Lưu Văn Minh
Tại sao Lào dám “hỗn” với Việt Nam?
Thời gian gần đây dư luận tại Việt Nam và cả Cambodia đang xôn xao về dự án “giết chết đồng bằng sông Cửu Long” từ đập thủy điện Xayaburi. Đặc biệt là thái độ thách thức Việt Nam của Lào.
Muốn tiến hành thì dự án phải nhận được sự đồng ý của 4 nước thành viên của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) là Việt, Thái, Miên và Lào. Dự án này do Thái đầu tư, mang lợi nhuận cho hai nước Thái và Lào nhưng lại gây tác hại môi sinh và kinh tế rất lớn cho Cambodia và Việt Nam. Do đó chỉ có chính phủ Lào và Thái đồng ý, còn Việt Nam và Cambodia kịch liệt phản đối.
Thế nhưng dù dự án chưa được duyệt Lào đã chơi ngang. Ngày 19.4.2011 MRC họp để đưa ra “quyết định cuối cùng” về dự án thì ngày 17.4.2011 báo Bangkok Post cho hay việc xây dựng con đập đã được Thái và Lào lặng lẽ tiến hành từ năm tháng trước, bao gồm việc làm đường, quy hoạch việc di dời dân cư, đền bù giải toả v.v...
Sau khi họp nguyên ngày, MRC không đưa ra được “quyết định cuối cùng” như đã dự tính mà phải “đề đạt lên cấp bộ trưởng”, dự trù sẽ nhóm họp vào cuối năm. Thế nhưng Lào vẫn không đá động gì đến việc chấm dứt các hoạt động chuẩn bị nói trên.
Nói là “chư hầu” thì hơi quá nhưng lâu nay Lào vẫn được xem là đàn em của Việt Nam, đàn anh nói gì thì đàn em phải nghe. Lý do nào đã khiến tên đàn em trở nên xấc xược, kết bè với Thái Lan để chơi lại “anh” mình như vậy?
Để nắm rõ vấn đề có lẽ chúng ta phải nhìn vấn đề trên một phối cảnh rộng hơn, những căn cơ địa lý chính trị của dòng sông Mê Kông.
Sông Mê Kông và những yếu tố địa-chính trị
Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Vân Nam của Trung Quốc, chảy qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông qua chín nhánh gọi là Cửu Long. Xuôi theo vào dòng chảy của con sông, từ lâu Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ mậu dịch và để lại những dấu ấn văn hóa với các nước ở bán đảo Trung - Ấn. Tuy nhiên sự “bành trướng” này đã bị phương Tây chặn ngang.
Đầu thế kỷ 19, khi lần đầu đặt chân đến Đông Dương với ý đồ xâm chiếm vùng đất này làm thuộc địa, người Pháp đã tổ chức thám hiểm ngay hai con sông Hồng Hà và Mê Kông như là con đường thông thương để mở rộng quan hệ thông thương và ảnh hưởng đến vùng cao nguyên Vân Nam của Trung Quốc.
Tiếp theo đó là Chiến Tranh Lạnh và sự dính líu của Mỹ đã làm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này bị suy giảm rõ rệt.
Lúc đó, với chính sách đối ngoại kiểu “xuất cảng cách mạng” khi chi viện cho các lực lượng phản loạn Maoist, quốc gia nào trên bán đảo Trung - Ấn ai cũng ngại, không dám chơi với Trung Quốc.
Chiến Tranh Lạnh chấm dứt thì Trung Quốc vẫn còn phải đối phó với những vấn đề nội bộ. Vừa phải đối phó với những vấn đề nội bộ của mình như Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, Trung Quốc còn phải lo lắng đầu tư để xây dựng tiềm năng quân sự và kinh tế vào hạng “cha chú” thì mới có thể nói chuyện.
Thời gian gần đây, khi bắt đầu cảm thấy mình đã vươn đến bậc “cha chú” thì Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á e ngại và, trên phương diện an ninh, hầu như Trung Quốc đã bị cô lập trong khu vực. Nhận ra điều này, Mỹ, Nhật và Ấn từng bước xây dựng quan hệ liên minh với các nước tranh chấp với Trung Quốc, bao vây Trung Quốc theo chiều ngang.
