Nhược Trần
Về chuyện mới cũ
Bàn đến cái đẹp là chuyện muôn thuở. Đặt vấn đề và mổ xẻ tách bạch ý niệm mới cũ, truyền thống và hiện đại là việc làm cần thiết, nhưng mang tính khập khiễng. Sự đa dạng nguyên thủy của xã hội đã từng chứng minh, quan niệm cá thể trong từng lãnh vực đời sống cũng tựa như chuyện ‘người mù sờ voi’.
Tính truyền thống và hiện đại trong văn học nghệ thuật luôn hiện hữu liên tục,
song phương và đóng một vai trò quan trọng trong việc đối trọng và tương tác.
Đấy là sự cấu thành từ những biến thiên của thời đại lồng trong khu văn hóa.
Hoặc nó phản ảnh đời sống thực tế xã hội. Hoặc nó là những thúc bách lên đường
tìm tòi những khuôn mặt tiềm ẩn của trần gian. Nói khác đi, phê phán một cách
thái quá hay phủ nhận ‘sạch trơn’ nền văn học nghệ thuật truyền thống là, hoặc
vô tình, hoặc cố ý chối bỏ toàn diện nếp sống tích cực của ‘nề nếp’ xã hội cũ.
Truyền thống bị mai một sẽ đưa đến sự phân hóa dần nền tảng tâm thức dân tộc.
Văn hóa lụi tàn sẽ là nguy cơ đưa đất nước đến sự ‘tan rã’.
Đến nay, có không ít người, theo thói thường vẫn hay đánh đồng những ý niệm
nghệ thuật, văn hóa, xã hội, chính trị... vào nhau. Và như thế, khi lên án một
sự kiện nào đó mang tính tiêu cực trong xã hội là ngẫu nhiên đem toàn bộ giá
trị thiết thực của đời sống văn hóa ra ‘treo cổ’.
Con người, xã hội và văn hóa Việt Nam có vấn đề, lấn cấn rất nhiều vấn đề.
Tôi ví nó như một lọ mắm nêm, vừa ngon, vừa đậm đặc lại vừa có cái mùi thum
thủm khó ngửi (tệ hại hơn cả cái hũ tương của ông Bá Dương bên Đài Loan). Ở
đây, những điều được xem là ‘bản sắc’, là ‘cá tính dân tộc’ hay ‘đặc thù văn
hóa’ cần phải được xét lại toàn bộ. Thử xem, sẽ trải bao thế hệ nữa, dân Việt
mới thôi không còn ngửa mặt ngạo nghễ về những thành quả của các cuộc hiếu chiến
hay ‘đánh nhau’... tội tình. Những tự hào về các ý niệm mơ hồ như ‘bốn ngàn
năm văn hiến’, ‘con rồng cháu tiên’, ‘dân tộc anh hùng’, ‘rừng vàng biển bạc’
đã thật sự thiếu cơ sở và trở nên vô cùng lố bịch. Việt Nam sẽ muôn đời không
thể ngóc đầu lên được, nếu chúng ta mãi cứ tự mãn về cái nguồn gốc rồng chim
của mình. Một dân tộc thấp kém mới phải thường xuyên bám víu vào huyền thoại,
tự kỷ ám thị để làm cuộc ‘phong vương’ cho mình.
‘Văn hóa mắm nêm’, chiến tranh và những chính thể bạo ngược đã nhiều năm tàn
phá đất nước và Con Người. Những chủ trương, chính sách quá khích và sai lầm
trong việc điều hành đất nước đã gây nên một hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không
thể khắc phục được. Truyền thống tốt đẹp và những sinh hoạt đời sống xã hội,
đời sống tâm linh mang tính ‘đặc thù dân tộc’, cái mà ‘dư luận’ bấy giờ lên
án là ‘tinh thần tiểu tư sản’ hay ‘tàn dư phong kiến’, đã bị bôi xóa và chà
đạp đến tận gốc rễ. Thay vào đó, do nhu cầu chính trị, một đợt sống mới cùng
một luồng tư tưởng lạ lẫm, chưa định hình được áp đặt. Sự hận thù (do nền giáo
dục đấu tranh giai cấp), tinh thần thực dụng vô hình chung được cấu thành và
được nuôi dưỡng. Tâm thức người dân của hơn một nửa đất nước đã hư hỏng cùng
cực như một cơn bệnh trầm kha, và nó kết tinh thành một thứ tư duy tật nguyền.
Mấy năm gần đây, do những biến động toàn cầu, hoàn cảnh đất nước đã ít nhiều thay đổi.
