Hoàng Giang
Sau cách mạng Hồi giáo là gì?
Những cuộc nổi dậy liên tiếp của dân chúng trong các quốc gia Hồi giáo Bắc Phi và Trung Ðông, bắt đầu từ Tunesië tháng 10/2010 rồi sau đó lan nhanh như một cơn bão lửa sang Ai Cập (01/2011), Iran, Lybië, Bahrein, Algerië, Maroc (hai tháng đầu năm 2011)... đã đưa tình trạng vùng đất này trở nên cực kỳ căng thẳng.
Nhân loại đang ăn mừng. Mừng vì những chế độ độc tài lần lượt sụp đổ. Mừng vì giai cấp nghèo đói đã biết đồng loạt đứng lên đòi một sự bình đẳng xã hội. Mừng vì những tư tưởng dân chủ tự do... đã bén rễ và dường như đang đơm hoa kết trái trên toàn cầu. Lễ hội ăn mừng thắng lợi của dân chủ đang diễn ra khắp nơi. Người dân những nước chưa có ‘dân chủ’ nôn nao...
Nhưng nếu phân tích bằng một con mắt khách quan thì ta có thể thấy vài điều không ổn.
1.- Những cuộc nổi dậy của dân chúng Tunesië do sự bùng vỡ của những uất ức đã kết tụ từ lâu, đã được châm ngòi bằng một vụ tự thiêu, là tác nhân gây nên những cuộc biểu tình tự phát của dân chúng. Những gì xảy ra ở Ai Cập sau đó là phản ứng của một khối dân từ hơn 30 năm bị đè nén, nay nhìn quốc gia bạn thành công, hiểu được sức mạnh của dân chúng, nên đã đồng loạt đứng dậy. Và những quốc gia tiếp theo, trong tràng pháo đang nổ, sau Maroc, chưa biết sẽ đến quả pháo nào? Trong tất cả những cuộc nổi dậy vừa qua, có một điểm chung: chúng ta thấy hoàn toàn vắng bóng một nhân vật khả dĩ có thể hướng dẫn quần chúng trong những ngày tiếp theo. Nó không giống Cộng hòa Nam Phi với Nelson Mandela một đời miệt mài với lý tưởng chắc nịch. Nó không giống cuộc cách mạng nhung ở Tiệp Khắc với Václav Havel, một chính trị gia hiểu chế độ và có quá khứ hoạt động dài lâu với thành tích được minh chứng. Nó cũng không giống vụ nổi dậy đập đổ bức tường Berlin, trong tinh thần kỷ luật vốn có của dân Ðức nói chung và sự ra tay tức thời của cường quốc kinh tế Tây Ðức lúc đó. Nó cũng sẽ không giống Miến Ðiện (nếu dân chúng nơi đây nổi dậy làm cách mạng), với khuôn mặt sáng chói của bà Aung San Suu Kyi.
Ðương nhiên mỗi quốc gia có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng một cuộc nổi dậy trong sự thiếu chuẩn bị sẽ mang lại một khoảng trống quyền lực ghê gớm. Trong hoàn cảnh đó, khó tránh khỏi chuyện những kẻ thời cơ (đã chuẩn bị sẵn) sẽ nhảy ra thâu tóm trọn quyền. Hoặc quốc gia sẽ tạm thời được giao cho quân đội quản lý, vì quân đội là một cơ chế có sẵn tôn ti trật tự, có kỷ luật, có sức mạnh cụ thể. Thế nhưng, vì bản chất tự thân, sự ủy thác quyền quản lý quốc gia cho quân đội rất dễ đưa đến một chế độ quân phiệt như đã nhiều lần được chứng minh.
2.- Chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi: Dân chúng thực sự muốn gì? Những gì chúng ta (những người sử dụng bộ vần a, b, c) được đọc trên báo, được được thấy được nghe trên TV hay internet đại đa số phản ánh những gì giới trẻ có học, có cơ hội tiếp cận với xã hội Tây phương. Ý niệm dân chủ Tây phương sẽ được giải thích ra sao trong văn hóa Hồi giáo phức tạp? Khối đông dân chúng nghèo khổ nghĩ sao? Chúng ta không biết rõ. Giới trẻ có thể chỉ phẫn nộ vì ba mục tiêu đơn giản nhưng cơ bản trong cuộc đời của họ: có việc làm, kiếm được đủ ăn, có thể lập gia đình... đã trở thành xa vời. Hoàn cảnh kinh tế suy thoái hiện nay đã làm dấy lên thắc mắc từ khối quần chúng là phải chăng chính phủ đã bóc lột họ quá mức. Những cuộc nổi dậy cho thấy động lực bắt nguồn từ việc đòi miếng cơm manh áo hơn là việc đòi một thể chế dân chủ tự do.
