Phạm Đình Lân
Vài suy nghĩ vẩn vơ
Việt Nam và Miến Điện có liên hệ thân hữu khá lâu sau đệ nhị thế chiến.
Miến Điện là thuộc địa của Anh. Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Trong đệ nhị thế chiến các nhà yêu nước Miến Điện dựa vào Nhật để học hỏi kinh nghiệm quân sự khi quân Nhật đánh bại quân Anh ở Miến Điện và chiếm đóng nước nầy. Trong số các nhà cách mạng nầy có Aung San (1915 - 1947), thân sinh của bà Aung San Suu Kyi. Aung San bị chánh quyền Anh xem là người có cảm tình với Cộng Sản. Trong đệ nhị thế chiến ông thân Nhật và được Nhật huấn luyện quân sự trên đảo Hainan (Hải Nam) và đưa về Miến Điện. Ông mang quân hàm trung tướng và được huy chương danh dự do Nhật Hoàng Hirohito phong tặng. Năm 1943 Nhật tuyên bố Miến Điện độc lập. Nhưng đến đầu năm 1945 Aung San lại chỉ huy quân kháng chiến Miến Điện chống lại Nhật. Ông bí mật liên lạc với người Anh ở Ấn Độ qua trung gian đảng Cộng Sản Miến Điện. Khi Nhật đầu hàng, những tướng lãnh Miến Điện như Aung San, Ne Win,... tuyên thệ trung thành với Đồng Minh để khỏi bị đưa ra tòa án vì tội ác chiến tranh sau khi hợp tác với phát xít Nhật. Sau chiến tranh Aung San sang Anh hội nghị cùng thủ tướng Atlee về độc lập Miến Điện. Công việc tiến hành tốt đẹp. Nhưng đến năm 1947 Aung San bị ám sát chết. Năm 1947 Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ. Năm 1948 Miến Điện được độc lập.
Trong đệ nhị thế chiến có Ông Già Thu về hang Pắc Bó lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp lẫn Nhật. Đó chỉ là cách nói hoa mỹ để dối gạt dư luận trong lẫn ngoài nước. Sự thật, đến cuối năm 1944, du kích Việt Minh võ trang chỉ có 34 người làm cách nào vừa chống Nhật lẫn Pháp bằng quân sự? 34 người nầy được trang bị bằng một số võ khí nhẹ do Hoa Kỳ tặng như đền đáp công Việt Minh cứu một phi công Hoa Kỳ bị rớt máy bay trên lãnh thổ tỉnh Gia Định. Không ai biết rõ ràng vì sao và đích xác lúc nào Ông Già Thu đổi sang bí danh Hồ Chí Minh. Chắc chắn OSS, tiền thân của Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ, biết rõ lý lịch của Hồ Chí Minh hơn cả Pháp. Hồ Chí Minh phục vụ cho OSS dưới bí danh Lucius. Nhóm Pháp Tự Do của De Gaulle ở Yunnan (Vân Nam) hoài nghi Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, người gia nhập đảng Cộng Sản Pháp cuối năm 1920 và được đưa sang Nga thụ huấn năm 1924. Nhưng theo tin tức đã có từ năm 1933 của chánh quyền Anh ở Hong Kong thì Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bịnh lao trong bịnh viện khám đường Hong Kong. Khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 09-03-1945 Bảo Đại cũng có nghĩ đến việc mời Hồ Chí Minh làm thủ tướng. Đó là người mà ông có nghe nhưng hoàn toàn không biết. Khi Hồ Chí Minh cướp chánh quyền ở Hà Nội, các nhà trí thức lẫn dân chúng Việt Nam hầu như không biết Hồ Chí Minh là ai. có người cho rằng đó là một đại tá Trung Hoa (có lẽ những người nầy biết Hồ Chí Minh là bí danh của đại tá Trung Hoa Quốc Dân Đảng, Hồ Học Lãm, đã chết từ năm 1942. Chính Hồ Học Lãm thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, tức Việt Minh, ở Nanjing (Nam Kinh) năm 1936 và Hồ Chí Minh đã dùng danh xưng Việt Minh nầy năm 1941 trong thời kỳ Việt Nam bị đặt dưới hai ách thống trị Pháp-Nhật). Có người cho rằng Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Mãi đến năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp, mật thám Pháp mới xác nhận Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc bằng cách nhận dạng qua hai tai của ông. Như vậy tình báo của Lực Lượng Pháp Tự Do ở Yumman (Vân Nam) đã đúng khi sớm phát hiện Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc (1).