Từ lâu, sự áp đặt có hệ thống ý niệm ‘Yêu xã hội chủ nghĩa là yêu nước’ (thay thế cho nền giáo dục dựa trên nền tảng yêu thương truyền thống) và không nhân nhượng bất cứ một sự ‘sai lệch’ nào khác về phạm trù tư tưởng đã vô tình gieo cấy vào tâm tư người dân một niềm tin có điều kiện. Và khi niềm tin này bị phân hóa hoặc sụp đổ, nó kéo theo một hậu quả đáng sợ, tình cảm gắn bó với gia đình, với quê hương xóm làng, với đất nước cha ông... sẽ trở nên vô cùng lố bịch và rất mơ hồ. Nền tảng của truyền thống bị mai một. Con người đâm ra hụt hẫng, ngờ nghệch trước mọi ý niệm và hoàn toàn mất hết ‘chỗ dựa’ để bám víu vào (nên phải bám víu vào thần linh). Từ đó, trong tâm thức nẩy sinh những mặc cảm và nhiều sự ngộ nhận. Dù đang sống ‘trong lòng dân tộc’ hay phải bỏ nước ra đi, trong chúng ta, có không ít người, do nhiều nguyên nhân sâu xa, đã thật sự phải (!) ‘quay lưng lại’ với truyền thống và quê hương của mình. Trước nguy cơ đó, dư luận xã hội nhiều năm qua đã lên tiếng khuyến cáo, cần phát động một phong trào làm thức tỉnh nhân tâm, chấn hưng nền đạo đức và tinh thần dân tộc, tạo môi trường để mọi người cùng ý thức và phát huy các ‘tinh hoa tốt đẹp’ của đất nước. Qua đó, mọi người cùng gầy dựng lại niềm tin và lòng thiết tha đối với quê hương xứ sở. Song song với việc phát triển, hiện đại hóa và kỹ nghệ hóa đất nước, cần chú tâm thật nhiều đến vấn đề văn hóa và Con Người, cần bảo đảm và nâng cao phẩm chất của cuộc sống. Kết cuộc, mọi nỗ lực, mọi sự hô hào, dù thật tâm hay vì những mưu đồ, những chiến lược mang tính chính trị cục bộ đã, hoặc tan loãng vào khoảng không, hoặc rất nửa vời và chỉ gặt hái được một vài kết quả khá khiêm nhường. Điều đáng lo ngại là nó đã tạo thêm ra những hiện tượng xã hội bất thường. Rất điển hình, mỗi khi một giá trị nào đó do áp đặt bị biến dạng, trong quá trình phục hồi, sẽ khó tránh được tình trạng đưa đến sự quá đà. Giống như sự cong oằn của một thân tre. Những thảm bại hòa (hội) nhập, những ức chế dồn nén âm ỉ nhiều năm, nếu không được điều tiết hoặc hóa giải một cách dung dị bình thường, sẽ dễ tạo nên những ‘ngòi thuốc nổ’. Đấy là biến độ gây thành những hội chứng, một tinh thần trầm cảm thụ động, hoặc một thái độ nổi loạn không khoan nhượng. Trong tâm trạng mất nền tảng cùng sự hụt hẫng đó, những luồng tư tưởng và những yếu tố tiêu cực đã lỗi thời từ các nước phương Tây tràn vào. Người thiển cận thì bảo thủ một cách cực đoan, kẻ chống lại thì 'cấp tiến' cũng cực đoan một cách mù quáng, ‘tây’ còn hơn cả người Tây. Bản chất người Việt dễ sa ngã, dễ biến chất và hay chịu khó... học đòi (1). Họ tiếp nhận những ‘cái mới’ một cách thiếu chọn lọc và vô ý thức. Giống như tâm trạng của một người, trong cơn nghèo đói, sau khoảng hơn 40 năm ‘nhịn ăn’, khi dự vào buổi tiệc ‘thời trang’, hắn sẽ tống mọi thứ vào mồm nhai ngấu nghiến đến bội thực. Một cuộc ép duyên tàn nhẫn giữa một thân xác tèm nhem quá độ cộng sản với một tâm thần phân liệt tư bản hoang dã (hoặc một tư tưởng cộng sản giáo điều với một tinh thần gia trưởng Khổng Mạnh) đã tạo nên xã hội Việt Nam ngày nay, một xã hội đầu voi đuôi chuột đầy nghịch lý đã tiếp tục sản sinh ra những quái thai. Những kẻ bệnh hoạn hay ‘trưởng giả học làm sang’ thao túng ‘thị trường’. Tệ nạn xã hội hoành hành. Những anh hùng ‘gặp thời thế thế thời phải thế’ trâng tráo, lưu manh và cơ hội. Những bà Trưng, bà Triệu thời đại có thể vì tiền, vì muốn có được một cuộc ‘đổi đời’ nho nhỏ đã sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, kể cả việc bán rẻ nhân phẩm và linh hồn của mình. Lý tưởng của tuổi trẻ là tiền, là những cơn động kinh và vài buổi tiệc... giả cầy (2). Điều đáng lo sợ là cục diện đã dần trở thành một tập quán, một nếp sống xã hội. Con người sẽ không còn cảm thấy biết xấu hổ hay băn khoăn trước những điều tiêu cực, tồi tệ và tội ác. Nhiều giá trị bị đảo lộn. Thật giả nhập nhằng. Người tử tế, trung thực bị bạc đãi, hãm hại, xa lánh, kẻ lưu manh biết nịnh hót thì được trọng dụng, ưu đãi, cầu cạnh. Đạo đức suy đồi. Lương tâm và nhân tính bị xói mòn. Lòng người tha hóa. Đất nước phá sản trên nhiều phương diện, ít nhất là về vấn đề Con Người. Có nên chăng, 70 triệu dân Việt nên làm một cuộc lên đường... tự sát tập thể ?!
Trở lại vấn đề văn học nghệ thuật. Tôi nhận thấy, nhiều nhà phê bình, khi luận bàn một thể tài nào đó liên quan đến văn học, thường rất võ đoán, và đứng vào vai trò của kẻ phán quyết mang tính chủ quan với những định kiến hẹp hòi hơn là một nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Xã hội mang tính đa dạng. Với một tinh thần cởi mở, khai phóng, ta khó có thể chấp nhận bất cứ một định kiến nào. Trong việc sáng tác và phê bình lý luận, không ai có đủ thẩm quyền áp đặt quan điểm của mình là duy nhất đúng đắn. Đối với một người ‘nghệ sĩ chân chính’, trong việc trước tác, khi muốn dựng lên một hình ảnh nào đó tâm huyết, điều trước tiên, ta cần chứng minh tài năng, sức thuyết phục và bản lãnh của mình. Dư luận sẽ công bình phán xét. Ta không nên theo thói thường, phải ‘đạp đổ’ một cái gì đấy xuống... Điều gì thật sự hay đẹp, tự nhiên sẽ được chấp nhận. Gần đây, một số người cố tạo ra những cuộc ‘gây hấn’ lớn. Tôi nghĩ, với hoàn cảnh ù lì như Việt Nam, đôi khi, ‘gây hấn’ là một điều cần thiết để cải thiện và đem lại sự tiến bộ cho xã hội. Nhưng, không phải vì thế mà chúng ta, để tạo sự chú ý, cần chăng, ví dụ, đem truyện Kiều... và cụ Nguyễn Du ra ‘tra tấn’.
