Nguyẽn Lê Hồng Hưng
Thư không niêm gởi ông Nguyễn Thanh Hòa
Nhân đọc trên Tuổi Trẻ online ngày 5 tháng 3 năm 2008 bài phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng bộ Lao Động – Thương Binh & Xã Hội (*), dân đen tôi bức xúc bèn có đôi lời xin thưa cùng ông thứ trưởng.
Thưa ông, đầu năm 2005 đứa cháu gái tôi xin tiền đóng để đi xuất khẩu sang Mã Lai, tôi ngăn cản hết sức nhưng vì tác động quảng cáo dịch vụ của các ông quá hấp dẫn nên nó nhất quyết đòi đi cho bằng được. Cuối cùng ngoài số tiền tôi cho để lo lót nhân viên dịch vụ ra nó còn mượn nhà băng hết mười tám triệu. Tôi có hỏi nó số tiền mượn nhà băng đóng cho ai và chi phí gì thì nó trả lời hổng biết.
Trong hợp đồng, lương mỗi tháng được ba triệu đồng, lúc đó khoảng trên dưới ba trăm đô Mỹ. Nhưng khi ra tới phi trường nhân viên của dịch vụ các ông bắt phải ký công tra lại là mần được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Tới Mã Lai làm mỗi tháng lương chưa được một trăm đô có khi bị thất nghiệp hàng tháng trời.
Ông nói: “Nhiều lao động VN tử vong tại thị trường Malaysia không phải khi báo chí nêu bộ mới biết, cũng không phải biết rồi mà không làm gì. Từ cuối năm 2004, Bộ Lao động - thương binh & xã hội đã cùng Bộ Y tế sang nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo lên Chính phủ. Nhưng do đây là thông tin nhạy cảm nên chúng tôi không công bố, các văn bản có thông tin này đều ở dạng mật.
...Duy chỉ có ăn, ở thì nhiều nơi khó khăn, ta đã phối hợp giải quyết. Người lao động hiện đã được tự đi thuê căn hộ hoặc thuê trong ký túc xá và chỉ phải trả một nửa tiền thuê, một nửa còn lại nhà máy trả.”
Đúng là nơi ăn chốn ở rất khó khăn, mần không đủ trả nợ thì lấy đâu ra thuê nhà. Ông nói: “ta phối hợp để giải quyết”. Nghe qua thì ngon lắm nhưng suốt mấy năm trời công nhân lao động đi khám bác sĩ sợ tốn tiền, bất đồng ngôn ngữ, ra chợ chơi phải đi từng đoàn sợ cướp giựt. Đôi khi ban đêm bọn lưu manh vô tới ký túc xá làm tiền... những chuyện như vậy có ma nào giải quyết đâu. Có chuyện rắc rối gọi điện lên đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur thì không ai bắt máy.
Ông căn cứ vào đâu để so sánh số lao động bị tử vong ở Mã Lai ít hơn ở Việt Nam gấp hai ba lần, thứ trưởng phải nói chuyện cho rõ ràng chớ mập mờ như dân chợ búa ai nghe cho. Nghe ông nói làm người ta tưởng như ông tường thuật về chuyện lính đi đánh trận và ông cho đây là thông tin ở dạng mật. Trời đất! Các ông nhận tiền đưa những người dân nghèo đi lao động công khai, là chuyện mần ăn lương thiện chớ phải chuyện quốc phòng đâu mà bảo mật.
Theo tôi biết thì đầu năm 2006 số công nhân ở Bin Bin Knitwear ở Mã Lai bị thất nghiệp kéo dài cho tới khoảng giữa năm 2007 thì Công ty ở đây công bố phá sản và đưa nhiều công nhân chưa mãn hợp đồng trở về nước. Trong khi đó dịch vụ của các ông bên Việt Nam vẫn tiếp tục nhận tiền và đưa người ào ạt sang Mã Lai.
Đúng ra công ty phá hợp đồng thì công ty phải bồi thường (Biết đâu công ty có bồi thường nhưng các ông lấy chia nhau bỏ túi). Trái lại họ không được bồi thường cắc nào hết và khi về nước cũng không ma nào giải quyết chuyện nợ nần cho họ. Hiện nay số nợ nhà băng giống như sợi dây thòng lọng treo vào cổ đám người nầy không biết xiết lại lúc nào. Ngoài số nợ nhà băng ra, có người trước khi đi cầm thẻ đỏ để lo lót cho nhân viên dịch vụ số phận cũng chưa biết ra sao.
Trên đây là những người bị các ông đưa về, còn có số người vừa sang Mã Lai chịu không được kêu cứu người nhà, buộc lòng họ phải vay nợ nóng, tự mua vé máy bay trở về nước. Hẳn các ông cũng biết số phận họ ra sao và biết rồi sẽ làm gì, sao không nghe ông nói tới. Hay những chuyện nầy còn trong vòng bảo mật?
