Nguyễn văn Trần


Tôi đi lượm lá bồ đề

 

Sau khi khối cộng sản sụp đổ, mọi người nghĩ rằng nhân loại từ đây sẽ được sống an lạc thái bình .Không ngờ sau đó chẳng bao lâu, bạo loạn do tranh giành quyền lợi ở các nơi nổi lên làm cho đời sống của nhiều dân tộc bị mất tự do. Mà tự do là cốt lõi của sự sống.

Tất cả các vấn đề của quốc gia hay của thế giới đều qui về sự sống. Như vậy mới biết có điều hòa được sự sống, có giải quyết được vấn đề sống cho con người của mỗi quốc gia thì thế giới mới có hòa bình.

Mà sống là sống bằng thể xác, bằng tình cảm, bằng tinh thần, tức bằng tâm linh. Thiếu vắng một yếu tố thì chưa có thể nói đó là sự sống của con người.

Sự thiếu vắng ấy do mất tự do bởi tự do là yếu tố giúp con người nảy nở hài hòa, toàn diện, không ngừng.

Hiện nay, nhân dân Việt Nam tranh thủ tự do, tức tranh đấu phục hồi đời sống đúng với nhân phẩm con người. Nhân dân mất tự do là mất đi chủ quyền quốc gia. Đó là mối hiểm họa dẫn đến mất nước. Mà mất nước vì lệ thuộc phe xã hội chủ nghĩa như tình trạng của Việt Nam ngày nay thì không có nghĩa chỉ là mất chủ quyền, mất lãnh thổ, mà là một cách mất nước triệt để, trọn vẹn. Một trạng thái nô lệ Tàu mới…

Nhưng có người nói trên đời này làm gì có tự do. Ngay cả nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới cũng không hẳn có tự do. Phải chăng vì trong thực tế, nhiều người hô hào tự do lại đem quân đội, dùng bạo lực xâm lăng nước láng giềng. Như Trung quốc thôn tính Tây Tạng, chiếm các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Nga kéo xe tăng qua can thiệp chủ quyền của Géorgie.

Ở Việt Nam, Hồ chí Minh nêu khẩu hiệu “Không gì quí hơn Độc lập, Tự do” để xua quân đánh chiếm Miền Nam, thiết lập chế độ cộng sản độc tài, chà đạp tự do của nhân dân trên cả nước.

Như vậy ta có thể cho rằng người hoài nghi trên đời này không có tự do là có lý?

Nhưng có nói đến tự do thì tự do ắt phải có. Nếu không có ngoài đời thì chúng ta thử tìm tự do trong tôn giáo, vì tôn giáo từ ngàn xưa vẫn là yếu tố thiết yếu của đời sống con người. Đối với Việt Nam, tôn giáo là hơi thở của văn hóa dân tộc.

Khi nói đến tìm tự do trong tôn giáo, tôi vội nghĩ ngay đến Phật giáo. Bởi tôi vẫn cho rằng mình hiểu biết chút ít Phật giáo, tuy hiểu biết tắt, tức hiểu biết ngang hông vì không từng bước, bước vào kinh điển hay qua những khóa tu học. Vốn hiểu biết Phật giáo của tôi thu thập lõm bõm qua những lần chuyện trò với hai vị tu sĩ tại một ngôi chùa lá nghèo nàn ở Phú Định, một cái thôn nhỏ ngoại ô Sài Gòn qua khỏi Phú Lâm một chút. Hai vị tu sĩ này là Phật tử xuất gia, qui y ở Chùa Vạn Đức, Gò Dưa Thủ Đức, tu hành độc lập, không theo Giáo hội Ấn Quang, cũng không theo Việt Nam Quốc Tự trước năm 1975. Tôi thưa chuyện với hai ông bằng Anh Hai, người lớn tuổi hơn, và Anh Năm có Pháp danh là Minh Thiền .

Anh Hai mất trước 1975 tại Tổ đình Vạn Đức do bệnh tật. Anh Năm mất năm 1990 cũng do bệnh tật, tuy ông còn là một Đông y sĩ có tài, hậu quả sau thời gian dài bị cộng sản cải tạo tập trung.