Đâu đó tôi có nói, văn học nghệ thuật phải luôn mang tính hiện đại và sáng tạo. Cần có những nỗ lực thể nghiệm, tìm tòi, phát hiện những điều hay và mới lạ để tránh sự sáo mòn. Làm mới ngôn ngữ thơ ca phải bắt nguồn từ cơ bản: đó là việc tạo nên cái đẹp, sự quyến rũ và những điều lạ lùng độc đáo gây ấn tượng và tác động mạnh mẽ vào tâm thức con người. Ở một tài năng thật sự, cái ‘hay lạ’ sẽ tự nhiên bộc phát ra, không cần có sự ngụy tạo. Và do đó, mọi sự lạm dụng, mọi hình thức ‘làm dáng’ (làm dáng nghệ thuật hay làm dáng trí thức, nhất là giới trí thức nửa mùa) đều khó có thể chấp nhận. Văn minh hiện đại Tây phương có khá nhiều điều hay, nhưng cưu mang không ít những nhược điểm. Trong mấy trăm năm, họ ở tư thế của một kẻ mạnh, trên nhiều lãnh vực, chính trị, quân sự, kinh tế, kỹ thuật, ngôn ngữ... Và với cái ưu điểm ấy, họ có đủ ‘thẩm quyền’ áp đảo và đặt nền móng cho mọi giá trị(?) (3). Không hội nhập với ‘trào lưu’ thế giới, ta sẽ trở thành lạc hậu. Điều này ai cũng hiểu. Nhưng, nếu ta xem quan niệm về cái đẹp của Tây phương trên bình diện văn hóa, học thuật (4) là mẫu mực để mọi người hướng tới, là chính bản thân ta tự bôi xóa mình. Mặc cảm tự ti, tinh thần nô lệ và vọng ngoại qua đó, đã định hình từ trong tiềm thức.
Ngành hội họa nói riêng và các lãnh vực nghệ thuật Tây phương nói chung đang ở giai đoạn thoái trào. Từ việc sáng tạo cho đến sự thẩm thức, con người bị chi phối quá nhiều bởỉ nền khoa học kỹ thuật, bởi tính duy lý, bởi sự khô cứng và đa phức của hiện thực đời sống. Một hiện thực thiếu linh hồn. Thật đáng lo ngại cho thời đại mà thiên hạ thản nhiên đùa cợt với những cảm xúc chân thật của con người. Và kẻ có lương tri đều cảm thấy chán chường, mệt mỏi. Vì thế, ta sẽ không cảm thấy ngạc nhiên khi càng lúc càng có nhiều người có khuynh hướng ‘tìm về’ với thiên nhiên, với ‘quá khứ’, với cái ‘xa lạ hoang sơ’ của những vùng đất mới phát triển.
Do hoàn cảnh lịch sử, chính trị, hàng trăm năm nay, ‘tư tưởng Việt Nam’ vẫn luôn bị giằng co giữa hai nền văn minh Tây phương và Hán tộc. Thiếu những nhà tư tưởng lớn sẽ không làm nên một nền quốc học khai phóng, nhưng đặc thù mang tính dân tộc. Cái riêng, cái bản ngã (ngoại trừ lãnh vực chính trị, xã hội) là cứu cánh để ta có thể vượt lên trên người, đứng vững trong môi trường hội nhập vào thế giới hiện đại. Sự mới cũ, tính ‘dân tộc’ hay ‘thế giới’ không phải là thước đo tài năng, và cũng không là điều kiện tiên quyết để có thể tạo nên những tác phẩm văn học để đời. Nếu ta dám dấn thân ‘đi đến tận cùng con người, đi đến tận cùng dân tộc’, biết đâu ta còn phát hiện nhiều điều thú vị... Dân Việt chưa tạo được một tác phẩm lớn vì ta còn thiếu những người có đủ bản lãnh và dám dấn thân. Đổ ‘tội’ cho nếp sống hay việc sáng tác ‘loanh quanh miệt vườn’ là một sự áp đặt thiếu cơ sở.
Tôi rất sảng khoái với ý nghĩ sâu sắc và tinh tế của anh Nguyễn Hưng Quốc khi anh viết: “Đức tính lớn nhất đối với một người cầm bút, ... chính là sự táo bạo. Không táo bạo, không thể sáng tạo. Trong lãnh vực văn học, người dám xông thẳng vào bụi rậm và gai góc để lần mò một lối đi riêng bao giờ cũng có triển vọng đi xa hơn những kẻ khôn ngoan phóng mình theo những lối mòn có sẵn.” Nhưng tôi không đồng ý với quan niệm cho rằng ‘bất cứ điều gì mới lạ đều tự nhiên có giá trị’ và ngược lại. Với một kẻ bất tài, khi thể nghiệm và công bố một tác phẩm mới, lạ và dở hơi, dù họ có sống và chờ đợi đến vài trăm năm nữa, tác phẩm ấy không vì thế mà tự nhiên sẽ trở thành bất hủ được nhân gian nhắc nhở và ca tụng. Những thôi thúc đổi mới về tư tưởng, nếp sống cùng với những biến thiên của thời đại đã làm đảo lộn mọi giá trị. Chỉ có sự lương thiện cùng một thái độ tỉnh thức mới có thể giúp ta vượt lên khỏi chính mình, vượt lên khỏi những thực thể, những ý niệm tù mù chồng chéo vào nhau. Thật giả, lộng chân như một nồi súp tả pín lù. Một tác phẩm văn học hay, lạ và có giá trị không thể để lẫn lộn với những điều vớ vẩn theo ‘mốt’ thời thượng nhố nhăng. Người cầm bút lương thiện là người biết tự trọng, trung thực với chính mình. Người suốt đời thủ dâm, khi đề cập đến chuyện ái ân, bao giờ họ cũng là kẻ đầu tiên tranh tiếng: “Trời ạ, làm tình với đàn bà sao mà sướng không chịu được.”