Mao Zedong (Mao Trạch Đông) và Hồ Chí Minh đều chống Nhật trong đệ nhị thế chiến bên cạnh Đồng Minh. Nhưng cả hai đều không được mời dự lễ ký kết đầu hàng của Nhật trên chiến hạm USS Missouri đậu ngoài khơi Tokyo. Lúc ấy chánh phủ đại diện Trung Hoa là chánh phủ Quốc Dân Đảng do thống chế Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) đứng đầu nên Mao không dược tham dự với tư cách là một đồng minh góp phần vào việc chiến thắng phát xít Nhật.
Hồ Chí Minh cướp chánh quyền ở Hà Nội nhưng ông không được mời với tư cách là một đồng minh chiến thắng Nhật vì:
1- Việt Minh không có thực lực để góp phần vào việc chiến thắng. Họ có ảnh hưởng đối với dân chúng Việt Nam với Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Lực lượng võ trang của họ hầu như không đáng kể.
2- Hồ Chí Minh chưa được xem là lãnh tụ của một quốc gia được Đồng Minh công nhận. Đồng Minh càng không quan tâm đến Bảo Đại vì có đường lối mập mờ liên hệ đến các nhà cai trị Pháp thuộc khuynh hướng Vichy (thân Đức) rồi Nhật sau cuộc đảo chánh 09-03-1945 của Nhật lật đổ chánh quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương.
3- Lý lịch Cộng Sản của Hồ Chí Minh.
Chánh phủ Hồ Chí Minh và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) do ông thành lập không được quốc gia nào trên thế giới công nhận kể cả Liên Sô. Stalin xem De Gaulle là bạn, đồng minh và xem Hồ Chí Minh là một cán bộ tầm thường được Liên Sô đào tạo và trả lương. Stalin khinh thường phong trào công nhân ở các nước nông nghiệp Á Châu giống như Karl Marx biếm nhẽ "phương thức sản xuất Á Châu". Các nước Đồng Minh dân chủ như Hoa Kỳ và Anh có thể tha thứ những nhà yêu nước thân Nhật như Aung San, Ne Win,.. ở Miến Điện, Sukarno ở Indonesia nhưng không chấp nhận một đảng viên Cộng Sản do Đệ Tam Quốc Tế đào luyện như Hồ Chí Minh.
Anh trao trả độc lập cho Miến Điện. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc áp lực Hòa Lan trao trả độc lập cho Indonesia. Anh yểm trợ cho Pháp trở lại các thuộc địa trên bán đảo Đông Dương như là một cuộc trắc nghiệm xem khí thế phong trào tranh thủ độc lập sau đệ nhị thế chiến đã trưởng thành như thế nào để có đường lối thích hợp cho thuộc địa của họ trên thế giới, nhất là hai thuộc địa to lớn và đông dân: Ấn Độ và Miến Điện.
Một vài tướng lãnh Pháp cười vỡ bụng khi thấy thanh niên Sài Gòn dùng tầm vông vạt nhọn chống lại sự trở lại thuộc địa của quân Pháp. Người Anh không dám chế nhạo những thanh niên với cây tầm vông vạt nhọn nầy. Sức mạnh nằm trong tinh thần không sợ và khao khát độc lập mặc dù hoàn toàn yếu thế về võ lực. Tướng Leclerc, người hùng giải phóng Paris năm 1944, hiểu được tinh thần ấy. Ông nói vớt vát rằng muốn thắng những người cầm tầm vông vạt nhọn tầm thường như thế cần phải có ít nhất 500.000 quân, một con số mà Pháp không thể có được một khi quốc gia bị tàn phá nặng nề trong đệ nhị thế chiến và kinh tế quốc gia thời hậu chiến hoàn toàn kiệt quệ.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp chánh phủ Hồ Chí Minh có quan hệ ngoại giao tốt với Ấn Độ và Miến Điện. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được cử làm đại diện VNDCCH (trong chiến khu) tham dự lễ độc lập của Miến Điện năm 1948.