Họ đứng lên phản kháng, đạt được mục tiêu ‘dân chủ’ như một số nhà bình luận đánh giá, nhưng sau đó sẽ là gì? Dân làm chủ, nhưng ai là ‘dân’? Hiện tại vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Trong văn hóa Hồi giáo, các bậc cha mẹ, các trưởng lão Ayatolla thường được thỉnh ý khi cá nhân đứng trước một lựa chọn. Văn hóa gia đình thiếu hẳn tầm nhìn rộng ra nhân quần xã hội. Giáo lý nào cũng có nhiều điều không thực tế trong việc điều hành quốc gia với những phức tạp, với những quan hệ kinh tế, chính trị hiện nay đòi hỏi một sự hài hòa trong cuộc chung sống.
3.- Giữa ‘biển lửa’, hay ‘cơn sóng thần’ vùng Vịnh Ba Tư phảng phất đâu đó một bùng nổ của quần chúng theo tập quán bầy đàn. Trước khi người ta kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra ở một quốc gia, thì cuộc nổi dậy của quần chúng đã lại lan sang một nước khác, với con số hàng trăm ngàn người xuống đường biểu dương khí thế. Những người xuống đường biểu tình có phản ứng gần giống như động tác bấm nút ‘reply’ ngay khi vừa nhận được lời kêu gọi gửi theo tin nhắn qua mạng liên lạc. Quần chúng dường như chỉ muốn chứng tỏ sự mạnh thực sự của họ, và muốn cho những nhà cầm quyền thấy rằng: ‘Khi quần chúng thực sự muốn, và dứt khoát không khoan nhượng trong đấu tranh’ thì bọn lãnh đạo chỉ còn một cách là cuốn gói bỏ của chạy lấy người.
Một cuộc nổi loạn nhân dân ở diện rộng như vậy tuy có làm cho những chính quyền độc tài ở những nước còn lại rúng động, nhưng hẳn nhiên nó đã làm mất đi thời gian suy xét để rút ra kinh nghiệm ở nước bạn. Nguy cơ xảy ra tình trạng ‘vô chính phủ’ là mối đe dọa thực sự cho những quốc gia EU, làn sóng tị nạn sẽ rất có thể nhận chìm Tây Âu trong một thời gian ngắn, sau khi những biện pháp ngăn chặn xung đột chủng tộc và tôn giáo giữa EU và những người tị nạn từ những quốc gia vùng Vịnh trở nên bất lực.
4.- Cho dù thế nào đi nữa, một bất ổn ở vùng vịnh Ba Tư sẽ mang lại trước mắt thiệt thòi cho chính những quốc gia đó, khi lợi tức quốc gia trông cậy vào dầu hỏa và du lịch. Du lịch sẽ đình trệ, rất có thể sẽ ngưng hẳn trong một phản ứng dây chuyền khi kinh tế toàn cầu đồng loạt đi xuống. Kèm theo đó là: Trong cảnh nội chiến, những phe phái chối đối nhau sẽ dùng biện pháp phá hoại những giếng dầu, đẩy nhân loại vào một cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng kinh tế mới.
***
Vì vậy chúng ta sẽ thấy trong thời gian tới là những nỗ lực toàn cầu nhằm mang lại một sự bình ổn trong vùng, bởi vì đây mới là gút mắc chính trong thế cờ quốc tế cần phải được giải tỏa, nếu chúng ta nghĩ rằng có những thế lực siêu cường đứng đằng sau âm mưu giựt dây, nhưng không lường trước được hậu quả tai hại khi tình hình đã vượt tầm kiểm soát.
Chúng ta cũng không được quên một điều là một tình trạng bất ổn ở diện rộng sẽ mang đến một sự chuyển dịch sản xuất sang những quốc gia đang phát triển nhưng tình hình tương đối ổn định. Rất tiếc, nhiều quốc gia trong số này đang bị cai trị bởi một chế độ độc tài. Như Trung Quốc và Việt Nam. Như thế, những chính thể độc tài sẽ gián tiếp được dung dưỡng để tiếp tục sản xuất vũ khí và hàng hóa cung cấp cho nhu cầu chiến tranh ở những vùng đang xảy ra tranh chấp cũng như cho những hoạt động nhằm mang lại hòa bình cho vùng đất này.
Hoàng Giang
(15/02/2011)