Gần đây, tôi thấy trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam, không ít người chạy theo một trào lưu mới đề cao và ưa chuộng thể ‘thơ vô thức’ (?). Trong dư luận đa số độc giả biết thưởng thức thơ đều cảm thấy ngột ngạt khó chịu, mỗi khi bắt gặp những thể loại thơ này đăng nhan nhản trong các tạp chí Việt ngữ. Những sự ghép chữ gượng gạo. Những câu văn xuôi bị cắt ra từng đoạn, phẩy, chấm xuống hàng. Những bài thơ không thật, vô nghĩa và trống rỗng.
Thơ giống với hội họa ở ý nghĩa và tác dụng nghệ thuật nội tại, nhưng khác
ở cách thể hiện. Tranh trừu tượng, tranh biểu tượng... có thể được thực hiện
bởi vô thức hay tiềm thức. Nhưng trong thơ không thể có những thứ ngôn ngữ hỗn
loạn được gọi là vô thức hoặc bí hiểm siêu hiện thực. Ý tứ của câu thơ có thể
chuyên chở những tư tưởng lớn, những ẩn dụ, những ý nghĩa tiềm tàng của tiềm
thức hay vô thức thông qua ngôn ngữ nhiều hình tượng, nhưng ở một người có tâm
lý ‘bình thường’, khi sáng tác không thể ít nhiều không chú tâm đến những qui
luật về ngữ pháp. Nói tóm lại, tôi khuyến khích những tìm tòi, những thể nghiệm
siêu thực, nhưng hoàn toàn phủ nhận những thái độ làm dáng ngụy tạo và những
sự lạm dụng quá đà. Trò chơi chữ nghĩa thật bao la vô tận, ta không nắm bắt
được nó, nó sẽ hốt hồn ta mất.
Cái Tâm trong việc sáng tạo là sự chân thật. Chân thật với lương tri và cảm
xúc của mình. Thật cả trong sự hư cấu tác phẩm. Thật khác với thực. Chân thật
không có nghĩa là chỉ sao chép hiện thực xã hội. Trên sân khấu, một diễn viên
kém tài sẽ phơi bày sự kịch cỡm của mình nếu hắn không thể nhập tốt vào vai,
không thể hiện đúng những ý nghĩ, cảm xúc chân thật của nhân vật. Gần đây, một
số người dùng ý niệm vô thức để đánh giá và biện minh cho những bài viết mang
tính ‘bí hiểm’ thời thượng, tôi nhận thấy hơi khập khiễng. Xét cho cùng, đấy
chỉ là một sự cưỡng hiếp, một cách hành lạc hoang dâm trên thân xác chữ nghĩa.
Con người, trong đời sống thường nhật, sự vô thức luôn ở trong trạng thái bàng
bạc, đột biến và rất ngẫu nhiên. Và trong trạng huống ‘tỉnh thức’, tuyệt đối
ta không thể có khả năng cảm nhận hoặc dùng lý trí để kiểm soát, điều khiển
hay khơi dậy dòng vô thức theo ý ta muốn (ngoài trường hợp đang bị thôi miên).
Ý niệm vô thức không thể hiện hữu trong suốt một bản văn. Khuynh hướng phê bình
văn học hậu hiện đại thường chỉ chú trọng đến văn bản, ít chịu quan tâm đến
đời sống tâm lý và hoàn cảnh xã hội của tác giả. Vì không phải là người trực
tiếp sáng tác, đối với nhiều nhà phê bình, việc bàn luận ‘thời sự’ là chuyện
không khó, nhưng để thấu đáo nguồn cơn những nổ lực tim óc của người sáng tạo
thì quả thật chẳng đơn giản tí nào. Ở đây, nhà phê bình chỉ làm được phân nửa
công việc của mình. Quan hệ giữa tác giả và nhà phê bình là quan hệ tình cảm
cặp kè: Một mặt, ‘tôi’ cần anh và rất quý mến anh. Mặt khác, ‘tôi’ chán ghét
anh và rất muốn anh lập tức cút ngay khỏi đời ‘tôi’.
Tôi đã chứng kiến khá nhiều những hiện tượng người ‘nghệ sĩ’ và những nhà ‘phê bình’ cố tình đánh lừa dư luận hoặc chính bản thân họ thật sự ngộ nhận về các ý niệm hiện đại. Họ vẽ vời rồng rắn lung tung và gán ghép những ý nghĩa mông lung quanh những tác phẩm thời thượng. Và những kẻ ‘xu thời’, dù bản thân chẳng hiểu, chẳng cảm thụ được gì, vẫn cứ phải gật gù nói theo để chứng tỏ mình là người có trình độ và theo kịp thời đại. Việc xem văn học dân gian, nhạc ‘sến’, chèo, cải lương... (loại trừ những tác phẩm rẻ tiền, ngô nghê và quá dễ dãi) là những điều quê mùa, lạc hậu, thấp kém là thái độ của những phần tử hay thích giới thiệu cái kiến thức ‘học cao hiểu rộng’ của mình. Và thật buồn cười nếu có người cho rằng, chỉ có nền văn học nghệ thuật ‘cao cấp’ là đáng kể, những cái còn lại sẽ chỉ là tro than mang số phận bi thương của những lũy tre làng bị đốt cháy. Trong việc thưởng lãm và đánh giá những tác phẩm nghệ thuật, ta không nên quá xem thường, trong những thành phần thầm lặng, ‘dân dã, chân lấm tay bùn’ cũng có không ít những người ‘độc thật’. Một người quá ư nhạy cảm tâm lý, khi xem qua một tác phẩm, với trực giác bén nhạy, họ có thể phát hiện được ngay sự gượng ép và những ngụy tạo lồng bên trong văn bản.