Năm 1958 tướng Ne Win lên làm thủ tướng Miến Điện. Năm 1962 ông cầm đầu cuộc đảo chánh lật đổ thủ tướng U Nu mở đầu cho chế độ quân phiệt kéo dài từ đó đến khi ông từ chức vào năm 1988. Miến Điện trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa riêng biệt không giống bất cứ nước nào trên thế giới. Chế độ độc tài quân sự bao trùm trên đất nước. Kinh tế quốc gia suy lụn. Nội chiến giữa quân chánh phủ và các sắc tộc diễn ra. Quân chánh phủ không kiểm soát nổi miền bắc Miến Điện nơi các sắc tộc lập khu tự trị. Người Hoa khai thác đá quí và kiểm soát khu tam giác vàng, trung tâm quốc tế buôn á phiện. Chế độ quân phiệt kết thân với các nước Cộng Sản Á Châu như VNDCCH (Bắc Việt Nam), Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ), Bắc Hàn và tự cô lập với các quốc gia dân chủ Tây Phương tuy rằng một người Miến Điện, U Thant, được bầu làm tổng thơ ký Liên Hiệp quốc từ 1961 đến 1971.
Chế độ quân phiệt được tiếp nối bởi tướng Than Shwe. Ông cầm quyền từ năm 1992 đến năm 2011. Bà Aung San Suu Kyi từ Anh về nước nuôi dưỡng mẹ già bị bịnh nặng. Bà cương quyết ở lại Miến Điện và đấu tranh cho nền dân chủ nước nầy chống lại chế độ quân phiệt.
Chế độ quân phiệt Miến Điện nhờ sự tiếp sức của Beijing (Bắc Kinh).
Ở miền Bắc Việt Nam ảnh hưởng kinh tế lẫn chánh trị của Beijing rất lớn sau năm 1954. CHNDTQ tích cực giúp đỡ võ khí, lương thực, thuốc men và cố vấn chánh trị cho Cộng Sản Việt Nam do Trường Chinh làm tổng bí thơ (Đảng Lao Động Việt Nam - 1951). Trong bộ đội kháng chiến có các chánh ủy điều khiển. Họ được Beijing đào tạo. Nguyễn Chí Thanh được phong tướng, nhưng không phải là tướng quân sự mà là tướng chánh ủy, ráo riết cạnh tranh ảnh hưởng với tướng Võ Nguyên Giáp. Trường Chinh (thân Trung Hoa Cộng Sản) lấn át uy thế của Hồ Chí Minh (do Liên Sô đào tạo).
Cộng Sản Trung Hoa có ảnh hưởng đến đảng Cộng Sản Việt Nam ngay từ năm 1925 và 1930. Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (VNTNCMĐCH) của Lý Thụy (Hồ Chí Minh) thành lập ở Guangzhou (Quảng Châu) năm 1925. Một trong những sáng lập viên của VNTNCMĐCH, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam, là Hồ Tùng Mậu, cháu của Hồ Học Lãm, đảng viên của đảng Cộng Sản Trung Hoa. Người đứng đầu VNTNCMĐCH là Lý Thụy, tức Hồ Chí Minh, có vợ Trung Hoa: Zheng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh - 1926). Đảng Cộng Sản Việt Nam sau đổi thành đảng Cộng Sản Đông Dương thành lập ở Hong Kong (1930). Đại hội đảng Cộng Sản Đông Dương tổ chức tại Ma Cao năm 1935. Năm 1938 Hồ Chí Minh (lúc ấy chưa mang bí danh nầy) giả làm người ăn mày để vượt biên giới Sô-Trung tiến về chiến khu Yenan (Diên An). Ông không được Mao Zedong xem trọng vì là một người Việt Nam, công dân của một cựu thuộc địa của Trung Hoa và là cán bộ do Liên Sô đào tạo giữa lúc Mao đã Hán hóa chủ nghĩa Cộng Sản thành chủ nghĩa Maoism, tức chủ nghĩa Cộng Sản nông nghiệp. Những chi tiết trên cho thấy ảnh hưởng Cộng Sản Trung Hoa đè nặng trên đảng Cộng Sản Việt Nam ngay từ ngày thành lập đến khi