Hoàng Giang


Việt Nam miễn visa cho ‘Việt Kiều'

 

Chính phủ Việt Nam vừa chính thức ra quyết định miễn thị thực (visa) cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quyết định ban hành ngày 17/08/2007 và có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2007.

Trước khi quyết định ban hành, đã có những dọn đường trước qua báo chí, truyền thanh truyền hình kể từ đầu năm 2007, như là sự thông báo về quyết định này trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 6 vừa qua, và cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình – chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài – nhân cuộc cuộc tiếp xúc với một số người Việt ở Ý trong cuộc công du 3 ngày của ông (06 – 08/07/2007).

Quyết định bãi bỏ thủ tục xin visa là một bước tiến đương nhiên trong chủ trương cải thiện mối quan hệ của nhà cầm quyền Việt Nam với gần 3 triệu người Việt ở nước ngoài. Chủ trương này đã được đẩy mạnh bởi Nghị quyết 36 ban hành ngày 26/03/2004, nghị quyết mà tuyệt đại đa số người Việt tị nạn lên án là một âm mưu nhằm dụ dỗ Việt kiều ‘qui hàng' Cộng sản. Việc miễn thủ tục visa là một trong nhiều biện pháp nằm trong tinh thần Nghị quyết nói trên.

Nhưng không giống điều mà nhiều người đã suy diễn, khi trái bong bóng ‘miễn visa' được thả ra trong dư luận vào năm 2006. Miễn visa ở đây không mang ý nghĩa là có thể nhập cảnh ngắn ngày (thí dụ du lịch vài tuần) chỉ với hộ chiếu (thông hành), mà chỉ là sự thay đổi việc xin visa: thay vì mỗi lần nhập cảnh là một lần phải xin visa, thì nay có thể xin một giấy ‘miễn thị thực' có giá trị tối đa 5 năm. Có thể nói đây là một hình thức visa có giá trị lâu dài và có thể nhập cảnh nhiều lần.

Điều này đã làm nhiều người thất vọng. Nhiều người khác thì bày tỏ hoài nghi: giấy này không phải là một giấy phép bảo đảm 100% được nhập cảnh vào Việt Nam. Ở cổng hải quan, khách có thể bị từ chối nhập cảnh không cần nêu lý do rõ ràng. Trong một thể chế đặt sự nghi ngờ lên hàng đầu, với phương châm ‘thà giết lầm còn hơn bỏ sót', nếu bị công an cửa khẩu từ chối cho nhập cảnh ‘vì lý do an ninh' thì làm sao trở về ngay được, ăn ngủ ở đâu, hay lại phải vào những khách sạn được chỉ định với giá trên trời và một lần nữa bị cứa cổ vì phải mua vé về lập tức. Đó là chưa kể những phiền phức bực dọc: những chuyện đã dự tính nay phải hủy bỏ, người nhà đứng chờ rã cẳng ngoài phòng đợi mà không liên lạc được… Ở Hòa Lan đã có trường hợp vì tư thù đã đưa đến việc viết thư tầm bậy gửi về những cơ sở an ninh Việt Nam tố cáo người khác đang hoạt động ‘chống cộng' để cho cá nhân đó không được cấp visa về Việt Nam thăm gia đình.

Theo tinh thần Quyết định vừa ban hành, việc miễn thị thực chỉ nhằm vào người Việt Nam hay người có gốc Việt Nam và cha mẹ vợ con của người này. Trên thực tế việc chứng minh là người Việt Nam nhiều khi không đơn giản đối với người tị nạn, nếu đã vào quốc tịch những nước đã định cư như Mỹ, Pháp, Hòa Lan… và đã lấy tên ngoại quốc hay đã thay đổi lý lịch. Elizabeth Nguyen có lẽ là người Việt Nam? Nếu bà này sinh ở Campuchia thì chắc lại không phải là người Việt Nam. Tommy (Thomas) Ngo, quốc tịch Hoa Kỳ, có phải là người thuộc đối tượng được miễn thị thực không? Trong qui chế hướng dẫn có ghi là Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc công dân Việt Nam có thể làm giấy bảo đảm đương sự là người Việt Nam. Đây sẽ là một vấn đề chắc chắn sẽ gây ‘nhức nhối' cho nhiều người.

Nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Ngay cả những lời giải thích của Việt Nam cũng còn nhiều điều người ta không thể chấp nhận được. Như lời giải thích rằng nhờ có giấy này mà khi có chuyện cần gấp có thể mua vé máy bay để đi/về Việt Nam ngay lập tức. Nhưng làm sao biết được lúc nào có chuyện cần, hay là ai cũng phải thủ sẵn một giấy miễn thị thực trong người, nhưng muốn có giấy này ngoài chuyện làm thủ tục xin, cũng còn phải đóng tiền.