Nói theo binh pháp Trung Quốc là kế “liên hoành”.
Không thể lùi bước trên biển, Trung Quốc bắt tay vào việc hoá giải chiến lược trên bằng kế “hợp tung” bằng kế hoạch phát triển dọc theo sông Mê Kông. Đó là việc xây dựng các khu vực mậu dịch tự do cùng phát triển mạng lưới đường sắt dọc theo sông Mê Kông, chạy từ Vân Nam xuống Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.
Chương trình này của Trung Quốc có mục đích gì?
Một trong những điều mà Trung Quốc quan tâm nhất là an ninh năng lượng: làm sao bảo đảm năng lượng cho nền kinh tế đồ sộ của mình.
Muốn vậy thì phải bảo đảm nguồn cung ứng nhiên liệu, đặc biệt là dầu lửa, chủ yếu nhập cảng từ Trung Đông. Như thế thì phải có một con đường vận chuyển dầu lửa an toàn từ Trung Đông và điều này đã trở thành chiến lược quốc gia.
Giải pháp tốt nhất và ít tốn kém nhất là xây dựng một đường ống dẫn dầu trên bộ, xuyên qua lãnh thổ Afghanistan, tuy nhiên hiện tại Mỹ vẫn bám chặt vùng đất này. Trung Quốc đành bó tay và chỉ có thể vận chuyển dầu bằng tàu thủy, băng qua Ấn Độ Dương, qua eo biển Mallaca và băng qua Biển Đông trước khi cập vào các hải cảng. Sau đó, từ đây dầu lửa được đưa về các vùng nội địa xa xôi, trong đó có Vân Nam.
Tuy nhiên nếu xung đột Trung - Mỹ xảy ra, con đường hàng hải này không thể được xem là an toàn. Trên biển Hải quân Trung Quốc không thể nào sánh nổi với Hải quân Mỹ. Chưa kể khi băng qua Mallaca rồi vào Biển Đông, Trung Quốc còn phải đối phó với Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, là những nước có tranh chấp trên biển với mình. Các tàu dầu chạy chậm rì này là mục tiêu dễ tấn công, mà nếu bất cứ tàu dầu nào cũng phải cử hải quân đi kèm để bảo vệ thì tốn kém vô kể.
Giải pháp còn lại là phải rút ngắn đường trên biển càng ngắn càng tốt, bỏ qua chặng hải hành bất an nói trên. Do đó con đường phụ để vận chuyển dầu lửa Trung Đông dọc theo sông Mê Kông lên vùng Vân Nam là một chọn lựa hàng đầu. Nếu hoàn tất thì tuyến đường sắt dọc theo sông Mê Kông sau thì dầu lửa sẽ được đưa vào vùng sâu của Trung Quốc một cách an toàn lại giảm đi nhiều chi phí.
Chính vì vậy nên Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào quan hệ thương mại với các nước trong khu vực với chính sách cây gậy và củ cà rốt.
Nhưng âm mưu “hợp tung” này không phải suôn sẻ vì không phải các quốc gia khu vực không thấy được dã tâm của Trung Quốc. Trong khi đó các đập thủy điện liên hoàn trên thượng nguồn sông Mê Kông đã khiến các quốc gia hạ nguồn như Cambodia, Việt Nam bực tức. Hiện tại Trung Quốc đã xây được bốn đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ở khu vực tỉnh Vân Nam và theo dự kiến sẽ đầu tư xây bốn đập nữa, bất kể tác hại gây ra cho các nước hạ nguồn là Thái Lan, Campuchia, Lào, Miến Điện và Việt Nam.
