Nguyễn Ðình Thắng
Thoát căn phòng Tiếng Vọng
Người Mỹ dùng từ “echo chamber”, tức “căn phòng tiếng vọng”, để diễn đạt hiện tượng âm thanh vang qua vọng lại trong một căn phòng kín. Ai ở trong ấy thì nghe rền vang, nhưng bên ngoài thì im như tờ vì âm thanh không thoát qua khỏi vách tường. Người dân trong nước đang ở trong tình trạng tương tự.
Phần lớn các tin tức về những vụ đàn áp, các lời cầu cứu trên diễn đàn mạng hay trên các hệ thống truyền thông Việt ngữ chưa thoát ra đến quốc tế. Người ở trong nước tưởng rằng chuyển tin cho đồng bào ở hải ngoại đồng nghĩa với đánh động được quốc tế. Không hẳn vậy. Với rất ít ngoại lệ, tiếng nói của họ chỉ mới vang qua vọng lại trong nội bộ người Việt ở hải ngoại.
Công việc báo động qua lại cho nhau là điều cần thiết để tạo ý thức về thực trạng ở nước nhà, làm nức chí lẫn nhau, và nhắc nhở nhau không sao nhãng trách nhiệm với đồng bào.
Cần đấy nhưng chưa đủ. Ngoài sự cảm thông và quan tâm của người Việt ở hải ngoại, đồng bào ở trong nước còn cần sự can thiệp cụ thể, nhanh chóng hữu hiệu của quốc tế mỗi khi có hành vi đàn áp bởi chính quyền.
Muốn vậy, chúng ta phải bắc ngày càng nhiều những cây cầu nối kết các thành phần bị đàn áp ở trong nước trực tiếp với những cơ quan quốc tế với thẩm quyền can thiệp. Cấu trúc của mỗi cây cầu gồm 3 bộ phận:
– Nhóm thu thập tin: Gồm một số người trong thành phần bị đàn áp ở trong nước với khả năng cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, cụ thể, đầy đủ và có phối kiểm cho từng vụ đàn áp.
– Nhóm biên soạn: Gồm một số người ở trong nước hay ở hải ngoại với khả năng tổng hợp và sắp xếp lại thông tin cho đúng với thủ tục và tiêu chuẩn quốc tế, dịch sang tiếng Anh hoặc Pháp.
– Nhóm vận động: Gồm những người ở hải ngoại biết cách dùng những hồ sơ này cho quốc tế vận.
Tầm mức hoạt động như trên đòi hỏi không những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt nơi mỗi bộ phận mà còn cả sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các bộ phận với nhau.
Vì chưa tổ chức được một cách quy củ như vậy nên tiếng nói của chúng ta đến nay vẫn còn bít bùng trong căn phòng tiếng vọng. Các văn thư lưu truyền trên mạng, gởi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ hay gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hay chuyển cho các tổ chức nhân quyền quốc tế thường không đáp ứng các tiêu chuẩn căn bản mà quốc tế đòi hỏi nên chưa hiệu quả.
Để thoát khỏi tình trạng căn phòng tiếng vọng, từ đầu năm đến giờ BPSOS đã thực hiện nhiều buổi huấn luyện, hướng dẫn và hỗ trợ cho nhiều nhóm ở trong nước và ở hải ngoại về các thủ tục báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Đồng thời chúng tôi cũng bắt đầu giới thiệu những nhóm đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp với các giới chức hữu trách của LHQ và của chính phủ Hoa Kỳ. Đến nay một vài nhóm đã có những tiến bộ rõ rệt. Tháng 1/2014 đợt huấn luyện thứ hai sẽ bắt đầu. Các tài liệu dùng cho huấn luyện, đang được chỉnh sửa và sẽ được phổ biến để mọi người cùng sử dụng.
Tạo tiếng nói trực tiếp trên trường quốc tế cho người dân trong nước là một trong ba trọng tâm của chúng tôi trong 8 năm qua để xây dựng xã hội công dân ở Việt Nam. Một khi nhất nhất vụ đàn áp trong bất kỳ lĩnh vực nhân quyền nào, diễn ra ở bất kỳ nơi nào và ảnh hưởng đến bất kỳ thành phần quần chúng nào cũng đều có sự lên tiếng lập tức của LHQ và các chính quyền dân chủ thì tôi tin rằng tình trạng chà đạp nhân quyền sẽ từng bước bị đẩy lùi.
