại gia Tàu tìm đường xuất ngoại, hạ cánh an toàn 

 

Vượt Biên, một từ ngữ quen thuộc với thế hệ người viết. Từ ngữ Vượt Biên trước đây không có trong Việt ngữ thường ngày thông dụng ở miền Nam Việt Nam trước biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng sau ngày ấy, “Vượt Biên” biến thành nỗi ám ảnh của người Việt miền Nam. Khi thì thì thầm, to nhỏ khi thì bàn bạc sôi nổi, bạn bè, vợ chồng, bà con kháo nhau, bàn nhau làm sao cũng phải Vượt Biên để thoát khỏi Việt Nam. Lạ thay! Suốt bao nhiêu năm chiến tranh, không một ai nghĩ phải Vượt Biên để đi tìm một mảnh vườn xanh bên đồi lân cận. Kể cả những ai có may mắn đi du học, hay đi tu nghiệp ngoại quốc cũng trở về với quê cha đất tổ, với chùm khế ngọt, với đường hẻm, với hàng cây me, với ly đá nhận, với xe nước mía với dĩa bò khô… Nhưng khi hòa bình đến, hết giặc, hết chiến tranh lại bằng mọi giá tìm cách dzọt, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ gia sản, bỏ cha bỏ mẹ! Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả hoạt động, tất cả nghị lực chỉ chú trọng vào Vượt Biên. Mất ăn, mất ngủ, bỏ thì giờ, bỏ của, nặn óc sáng tạo, chạy chọt, học nghề thợ máy, đi làm nghề ghe, nghề tàu cũng chỉ quyết tâm đem vợ con vượt biên.

Khi nhà nước Việt Cộng cho phép “Vượt Biên bán chánh thức”, ôi sung sướng, bán gia tài, bán danh dự, nhào vô, bán nhà bán cửa, tìm vàng, để đóng tiền đi! (Nực cười thay cái từ ngữ Vượt biên bán chánh thức, mình tốn bao nhiêu công sức để cắt nghĩa cho các bạn người Pháp hiểu thế nào là Vượt Biên Bán Chánh thức, không anh Tây nào hiểu nổi cả - chánh thức hay không chánh thức, tại sao bán? mình trả lời, chánh thức là được cho phép, nhưng bán là ra biển vẫn bị hải quân bắt giam vì tội Vượt Biên như thường. “Chánh thức” là tay mặt nó cho, “bán” là tay trái nó có quyền bắt. Đóng dấu ngoặc)!

Thế nhưng ngày nay, gần 40 năm sau, sau thời kỳ Đổi Mới, người tỵ nạn đầy tội lỗi, trai làm bồi, gái làm điếm nay bỗng nhiên thành khúc ruột thừa nối dài mầu xanh đô la 10 tỷ một năm đang và sẽ làm những “tiền trạm” để người Việt trong nước tiếp tục đi trên con đường Vượt Biên. Chữ Vượt Biên nay biến thể thành xuất ngoại, xuất ngoại… lấy chồng, xuất ngoại… lao động, xuất ngoại… tu nghiệp, xuất ngoại… hạ cánh an toàn.
Lạ thay, đã gần 40 năm, nhưng hầu như đại đa số người Việt cũng còn đều mong muốn, và mơ ra sống ở nước ngoài. Ngày nay không còn ai nói Vượt Biên nữa, nhưng giấc mơ “Ra nước ngoài” đều được đại đa số nói tới. Từ những cán bộ muốn đi du học, tập sự, đến các du học sanh, đã đành vì trong nước có nhu cầu nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật. Cũng có những nhà giàu bỏ tiền đi chơi, thậm chí cả những nhà đối kháng, nhưng sau đó tìm đường giây ở lại không về.
Người viết chúng tôi thường được hỏi làm sao tổ chức, làm sao giới thiệu, thậm chí làm sao có đường giây cho người Việt Nam xuất ngoại và được thường trú ở Pháp ở Mỹ, ở Úc… Làm sao có visa, làm sao… và làm sao?!! Ngày nay, xuất ngoại, vượt biên có nghĩa là tìm thấy chắc chắn có một tương lai, một đời sống thanh bình và an toàn và hạnh phúc, mặc kệ nếu có phải làm bồi chạy bàn, rửa chén, hay làm điếm… làm gái hầu bàn cho các cà phê Lú, cà phê Ôm, hoặc dũa móng tay làm neo… Giàu vượt biên theo giàu, nghèo vượt biên theo nghèo. Lấy chồng Đại Hàn, Đài Loan, xuất khẩu lao động, hay gởi con đi học ngay lúc còn nhỏ để con vào quốc tịch hầu đem cha mẹ qua. Tất cả đều muốnVượt biên thoát khỏi Việt Nam.
Còn các cán bộ cầm quyền? Dưới đây xin kể lại một phóng sự đọc được trong nhựt báo Le Monde – Paris về phong trào “Tỵ nạn tìm tương lai của các cán bộ và các đại gia Trung Hoa Cộng sản”.

