Nguyễn Thái Hợp
Suy nghĩ về việc hiện đại hóa văn hóa
Việt Nam may mắn ở vào một vị trí đặc biệt trên giao lộ văn hóa thế giới. thật vậy, đất nước chúng ta không những thuộc bán đảo Ấn Trung, mà thực sự đã trở thành hiện tượng giao thoa giữa bốn nền văn hóa: Trung Quốc, Ấn Độ, Champa và Tây Phương. Ít có nơi nào trên thế giới bốn nền văn hóa lớn đã gặp gỡ như tại Việt Nam.
Trải qua bao ngàn năm dựng nước và giữ nước, dưới thời kỳ Bắc thuộc cũng như trong giai đoạn độc lập, văn hóa Trung Quốc đã giữ vai trò chủ động. Không phải chỉ nơi khuynh hướng "Hán hóa", mà ngay cả nơi phong trào chống "Hán hóa", chúng ta đều nhìn thấy những dấu ấn sâu đậm của văn hóa Trung Quốc nói chung và Nho giáo nói riêng. Nhà nước quân chủ Việt Nam lấy Nho giáo làm quốc giáo. Hệ thống pháp luật rập theo khuôn thức Trung Quốc. Mức thang giá trị, tiêu chuẩn luân lý, đạo đức, đường lối xử thế... cũng mang màu sắc đậm nét văn hóa Trung Quốc.
Nho giáo không phải là một học thuyết theo nghĩa chặt, mà thực chất là một học thuyết chính trị – xã hội. Khi dạy học, du thuyết, cũng như viết sách, Khổng Tử luôn theo đuổi mục đích "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Nhưng hầu như chẳng ai muốn sử dụng học thuyết của Ngài, ngoại trừ mấy năm ngắn ngủi tại thành Trung Đô. Rất may từ đời nhà Hán, Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống nhằm nối kết và ổn định xã hội Trung Quốc. từ Trung Quốc học thuyết Khổng Mạnh được truyền bá sang các nước Đông Á.
Không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Nho giáo cho xã hội Việt Nam nói riêng và Đông Á nói chung. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận những giới hạn và bế tắc trong mô hình chính trị – xã hội của nhà Nho trong việc vươn tới những quan niệm tiến bộ, phát triển dân chủ, nguyên tắc phân quyền, vai trò của xã hội dân sự phương Tây ngày nay. Không phải trong suốt những giai đoạn lịch sử đó Á Đông không có nhân tài. Nhưng trong cái "khuôn thước Nho giáo" hình như chẳng có thể phát sinh một tầng lớp trí thức có khả năng tạo nên một biến chuyển văn hóa và thay đổi cơ cấu chính trị – xã hội theo đà tiến của lịch sử. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, xã hội chúng ta ngày xưa vẫn chìm ngập trong vòng luẩn quẩn: Hết trị lại đến loạn, hết thịnh lại đến suy, hết minh quân lại đến bạo chúa! Không những đám lê dân phải lầm than khốn khổ trong thời trị và đau thương chết chóc trong thời loạn, mà ngay cả giới sĩ phu xuất chúng cũng bị nghiền nát trong cái cơ chế đó. Những Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Thời Nhậm, Cao Bá Quát... chỉ là những trường hợp điển hình!
Từ Ấn Độ, Phật giáo nguyên thủy đã thâm nhập vào bán đảo Ấn Trung ngay từ đầu công nguyên. Kể từ thế kỷ IV - V, Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc tràn xuống và dần dần nắm thế chủ động. Đến thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển tới mức cực thịnh và được coi là quốc giáo. Nhà Nho Lê Quát, học trò của Chu Văn An, đã bộc lộ một cách sâu sắc nỗi âu lo của một nhà Nho trước ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của nhà Phật: "Phật chỉ lấy điều họa phúc mà động lòng người, sao mà sâu xa mà bền chắc như vậy? Trên từ vương công, dưới đến thứ dân, hễ làm cái gì thuộc về việc Phật, thì hết cả gia tài cũng không tiếc (...). Cho nên, trong từ kinh thành ngoài đến châu phủ, đường cùng ngõ hẻm, chẳng thề mà tin; hễ chỗ nào có nhà ở thì có Chùa Phật; bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại".