Mao nắm chánh quyền và nhìn nhận chánh phủ Hồ Chí Minh (1950) khiến Stalin phải vội vã công nhận người do Liên Sô đào tạo và lúc nào cũng trung thành với Liên Sô và Stalin, nhưng bị Stalin bỏ rơi từ năm 1945 đến 1950. Cho nên trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đành phải nhấn mạnh đến bốn chữ tự lực cánh sinh. Sau năm 1954 ảnh hưởng của Cộng Sản Trung Hoa rõ nét ở miền Bắc từ cách ăn mặc, ca hát, nhảy múa đến chánh sách đấu tố địa chủ, cải cách ruộng đất đẫm máu, phong trào chỉnh huấn, trăm hoa đua nở, v.v…
Sau khi thống nhất Việt Nam bằng võ lực, CHXHCNVN nghiêng theo Liên Sô. Trên thực tế đảng viên Cộng Sản Việt Nam thân Trung Hoa vẫn đông đảo. Hoàng Văn Hoan trốn chạy sang Trung Hoa lục địa ở Pakistan khi trên đường sang Đông Đức chữa bịnh. Trong nước Trường Chinh vẫn vững mạnh trong Bộ Chánh Trị (Politburo) và có vị trí vững vàng ngay khi Lê Duẩn còn sống cũng như sau khi ông nầy mất năm 1986.
Từ thập niên 1960 đến thập niên 1990 Miến Điện và Việt Nam có hai điểm tương đồng gần như cố định: chế độ độc tài và ảnh hưởng sâu đậm của Trung Hoa Cộng Sản. Chế độ độc tài quân phiệt kéo dài sau sự từ chức của Ne Win. Các tướng lãnh độc tài thời hậu Ne Win bắt đầu gặp sự đối lập kiên cường của Aung San Suu Kyi, con gái của tướng cách mạng Aung San, người có công tranh đấu cho độc lập Miến Điện.
Aung San Suu Kyi, một phụ nữ Miến Điện chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ lẫn văn hóa Tây Phương. Bà học ở Ấn Độ và ở Anh. Chồng bà là người Anh. Bà từng làm việc cho LHQ ở New York dưới thời tổng thơ ký U Thant. Bà về nước vào năm Ne Win từ chức (1988). Ở Miến Điện có nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ hóa guồng máy chánh trị. Bà Aung San Suu Kyi tham gia các cuộc biểu tình ở Rangoon và đã can đảm tiến về phía trước mặc cho quân chánh phủ nổ súng vào người biểu tình. Nguồn gốc gia đình cách mạng, học lực và sự can đảm dị thường của một người phụ nữ hấp thụ Tây học nầy tạo sự tin tưởng cho những người Miến Điện yêu tự do, dân chủ. Trong cuộc bầu cử năm 1990 đảng Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia của Aung San Suu Kyi chiếm 82% ghế trong quốc hội. Sự thắng cử vẻ vang nầy không đưa bà đến chánh quyền để thực thi dân chủ mà bà còn bị cầm tù. Bà được trao giải Rafto và giải Sakhrov. Năm 1991 bà được giải Nobel Hòa Bình nhưng bà không đi lãnh được. Chồng và con bà thay mặt bà lãnh giải thưởng. Năm 1999 chồng bà mất vì bịnh ung thư. Bà không thấy mặt chồng vào giờ phút chia ly vĩnh biệt. Chánh quyền quân phiệt chỉ cho bà rời khỏi Miến Điện với điều kiện không được trở lại. Bà từ chối. Bà cần ở lại Miến Điện dù mất tự do để tiếp tục đấu tranh cùng đa số người Miến Điện còn nghĩ đến tự do, dân chủ và tương lai của nước Miến Điện màu mỡ, giàu lâm sản, hầm mỏ kể cả đá quí và dầu hỏa. Đã có lần chánh quyền quân phiệt Miến Điện trả tự do cho bà nhưng bà từ chối và chấp nhận bị giam cầm cho đến khi nào tất cả những người biểu tình được thả thì bà mới xứng đáng được hưởng tự do.