Hơn hai mươi năm qua tôi làm việc chung với dân lao động của nhiều quốc gia khác nhau, tôi biết có nhiều dân nước khác, họ tự xin việc làm ở bất cứ quốc gia nào, sau đó xin chiếu khán xuất cảnh thì được quyền đi. Vé máy bay và chi phí ăn, ngủ dọc đường thì được công ty đưa việc đài thọ. Ngoài ra họ không phải đóng một khoản tiền nào khác. Nếu việc làm qua phòng lao động thì người môi giới lấy phần trăm theo giá qui định – khoảng năm tới mười phần trăm theo số lương của người lao động – lỡ công nhân bị sa thải thì họ lo tìm việc khác cho làm.
Dịch vụ ở Việt Nam của các ông hô hào giúp cho những gia đình nghèo, nhưng lại tác động quảng cáo bằng cách người nào muốn xuất ngoại phải thi tuyển chọn, làm công mà phải đi thi như thi vào đại học (vậy mà ông đổ thừa tại bản thân họ không tốt hoặc bị lôi kéo nên mới đi cướp giựt để kiếm sống...) Người nào trúng tuyển phải trả từ hai ngàn tới năm ngàn đô cho mỗi chuyến đi. Giá cả thì được dịch vụ qui định tùy theo chức vụ, nghề nghiệp và tùy nếp sinh hoạt của quốc gia nhận người.
Có nhiều người xin được việc ở nước ngoài, nhưng khi làm thủ tục xuất cảnh thì họ chỉ qua phòng lao động. Không biết có phải vì sống trong một đất nước lúc cần làm đơn từ thì phải chạy hết cơ quan nầy qua cơ quan nọ, xin xỏ riết rồi quen hay vì một nguyên nhân nào tác động đến đỗi quyền lợi tự mình tìm được cũng phải đưa qua tay các ông rồi tới chầu chực xin trở lại.
Đành rằng trong xã hội tân tiến nào cũng cần có những văn phòng môi giới để tạo điều kiện dễ dàng cho những người lao động chưa quen cách xin việc. Nhưng dịch vụ thay đổi giá cả và cách làm việc sao cho công bằng, để người công nhân xa nhà thu ngắn ngày về với gia đình và để họ được yên tâm mỗi khi cất bước lên đường. Là công nhân phải đi làm việc ở tận nước ngoài, nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình và những người thân còn nặng hơn mớ hành trang họ mang theo người. Đã vậy các ông còn bắt họ phải cõng thêm số nợ kếch xù đến đỗi không dám nghĩ tới ngày về khi hợp đồng đã mãn.
Mỗi năm nhà nước Việt Nam nói là những người lao động nước ngoài đem về nước hàng tỷ đô la Mỹ. Những chuyện xảy ra cũng cho người ta thấy bao nhiêu tỷ đô ấy do các ông vắt ra từ mồ hôi, máu, nước mắt của những người lao động và số nợ hàng ngàn đô của họ bị trấn lột qua hình thức mượn nhà băng đóng cho các ông...
Trên đây là những chuyện tôi thu thập được biết qua lời kể của cháu của tôi là một trong những nạn nhân của các ông sang Mã Lai lao động. Theo tôi thì biết bao nhiêu chuyện mờ ám mà các ông cho là nhạy cảm thì còn trong bí mật, còn những chuyện như bên Mã Lai và Jordan vừa qua không thể giữ bí mật nên bị bật mí đó thôi.
Nhưng dù nói nhăng nói cuội đi nữa ông cũng vẫn là thứ trưởng. Chỉ tội nghiệp đám dân nghèo, ra nước ngoài bị người ta hà hiếp, bỏ đói, đánh đập đến chết. Trở về nước thì mang nợ ngập đầu, láng cháng thưa kiện, biểu tình thì bị tù rục xương. Quả là các ông đã “giúp” dân nghèo đi vào con đường chết...
Thưa ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, nếu còn thương đám dân ngu khu đen thì xin ông giải quyết làm sao cho hợp tình hợp lý. Đây là chuyện chết dân ông không thể ăn nói tùy tiện vô trách nhiệm mãi được đâu.
Riêng tôi thì những chuyện buôn người qua nhiều hình thức được nhà nước cấp giấy phép ở Việt Nam ngày nay quá nhiều, trong một bài viết ngắn như vầy có thấm vào đâu. Và đoán chừng tương lai thế nào cũng có thêm dân lao động bị xiết nhà rồi nhập vào đám dân oan khiếu kiện mỗi lúc một đông. Lúc đó chỉ còn cách các ông xây thêm nhiều nhà tù hay cất thêm nhiều trại cải tạo mới đủ nhốt đám dân nầy.
