Phổ Lập


Thư gởi người em gái Việt tại Hoa Kỳ

 

Em gái Việt thân mến,

Hàng năm mỗi lần gió Đông về gợi nhớ lại những ngày của tháng chạp, tháng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền Việt Nam mà dư luận ở Việt Nam (có thể qua gợi ý của VC) đang cổ súy phong trào hủy bỏ những ngày truyền thống thiêng liêng nầy, tôi muốn viết cho em và về em, một người em gái Việt mà tôi gặp đầu tiên trên bước đường dong ruổi nơi quê người.

 

Em thân mến,

Tôi đã gặp em qua sự tình cờ, trong một buổi nói chuyện do một tổ chức nghiên cứu y khoa Việt Mỹ gần đây. Em đã cùng chồng là một bác sĩ tham dự vào câu chuyện bauxite Việt Nam, câu chuyện thường không mấy hứng thú và hấp dẫn đối với những người phụ nữ thuộc "giai cấp" của em. Tôi đã quan sát em, thoáng nhìn ánh mắt và cung cách em theo dõi câu chuyện khô khan của tôi. Tôi đã cùng chia xẻ chai bia với chồng em trong buổi nói chuyện.

Và từ đó, tôi và vợ chồng em có thêm nhiều dịp để trao đổi với nhau cùng các bạn bè khác về câu chuyện nước non. Đây quả thật là một sự tình cờ ngẫu nhiên và lý thú của tôi. Ngẫu nhiên vì em là người tôi gặp có thể nói lần đầu tiên trong những ngày tháng đi đó đây suốt 20 năm qua. Lý thú là vì sau những lần gặp sau đó tại nhà em cùng bạn bè, tôi đã thấy được ánh mắt đầy tự tin và tích cực qua những phát biểu đóng góp của em về câu chuyện Việt Nam. Em đã đóng góp trong tinh thần hết sức xây dựng và hòa nhã nhưng không có nghĩa là không quyết liệt trong luận cứ của mình. Những ý kiến phản biện của em đối với bạn bè của chồng cũng như việc không đồng ý với lý tưởng và con đường của chồng đang đi làm cho tôi suy nghĩ nhiều.

Chính vì thế mới có lá thư gởi cho những người em gái Việt ở những ngày cuối đông nầy trên đất khách.

Em biết không, trong cuộc sống vật chất nơi quê người, đối với giai cấp được ưu đãi như gia đình em, nhiều chị em Việt sống trong điều kiện khó đi ra ngoài cái khung vô hình, đó là chiều hướng cá nhân chũ nghĩa, hưởng thụ thoãi mái do nguồn tài chính dồi dào do chồng kiếm được như đi shopping, nói chuyện gossip với các bạn gái khác có cùng điều kiện kinh tế giống nhau.

Nhưng trái lại, tôi thấy trong em có điều khác lạ. Em không đi con đường trên mà lại có nhiều suy nghĩ đột phá trong vấn đề nước non. Em không có cái "kịch cỡm" như nhiều người vợ của "giai cấp bác sĩ" (cũng như tôi cũng không thấy những nét hưởng thụ nơi chồng em!)  Tôi không biết tôi có chủ quan hay không, nhưng tôi tin rằng không vì tôi đã trao đổi với em hơn một lần về thái độ và hành động của những người con Việt đối với đất nước nơi hải ngoại.

 

Em thân mến,

Trong Phật giáo, Đức Phật đã vạch rõ là có tới 84 ngàn pháp môn để tu tập, nghĩa là chúng ta cũng có hàng ngàn hướng đi để cuối cùng hy vọng đạt đến một mục tiêu chung cuối cùng là mang lại tự do, nhân quyền, và một số phúc lợi căn bản cho bà con mình còn đang sống cùng khổ ở Việt Nam. Đó là tiền đề và kết luận duy nhứt của những người con Việt tha hương còn đoái hoài đến quê cha đất tổ.

Dĩ nhiên trên bước đường đi trên, có những suy nghĩ khác nhau đôi khi trái nghịch nhau giữa các cá nhân, giữa các hội đoàn hay đảng phái. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải triệt hạ nhau, tiêu diệt lẫn nhau. Dù muốn dù không, chúng ta phải trân trọng tất cả những người còn có tấm lòng Việt Nam, cưu mang một hoài bão đem lại bình an và hạnh phúc cho con dân Việt.

Dù chủ trương như thế nào đi nữa, tấm lòng sắt son với đất nước của những người dấn thân ở hải ngoại cũng đủ để cho chúng ta trân trọng cho dù hướng đi có bị vấp phải sai lầm, cho dù hành động có tạo ra vài đáng tiếc.

Chúng ta sống trong thời đại toàn cầu hóa, trong một thế giới đa cực, chúng ta không còn dựa theo một chủ thuyết tư bản hay chủ nghĩa xã hội để làm nền cho sự phát triển đất nước. Ngày hôm nay chúng ta không còn thì giờ để chiêm nghiệm và "lập thuyết" nữa.

Thế kỷ 21 hôm nay cho chúng ta thấy một thế giới MỞ, mở cho mỗi cá nhân và mở cho tập thể thậm chí cũng mở cho những người quản lý đất nước. Thế giới ngày hôm nay không còn chỗ đứng cho chủ nghĩa độc tôn, độc đảng. Quan niệm lãnh tụ phải được thay thế bằng cung cách làm việc tập thể (team work). Kinh nghiệm Việt Nam cho chúng ta thấy chính sách quản lý của 14 Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam đã đưa đất nước vào chỗ bế tắc và nghèo đói.