Đã từ lâu, từ những thập niên 40 cho đến tận bây giờ, giới phê bình văn nghệ Việt Nam vẫn cứ tiếp tục làm một công việc mà tôi cho rằng rất ư là lẩm cẩm và thừa, đó là thái độ phân chia tách bạch, rạch ròi giữa hai yếu tố tác động lên sự sáng tạo, giữa hai quan điểm thẩm mỹ: ‘Chữ tâm với cái tài’, ‘nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh’. Một bên đề cao cái bản lãnh của người sáng tạo, tôn sùng giá trị nghệ thuật tự thân dựa trên văn bản của tác phẩm. Bên kia đặt trọng tâm vào nhân cách tác giả và nhấn mạnh đến tác động và ý nghĩa của đời sống xã hội lên bản thân tác giả và tác phẩm. Cả hai đều thiển cận và đều đi đến một sự cực đoan không cần thiết. Một tác phẩm có giá trị nghệ thuật để đời, theo tôi, trước hết là một sự kết hợp tài tình giữa tài năng, tính ‘lương thiện’ của tác giả, giữa văn bản độc đáo và những dòng tư tưởng lớn mang tính thời đại.
Nếu bảo mọi sự mới lạ đều có giá trị thì, một cái đầu ‘mồng gà’ xanh đỏ của một đứa ‘punk’ nhởn nhơ trên đường phố Hà Nội, một buổi tắm truồng giữa trưa trên quảng trường... đỏ, một cuộc làm tình tập thể gia đình, những hiện tượng v.v... và v.v... cũng sẽ có thể trở nên vô cùng độc đáo. Tôi đã từng ‘ngạc nhiên’ trước sự quay cuồng, gào thét của thiên hạ bởi một bài nhạc động kinh đơn điệu, suốt một thời gian dài chỉ lập đi lập lại một câu hát. Tôi đã thấy đám đông trầm trồ trước một cuốn phim trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ chỉ phát ra duy nhất một màu xanh trên màn ảnh. Và tôi cũng đã từng ‘ngỡ ngàng’ khi chứng kiến những nhà ‘phê bình hội họa hiện đại’ quây quần bên nhau phân tích tỉ mỉ và ngưỡng vọng một bức tranh bốn mét vuông chỉ được tô đậm bởi một màu đỏ của một họa sĩ nổi tiếng... Phải chăng, đấy chỉ là sự lạm dụng, một sự tự đánh lừa hay ‘gạt gẫm’ dư luận một cách hơi... trơ trẽn. Phải chăng, đấy cũng chỉ là một trong những chứng bệnh thời đại?
Thằng bạn của tôi, trước kia là một họa sĩ khá tài năng. Vài năm trước, đến dự một cuộc triển lãm hội họa đương đại tại Nữu Ước. Sau khi xem bức tranh, một bức tranh trắng toát một màu, to như một bức tường, trên đó chỉ ghi duy nhất một hàng chữ: ‘Đàn bò gậm cỏ’. Hắn bất nhẫn tâm sự: ”Nếu giá trị nghệ thuật được thể hiện qua bức tranh này thì từ trước đến nay, những cố gắng của tao trong lãnh vực hội họa đã trở thành vô nghĩa. Tao đã chẳng làm được gì cho đời tao. Phí. Phí đời. Phí phạm tim óc.” Về nhà, hắn buồn. Thật buồn. Và từ đó, quyết tâm dẹp bỏ ngành vẽ và chuyển sang làm máy vi tính. Trong chúng ta, những kẻ làm việc văn nghệ, nếu mọi người đều có cái tính lẩn thẩn và ‘yếu bóng vía’ như thằng bạn ‘dở hơi’ của tôi, khi đọc một vài bài viết, dăm ba quyển sách của những nhà phê bình ‘cấp tiến’, có lẽ chẳng ai còn can đảm tiếp tục sáng tác. Khoa học kỹ thuật, văn minh vật chất ‘quá độ’ là cơn lốc làm xói mòn dần cảm xúc. Văn học nghệ thuật càng lúc càng ‘mất hồn’, càng đánh mất dần ‘chức năng’ làm đẹp, làm giàu cho ngôn ngữ, cho tâm hồn, trí tuệ và đời sống. Đẹp cả trong những điều xấu xa, tồi tệ nhất.
Thế giới đang phát triển không ngừng nghỉ, không những trong khoa học kỹ thuật mà còn bao trùm các lĩnh vực khác, trong đó có văn học nghệ thuật. Đất nước Việt Nam đang trên đà đổi mới, muốn hội nhập cùng nhân loại năm châu bốn biển để nâng cao dân trí, đời sống của người dân hầu đưa đất nước đi lên ngang tầm với thời đại, ta không thể cứ mãi bám víu vào những quan điểm chính trị, xã hội bào thủ, lỗi thời, trì trệ (trì trệ trong nhận thức) và ấu trĩ (ấu trĩ trong tư duy).