Nhân đây, tôi xin được nhắc lại vài hàng về nhà sư “Anh Năm” hay Thầy Minh Thiền để tỏ lòng cảm cái nghĩa ông đã ân cần chữa bệnh cho tôi mỗi khi tôi bị bệnh và cả đứa con trai lớn của tôi. Tên chánh thức của cháu, do ông chọn và đặt cho để đánh dấu sự biến chuyển trong tư tưởng của tôi lúc bấy giờ, sau thời gian ngắn gặp ông. Tức từ đó tôi trở thành Phật tử nhưng cho đến ngày nay vẫn chưa có thuận duyên để qui y.

Trong những ngày đầu Việt cộng chiếm Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, tại chùa Tông Hội của ông, một ni cô trẻ liền đứng lên tiếp thu chùa và đem công an tới bắt một số tu sĩ đưa đi giam giữ vì “có tinh thần thân Mỹ Ngụy và chống cộng”. Nhà sư “Anh Năm” bị bắt ngay lúc ấy, vì bị qui kết là CIA. Ngoài việc tu tập cho bản thân và giảng dạy Phật pháp cho một vài tu sĩ mới nhập môn, chữa bệnh miễn phí cho một số Phật tử hoặc người bệnh do người quen giới thiệu đến, ông còn đón nhận 2 nghiên cứu sinh người Thụy sĩ đến Việt Nam nghiên cứu văn hóa Việt Nam, do Cụ Mai Th ọ Truyền, nguyên Quốc Vụ khanh đặc trách Văn Hóa của Chánh phủ Sài- Gòn, giới thiệu. Sự có mặt thường xuyên của hai người Tây phương này trong chùa làm cho ông bị chụp mũ là CIA và bị đưa đi cải tạo kéo dài mà mang trọng bệnh.

Hai người Thụy sĩ này hiện còn sống ở Thựy Sĩ và giữ những công trình biên khảo của ông về Y Đạo Đông phương. Người con gái lớn của ông có chồng và ở California, Huê kỳ. Tôi mất liên lạc từ hai năm nay.

Việc một ni cô nhân danh cách mạng đứng lên tiếp thu Chùa, chỉ bắt người này, người kia, cho ta thấy một sự thật hiển nhiên là công an vào Chùa và làm thầy chùa . Phước đức cho Phãt giáo vì cho đến nay, chỉ mới thấy công an làm thầy chùa, chớ chưa thấy thầy chùa đi làm công an .

“Anh Năm” có gia đình rồi mới đi tu. “Anh Hai” và “Anh Năm” là hai người bạn cùng đi kháng chiến chống Pháp. Vào cuối thập niên 40 và bước qua 50, phong trào Nam Bộ kháng chiến bị chuyển biến, làm mất đi bản chất tốt đẹp ban đầu “toàn dân kháng chiến giành độc lập dân tộc” vì bị Việt cộng Hà nội gởi cán bộ như Lê Du ẩn, Lê Đ ức Thọ, Nguyễn văn Linh vào kìm kẹp dân Nam kỳ đi theo hướng cộng sản Đệ III. Trước tình hình suy thoái này, hai anh thấy không có con đường nào khác hơn là đi tu, vừa tránh bị Tây bắt vừa tránh không đi với cộng sản.

Trở lại với người tìm hiểu đạo Phật. Khi đọc về cuộc đời tu tập của Đức Thích Ca, ít có ai không dừng lại để suy gẫm về mấy sự việc sau đây:

– Đức Thích Ca khi chọn ngồi dưới gốc Bồ Đề để suy tư về cuộc đời, Ngài tự nhủ chỉ đứng dậy, rời khỏi chỗ này khi nào tìm được chơn lý. Như vậy, nếu Ngài không tìm được chơn lý thì Ngài ngồi luôn ở đó cho đến chết?

Đức Thích Ca làm việc ấy không vì bị một áp lực nào mà phải làm. Hoàn toàn do ý chí của Ngài phát nguyện. Một thứ tự do ý chí, tự do chọn lựa . Nói theo ngôn ngữ nhân quyền ngày nay, đó là tự do tinh thần .