Sau vài chục năm dưới chế độ độc tài dưới dạng xã hội chủ nghĩa gượng gạo Miến Điện trở thành một quốc gia nghèo nàn trên thế giới giữa lúc giới lãnh đạo sống xa hoa và quốc gia phải lệ thuộc sâu đậm vào CHNDTQ đến nỗi phải bỏ Rangoon để dời về thủ đô mới, Naypyidaw, do CHNDTQ xây dựng; đổi quốc hiệu Burma thành Myanmar; thẳng tay đàn áp đối lập; cầm tù các sư sãi xuống đường chống lại chế độ quân phiệt và nghe theo Beijing để tự biến Miến Điện thành kẻ thù với Ấn Độ láng giềng, v.v.
Chế độ độc tài Cộng Sản kéo dài liên tục ở Bắc Hàn, Bắc Việt Nam rồi lan rộng xuống Nam Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Từ thập niên 1990 CHXHCNVN theo kinh tế thị trường và được các nước đầu tư và giao thương nên đời sống của dân chúng khởi sắc hơn dân Bắc Hàn và Miến Điện. Các nhà bình luận Tây Phương khuyến khích Bắc Hàn và Miến Điện chấm dứt chánh sách tự cô lập và theo gương CHXHCNVN để dân chúng Việt Nam được no ấm hơn.
Đột nhiên Miến Điện thay đổi đường hướng sau khi tướng Thein Sein, thủ tướng, từ bỏ quá khứ quân sự để lãnh đạo đảng Liên Hiệp Đoàn Kết và Phát Triển. Đảng nầy thắng cử năm 2010. Thein Sein được quốc hội lưỡng viện bầu làm tổng thống. Thein Sein là người thân tín của tướng Than Shwe, người có vẻ đóng vai Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) ở Miến Điện dưới thời tổng thống dân sự gốc quân nhân: Thein Sein. Thein Sein có dấu hiệu cải cách. Bà Aung San Suu Kyi được tự do. Ông lắng nghe tiếng nói của quần chúng và quyết định bãi bỏ chương trình thành lập nhà máy thủy điện trên sông Irrawaddy do CHNDTQ đầu tư. Ông tìm cách thương thuyết chấm dứt cuộc chiến tranh với người Karen và các sắc tộc nhỏ khác ở Miền Bắc Miến Điện giáp với Yunnan (Vân Nam). Trong cuộc bầu cử quốc hội bổ túc, đảng của bà Aung San Suu Kyi được thắng cử (cuối tháng 03-2012). Đó là một dấu hiệu cải cách đầu tiên của chánh quyền Thein Sein. Dù vậy người ta vẫn đặt một vài nghi vấn.
Miến Điện có thực sự thực thi dân chủ hay không?
Thein Sein vẫn còn chịu ảnh hưởng của nhà độc tài quân phiệt Than Shwe hay độc lập với ông nầy?
Có thể đây là màn kịch dân chủ vì năm 2013 Miến Điện chủ trì Á Vận Hội và năm 2014 tổng thống Miến Điện sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN?