Vào cuối nhà Trần, Phật giáo đã bắt đầu suy thoái. Đến đời nhà Lê, Nho giáo được tôn làm quốc giáo. Trong rất nhiều trường hợp, Phật – Lão chỉ đóng vai trò "phản biện" chống lại khuôn thức cứng nhắc và khép kín của Khổng – Mạnh. Tuy nhiên, hai học thuyết này cũng chưa đủ sức để phát triển một mô hình xã hội mới, vừa khả thi, vừa nhân ái, tiến bộ và dân chủ hơn. Trên bình diện chính trị – xã hội, nhiều lúc người ta có cảm tưởng dường như Phật – Lão đã đóng tốt vai trò "tâm lý trị liệu" chữa bệnh tinh thần cho giới sĩ phu, sau những thất bại ê chề của chốn quan trường!
Luồng văn hóa thứ ba đến từ phương Nam: văn hóa Champa. Trong nguồn văn hóa Champa này, mặc dù vai trò của Bà-La-Môn rất hiển hiện, nhưng nó đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của truyền thống và nếp sống người dân bản địa. Triết lý cao sâu và phức tạp của Bà-La-Môn được đơn giản hóa tối đa cho phù hợp với khung cảnh bản địa của người Chăm tại Đông Dương. thật thế, Đạo Bà-La-Môn, với các truyền thuyết Ấn Độ xa lạ, được người dân bản địa biến cải thành Đạo Bà Chăm thân thương, quen thuộc và gần gũi.
Ngay cả Hồi giáo cũng được Chăm hóa, với tên gọi độc đáo là Đạo Bà Ni. Người Chăm Bà Ni vừa tin vào Allah như một Đấng Tối Cao, lại vừa thờ những vị Thần dân gian như Thần Mưa, Thần Núi, Thần Biển... Nếu xã hội Hồi giáo xây dựng trên nền tảng phụ hệ thì người Chăm Bà Ni vẫn duy trì truyền thống mẫu hệ. Họ cũng không còn tuân thủ những giáo luật Đạo Hồi về việc cầu nguyện 3 lần mỗi ngày, giữ chay vào tháng Ramadan hay hành hương tới thánh địa Mecca... Mặc dù suốt dải đất miền Trung, văn hóa Champa vẫn để lại nhiều dấu tích, đặc biệt về kiến trúc và điêu khắc, nhưng sự đóng góp của nó về phương diện chính trị – xã hội cho đất nước Việt Nam hôm nay... thật giới hạn và khiêm tốn.
Trào lưu văn hóa Tây phương, cùng với Kitô giáo, đến Việt Nam vào một trong những giai đoạn căng thẳng và bi đát nhất của lịch sử dân tộc. Một mặt cuộc nội chiến lâu dài giữa hai họ Trịnh – Nguyễn làm băng hoại sức sống và tiềm năng của dân tộc, mặt khác các nước phương Tây đang lăm le biến các nước chậm tiến ở Á, Phi và Nam Mỹ thành xứ thuộc địa. Với đường lối chính trị bảo thủ, bế quan tỏa cảng, còn kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, Việt Nam đã trở thành miếng mồi ngon cho thực dân Pháp. Một số thương nhân và thừa sai Công giáo vô hình trung cũng phục vụ cho ý đồ xâm lược này. Nhưng thay vì sáng suốt nhận định tình hình và can đảm canh tân đất nước để đối phó với hiểm họa ngoại xâm, các vua quan thời đó đã "giận cá chém thớt", trút mọi trách nhiệm lên đầu người giáo dân Công giáo. Nhiều chiếu chỉ cấm đạo dã man, tàn khốc đã được ban hành. Nhận định về những cuộc cấm đạo đó, cụ Phan Bội Châu viết: "Sử chép: Từ đời Lê Huyền Tôn (1663-1671), niên hiệu Cảnh Trị đến bản triều Tự Đức (1847-1883), khoảng những năm đầu đều có cái tệ cấm dương giáo, giết giáo đồ. Than ôi! Thời đại chưa khai hóa, có những việc như vậy, nay cũng không nỡ nhắc lại nữa". Và trong Lời phê, cụ nhận định thêm: "Mỗi khi nói đến thời Tự Đức có cái tật bắt giáo đồ tập trung một nơi, thì thấy đó là một hành động bạo ngược, kỳ quái. Chả trách mà nguyên khí nước nhà bại hoại".