– Khi Đức Thích Ca tìm được chân lý, tức Ngài giác ngộ. Nói cách khác, chính Ngài là chân lý. Ngài tiếp tục ngồi lại ở đó sống với cái chân lý, hay để xác định với chính Ngài “chân lý với Ngài là một”.

Nhờ tự do ý chí, Đức Thích Ca tìm được chân lý. Khi Ngài sống với chân lý cũng chính là sống với tự do.

Con người, sinh vật, trong vũ trụ, trong sự vận hành sinh tử đều chịu sự chi phối của một định luật. Nhà Phật gọi là nghiệp lực.

Thế mà Đức Thích Ca, hoàng tử, một con người sinh học bình thường nhưng nhờ có tự do ý chí vĩ đại mà tự mình thoát khỏi sự chi phối của cái nghiệp lực kia.

Nghiệp lực là một sức mạnh xô đẩy chúng ta sống, hành động, suy nghĩ, ham muốn theo thói quen. Trong lúc đó, đừng quên chúng ta vẫn có một sức mạnh khác cùng ở trong ta, có thể thôi thúc ta từ khước để chọn lựa cho mình một nếp sinh hoạt khác hơn. Ý muốn nói chúng ta có tự do chọn lựa đi theo nghiệp ác hay nghiệp thiện và hậu quả là tất yếu của sự chọn lựa ấy.

Có thể hình dung nghiệp lực như một cỗ xe tự động. Người lái chỉ có chọn cho mình lộ trình để cỗ xe chạy trên con đường bằng phẳng, đầy bông hoa ngát hương thơm, đầy trăng thanh gió mát hay chạy trên con đường đầy chướng ngại và rơi xuống vực thẩm. Chỉ có điều là chúng ta không thể rời bỏ cỗ xe vì không muốn đi nữa, mà phải ngồi trong cỗ xe để xe chạy hoài hết kiếp này đến kiếp khác. Bởi vậy, sách vở nhà Phật dạy “Người thế gian sợ quả, Bồ-Tát sợ nghiệp”!

Với người Phật tử, tự do chưa phải là Niết-Bàn, mà chỉ mới là sự lựa chọn cho mình con đường dẫn đến Niết-Bàn. Với người tranh đấu dân chủ cho Việt Nam, nhứt là người việt hải ngoại, tự do là phải biết lựa chọn con đường dẫn đến Dân chủ đích thực. Và khi có Dân chủ đích thực, thì Dân chủ là sức mạnh bảo vệ và phát huy tự do.

Như vậy, tự do là một trạng thái tinh thần. Thể xác ta có thể bị khống chế, nhưng tinh thần ta vẫn có thể sống tự do. Khi nới về tự do, ta cần phải biết ta, tức ta phải biết “trở về với chính mình”.

Người học Phật đều biết rằng con người do những yếu tố gọi là ngũ uẩn hợp thành. Và con người khi sống thì có thân tâm sinh hoạt. Nhìn qua con người sẽ thấy tương quan giữa tự do với con người vô cùng mỏng manh. Cũng giống như thân phận của chính mình. Nếu không nắm lấy được tự do ý chí thì con người không tìm ra đâu là tự do cho mình. Bởi con người kết thành bằng những cái biến đổi không ngừng, không nhứt định, tức là vô thường. Khi con người dựa vào cái bản ngã vô thường mà hô hào đem tự do đến cho thiên hạ như “không có gì quí hơn độc lập tự do” thì Hồ Chí Minh đã sát hại hàng triệu sinh mạng đồng bào là điều hiển nhiên. Tai hại hơn nữa, Hồ Chí Minh đem thực hiện mơ ước không tưởng của một nhóm người lên toàn dân tộc mình, hậu quả đau thương còn di hại cho đến ngày nay, càng ngày càng thêm trầm trọng.

Khi con người không biết trở về với chính mình, không thấu hiểu cái bản ngã vô thường của mình thì cái tự do mà mình hô hào cho mình, cho người, không gì khác hơn là phóng ảnh của cái vô thường. Đó là mộng trong giấc mộng!