Ta cần khách quan khi đánh giá giá trị thật sự của sự sáng tạo dựa trên yếu tố thẩm mỹ. Ta không thể tiếp tục đặt vấn đề hay có cái nhìn thiển cận, rập khuôn, công thức và sơ lược dựa theo quan điểm minh họa hiện thực xã hội thông qua tác phẩm, nhất là chủ quan áp đặt nền tảng chính trị lên mọi sinh hoạt đời sống xã hội (chụp mũ chính trị) một cách nặng nề và khiên cưỡng. Tránh né, sợ hãi hay xuyên tạc sự thật, bưng bít hay đưa thông tin một chiều nhằm mục đích phục vụ chính sách hay quan điểm chủ quan của người lãnh đạo thì chẳng giúp ích được gì cho sự phát triển dân trí của người dân. Chính vì thế, nhiều vấn đề liên quan đến đất nước và thế giới được nhiều người hiểu một cách rất ư là ngớ ngẩn và lệch lạc. Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí là nền tảng để xây dựng một xã hội công dân bình đẳng và tiên tiến.
Có hai sự kiện trong rất nhiều sự kiện ‘bất thường’ xảy ra trong nước mà tôi được biết: Trong hội họa, một họa sĩ tài danh vẽ một bức tranh lụa người phụ nữ khỏa thân rất đẹp và rất nghệ thuật. Khi mang tác phẩm này đến nhà in để in catalogue chuẩn bị cho cuộc triển lãm sắp tới ở nước ngoài, cơ quan kiểm duyệt của nhà nước đă phê phán và lên án bức tranh đó là một tác phẩm đồi trụy và bị từ chối cho in. Một lần khác, một bức tranh sơn dầu họa một bà lão Việt Nam già nua, mặt mày nhăn nhúm, xấu xí. Bức tranh đã bị ban kiểm duyệt phê bình là ‘bôi bác truyền thống’ và bị từ chối tham dự cuộc triển lãm lớn tại thủ đô chỉ vì nó có cái tên rất ấn tượng ‘Nét đẹp truyền thống’. Một bức tranh đẹp, mang tính biểu tượng (symbolic) còn phải chịu số phận như thế thì trường hợp của nam diễn viên Đơn Dương bị chính quyền và một số phần tử bảo thủ chụp mũ, lên án, thật sự tôi không lấy làm ngạc nhiên cho lắm. Tôi chỉ buồn, rất buồn cho đất nước của chúng ta.
Tại các nhà xuất bản, tòa soạn các tạp chí, người lãnh đạo hay kẻ chịu trách nhiệm biên tập các bản thảo đều có thái độ làm việc rất tùy tiện, độc đoán và trịch thượng của những quan chức. Trước khi cho công bố tác phẩm, họ tự cho mình cái quyền được sửa chữa, cắt xén tất cả các bài viết sao cho phù hợp với khẩu vị, với quan điểm (chính trị) của họ (bị kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt). Giá trị tự thân của văn bản vì thế mất đi ý nghĩa và tính trung thực. Tài năng, tư tưởng và tâm huyết của người nghệ sĩ sáng tạo bị làm cho méo mó.
Cách đây khoảng 5, 10, 20, 30 năm, vì không hiểu con người và văn hóa Việt Nam, một số hãng phim Mỹ đã thực hiện những bộ phim thương mại chủ đề Việt Nam rất ấu trĩ, chạy theo thị hiếu của quần chúng, nhất là bôi nhọ danh dự của người phụ nữ Việt Nam. Đấy là những cuốn phim dễ dãi, rẻ tiền và thiếu tự trọng.
Tôi không quen biết diễn viên Đơn Dương, nhưng qua những vai diễn đầy ấn tượng
của anh trong các phim anh đã tham dự, tôi nhận thấy anh là một diễn viên có
tài, đã thể hiện rất trung thực và tinh tế vai trò của mình, ví dụ trong 2 phim
mà anh tham gia gần đây: ‘Chúng ta là những người lính’ và ‘Rồng xanh’.
Qua phim ‘Rồng xanh’, trong vai trò của một người tị nạn chế độ sau 1975 và
đang định cư tại Hoa Kỳ (thông dịch viên trại tiếp nhận), nhân vật mà Đơn Dương
thể hiện đã phát biểu những lời lẽ phê phán chế độ mà nhân vật này đã phải sống
chết từ bỏ ra đi tìm tự do, và vì hát một bài nhạc gợi nhớ quê hương mà bản
thân Đơn Dương phải bị nhiều phần tử quá khích trong nước kết tội là phản bội
tổ quốc. Với tầm nhìn hạn chế và tư duy cũ kỹ, những người lãnh đạo luôn bị
nhập nhằng giữa hai yếu tố nghệ thuật và hiện thực đời sống dựa theo quan điểm
chính trị.
Gần đây, cuốn phim ‘Người Mỹ trầm lặng’ được báo chí, Hội điện ảnh, những người lãnh đạo Việt Nam nói chung đặc biệt chú ý và ồn ào khen ngợi không phải vì họ thật sự quan tâm đến giá trị nghệ thuật tự thân của tác phẩm, mà vì lẽ, nội dung cuốn phim mang tinh thần bài Mỹ. Graham Greene, tác giả quyển tiểu thuyết ‘Một người Mỹ trầm lặng’, đã từng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi đã có ác cảm với Hoa Kỳ ngay từ chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi năm 1938. Phần lớn những người mà tôi gặp đã làm tôi mất cảm tình, cả không khí ở New York và đồ ăn uống, tất cả." Qua lời tuyên bố này, câu chuyện được ghi lại trong quyển tiểu thuyết thể hiện thái độ bài Mỹ của tác giả là việc vô cùng dễ hiểu.