Bất chấp những bất trắc và ngược đãi đó, Kitô giáo đã có nhiều đóng góp quý giá cho văn hóa Việt Nam. Những nghiên cứu về văn học Công giáo thế kỷ XVII-XIX cho thấy Đạo Chúa đã thích ứng khá nhanh với tâm tình, nếp sống và nếp nghĩ của người bình dân Việt Nam thời ấy. Người Công giáo bình thường cũng biểu lộ niềm tin của mình bằng những chất liệu văn hóa dân tộc. Nhiều tài liệu cho thấy sự đóng góp tích cực của họ vào việc phong phú hóa tiếng nói, chữ viết, văn hóa Việt Nam: bên cạnh nhiều bản văn Hán Nôm, còn nhiều thơ ca, văn, kịch, truyện ký. Đặc biệt, họ đã góp phần khai sinh chữ quốc ngữ và cống hiến một cách thực tiếp cận với thế giới.
Cho đến thời gian gần đây, không những cơ chế chính trị – xã hội ở Việt Nam vẫn được dựng theo mô hình Trung Quốc, mà hơn nữa Trung Quốc đã trở thành cửa ngõ giúp Việt Nam nhìn ra thế giới. Vào đầu thế kỷ XX, giới sĩ phu tiến bộ đã tiếp thu quan điểm chính trị – xã hội phương Tây nhờ các học giả Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vy, Tôn Dật Tiên... Và phải chăng chính sách Cải cách ruộng đất, Cách mạng Văn hóa, Tứ Hiện đại hóa... của Trung Quốc đã là một thứ mô hình cho Việt Nam?
Hôm nay lịch sử đã sang trang và Việt Nam đã gia nhập WTO. Không thể sao chép y nguyên mô hình cũ và mẫu văn hóa ngày xưa để giải quyết vấn đề của thời đại toàn cầu hóa. Muốn giữ vững bản sắc dân tộc thì phải biết "gạn đục khơi trong" gia tài truyền thống và sáng suốt hiện đại hóa dân tộc.
Chúng ta không suy nghĩ về vai trò của bốn luồng văn hóa nói trên đối với tiền đồ của dân tộc, mà không đề cập đến vấn đề hiện đại hóa đất nước. Mỗi nền văn hóa phải có những đóng góp độc đáo để đưa dân tộc hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại. Đặc biệt, hôm nay, nhờ chữ viết và "gia tài văn hóa phương Tây", Việt Nam có thể nhìn thẳng ra thế giới, mà không phải ngang qua ngưỡng cửa và lăng kính Trung Quốc. Phải chăng chính luồng văn hóa phương Tây này sẽ giúp đất nước chúng ta có những đổi mới thích đáng về kinh tế và cơ chế chính trị – xã hội? Phải chăng cần triển khai hơn nữa những đóng góp của phương Tây về mô hình phát triển, khoa học kỹ thuật, chế độ dân sự, óc sáng tạo, nhân quyền, nhân phẩm, v.v... Và phải chăng, người Việt hải ngoại sẽ đóng một vai trò đặc biệt trong sứ vụ này?
Xin dành lại cho quý vị và quý bạn lời giải đáp thỏa đáng, cũng như những phản biện cần thiết cho mấy gợi ý thô thiển ở trên.
L.m. Nguyễn Thái Hợp
(Trích từ: 'Định Hướng', số 54, Mùa Đông 2008)
_______
Linh mục Nguyễn Thái Hợp, O.P. tiến sĩ Triết học & Thần học luân lý, giảng dậy tại phân khoa Thần học & Học viện Gioan XXIII, Lima, Peru, Giáo Hoàng Đại học Thánh Thomas d'Aquin, (Angelicum), Roma, Italia, Học Viện Đa Minh, Gò Vấp, Saigon, Việt Nam.