Về kinh tế thì đây cũng là thảm hoạ với cả nông nghiệp và ngư nghiệp. Riêng về ngư nghiệp thì ước tính các đập của Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho khoảng từ 240.000 đến 480.000 tấn cá tự nhiên của Việt Nam trên một năm, tức khoảng là gần 2 tỉ Mỹ kim. Về nông nghiệp thì thế mạnh của Đồng bằng sông Cưủ Long là cây lúa và các đập trên sẽ gây ra hiện tượng nhiễm mặn và nhiễm phèn khiến cây lúa không thể nào sống nổi.
Mỹ và Nhật đã khai thác sự bất mãn này để ngăn chặn dã tâm bành trướng của Trung Quốc.
Mỹ muốn bơi ngưọc sông Mê Kông
Theo các lý thuyết về địa lý chính trị thì nếu muốn khống chế được một quốc gia, trước hết phải khống chế được vị trí địa chính trị xung quanh quốc gia đó. Từ lâu Mỹ đã áp dụng chính sách đối ngoại của mình theo con đường này và do dó hiện tại cũng muốn bơi ngược dòng Mê Kông.
Nhìn từ phối cảnh của sông Mê Kông, Tạp chí "Foreign Affair” (Vấn đề ngoại giao) đã nhấn mạnh rằng nếu muốn "trở lại châu Á" thì chính phủ Mỹ cần phải tập trung vào sông Mê Kông.
Trong ý tưởng đó, từ năm 2010 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra "Kế hoạch hành động cho sông Mê Kông", thông qua đầu tư, tăng cường hợp tác với các nước dọc theo sông Mê Kông, Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị này nhằm đối trọng với Trung Quốc. Trong bài bình luận “US dips into Mê Kông politics” (Tạm dịch: Mỹ nhúng tay vào vấn đề chính trị sông Mê Kông), đăng trên số ra ngày 14.8.2010, báo Asia Times cho biết Mỹ đã lên tiếng can thiệp vào thái độ kẻ cả của Trung Quốc khi xây đập vô tội vạ trên thượng nguồn sông Mê Kông, điều đã làm vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đối diện với muôn vàn tai ương: khô cạn trong mùa hè và lũ lụt dồn dập trong mùa mưa.
Tác giả bài bình luận là Simon Roughneen cho biết Stimson Center – một “think-tank” chuyên tham vấn cho chính phủ Mỹ về vấn đề an ninh đã lên tiếng báo động: nếu các quốc gia vùng hạ nguồn không quyết liệt phản đối thì sông Mê Kông có nguy cơ trở thành “sông Trung Quốc” một khi những kế hoạch xây đập thủy điện thượng nguồn hoàn tất.
Theo bài báo thì Mỹ càng ngày càng can dự vào vấn đề chính trị của sông Mê Kông như là một phần trong nỗ lực nhằm kềm chế ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Bên lề Hội nghị ASEAN diễn ra vào tháng 7/2010 Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã hội thảo với các viên chức tương nhiệm của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong khuôn khổ “Nhóm Sáng kiến hạ lưu Mê Kông”, thành lập tại Thái Lan năm 2009 theo gợi ý của Mỹ.
Trong cuộc họp này, bà Clinton đã hứa sẽ giúp bốn nước nói trên đối phó với những tác động biến đổi khí hậu.
Tác giả còn cho biết rằng vấn đề sông Mê Kông còn thu hút sự quan tâm của các nước ngoài Đông Nam Á. Tác giả nhắc lại là bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội trước đó một vào tháng trước, Nhật đã mở một cuộc họp với các nước sông Mê Kông để thảo luận về sáng kiến “Mê Kông xanh” cho thập niên tới.
Nhật - Ấn và sông Mê Kông
Trên thực tế thì sông Mê Kông không xa lạ gì với Nhật. Ngay từ Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản đã nhận ra ý nghĩa chiến lược của nó tại vùng Đông Nam Á: không chỉ giàu có tài nguyên, khu vực này còn có vị trí địa chính trị trọng yếu tại Á châu.