Theo quan điểm chính trị, trong cuộc chiến vừa qua, hai phía đều có những mặc cảm: Bên nào cũng tự hào cho rằng cái gì của ‘ta’ cũng đúng, cũng thanh cao, cũng đẹp đẽ. Quân đôị ‘ta’ chỉ biết chiến đấu vì quê hương, vì dân tộc, còn cái gì của ‘địch’ cũng xấu xa, cũng thấp kém, cũng hèn hạ…
Trong âm nhạc, theo ông Lê Nam, Trưởng phòng quản lý nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, hiện chỉ có 50 nhạc phẩm trong tổng số 600 ca khúc sáng tác trước 1975 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cấp phép lưu hành. Số còn lại đang được Bộ VHTT thẩm định nội dung. Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn căn cứ vào quan điểm chính trị của tác giả để quản lý các sản phẩm văn hóa. Bởi vậy, ngoài Trịnh Công Sơn, một số sáng tác của Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ... cũng không được cấp phép lưu hành. Chính phủ chỉ căn cứ vào quan điểm chính trị của tác giả và thời điếm sáng tác để cấp giấy phép mà không dựa vào nội dung sáng tác. Ông Lê Nam cho biết thêm, không phải bất cứ bài hát cũ nào của Trịnh Công Sơn được lưu hành cũng có ý nghĩa tích cực trong thời điểm này, nhất là những bài trong tập Ca khúc da vàng. Nội dung phản chiến được nêu lên rất chung chung, không phân biệt chiến tranh phi nghĩa hay chính nghĩa (?). Tập Ca khúc da vàng có thể phù hợp với hoàn cảnh những năm tháng trước 1975 ở miền Nam, nhưng không thích hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Nếu tất cả mọi sinh hoạt xã hội hay nghệ thuật đều chỉ để phục vụ cho nhu cầu tuyên truyền chính trị một chiều (tôi dị ứng với tất cả mọi thứ mang ý nghĩa một chiều) thì thê thảm thay cho một dân tộc luôn tự hào có đến mấy ngàn năm văn hiến (!).
Nếu chúng ta cứ mãi khư khư tự hào và bám víu vào những luận điểm chủ quan, cũ rích, công thức, một chiều và quá khích thì tôi có thể khẳng định một điều, đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ còn lâu lắm mới có thể thật sự ‘trưởng thành’ được.
Sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng người Việt tại hải ngoại nhiều năm qua đã gặt hái khá nhiều thành quả đáng khích lệ. Những tên tuổi khá nổi bật đã được khẳng định. Nhiều tạp chí văn học có chất lượng đã ‘sống lâu trăm tuổi’ như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Việt... là những bằng chứng cụ thể không bàn cãi. Điều này không có gì để phải mặc cảm hay bi quan. Và cũng chẳng phải là hào quang để cùng nhau bừng bừng tự mãn. Chúng ta vẫn cần có những con người dám hết mình dấn thân cho ‘sự nghiệp’ chữ nghĩa. Hơn hai triệu dân, lọt thỏm trong những hoàn cảnh xã hội, văn hóa khắc nghiệt, không thể có một sự so sánh nào là hợp lý. Cộng đồng gần 80 triệu người, sống trong cái ‘lò’ ngôn ngữ mẹ đẻ, trong một môi trường văn hóa ‘bội thực và hỗn tạp’ luôn chuyển động, qua bao nhiêu năm không sản sinh được một vài nhân tài nổi bật mới là điều đáng buồn và bất hạnh cho dân tộc...
Tôi vẫn thầm mong, một ngày nào đó không xa, qua một quá trình điều tiết tâm lý, mọi nỗi đau sẽ được hàn gắn. Những số phận bi thương, những nạn nhân của một thời, những con người Việt Nam khốn khổ nói chung sẽ có thể vượt lên chính mình, vượt lên khỏi số phận, bước qua những rào chắn vô hình. Đến với nhau bằng sự chân thành không sợ hãi. Như thế, ta cần cởi mở và bình tâm thoáng nhìn lại quá khứ để kết liễu nó một cách sòng phẳng. Quá khứ khép lại và những gì của hôm qua sẽ mãi mãi thuộc về hôm qua. Đó là những giây phút giật mình nhìn lại đằng sau và bỗng thấy cuộc đời kỳ diệu biết bao trong tình thương. Những kẻ có ‘dính líu’ sâu đậm với quá khứ cần làm một cuộc cách mạng tư tưởng và tâm hồn để trả quá khứ về với quá khứ và hướng tới tương lai bằng một tấm lòng vị tha, bao dung và tinh khôi. Và như thế, sự giao lưu hai chiều một cách minh bạch, trân trọng, công bằng giữa người Việt (qua nhiều thế hệ) Bắc và Nam, trong và ngoài nước là điều cấp thiết và bất khả tư nghị.
Về thăm quê nhà đôi ba lần, theo dõi và tiếp xúc một số văn nghệ sĩ và trí thức, giới mà tôi đặc biệt quan tâm và có chút giao tình, tôi nhận thấy, trong việc sáng tạo, họ có ‘nhiều’ tự do hơn trước (mặc dù còn rất giới hạn). Bên cạnh những sinh hoạt văn học nghệ thuật, phần lớn đều phải ‘vật lộn’ vất vả ngoài đời vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Từ bao nhiêu năm nay, cơ chế nặng nề đã thiêu hủy nhân cách, cá tính, nghiền nát mọi nỗ lực, mọi nhiệt quyết, thui chột mọi sự sáng tạo và biến con người dễ trở nên tha hóa, ‘yếu hèn’. Nhiều người hăng hái dấn thân đã trở thành những kẻ lưu manh, cơ hội. Thành phần không thỏa hiệp và sống thầm lặng rồi ra cũng chưa làm được điều gì ‘kinh hồn’. Những trì trệ nhận thức, sự đố kỵ ‘bẩm sinh’ cùng những trò ‘giật dây’ chính trị đã tạo nên sự phân hóa trầm trọng trong giới văn nghệ sĩ và ‘trí thức’ (5). Đời sống tinh thần của nhiều người trông nghiệt ngã, nặng nề và mệt nhọc. Những khắc khoải trầm tích nhiều năm đã cấu thành một vết sẹo trong tâm hồn. Một tâm thức bị chấn thương. Và có nên chăng, bằng mọi cách, mỗi người Việt chúng ta, tự mình, phải khắc phục và triệt để giải thoát văn học nghệ thuật ra khỏi nỗi ảm ảnh khốc liệt của con ma chính trị (sự nô dịch chính trị) và quá khứ. Trong một cơ chế chính trị, xã hội còn quá lạc hậu, sự bưng bít thông tin, đưa tin một chiều hay tránh né, sợ hãi sự thật, nói chung là không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí là nguyên nhân làm cho đất nước càng thêm trì trệ. Sự ấu trĩ tư duy chính là vật cản để có thể tạo nên những nhân tài lỗi lạc. Xã hội tiên tiến mang tính nhân bản là một xã hội có văn hóa. Ở đấy, bản thân và những công trình tim óc của giới văn nghệ sĩ và trcthức triệt để phải được tôn trọng và trân quý như những tinh hoa của đất nước và của nhân loại. Chỉ có tự do đúng nghĩa, người nghệ sĩ Việt Nam mới có thể ‘lớn’ lên được.
