Hoàng Giang
Từ phiên xử linh mục Nguyễn Văn Lý đến phong thái gia trưởng
Phiên xử linh mục Nguyễn văn Lý ngày 30/03/2007 đã đi vào lịch sử nhân loại qua khúc phim một ông già 60 tuổi, hai tay bị trói, khi vừa phát biểu mấy tiếng trước vành móng ngựa thì viên an ninh lực lưỡng đứng chực sẵn phía sau đã vòng hai tay bịt chặt mồm, khóa cứng. Bức ảnh ‘khóa mõm công lý' chắc chắn sẽ là một bức ảnh khó quên trong giới truyền thông quốc tế và trong đầu người dân Việt.
Cho dù có thể có những lý luận bào chữa được đưa ra với mục đích cố làm nhẹ đi hành động thô bạo và thô bỉ này, nhưng có hai sự kiện không ai có thể phủ nhận: quyền phát biểu trước tòa của bị can đã bị tước đoạt một cách trắng trợn, và hành động thô bạo của một vệ sĩ đối với một người cao tuổi đang bị trói chặt hai tay. Cả hai điều đều đi ngược lại xu hướng chung của nhân loại hiện nay, là đang nỗ lực tiến lên một xã hội nhân bản hơn.
Tuy nhiên, qua những phản ứng của người Việt, nhất là những ý kiến từ trong nước, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng là có một khuynh hướng, tuy ít nhưng không thể bỏ qua, đó là khuynh hướng đồng ý sử dụng biện pháp mạnh đối với những thành phần không ‘tuân theo luật lệ do nhà nước đặt ra', cho dù luật lệ này có vô lý và bất công đến đâu đi chăng nữa.
Hay đúng hơn, những người này đồng ý một đường lối trị nước theo kiểu ‘gia trưởng'. Nhà nước là cha mẹ dân. Nhà nước bảo sao, dân có bổn phận răm rắp nghe lời và tuân thủ.
Ít nhất, họ cũng có cái lý của họ. Hình thức gia trưởng có lợi điểm là tạo một bề mặt yên ổn đối với thế giới bên ngoài, tạo cho người ta ảo tưởng một xã hội có trật tự. Những người dân sống trong xã hội đó lâu ngày sẽ đi đến một hình thức ‘thỏa hiệp ngầm với hệ thống xã hội', tự tạo một thái độ thích nghi để có thể tồn tại. Hình thái ‘gia trưởng' tỏ ra hữu hiệu trong một số quốc gia mang tiếng là ‘chậm phát triển', và dường như là phương cách duy nhất được áp dụng bởi những người cầm quyền không có thực lực trong tay và cũng không có đủ khả năng lãnh đạo cần thiết trong thời đại hiện nay. Một điều chắc chắn, cơ cấu cai trị như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tan rã trong chớp mắt, khi bất mãn xã hội âm ỉ bất chợt gặp cơ hội thuận tiện thổi bùng lên.
Thế nhưng, khi ngẫm lại, hình thức ‘gia trưởng' vẫn là một nét đặc thù của xã hội, văn hóa Việt Nam, vốn lâu đời chịu ảnh hưởng văn hóa Trung quốc thấm đẫm triết lý Khổng giáo. Triết lý này đã được khai sinh trong môt hoàn cảnh xã hội ‘rối loạn' nhằm khôi phục vương quyền của thiên tử ‘vâng mệnh trời trị nước'. Ít hay nhiều, phong thái gia trưởng vẫn bàng bạc trong sinh hoạt văn hóa Việt. Cho dù việc trị nước và dạy con là hai chuyện khác nhau một trời một vực: cha mẹ có thể dạy con nhưng nhà nước trong thời đại này không thể ‘dạy con dân', vì suy cho cùng, có dân trước mới có nhà nước sau.
Vì thế, phiên xử linh mục Nguyễn Văn Lý vừa qua, trong một cách nhìn khác, có thể coi là một tấm gương để mọi tổ chức của chúng ta, và ngay cả mỗi cá nhân chúng ta – những người Việt ở hải ngoại – tự soi mình vào đó.
Nhiều khi chúng ta tự hào là luật pháp của nước chúng ta đang cư ngụ không chấp nhận những hành động thô bỉ, phi nhân giữa thanh thiên bạch nhật như những gì đã xảy ra trong phiên tòa xử linh mục Lý tại Huế. Nhưng chúng ta quên một điều vô cùng quan trọng: đó là luật pháp mà chúng ta đề cập là luật pháp của nước người, không phải là luật pháp do ta tự tạo ra, và cái mà ta gọi là công luận phải chăng cũng chỉ là quan điểm của người dân ở những quốc gia có một nền móng ‘dân làm chủ' từ lâu đời. Người dân Việt có thể thấy bất nhẫn trước hình ảnh một ông già cô thế bị bạo hành, nhưng chưa chắc – nếu họ ở vị trí cầm quyền – chấp nhận một người công khai phản đối họ.
Bởi thế, có khi nào bạn tự hỏi: ‘nếu bạn là người nắm quyền cai trị, được quyền ban bố luật lệ, bạn có làm như cái hệ thống tòa án, tư pháp ở Việt Nam đã làm với linh mục Nguyễn Văn Lý vừa qua hay không?' Tôi hy vọng bạn sẽ trả lời là: ‘Không, tôi sẽ không làm như vậy đâu.' Nhưng nếu bạn nói vậy, thực tình tôi tò mò muốn biết thêm: nếu bạn không làm như vậy, thì bạn sẽ chọn cách hành xử như thế nào?
Hoàng Giang
(04/2007)