Đã đến lúc nhiều người nghĩ đến một cuộc cải cách chánh trị ở Việt Nam như Miến Điện đã làm. Ứớc vọng nầy còn xa vời lắm:
1- Miến Điện và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của CHNDTQ sâu đậm. Nhưng Miến Điện không theo chủ nghĩa Cộng Sản. Trái lại CHXHCNVN và CHNDTQ đều là hai nước Cộng Sản. Cộng Sản Việt Nam nhận viện trợ của CHNDTQ trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chiến tranh xâm lăng miền Nam và chống Mỹ. Cố vấn Trung Hoa Cộng Sản có mặt trên chiến trường miền Bắc từ năm 1950. Năm 1954 Việt Minh đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ nhưng Hồ Chí Minh phải nghe lời Zhou Enlai (Châu Ân Lai) và Molotov chấp nhận sự chia đôi lãnh thổ. Hình ảnh Mao Zedong xuất hiện ở miền Bắc sau năm 1954. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam phỏng theo chiến tranh nhân dân của Mao. Người thực sự chỉ huy cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đầu tiên là Nguyễn Chí Thanh thuộc khuynh hướng Maoist. Năm 1999 và 2000 CHXHCNVN ký hiệp ước với CHNDTQ để cắt nhường đất đai ngoài biên giới Việt-Trung, biển đảo trong vịnh Hạ Long. Ngay từ 1958 Phạm Văn Đồng đã có văn thư công nhận chủ quyền của CHNDTQ trên quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), lúc ấy thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa. Khi Trung Hoa Cộng Sản chiếm quần đảo nầy trong tay VNCH chánh quyền Hà Nội hoàn toàn im lặng.
Các tướng lãnh yêu nước Miến Điện do Nhật huấn luyện. Họ thành lập Quân Đội Độc Lập Miến Điện để tranh thủ độc lập nhờ kinh nghiệm quân sự học hỏi từ Nhật chớ không nhờ viện trợ và cố vấn cộng Sản Trung Hoa như Việt Nam vào năm 1950. Miến Điện dưới chế độ quân phiệt không hề thấy xuất hiện lá cờ CHNDTQ với 5 sao nhỏ chầu ngôi sao lớn như đã thấy ở Hà Nội năm 2011 trên đài truyền hình vào tháng 10 và trong lúc tiếp đón Xi Jinping (Tập Cận Bình), lãnh tụ tương lai của CHNDTQ vào tháng 12 năm 2011. Đa số người Miến Điện theo Phật Giáo Tiểu Thừa. Miến Điện có chữ viết riêng. Miến Điện chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Phật Giáo ở Việt Nam là Phật Giáo Đại Thừa. Hình thức chùa chiền, kinh kệ đều chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa với nhiều vị Phật Trung Hoa. Những ngôi chùa mới xây dựng hiện nay ở Việt Nam đều có chữ Hán như chùa bên Trung Hoa mặc dù trên một thế kỷ nay Việt Nam lưu hành chữ quốc ngữ dựa theo mẫu tự La Tinh.
2- Miến Điện có một nữ lãnh tụ có uy tín trong và ngoài nước: bà Aung Sang Suu Kyi mà chúng ta có dịp nói qua. Ở Việt Nam có hòa thượng Thích Quảng Độ? Linh mục Nguyễn Văn Lý? Bác sĩ Nguyễn Đan Quế? Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ? Luật sư Lê Thị Công Nhân? Nhà toán học Ngô Bảo Châu? Và nhiều tiến sĩ xã hội chủ nghĩa lừng danh khác trong nước? Ở hải ngoại có đại tá Bùi Tín? Luật sư Bùi Kim Thành? Nữ văn sĩ Trần Khải Thanh Thủy? Dương Thu Hương? Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng? Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt? Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện? Nhạc sĩ Trúc Hồ? Cựu dân biểu Cao Quang Ánh? v.v... Những vị kể trên có tầm vóc và uy tín khả dĩ lôi cuốn quần chúng và được sự tin phục của họ như Aung San Suu Kyi không? Họ có những cống hiến vĩ đại cho việc đấu tranh dân chủ bằng những hoạt động, những năm tù tội và vận động quốc tế lẫn quốc nội? Câu trả lời khẳng định dành cho người Việt Nam trong và ngoài nước.