Cơ hội cho điều này xảy ra tăng lên khi Việt Nam tham gia Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.
Báo Cáo Vi Phạm Nhân Quyền Theo Thủ Tục Của LHQ
Thoát tình trạng “căn phòng tiếng vọng” đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm và công phu, nhưng không đến độ quá khó. Trong một buổi trình bày mới đây dành cho các nhóm nghiên cứu và vận động đang được thành lập, đã có người nêu một số thắc mắc và ngần ngại với tôi.
Thắc mắc thứ nhất là làm sao hướng dẫn cho các nhóm bị đàn áp ở trong nước hiểu được những thủ tục của quốc tế.
Trước đây có lúc tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Nhưng thực tế thì lại khác hẳn. Chẳng hạn, chỉ cần một buổi hướng dẫn là nhiều tín đồ Cao Đài ở trong nước đã nắm bắt được các đòi hỏi để báo cáo với Liên Hiệp Quốc và đã thực hiện được ngay bản báo cáo khá chuẩn. Bản báo cáo này đã được gởi cho Bà Farida Shaheed, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ trong lĩnh vực quyền văn hoá, hiện đang có mặt ở Việt Nam. Không những vậy, bản báo cáo cũng đã được chuyển đến Báo Cáo Viên Đặc Biệt về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và Báo Cáo Viên Đặc Biệt về quyền tụ họp ôn hoà của LHQ.
Bấm vào đây để đọc bản báo cáo:
Thắc mắc thứ hai là có những người dân tộc thiểu số, ngôn ngữ không rành rẽ thì làm sao họ có thể viết bản tường trình.
Để trả lời thắc mắc này, tôi muốn chia sẻ bản báo cáo cũng gởi Bà Shaheed về sự đàn áp của chính quyền một số tỉnh giáp ranh Trung Quốc đối với đồng bào người Hmong. Rất ít người Hmong biết nói và viết tiếng Việt nhưng họ đã khôn ngoan thu hình nhiều vụ đàn áp. Đấy là những chứng cớ không thể chối cãi nhưng họ không biết chuyển cho ai, đi đâu. Họ chỉ biết gởi lên trang youtube hay trả lời phỏng vấn trên những đài phát thanh Việt ngữ. Chúng ta ở hải ngoại có trách nhiệm đưa tiếng cầu cứu của họ đến đúng chỗ, đúng người.
Bấm vào đây để đọc bản báo cáo:
Thắc mắc thứ ba là có những nạn nhân quá sợ hãi, không dám báo cáo vì e rằng sẽ bị đàn áp nặng hơn nữa; như vậy thì lấy đâu ra chứng cớ để báo cáo?
Cũng có cách thôi. Lấy vụ đàn áp ở Mỹ Yên làm ví dụ, chúng tôi đã sắp xếp để một chuyên gia trực tiếp phỏng vấn những người hiểu chuyện nhưng đã hoàn toàn nằm ngoài vòng kềm toả của chính quyền địa phương. Qua các nhân chứng ấy và dựa trên sự nghiên cứu bổ túc, chuyên gia này đã báo cáo cho Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Bấm vào đây để đọc bản báo cáo:
Các bản báo cáo này cũng đã được chuyển cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Nghĩa là một công mà nhiều việc.
Nếu làm đúng việc, làm việc đúng cách và có người đủ biết cách và sẵn lòng làm thì chúng ta có thể nối kết đồng bào trong nước trực tiếp với quốc tế. Đấy là lý do từ đầu năm đến giờ chúng tôi đã hỗ trợ cho sự thành hình của các nhóm nghiên cứu và vận động ở hải ngoại, mỗi nhóm yểm trợ một thành phần đối tượng bị đàn áp ở trong nước, như nhóm Cao Đài thì yểm trợ các tín đồ Cao Đài bị đàn áp ở trong nước; nhóm Hòa Hảo thì yểm trợ các Phật tử Hòa Hảo đang bị đàn áp ở trong nước…
Khi mọi thành phần dân chúng biết cách và được trợ giúp để lên tiếng trực tiếp với quốc tế thì cán cân thế và lực giữa dân và chính quyền sẽ dần dà chuyển đổi.
TS. Nguyễn Ðình Thắng