Chính vì vậy nên sông Mê Kông trở thành mục tiêu then chốt trong chiến lược quân sự của Nhật, điều đã được ghi lại trong kiệt tác điện ảnh “The Bridge on the River Kwai” (Nhịp cầu trên sông Kwai). Sông Kwai – đúng ra là Khwae Noi – là con sông ở miền Tây Thái Lan, gần biên giới Miến Điện, là một phụ lưu của sông Mê Kông.
Sau chiến tranh, từ những thập niên 80 Nhật đã tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực này bằng những chương trình viện trợ to lớn về kinh tế và những chương trình quảng bá văn hóa và ngôn ngữ.
Tuy nhiên từ năm 2008 Nhật mơí thực sự tăng tốc trong cuộc chạy đua vào sông Mê Kông và thay đổi đường lối ngoại giao với 5 nước sông Mê Kông là Lào, Thái, Cambodia, Miến Điện và Việt Nam, không ngoài mối quan tâm rằng sông Mê Kông sẽ lọt vào sự kiểm soát của Trung Quốc.
Lý do là điểm mốc 2007. Đây là năm mà tỉ lệ giao dịch thương mại của Trung Quốc đối với ASEAN qua mặt Nhật. Để cân bằng cán cân quyền lực này Nhật ráo riết đầu tư vào Đông Dương.
Tháng 1 năm 2008 Nhật cùng 5 nước sông Mê Kông tiến hành hội nghị bộ trưởng ngoại giao lần đầu tiên, xác nhận hỗ trợ các nước trong khu sông Mê Kông xây dựng “Hành lang kinh tế Đông-Tây” và “Hành lang kinh tế phía nam”. Hội nghị còn tiến đến việc xác định năm 2009 sẽ là “năm lưu thông Mê Kông – Nhật Bản”.
Còn Ấn Độ không có tranh chấp biển nhưng có tranh chấp đất với Trung Quốc, đã bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm một vùng rộng lớn từ thập niên 60 nên rất lo ngại trước sức bành trướng của đối thủ.
Khi Trung Quốc có thể bành trướng ảnh hưởng tại sườn phía Đông của mình thì Ấn Độ không thể nào yếu. Do đó giới hoạch định chiến lược Ấn luôn nêu chắc lập trường về sông Mê Kông như là khu vực địa chính trị mà Ấn Độ cần phải vươn tới.
Theo giới chiến lược gia Ấn thì nếu kết hợp sông Hằng và sông Mê Kông thì Ấn và các nước ASEAN sẽ mở rộng được quan hệ kinh tế, thương mại, quân sự. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của các nước ở lưu vực hai con sông.
Kế hoạch của Ấn là xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt bắt đầu từ New Delhi chạy qua Miến Điện, Thái Lan, Cambodia rồi Việt Nam, kết thúc tại ga Hà Nội. Hệ thống giao thông này là mục tiêu chiến lược trong chính sách “hướng đông” của Ấn Độ.
Tuy nhiên Ấn đã bị Trung Quốc chặn đứng tại Miến Địện: chế độ độc tài đang bị bao vây này có thể đứng vững là nhờ viện trợ của Trung Quốc.
Thế Trung Quốc, thế Việt - Lào
Là một nước nằm lọt thỏm trong đất liền, Lào rất cần các cửa thông thương. Trong những năm cuối thập niên 70 và thập niên 80 Lào chỉ có thể chính thức giao thương với các nước xã hội chủ nghĩa thông qua cảng Đà Nẳng tại Việt Nam. Đó là một trong những lý do khiến Việt Nam tiếp tục làm “đàn anh” của Lào, sau thời gian làm đàn anh kháng chiến.
Cùng lúc đó, Việt Nam bị Tây phương bao vây và con đường thông thương Việt – Lào trở thành con đường tuồn hàng lậu Tây phương vào Việt Nam qua ngả Thái Lan: hàng lậu băng qua sông Mê Kông vào Lào, và từ Lào đến Việt Nam cửa ngỏ Đông Hà ở Quảng Trị.
Bây giờ, trong chính sách cởi mở thị trường, khi con đường thông thương qua Thái Lan đã được mở thông thì sức ảnh hưởng của Việt Nam với Lào cũng ít đi.