3- Miến Điện theo chế độ độc tài quân phiệt. Sau năm 1945 Tây Đức, Ý, Nhật chuyển sang chế độ dân chủ từ chế độ độc tài quân phiệt. Sự hoán cải từ chế độ độc tài quân phiệt sang chế độ dân chủ có vẻ dễ hơn sự chuyển biến từ chế độ Cộng Sản sang chế độ dân chủ. Chế độ Cộng Sản có hai thái cực: bất biến hay sụp đổ chớ không có cải cách. Đối với CHXHCNVN hiện nay hai thái cực vừa nói hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh hay sự suy yếu của CHNDTQ. CHNDTQ hưng thịnh thì chế độ Cộng Sản còn vững mạnh ở Việt Nam. Vững mạnh trong tình trạng vong nô và chuyển dần đến vong quốc. CHNDTQ suy vong thì CHXHCNVN cũng suy vong theo. Liên hệ giữa CHNDTQ và Miến Điện không bị ràng buộc bằng 4 Tốt và 16 Chữ Vàng như CHXHCNVN. Bắc Hàn lệ thuộc CHNDTQ rất sâu đậm nhưng cũng không trầm trọng và tồi tệ như CHXHCNVN. Bàn cờ dân chủ chỉ có thể được tạo dựng sau khi bàn cờ Marxist bị xóa bỏ trên lục địa Trung Hoa và Việt Nam.
4- Ở Miến Điện có những cuộc biểu tình rầm rộ và đẫm máu của dân chúng và các sư sãi chống độc tài và bất công xã hội. Ở Việt Nam chỉ có vài trăm người dân bị mất đất hay chỉ được bồi thường bằng một số tiền không tương xứng với trị giá của đất, hay đã mất đất mà chưa nhận được tiền bồi thường như lời hứa, ngồi xe lên Sài Gòn hay Hà Nội khiếu nại chớ không có những cuộc biểu tình rầm rộ với vài chục ngàn hay vài trăm ngàn người tham dự nhằm đấu tranh cho dân chủ hay công bằng xã hội. Tổng cộng số người biểu tình mặc áo cờ đỏ sao vàng dưới danh nghĩa yêu nước ở Sài Gòn và Hà Nội năm 2011 nhỏ hơn số người Syria biểu tình bị quân đội bắn chết. So với 90 triệu dân Việt Nam, tỷ lệ biểu tình 1/180.000 quá ư khiêm tốn để đạt kết quả dù nhỏ nhoi. Dân Syria vẫn rầm rộ vùng lên chống chế độ độc tài Assad. Chắc chắn chế độ độc tài nầy kém tinh vi và kém tàn độc hơn chế độ độc tài Cộng Sản. Thế nhưng suốt mười mấy tháng qua các cuộc đấu tranh vẫn chưa có kết quả cụ thể nào mặc dù có sự quan tâm và lên tiếng của LHQ và Liên Đoàn Á Rập. Sau lưng Assad có Nga, Iran và sự yểm trợ tinh thần của Trung Hoa Cộng Sản.
Chúng ta cần kiên nhẫn quan sát và theo dõi tiến trình xây dựng dân chủ ở Miến Điện sau những năm dài đặt dưới chế độ độc tài quân sự. Các quốc gia có dân sinh, dân trí cao hội nhập vào chế độ dân chủ dễ dàng và có hiệu quả tốt hơn các quốc gia chậm phát triển, nơi dân sinh và dân trí còn giới hạn. Hy vọng bà Aung San Suu Kyi thành công rực rỡ trong trường hợp bà có chánh quyền do dân bầu hợp pháp và hợp hiến trong những ngày sắp tới. Từ hy vọng đến hiện thực phải mất một số thời gian đáng kề, thậm chí có khi thời gian đã mất, xương máu đã đổ mà kết quả vẫn không có gì. Cuộc Chiến Tranh Thần Thánh (1946-1954) đem lại cho Việt Nam một tổ quốc chia đôi, một triệu người di cư, một quê hương bị tàn phá, một dân tộc chia ly đẫm máu và đẫm lệ. Cuộc Chiến Tranh Giải Phóng và Chống Mỹ Cứu Nước đưa đến sự chia rẽ dân tộc, sự oán thù và trả thù giữa người đồng chủng và đồng bào, sự ly hương của 3 triệu người, sự băng hoại vô phương cứu vãn trong cộng đồng dân tộc và sự đe dọa vong quốc. Nếu có phép lạ thì cũng có những sự thật bi quan, phũ phàng ngoài ước muốn.
