Hoàng Giang


Việt Nam hội nhập quốc tế

 

Tháng 11/2006 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho Việt Nam

Vào ngày 07/11/2006 Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thu nhận làm thành viên thứ 150.

Chưa đầy một tuần sau đó, Việt Nam đã tưng bừng tổ chức tuần lễ APEC với cao điểm là Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14 (18 và 19/11/2006), với sự hiện diện của những nhân vật lãnh đạo tối cao đến từ 21 nước thành viên trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương. Việt Nam trở thành điểm hội tụ, Hoa Kỳ và Nga đã nhân dịp này thực hiện một cuộc trao đổi hành lang để khai thông con đường cho Nga vào WTO vào năm tới.

Thành quả đạt được sau nhiều năm dài vận động đàm phán WTO, cộng thêm vinh dự lớn lao là nước chủ nhà đón tiếp những vị nguyên thủ quốc gia quan trọng hàng đầu thế giới đã khiến Việt Nam dốc toàn lực trong công tác phô trương một nước Việt Nam mới, đẹp và dễ thương về mọi mặt, đang chính thức bước vào sân chơi quốc tế.

Với Tổng thống Bush, chắc hẳn đây là một chuyến viếng thăm đầy ấn tượng. Hoàn toàn không có một cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ xảy ra trong suốt kỳ hội, cho dù vấn đề Irak hiện đang còn nóng bỏng lời chỉ trích sự can thiệp của Mỹ. Quí vị bộ đội về hưu dường như đã quên hẳn mối thù đế quốc, hoặc đã phải tuân theo chỉ đạo ‘vì tương lai đất nước'?

Ông Bush có lẽ cũng biết rằng một nửa phía bắc Việt Nam, kể từ khi quân đội Pháp rút, gần như chỉ còn những cuộc biểu tình ‘ủng hộ'. Tuy nhiên, những lời ca ngợi của ông cũng như của những ‘cường quốc kinh tế' dành cho Việt Nam trong dịp này không phải hoàn toàn là những lời tán tụng đầu môi chót lưỡi.

Những nước ‘tư bản' thực ra thích đầu tư ở một quốc gia ít có rối loạn. Nếu cần, họ sẽ chấp nhận một sự độc tài tương đối, miễn là luật pháp dành cho họ được qui định minh bạch. Còn luật pháp dành cho dân sở tại ra sao, đó là việc của họ.

Như thế, Việt Nam rõ ràng là một nơi lý tưởng để xây cơ sở sản xuất.

Môi trường xã hội Việt Nam không thích hợp cho sự phát triển của Hồi giáo, một mối đe dọa vô hình hiện tại đang đè nặng trên các quốc gia Âu Mỹ.

Xã hội Việt Nam nói chung cũng không dễ chấp nhận những phản kháng để đòi một nền dân chủ theo kiểu Âu Mỹ, vì nền dân chủ đó được xây dựng dựa trên chủ nghĩa cá nhân để phục vụ mọi cá nhân trong xã hội một cách đích thực, do đó tự bản chất nó đã đối nghịch với con người Việt và nền văn hóa Việt.

Bên cạnh đó, sự hữu hiệu của guồng máy bảo vệ chính phủ đã được minh chứng qua công tác bảo đảm an ninh tổ chức và giữ gìn trật tự xã hội trong suốt một tuần lễ APEC với nhiều hội nghị thượng đỉnh khác nhau, cho dù nhiều người đánh giá rằng đó chỉ là một sự an toàn của một trái bom để lộ thiên.

Các lãnh tụ của bốn con rồng và cọp (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản) hẳn đã nhận thấy những điều này và giữa thế trận Long Tranh Hổ Đấu diễn ra trong hậu trường, đã tạm ngồi chung trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, cùng hỉ hả thỏa thuận ngầm với nhau, ai sẽ là chủ thực và ai sẽ là chủ thầu trên đất nước Việt Nam.

Số phận người công nhân Việt Nam rồi cũng sẽ được quyết định theo chiều hướng này.

Đương nhiên chính phủ Việt Nam cũng biết điều đó nhưng quả thực khó tìm ra lối thoát. Con đường vào WTO cũng là con đường Việt Nam bắt buộc phải theo. Trong thời đại toàn cầu hóa, một nước có dân số 83 triệu người, với một nền kinh tế không trải đều trên mọi khu vực để có thể tự lực cánh sinh, không thể đứng ngoài vòng mãi được.

Nhập cuộc chơi, trong hoàn cảnh một chính quyền từ trước tới nay chỉ vẽ ra luật để bắt người dân theo, nay phải tuân thủ luật quốc tế, với những tư duy và quan niệm về xã hội và con người khác hẳn nếp nghĩ đã quen, không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Nỗ lực vận động để được WTO nhận làm thành viên vì thế là một hành động can đảm và sáng suốt của chính phủ Việt Nam kể từ năm 1985, với lời tuyên bố của Nguyễn Văn Linh: ‘đổi mới hay là chết'.

Sự kiện được chấp nhận vào WTO đã làm dân Việt Nam phấn khởi. Suốt nhiều năm liền chịu đựng những thiên tai, dịch bệnh và những tranh chấp kinh tế, WTO đã mang lại niềm tự hào và hy vọng cho toàn dân trong một viễn kiến kinh tế tốt đẹp, dân giàu nước mạnh.

Nhưng trên thực tế, WTO và dân giàu nước mạnh là hai chuyện không có nhiều liên hệ với nhau. Trong 149 nước thành viên WTO, có được mấy nước ấm no, hạnh phúc?

Việt Nam là nước cho đến nay nền kinh tế vẫn đặt trọng tâm vào nông ngư nghiệp và chăn nuôi theo qui mô nhỏ. Việc qui hoạch hóa và hiện đại hóa những khu vực sản xuất này là điều tất yếu, nếu không muốn biến quốc gia thành một trung tâm lắp ráp không lồ của những ông chủ ngoại quốc.

Nhưng chính từ sự tất yếu này đang tiềm ẩn một nguy cơ. Xã hội Việt Nam từ nhiều nghìn năm qua được xây dựng trên nền tảng gia đình. Nền tảng này kể từ năm 1954 đã bị xới tung lên ở cả hai miền Bắc Nam, bằng chủ nghĩa cộng sản hoặc bằng sự tấn công mãnh liệt của một nền văn hóa thuần vật chất, nhưng cho tới giờ vẫn không có một mô hình xã hội nào khác thay thế. Việt Nam hiện vẫn còn đang loay hoay đi tìm một mô hình xã hội đặt vừa khuôn văn hóa Việt.

Vì thế nếu đánh bật những sản xuất nông ngư nghiệp và chăn nuôi theo qui mô nhỏ để thay vào đó bằng phương cách sản xuất hiện đại rập khuôn các nước kỹ nghệ có lẽ sẽ một lần nữa mang đến cho xã hội Việt Nam một sự thay đổi tận gốc rễ.

 

Hoàng Giang

 


Cái Đình - 2006