Trở về với chính mình để thấy con người sinh học không thể sống ngoài sự vận hành của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý. Ý nghĩa và sức mạnh của sự sống đã thôi thúc con người ta, từ qui mô cá nhân đến quốc gia và quốc tế, tranh thủ nhằm đạt được sự thỏa mãn các thứ đó. Trong sự tranh thủ sự sống ấy, tự do chọn lựa của người này không tránh khỏi đụng chạm đến tự do của người khác, của dân tộc khác.

Phải thấy Tây Tạng là trường hợp điển hình. Dân tộc Việt Nam là nạn nhân từ hơn nửa thế kỷ nay. Đó là tự do đàn áp tự do, tự do giết tự do.

Nhìn qua góc độ khác, người ta sẽ thấy con người bị áp lực của sáu thứ “tai, mắt, mũi,…” khống chế, nên tự do ý chí mất đi.

Như vậy, phải chăng tự do vốn có ở mỗi con người? Nói theo ngôn ngữ nhân quyền, tự do là quyền bất khả nhượng của con người. Tức quyền tự nhiên. Nói rõ hơn, theo ông Fitche “Nhà nước không thể tước đoạt và không thể ban phát cho chúng ta những quyền, như tự do, vốn là sở hữu của chúng ta”. (Considération sur la Révolution française 1793, Paris). Và, cũng về vấn đề này, ông Jellnet viết “Nhà nước không tạo ra tự do. Nhà nước chỉ nhìn nhận nó và nhìn nhận bằng cách chính Nhà nước tự giới hạn mình”. ( La Déclaration des Droits de l'Homme et du Citoyen, 1895, Paris). “Tôi không muốn xem con người như một sinh vật, mà phải xem đó là một “tâm linh”, ông Fitche viết tiếp.

Nói cách khác, nếu tự do tự nó có giá trị như luật pháp, thì nó hàm nghĩa rằng con người thật sự là một giá trị tâm linh.

Chúng ta thấy giá trị con người là siêu đẳng, nó vượt lên giá trị của Nhà nước, bởi con người sáng tạo ra Nhà nước để thực hiện chức năng quản trị xã hội, trong đó con người phải được sống xứng đáng đúng theo nhân vị của mình. Quan niệm về thuyết nhân bản vị này đã lưu hành ở Anh trong thế kỷ thứ XVII.

Vậy, giá trị con người không thể tách rời khỏi tự do mà có

được. Thấy được tự do hay tìm được tự do thật sự, thứ tự do đúng mức, trọn vẹn, rốt ráo, không có cách gì khác hơn là định tâm theo phương pháp của Nhà Phật. Định tâm có nghĩa là làm chủ chính mình để con người sinh học của mình trong thoáng đã không vụt chạy xa ngàn dặm mà cũng không nhảy múa lăng xăng . Theo tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, ông Mathieu Ricard (nhà sinh học của Pháp, 62 tuổi, con trai của triết gia Jean-François Revel. Ông kể chuyện: nếu ông không sống hơn 30 năm trên Hi-Mã-Lạp Sơn, thì ngày nay, ông đã là nhà nghiên cứu làm việc trong một phòng thí nghiệm của Huê Kỳ; nếu ở Pháp, ông đã làm nghề thầy thuốc), thì định tâm có nghĩa là “vun trồng tinh thần”, giúp nhìn thấy sự vật một cách đúng, chính xác hơn, gần gũi với lòng vị tha, sự trìu mến…, những đức tánh mà chúng ta đều có nhưng ở dạng tiềm ẩn. Nếu bất chợt chúng ta có biểu hiện thì cũng chỉ thoáng qua. Định tâm thật ra là sự buông thả trọn vẹn chính mình, một trạng thái tinh thần “trống không vĩ đại”. Định tâm là một hình thức sơ thiền của người tu Phật. Vả lại, người tu thiền không nhứt thiết là Phật tử, bởi thiền chỉ là một nếp sống trọn vẹn. Mọi người, không phân biệt tôn giáo, đều có thể thực hành và đều có lợi cho bản thân. Nếu là một người có tín ngưỡng, thì thiền sẽ giúp thăng hoa tín ngưỡng của mình. Nói rõ hơn, theo Phật giáo Tây Tạng, “ tịnh tâm là cái đầu của thiền, buông xả là chân của thiền, tỉnh giác là thân của thiền ”.