Là một nước nghèo, Lào rất cần các nguồn đầu tư để phát triển. Nay khi Thái Lan vẽ ra đập thủy điện Xayaburi, một dự án có thể biến Lào trở thành “cái bình điện của khu vực Đông Nam Á” và chỉ nằm không đếm tiền do Thái Lan đầu tư vào đây 3,5 tỷ Mỹ kim để thực hiện nhà máy thủy điện có công suất 1260 megawatt, trong đó Thái Lan tiêu thụ hết 95 phần trăm điện năng,
Sức cám dỗ của mối lợi này khiến lời nói của đàn anh Việt Nam càng giảm đi trọng lượng. Nhưng còn phải nói đến bàn tay của Trung Quốc nữa. Trung Quốc muôn đời không muốn Việt Nam giàu mạnh; yếu, bảo gì cũng phải nghe, càng giàu mạnh càng cứng đầu.
Nếu hệ thống đập thủy điện liên hoàn của Trung Quốc làm cho Việt Nam điêu đứng với nạn “mùa nắng đại hạn – mùa mưa lũ dồn dập” thì đập nước trên của Lào sẽ góp phần khai tử vựa lúa và vựa cá của Việt Nam.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Hết gạo để ăn, hết tiền vì xuất cảng thủy sản ngưng trệ, Việt Nam càng phải lệ thuộc hay ít ra là không dám chống cự Trung Quốc.
Do đó hành động thách thức của Lào đối với Việt Nam nhất định phải có sự bật đèn xanh hay xúi bẫy của Trung Quốc.
Mà, trong chiến lược địa – chính trị tại sông Mê Kông của mình, Trung Quốc đã đổ vào đây thứ mà Lào cần là đô la!
Theo số liệu thống kê mới công bố vào đầu tháng 4/2011 thì Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Lào với tổng vốn đầu tư 2,71 tỷ Mỹ kim với 397 dự án đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chủ yếu là các dự án khai thác mỏ. Ngoài ra Trung Quốc cũng đầu tư vào việc thuê bao hàng ngàn hécta đất đai canh tác trồng các loại cây công nghiệp như cao su, khoai mỳ và cây để làm nguyên liệu sản xuất giấy.
Nhưng vẫn chưa đủ, Lào còn kêu gọi Trung Quốc đầu tư thêm trong lĩnh vực thủy điện.
Tin cho biết khi công bố số liệu trên, Phó Cục trưởng Cục Thúc đẩy đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào là Achong Laomao mới đây đã lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc hãy hỗ trợ Lào “xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc nối miền Bắc và miền Nam Lào, đường sắt, thủy điện, hệ thống đường dây truyền tải điện, sản xuất nông nghiệp với công nghệ hiện đại.”
Như thế, Lào đã kêu gọi đúng chỗ ngứa của Trung Quốc, đúng theo chiến lược bành trướng ảnh hưởng tại lưu vực sông Mê Kông.
Với Lào thì Trung Quốc đã là “đại ca” còn Việt Nam chỉ là bậc “đàn anh” xoàng xoàng, đàn em có thể cậy thế đại ca để qua mặt đàn em chỉ là chuyện thường.
Thay lời kết
Trước mắt, so sánh các “tay đua” và nhìn qua mối quan hệ Việt – Lào thì có thể thấy rằng có vẻ như Trung Quốc đang nắm thế thượng phong, có nhiều ưu thế nhất.
Tuy nhiên theo phúc trình đã nói ở trên của Stimson Center ở Washington thì Mỹ có thể tự mình khôi phục lại sự cân bằng về địa chính trị của quyền lực ở Đông Nam Á để hỗ trợ mô hình phát triển mới. Phúc trình cho rằng Mỹ vẫn phải làm cho dù các quốc gia Mê Kông, hoặc các nước ASEAN khác ngần ngại vì không dám thách thức Trung Quốc.
Lưu Văn Minh