Nguyễn Trung


 

Tòa án Cambodia

 

Dưới áp lực của Liên Hiệp Quốc, phải mất vào khoảng bảy năm tòa án Campuchia mới hình thành để có thể bắt giữ và truy tố các lãnh tụ Khmer Đỏ. Một trong những lý do chính của sự giằng co dai dẳng gây trở ngại quá trình hình thành tòa án là sự ngăn trở ở các quan chức lãnh đạo trong guồng máy của nhà nước. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhiều nhân vật giữ các chức vụ lãnh đạo đều ít nhiều có liên hệ đến chế độ Khmer Đỏ trong quá khứ. Điển hình là thủ tướng Hun Sen, đã từng là đảng viên và nằm trong guồng máy quân sự của Khmer Đỏ. Ông đã công khai lên tiếng phản đối sự bắt giữ Ieng Sary cũng như đe dọa sẽ có những ‘bất ổn xã hội' xảy ra nếu chính ông cũng bị bắt giữ.

Tòa án Cambodia không hưởng qui chế tòa án quốc tế. Vì thế các bị can trong vụ án Khmer Đỏ chỉ bị bắt giữ và truy tố tại Cambodia, thay vì ở tại thành phố Den Haag, Hà Lan. Tuy nhiên có đến 27 chánh án đến từ các quốc gia khác để tham dự việc xử án, trong đó có chánh án Katinka Lahuis của Hà Lan. Ngân khoản dự chi cho tòa án khoảng 56 triệu mỹ kim.

Tuy đang nằm điều trị trong bệnh viện do tai biến mạch máu não, Khieu Samphan, cựu tổng thống của chế độ Khmer Đỏ, đã bị bắt giữ. Trước đó, tòa án đã bắt giữ Nuon Chea (anh Hai), 82 tuổi, nhân vật phụ trách tư tưởng đảng và là cánh tay phải của Polpot (anh Cả); Ieng Sary (anh Ba), 83 tuổi, cựu bộ trưởng bộ ngoại giao; Ieng Thirit, 76 tuổi, bộ trưởng bộ xã hội, là vợ Ieng Sary và em vợ của Pol Pot; Kang Kek Ieu, bí danh ‘Duech', 65 tuổi, giám đốc trại tù khét tiếng về tra tấn dã man Tuol Sleng. Riêng Pol Pot, nhân vật thành lập Khmer Đỏ, đã chết vào năm 1998 trong vùng rừng núi ngoại biên Cambodia. Khác với các lãnh tụ khác, Pol Pot không xin sự ân xá của ông hoàng Norodom Sihanouk và đã ẩn trốn trong rừng với một vài cộng tác viên thân tín khoảng 20 năm.

Chế độ Khmer Đỏ, kéo dài từ 17-04-1975 cho đến 07-01-1979, được thế giới xếp vào một trong những chế độ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử. Chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng Mao Trạch Đông, các lãnh tụ Khmer Đỏ muốn biến Cambodia thành thiên đường nông nghiệp cộng sản. Tất cả nhân dân phải trở thành nông dân. Giới trí thức và tất cả những gì theo chế độ cho là có liên hệ đến trí thức đều bị tiêu diệt. Một thường dân có thể bị xử tử hình do chỉ đeo kính cận hoặc biết nói ngoại ngữ. Trường lớp bị đóng cửa, tôn giáo, hệ thống tiền tệ đều bị giải thể. Khoảng ba triệu dân thành phố bị lùa về nông thôn để lao động sản xuất. Hàng trăm ngàn người đã bị tàn sát, hàng trăm ngàn người khác bị chết vì suy dinh dưỡng và bệnh tât. Tổng cộng, khoảng 1,7 triệu người Cambodia đã tử nạn.

Điều nghịch lý là tuy đề ra chính sách bài trừ trí thức, các lãnh tụ Khmer Đỏ đều thuộc giới trí thức. Polpot, Ieng Sary đều được Pháp cấp học bổng du học ở Paris. Ponnary, vợ đầu tiên của Pol Pot, và Ieng Thirit là những phụ nữ Cambodia đầu tiên tốt nghiệp cấp đại học ở Âu châu. Tương tự như trường hợp Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam, điều không may cho dân tộc Cambodia là thay vì thu thập những tư tưỏng có giá trị về nhân quyền và xã hội, hay những kiến thức khoa học kỹ thuật để trở về xây dựng đất nước, những trí thức đầu tiên này lại du nhập sản phẩm duy lý cực đoan của Tây phương là học thuyết duy vật và chủ nghĩa cộng sản. Dưới sự hỗ trợ của tổ chức cộng sản quốc tế với mục đích chiếm giữ quyền lực quốc gia cùng vô sản hóa thế giới, lịch sử đã ghi nhận những thảm cảnh nào đã xảy ra cho dân tộc Việt Nam và Cambodia.

Tuy nhiên Khieu Samphan đã tuyên bố không hề ra lệnh hay ký kết văn bản chính thức nào cho chính sách diệt chủng ở Cambodia, nên không chịu trách nhiệm cho những tổn thất sinh mạng trong thời gian nắm quyền. Theo các quan sát viên, nếu đó là sự thật thì có thể không dễ dàng để kết án cá nhân các lãnh tụ Khmer Đỏ vì thiếu những bằng chứng cụ thể, mặc dầu sự thảm sát đã quá rõ ràng và ở mức độ vô cùng to lớn. Tuy nhiên có thể buộc tội các lãnh tụ này trong vai trò của các cộng tác viên của Pol Pot, đã không tìm cách để ngăn chận sự diệt chủng, cũng theo lời của các quan sát viên.

Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng chỉ là sự tiếp nối ở cấp độ khác và địa phương khác của cuộc cách mạng vô sản với chính sách thanh lọc của Stalin, của Goulag, của cuộc cách mạng cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và Việt Nam, cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, chính sách học tập cải tạo sau năm 1975… Tất cả chỉ là những thử nghiệm của các chính sách, đặt căn bản trên những học thuyết không tưởng nhằm củng cố quyền lực, bất chấp thực tại xã hội và các giá trị nhân bản. Vì thế, sau nhiều trở ngại, việc bắt giữ các lãnh tụ Khmer Đỏ để tiến trình xử án có thể bắt đầu vào năm 2008 đã được đánh giá là thắng lợi to lớn cho tòa án nhân quyền.

Chúng ta trong tư cách những người đòi hỏi tự do dân chủ không nhìn và đánh giá những tòa án nhân quyền như trên dưới động lực thỏa mãn sự hận thù. Đây là vấn đề công lý và trách nhiệm của bất cứ chế độ nào, không riêng gì chế độ cộng sản, đối với đất nước và con người, đối với thân nhân của những nạn nhân đã nằm xuống. Không một chế độ nào có quyền nhân danh bất cứ chân lý hay giá trị nào để thử nghiệm trên sinh mạng và nhân phẫm của con người. Các tiêu chuẩn và giá trị nhân quyền này phải được đòi hỏi, đấu tranh và duy trì ở Việt Nam, ngay cả trong các chế độ thời hậu cộng sản.

Nhìn về nước Cambodia, nhân dân Cambodia có ít lắm có hai điều để hãnh diện: kiến trúc Đế Thiên Đế Thích và cơ chế sinh hoạt dân chủ đa đảng, dù còn ở giai đoạn phôi thai, đã cho phép tòa án Cambodia hình thành và hoạt động.

 

Nguyễn Trung
(12/2007)


Cái Đình - 2007 .