 

Em thân mến,

Câu chuyện Việt Nam vẫn là mối ưu tư hàng đầu của mỗi người trong chúng ta. Nó chiếm lĩnh trọn vẹn quỹ thời gian của chúng ta, trong những lúc ăn uống, lúc làm việc kiếm cơm, ngay cả những lúc trà dư tửu hậu nữa. Tại sao em biết không? Vì đó miền đất tổ của cha ông ngàn đời để lại. Vì đó là nơi trên 85 triệu bà con mình còn quằn quại đau khổ trước gọng kềm của chế độ. Chúng ta không thể vui trong hoàn cảnh như thế. Chúng ta không thể quên dù là trong giây phút tiếng kêu thương tuyệt vọng của những người cùng khổ trên quê hương.

Tôi có "cải lương" khi trang trải những suy nghĩ trên với em hay không, hở người em gái Việt trên đất Mỹ? Tôi hy vọng là không; vì trong một sát na nào đó, tôi đã thấy ánh mắt chú tâm của em khi nghe tôi nói về chuyện Việt Nam.

Đối với tôi, người chỉ nói từ tấm lòng, không biết và không bao giờ có tham vọng "lập thuyết", giải quyết câu chuyện Việt Nam chỉ là cố gắng suy nghĩ về những cung cách ngõ hầu mang lại trong tương lai những phúc lợi về y tế tối thiểu cho bà con Việt, cải thiện hệ thống giáo dục đã bị ô nhiễm và hủy hoại sau thời gian dài chịu sự áp đặt của chế độ, cũng như giải quyết những vấn nạn môi trường mà chế độ đã phát triển quốc gia trong chiều hướng hủy diệt môi trường thay vì bảo vệ.

Đảng và Nhà Nước Việt Nam hiện tại không giải quyết được những vấn đề dân sinh của người dân, thậm chí còn làm cho vấn đề ngày càng trầm trọng thêm lên. Nay đã phải đến lúc chính người dân trong nước phải trang bị những thông tin, những hiểu biết để tự cứu lấy chính mình trong cuộc sống hàng ngày đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí, và trong đất, nguy cơ trước trong thực phẩm và nhứt là nguy cơ trước những vi phạm quyền của con người đã ghi rõ trong Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà chế độ hiện hành đã phê chuẩn.

Muốn thực hiện những suy nghĩ tích cực trên, và trong điều kiện hạn hẹp của một người con Việt sống xa quê hương, tôi thấy những gì cần làm ngày hôm nay là chuyển tải những thông tin khoa học, những biến chuyển thực sự đang xảy ra trên đất nước mà người dân quốc nội không hề biết qua chính sách thông tin một chiều của chế độ. Những tin tức cập nhựt nhứt về nguy cơ Hán hóa, về nguy cơ diệt chủng của Trung Cộng dù ít dù nhiều cũng có thể làm động tâm bà con.

Và em có biết không, những khúc nhạc trên đã được tấu lên một cách bền bỉ suốt 20 năm qua, và tôi nghĩ cũng đã khơi dậy một phần nào lòng tự ái dân tộc nhứt là đối với tuổi trẻ Việt Nam.

Em thấy không, tuổi trẻ Việt Nam đã vượt qua sự sợ hãi do chế độ đã cấy sinh tử phù vào lòng dân tộc từ những ngày đầu tiên dày xéo miền Nam thân yêu của chúng ta. Nhưng hôm nay, mọi sự đã xoay ngược 180 độ. Chính những người cộng sản Việt đã bị sinh tử phù của chính họ xâm nhập vào não trạng. Càng đàn áp, càng trấn lột người dân, càng phát biểu những lời đanh thép, cao ngạo, chính là lúc người cộng sản… đang sợ.

Họ sợ người dân, họ sợ tuổi trẻ và họ sợ với chính những đảng viên đang cùng chung một việc là áp dụng chuyên chính vô sản với dân. Sự đoàn kết chung quanh đảng dưới lá cờ chủ nghĩa Mác Lê chỉ còn là những tiếng vọng từ đáy vực, một chuẩn bị cho hiện tượng Big Bang của đảng cộng sản Việt Nam trong những ngày sắp tới mà thôi.

 

Em thân mến,

Sự hiện diện của lá thư nầy là do những lần khám phá ra tình tự quê hương nơi em. Cho tôi một lời cám ơn em. Những suy nghĩ của tôi trên đây cũng là những lời tự nhắc nhở lấy chính mình. Tôi không lạc quan mà cũng không bi quan về tương lai của đất nước. Trong bao lần nói chuyện trước bè bạn hay công chúng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là sống trọn vẹn với niềm tin của mình cũng như san sẻ niềm tin trên với bà con, những người con Việt xa quê hương.

Và từ niềm tin đó, chúng ta không tuyệt vọng cho tương lai của dân tộc.

Xin hẹn gặp lại em một ngày đẹp nắng nào đó không xa trên quê hương mình.

 

Phổ Lập
Một ngày cuối đông Kỷ Sửu – tháng giêng 2010

 


Cái Đình - 2010