Thế hệ của tôi là thế hệ của sự tiếp nối, của sự hòa nhập hai dòng sống. Biết dung hòa nền tảng quá khứ để được đứng vững trong hiện tại và hướng tới tương lai. Tôi là kẻ ‘đi giữa hai làn đạn’, giữa hai thế lực ấu trĩ, cực đoan. Và một bên là những định kiến hẹp hòi, bảo thủ, cố chấp. Bên kia là một thế hệ chỉ muốn phủ nhận quá khứ ‘sạch trơn’. Tôi có quan niệm, con người càng già càng u mê và trì trệ, nhưng trẻ trung, mới mẻ mà đánh mất bản ngã thì chẳng khác nào cái... đuôi con thằn lằn.
Dạo gần đây, nhiều lúc buồn... đời, tôi hay ngâm nga hai câu thơ ‘trữ tình’. Xem đấy như một điều an ủi:
Cũng đành nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay dần đến đâu.
Và tôi chờ. Chờ. Chờ. Chờ...
Nhược Trần
Delft, tháng 2/1999 – 2003.
______________________________
Chú thích:
(1) Người Việt thường rất thích phô trương và bắt chước rất nhanh những cái dở của người khác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trở nên bảo thủ, cường điệu lên án hoặc chụp mũ những nỗ lực canh tân của những người đầy tâm huyết là lai căng hay vọng ngoại.
(2) Do ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng Mạnh và cơ chế khép kín,
nền giáo dục của ta từ gia đình đến học đường (từ bậc cơ sở đến sau đại học),
nơi làm việc và ngoài xã hội không phải là môi trường để khuyến khích, hướng
dẫn con người học được tính độc lập trong tư duy và đời sống. Nền giáo dục áp
đặt sẽ sản sinh những con người hay thụ động và biết phục tùng. Độc lập, cởi
mở trong tư duy sẽ dạy cho ta có cái nhìn khách quan, biết trân trọng giá trị
của sự thật, của sự đối thoại bình đẳng, bảo lưu ý kiến và tôn trọng những quan
điểm trái ngược.
Xã hội mang tính đa dạng. Sự cọ xát tư tưởng thường trực là điều kiện để dẫn
đến chân lý. Không được hấp thụ nền giáo dục cởi mở như thế, con người sẽ bị
những định kiến hẹp hòi, cố chấp chi phối, dễ sát phạt, chụp mũ nhau và xem
nhau như kẻ thù khi họ không có cùng chính kiến. Nhiều người lớn băn khoăn là
thế hệ trẻ ngày nay thực dụng, không có lý tưởng. Nguyên nhân chính, theo tôi
là vì họ không được trang bị hay kế thừa một nền tảng giáo dục đúng đắn và hợp
lý. Tuổi trẻ chỉ được khuyến khích cố gắng làm giàu mà không cần quan tâm nhiều
quá đến vấn đề chính trị, xã hội và thời sự.
(3) Trên phương diện chính trị và cơ cấu tổ chức xã hội, tôi hoan nghênh tính chất phổ quát của những thành tựu toàn cầu. Nhưng, nếu rập khuôn toàn diện theo Tây phương một cách ấu trĩ thì có vẻ hơi nghịch lý.
(4) Loại trừ những kẻ bảo thủ mị dân, cố tình lạm dụng sự kiện bài Tây để chống đối mọi nỗ lực đổi mới cần thiết.
(5) Trí thức Việt Nam như một nắm cát rời. Chính sách bất hợp lý, xem thường, ngược đãi và trù dập trí thức trong gần nửa thế kỷ của đảng cầm quyền đã làm tha hóa mọi thứ. Đấu tranh giai cấp là chủ trương cào bằng trí tuệ làm nhập nhằng bao điều thật giả. Người trung thực, tài năng, tâm quyết thì bị vô hiệu hóa, bị ‘trói tay trói chân’, bị nhốt tù trí tuệ và sống vất vưởng trong thầm lặng. Tài năng bị mai một. Kẻ sợ hãi, cơ hội, tầm tầm và thiếu lương tri thì cầu an hoặc cam phận làm đầy tớ tuyệt đốí tuân phục và trung thành với đảng để củng cố quyền lực và được ‘vinh thân phì gia.’ Nhiều người không có con đường chọn lựa ‘an tâm’ thỏa hiệp với quyền lợi. Nền tảng trí tuệ dân tộc đã bị ‘tước đoạt’ nhiều thế hệ, và sẽ vẫn còn tiếp tục. Tương lai, nhiều thứ đã mất đi khó có thể phục hồi lại được.