Cách đây chừng mươi năm, ở Pháp, nếu có ai gợi lên vấn đề định tâm trong nhóm các nhà khoa học, thì sẽ bị mọi người chế diễu ngay. Nhưng ngày nay, môn học về thần kinh quan sát (neuroscience contemplative) đã làm thay đổi nếp suy nghĩ cố hữu của những người này. Nên hiểu định tâm trong tư thế ngồi ngay ngắn, mắt mở hí nhìn xuống đầu sóng mũi, không phải là ngủ gục, mà đó là sống mãnh liệt để cải thiện thân tâm của mình. Và ngày nay, ở Pháp, có tới 5 triệu người Pháp đến với Đạo Phật. Họ, phần đông là những nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học…, vì họ thấy Đạo Phật không xa với khoa học. Phật giáo không có vấn đề siêu hình. Phật là mọi người, còn là chúng sanh nữa. Nên người tu Phật không bị khuất phục dưới một thần linh nào hết cả. Hoàn toàn có tự do.

Nói qua chánh trị quốc gia. Khi một nước không biết chọn lựa xây dựng cho mình một nền chánh trị phù hợp với văn hóa dân tộc, với nguyện vọng của toàn dân, mà chạy theo một chủ thuyết đã chết trên quê hương của nó hoặc ngã theo ngoại bang phương Bắc như Việt Nam ngày nay để tồn tại, thì không thể nói đến tự do độc lập .

Dĩ nhiên tự do và độc lập không có nghĩa là mình sống một mình, tự cô lập, muốn làm gì thì làm, mà sống chung trong cái định luật liên lập của thế giới toàn cầu ngày nay. Nhưng mỗi quốc gia phải là một đơn vị sống tự do và độc lập trong định luật liên lập vì biết tự do là biết chủ động trong sự vận hành chung của định luật ấy.

Hà nội ngày nay từ khước sự chọn lựa, mà chỉ biết theo phe xã hội chủ nghĩa để chết sống phải giữ chế độ xã hội chủ nghĩa tồn tại, thì đừng nghĩ đến tự do.

Trong nước, chánh quyền tập trung rình rập, đàn áp nhân dân, vì lúc nào cũng lo sợ bị nhân dân lật đổ chế độ. Nhân dân thường xuyên bị chánh quyền của mình đàn áp thì không có tự do. Nhà nước sợ nhân dân do mình cai trị thì cũng mất tự do.

Giáo lý Nhà Phật chỉ cho ta thấy con người sống không thể tách rời khỏi mắt, miệng, tai, mũi, … Những thứ này càng tinh vi, nhạy bén, thì con người càng thỏa mãn tận hưởng đời sống hơn. Nhưng đừng quên là sống cho ta mà đồng thời cũng sống cùng với mọi người. Nếu trong đời sống cá nhân phải có tự do thì cũng phải có tự do chung cho đời sống mọi người.

Tóm lại, ta có thể hiểu tự do là cái gì giúp vào sự nảy nở đời sống con người. Cái gì ép buộc, áp bức, trù dập sự nảy nở là phản tự do, tiêu diệt tự do. Tức muốn nói đó là thứ phản động hung hản hơn hết.

Người Mác-Lê cho rằng đời sống là sự tranh đấu giải quyết sự mâu thuẫn nên lấy mâu thuẫn làm định luật cho cuộc sống. Cách giải quyết mâu thuẫn theo người Mác-Lê đã sát hại cả trăm triệu sanh mạng con người trong vòng hơn nửa thế kỷ qua.

Nhưng định luật liên lập vận hành thì không có mâu thuẫn hủy diệt mà chỉ có bổ sung để nảy nở, thăng tiến hài hòa. Do đó mà con người được sống trong tự do.

Như trên đây, chúng ta thấy đối với người tu Phật, tự do chưa phải là Niết-Bàn, mới chỉ là con đường dẫn đến Niết-Bàn. Khi Đức Phật với Tự do là Một, thì Ngài vẫn còn là con người có sống có chết. Chỉ khi biết được mình lìa cõi sống thế gian thì lúc ấy mới chợt thấy ở bên kia Niết-Bàn đang chờ !

 

Nguyễn văn Trần

 


Cái Đình - 2008 .