Nói tóm lại, với những người thường xuyên có quan hệ với Việt Nam (làm việc, buôn bán…) đây là một sự giản dị hóa thủ tục đáng ca ngợi. Nhớ lại 15, 20 năm trước, khi Hòa Lan chưa có Tòa Đại sứ Việt Nam, những người ở đây khi muốn xin visa đi Việt Nam phải đi trên 500 cây số sang Paris chầu chực, hay phải gửi bảo đảm qua đường bưu điện, thì đối với những người hiện nay ở vùng xa Tòa Đại sứ, Lãnh sự quán, có một giấy miễn thị thực dằn túi cũng là một điều hay. Miễn là dừng có một ngày nào đó nhận được giấy báo của Tòa đại sứ rằng giấy miễn thị thực của ông/bà bị hủy ‘vì lý do an ninh'. Một lợi điểm rõ ràng nữa của sự miễn thị thực là người có giấy miễn có thể mua vé máy bay giá rẻ trong những chiến dịch giảm giá, hay mua vé giờ chót giá rẻ (last minute) mà không phải suy nghĩ về việc xin visa có kịp hay không. Nhưng với đại đa số người Việt, việc có được miễn thị thực hay không chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống của họ. Khi nào muốn đi Việt Nam du lịch hay có công chuyện thì xin, còn theo chiều hướng phát triển hiện nay thì không bao lâu nữa người ta có thể xin thẳng qua internet, không phải gởi thư.

Có người tự hỏi: làm chi bày đặt thêm một thứ giấy cho rắc rối vậy. Tại sao không đặt ra qui định có thể cấp visa cho những người có gốc Việt Nam và thân nhân của họ có giá trị 5 năm và được ra vào nhiều lần?

Thực hư, tốt xấu ra sao đành phải đợi thời gian trả lời. Cũng cần thêm vô đây một chuyện người Việt Nam rất sợ: đó là phải kê khai lý lịch chi tiết, quá trình hoạt động để cho nhà nước nắm.

Hoàng Giang
(08/2007)

__________________________

Tài liệu tham khảo:

Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2007.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng

*

 Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
(Ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg  ngày 17-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ)

Điều 1. Đối tượng miễn thị thực

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh nếu có đủ các điều kiện:

1. Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài (dưới đây gọi tắt là hộ chiếu) còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh.

2. Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Điều 2. Đối tượng không được miễn thị thực

1. Không đủ điều kiện nêu tại Điều 1.

2. Thuộc diện "chưa được nhập cảnh Việt Nam" theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể:

a) Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh;

b) Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;

c) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước;

d) Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 3. Giấy miễn thị thực

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực gồm:

- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an.

2. Giấy miễn thị thực có giá trị đến 5 năm và ngắn hơn thời hạn còn giá trị của hộ chiếu hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp ít nhất 6 tháng.

3. Giấy miễn thị thực được cấp cho từng người. Trẻ em dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu với cha hoặc mẹ, thì Giấy miễn thị thực được cấp cùng với hộ chiếu của cha hoặc mẹ.

4. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

5. Người được cấp Giấy miễn thị thực phải nộp phí xử lý hồ sơ theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực:

1. Hộ chiếu nước ngoài hoặc người chưa được cấp hộ chiếu nước ngoài thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (kèm theo bản sao để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ).

2. Một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các giấy tờ được cấp trước đây dùng để suy đoán về Quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh  là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì đương sự có thể xuất trình giấy bảo lãnh của Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc công dân Việt Nam bảo đảm đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng minh quan hệ vợ, chồng, con với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam (giấy đăng ký kết hôn; giấy khai sinh; giấy xác nhận quan hệ cha, mẹ, con và các giấy tờ có giá trị khác theo quy định của pháp luật Việt Nam).

3. Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này, đương sự có thể xuất trình giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét cấp Giấy miễn thị thực.

4. Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực (theo mẫu).

Điều 5.  Hủy Giấy miễn thị thực

1. Người được cấp Giấy miễn thị thực sau đó nếu phát hiện những vấn đề không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 2 Quy chế này sẽ bị hủy Giấy miễn thị thực.

2. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc hủy Giấy miễn thị thực đối với người được cấp đang ở nước ngoài. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an; lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh thuộc Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tại cửa khẩu thực hiện việc hủy Giấy miễn thị thực đối với người được cấp đang tạm trú ở Việt Nam hoặc đang ở cửa khẩu Việt Nam.

3. Trường hợp bị hủy Giấy miễn thị thực không được hoàn trả phí xử lý hồ sơ.

Điều 6.  Thời hạn tạm trú tại Việt Nam

Người nhập cảnh Việt Nam bằng Giấy miễn thị thực, được tạm trú tại Việt Nam không quá 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh. Người tạm trú quá 90 ngày phải làm thủ tục xin cấp thị thực theo quy định hiện hành trước hoặc sau khi nhập cảnh Việt Nam.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Quy chế này. Bộ Công an ban hành mẫu Giấy miễn thị thực, mẫu Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực và mẫu Giấy bảo lãnh, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Ngoại giao.

2. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các hãng hàng không quốc tế biết, tạo điều kiện thuận lợi cho người mang Giấy miễn thị thực đến Việt Nam.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng phí xử lý hồ sơ cấp Giấy miễn thị thực.

THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng

 


Cái Đình - 2007