Trung Quốc là quốc gia tiên tiến duy nhứt, tuy số 1 kinh tế thế giới, mà có người dân tỵ nạn kinh tế. Các tiệm cà phê đầu đường ở Pháp, các tiệm bán thuốc lá ở Paris và thành phố lớn ở Pháp hiện nay đều trong tay người Tàu tỵ nạn. Các đường phố quận 13, khu Belleville Paris đầy điếm Tàu, các tiệm massage, tẩm quất Tàu bắt đầu có mặt ở Paris. Chưa kể những tiệm may lậu, những tổ chức trồng cần sa… Đấy là Tàu nghèo, còn Tàu giàu? Còn Việt Nam?

Sau đây là chuyện kể bên Tàu:

Ông Wang xin phép dấu tên, Wang Wei, (ta tạm gọi), nói rõ: “Tôi lúc nào cũng muốn là người Hoa, tôi chỉ muốn xin một cái visa, như một cái dù, để đề phòng…”. Wang Wei, (đây là một danh tánh do người viết đặt ra) năm nay 42 tuổi, là một nhà doanh thương khá thành công trong nghề xây dựng (lại xây dựng), đang tìm mọi cách để “mua” một cái visa xuất ngoại.

Xuất thân từ một trường Đại học lớn ở Shanghai, Wang Wei là một cựu nhơn viên cao cấp của một Xí nghiệp Xây dựng Quốc doanh, sau đó anh xin được ra khỏi Xí nghiệp và tự lập một cơ sở sản xuất thầu cung cấp các nguyên liệu cho các Xí nghiệp kỹ nghệ xây dựng quốc doanh. Và anh thành công lớn. Ngày nay, cũng như các đồng nghiệp đại gia đã thành công lớn, giàu có của xã hội Trung Hoa, anh nghĩ cách phải làm sao xuất ngoại sống ngoài nước Cộng hòa Nhơn dân Trung Hoa! Anh nghĩ đến tương lai: hai đứa con của anh sẽ được giáo dục trong một môi trường dân chủ và tự do, vợ anh sẽ có một cuộc sống sung túc, sang trọng không sợ dòm ngó. Còn anh? Theo anh, thì chính vì thể chế chánh trị của Trung Hoa Cộng Sản buộc anh phải nghĩ đến việc bỏ nước ra đi.

Từ chánh phủ đến nhơn dân, người Hoa chúng tôi rất quyết liệt, và độc ác!” anh Wang nói. Một cái dù che chở rơi, một điểm tựa mất, một quan to quen biết xuống chức, hay bị đổi đi, tất cả gia tài vận mạng, gia đình các người quen biết, các người được che chở mất theo, có khi còn bị kiện tụng, tù tội. Hiện nay, tất cả nghề nghiệp, nghiệp vụ của Wang đều ở Shanghai, vì vậy anh sẽ đi đi về về, với một sổ thông hành ngoại quốc, với các visa, chiếu khán ngoại quốc. Với sự phát triển, Trung Hoa đang tạo nhiều success stories. Nhưng vì không có một luật pháp chắc chắn, không có một cơ sở Nhà nước vững vàng, nên tương lai người dân mù mịt, làm ăn kiểu “mì ăn liền”, ngắn hạn. Dù có giàu bạc triệu bạc tỷ cũng có thể trong chốc lát tan thành mây khói. Sau 10 năm dưới triều đình Hu Jin Tao, người Trung Hoa ngày nay sống sung túc, sống giàu có hơn xưa. Những con đường xa lộ thênh thang chạy khắp bốn phương nước Tàu, nhưng những con đường xa lộ của công lý và công bằng xã hội và pháp luật vẫn chưa có.

Ông Wang nghĩ đến Singapore, ở đấy người ta nói tiếng Anh và tiếng Hoa, nhưng đời sống quá mắc mỏ. Ông cũng nghĩ đến Canada, Úc châu. Ông cũng nghĩ đến Anh quốc vì “tương lai và giáo dục các con”, ông có nghĩ đến nước Pháp “một nền văn hóa tốt đẹp, nhưng thiếu tiếng quốc tế là tiếng Anh, và hội nhập rất khó khăn”. Cuối cùng “giải pháp tốt nhứt là Mỹ”.