Còn tương lai Việt Nam thì sao?
- Xin kiên nhẫn chờ phép lạ nếu chấp nhận rằng trong vũ trụ không có cái gì là bất biến cả. Sự biến chuyển mạnh trên lục địa Trung Hoa sẽ cứu Việt Nam khỏi tình trạng vong quốc và dân tộc Việt Nam khỏi chế độ độc tài Cộng Sản. Cây cổ thụ ngã chùm gởi bị khô héo. Nạn tham nhũng lớn mạnh theo cấp số nhân ở Việt Nam cho thấy tinh thần chủ bại của giới cầm quyền. Họ thấy có nhu cầu tích lũy tiền bạc và của cải càng nhiều càng tốt để phòng thân khi không còn quyền hành thì trốn chạy ra nước ngoài.
Thành Cổ Loa ngày xưa có hình trôn ốc. Tiến trình lịch sử Việt Nam cũng theo hình trôn ốc nầy, nghĩa là chậm chạp và đôi khi còn trở lại điểm xuất phát cũ nữa!
Trong bài ca dao Thằng Bờm ta thấy thằng Bờm không quan tâm gì đến bò, trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim mà phú ông gợi ý xin đổi cái quạt mo của nó vì nó phải tốn công sức và thì giờ để trông coi chừng. Nhưng khi phú ông nói đến nắm xôi thì Bờm cười và đưa cái quạt mo cho phú ông để lấy nắm xôi. Đầu óc thằng Bờm quá thực, xem nặng miếng ăn đến nỗi quí nắm xôi hơn cả bò, trâu, ao sâu cá mè hay bè gỗ lim!!
Nước ta từng có vài thành quả vĩ đại khi mang quốc hiệu Đại Cồ Việt, Đại Việt và Đại Nam. Nhưng Việt Nam chưa hề có dân chủ khi mang quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945 - 1975) và chưa hề có công bằng xã hội khi mang quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1976 - ). Quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã biến mất như xác nhận KHÔNG BAO GIỜ CÓ DÂN CHỦ. Quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn còn tồn tại như khẳng định KHÔNG BAO GIỜ CÓ CÔNG BẰNG XÃ HỘI.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
______________
Chú thích:
(1) Nguyễn Ái Quốc dịch từ Nguyễn Le Patriote, bút hiệu tập thể của nhóm Ngũ Long gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành. Các bài viết đều do sự gợi ý của Phan Châu Trinh. Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh gọt giũa câu văn trước khi đưa cho Nguyễn Tất Thành - tức Hồ Chí Minh sau nầy - đem lại các nhà báo Pháp có khuynh hướng xã hội để đăng. Nhân viên các báo Xã Hội Pháp đinh ninh Nguyễn Le Patriote (Nguyễn Ái Quốc) là Nguyễn Tất Thành vì ông là người trực tiếp tiếp xúc và đưa bài cho họ. Về sau Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh về Việt Nam. Nguyễn Thế Truyền lập ra tờ Việt Nam Hồn ở Pháp. Nguyễn Tất Thành dùng bí danh Nguyễn Ái Quấc (Quấc thay vì Quốc) khi gia nhập đảng Cộng Sản Pháp cuối năm 1920. Như vậy Nguyễn Tất Thành (tên thật của Hồ Chí Minh) đã:
- Dùng bút hiệu tập thể của nhóm Ngũ Long được người Pháp và Việt Nam biết đến qua những bài viết chánh trị nhưng sửa đổi chính tả của chữ QUÕC thành QUẤC.
- Dùng danh hiệu Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, của đại tá Hồ Học Lãm, một nhà cách mạng Việt Nam hoạt động ở Trung Hoa và mang quân hàm đại tá của Trung Hoa Quốc Dân Đảng.
- Dùng bí danh Hồ Chí Minh của Hồ Học Lãm làm tên của mình vì Hồ Học Lãm có uy tín đối với Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Quốc Dân Đảng Trung Hoa chống Cộng Sản triệt để nên ông (Hò Chí Minh) cần cái chắn của Hồ Học Lãm (lúc ấy đã chết) để che thân.