Nguyễn Lê Hồng Hưng
____________________
(*) Dưới đây là bài chủ – Chú thích của Ban Biên tập
Lao động VN tại Malaysia: Tỉ lệ tử vong chỉ 0,09%
Trước thông tin hàng trăm người lao động VN tử vong tại Malaysia, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh & xã hội Nguyễn Thanh Hòa chiều 4-3 khẳng định một số tờ báo đưa con số không chính xác. Ông Hòa cho biết:
- Việc nhiều lao động VN tử vong tại thị trường Malaysia không phải khi báo chí nêu bộ mới biết, cũng không phải biết rồi mà không làm gì. Từ cuối năm 2004, Bộ Lao động - thương binh & xã hội đã cùng Bộ Y tế sang nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo lên Chính phủ. Nhưng do đây là thông tin nhạy cảm nên chúng tôi không công bố, các văn bản có thông tin này đều ở dạng mật.
* Ông có thể nêu con số chính thức tổng số lao động VN tử vong ở Malaysia và các thị trường khác là bao nhiêu?
- Con số cụ thể thì tôi chưa thể nói, nhưng so với người đang lao động ở trong nước thiệt mạng giữa độ tuổi 25-30 thì tỉ lệ người lao động VN tử vong ở thị trường Malaysia thấp hơn 2-3 lần. Năm 2007, kể cả bệnh tật lẫn tai nạn lao động, khoảng 107 người VN đang lao động tại Malaysia bị thiệt mạng, tỉ lệ là 0,09%. Con số này đã giảm so với các năm trước.
* Nhiều lao động nói họ phải lao động trong môi trường độc hại và bị chủ bóc lột?
- Gần đây một số báo nói có lao động VN bị chủ ép suốt ngày phải ngâm mình trong axit, theo tôi, là không khách quan. Bản thân tôi đã sang Malaysia nhiều lần, luật pháp về lao động của họ rất tốt. Đi nhiều nhà máy, điều kiện làm việc của họ thậm chí còn tốt hơn tại VN. Duy chỉ có ăn, ở thì nhiều nơi khó khăn, ta đã phối hợp giải quyết. Người lao động hiện đã được tự đi thuê căn hộ hoặc thuê trong ký túc xá và chỉ phải trả một nửa tiền thuê, một nửa còn lại nhà máy trả.
* Vậy ông giải thích thế nào khi cũng đi lao động xuất khẩu nhưng số người đi Hàn Quốc và các thị trường khác rất ít bị đột tử?
- Việc khám sức khỏe cho lao động VN đi Malaysia đơn giản quá. Trước năm 2005 chỉ cần xác nhận của y tế xã, y tế cơ quan, thậm chí có người không khám sức khỏe cũng vẫn được xuất khẩu lao động sang Malaysia. Trong khi đó, muốn được lao động tại Hàn Quốc phải khám ba lần: trước, sau khi đăng ký và khi vừa sang đất bạn. Tại Malaysia tình hình cũng phức tạp hơn. Chúng ta đã để lọt cả những phần tử có nhân thân không tốt đi xuất khẩu lao động nên những đối tượng này đã tụ tập, hình thành những băng cướp của, thậm chí cả giết người nhằm vào chính người VN.
* Có lao động cho rằng họ phải đi cướp là do khi sang Malaysia không được bố trí việc làm, bị dồn ép, lâm vào cảnh cùng quẫn?
- Có thể một vài đối tượng gặp phải trường hợp như vậy nhưng phần lớn là do bị lôi kéo, hoặc bản thân từng có lý lịch không tốt. Theo tôi, không thể có môi trường quá khắc nghiệt và dồn ép, khiến lao động VN phải đi cướp của giết người mới sống được. Nhiều công ty VN đã cử nhân viên sang hỗ trợ người lao động giải quyết những vướng mắc. Các công ty không cử người thường trực thì khi có sự việc xảy ra cũng cử người sang ngay.
* Thân nhân nhiều người lao động thiệt mạng ở Malaysia nói họ không nhận được tiền bồi thường thỏa đáng. VN cũng có quĩ hỗ trợ nhưng chưa ai nhận được 10 triệu đồng từ quĩ này theo qui định. Tại sao vậy?
- Có thể khẳng định tất cả người bị tai nạn lao động đều nhận được tiền bồi thường từ Malaysia, số tiền khoảng 7.000 USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động VN hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, theo qui định của Malaysia, qui trình để được nhận các khoản bồi thường có thể mất 3-6 tháng, trường hợp ghi nhầm tên tuổi có thể mất đến một năm.
CẦM VĂN KÌNH ghi
(Nguồn: http://www3.tuoitre.com.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=245757&ChannelID=269)