Ngay tại Trung Hoa, ngày nay có hàng loạt các cơ sở dịch vụ “tạo những việc làm” giúp người Hoa có một sổ thông hành thường trú thường trực ở nước ngoài. Andrew Liu là một chuyên viên của của chi nhánh Á Ðông của hãng Access the USA. Ngày hôm nay, anh đề nghị một “gói hàng” bảo đảm 100% dễ dàng vào Mỹ: mua 100 triệu dollars bằng công khố phiếu Huê Kỳ, giúp đầu tư vào việc xây một cái cầu cạnh thành phố Seattle, của tiểu bang Washington. Tiền đầu tư giúp tạo công ăn việc làm ở Mỹ sẽ giúp việc nhập quốc tịch Mỹ dễ dàng.

Ông Wang không tính toán so đo việc vào quốc tịch Mỹ. “Tôi chịu mất tiền để bảo đảm an toàn và tương lai của vợ con tôi”. Ông cũng có thể xin một chiếu khándu lịch – visa des touristes – như bao nhiêu người khác, ở lậu, ghi tên cho con đi học, chờ “năm năm sau, có thể có passeport-thông hành Mỹ”, nhưng ông đã lựa chọn giải pháp nói trên, an toàn dù mắc tiền.

Trung Hoa là một quốc gia khó sống. Người Hoa làm vìệc với nhiều sức ép, gia đình chỉ có một con, và một con người có thể, bữa nay bữa mai, bị mất tích, bị thủ tiêu dễ dàng. Ngày nay rất nhiều người Hoa mong có một cuộc sống thầm lặng, an lành, dễ thở”. Cyril Boucher, một chuyên viên người Pháp làm việc cho hãng MMBOverseas, một hảng chuyên lo dịch vụ xuất nhập người. Người khách hàng mẫu cho những dịch vụ xuất nhập người là đại gia chủ xí nghiệp thành công của các tỉnh lớn của Trung Hoa. Từ 5, 6 năm nay, đa số các đại gia các xí nghiệp lớn đều muốn rời Trung Quốc di dân.

Cũng bắt đầu có các cán bộ cao cấp Nhà nước, và cả Đảng nữa. Tất cả những quyết định ấy đều phạm pháp. Đa số đều đứng đầu những tài sản khổng lồ. Thời báo Caixin tiết lộ, vào năm qua, một kỹ sư trách nhiệm bộ máy tham nhũng khổng lồ là công ty điều hành quản trị việc xây dựng đường xe lửa cao tốc đã lén lút chuyển tiền qua Mỹ để mua một biệt thự khổng lồ ở Los Angeles.

Một chuyên viên người Mỹ về các dịch vụ xuất nhập “di dân” ở Mỹ kể chuyện ông gặp một vấn đề nan giải. Có một chị khách hàng muốn di dân sang Mỹ vì chị rất thành công trong nghề nghiệp của chị. Nhưng chồng chị là một đảng viên cao cấp, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Hoa tại nhà máy điện tỉnh Zheijiang, nên anh không giải quyết được! “Rất khó, vì các quốc gia nhận người và nhận tiền ngày nay đều bắt buộc phải điều tra nguồn gốc tiền và tài sản của ứng viên di dân”.

Các đảng viên hay các cán bộ cao cấp của bộ máy cầm quyền Trung Hoa muốn di dân để bảo đảm đời sống tương lai được gọi là “luo guan” (các quan trần truồng).

Theo nhận xét của ông Wang, rằng chính do sự ra đi của những chánh khách, những đảng viên, những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Trung Hoa là những chứng minh của một tương lai bất ổn của Trung Hoa Cộng sản: “Gia đình họ, tài sản họ, đều ở ngoại quốc. Nếu có một biến chuyển gì bất lợi, họ chạy nhanh ra phi trường và bye bye Trung Hoa”!

Còn Việt Nam ?
Thôi mong rằng các vị đương quyền Việt Nam nay hốt cũng đầy đủ lắm rồi, nên Vượt Biên chánh thức qua Mỹ, tìm tương lai cho con cái, trả cái nhà Việt Nam, dù có rách nát đi nữa, lại cho người dân Việt Nam để người dân Việt Nam tự sửa chữa và cai quản lấy!

Mong lắm!

 

Hồi Nhơn Sơn, vào hè 2013
Phan Văn Song

 


Cái Đình - 2013