Huỳnh Thục Vy


Sai lầm của Edward Snowden

Nhiều người dân châu Âu bày tỏ ủng hộ hành động của Edward Snowden

Vụ scandal Edward Snowden gây chấn động không chỉ khắp nước Mỹ mà còn là đề tài bình luận trong nhiều giới có quan tâm trên thế giới.

Là người Việt Nam, chúng ta thấy gì qua chuyện này?

Động cơ thật của Snowden là gì, anh ta còn có thêm thông tin nào khác ngoài những điều đã được báo chí công khai?

Và cựu nhân viên hợp đồng kỹ thuật tình báo này có bán những tài liệu bí mật anh ta có được cho Trung Quốc hoặc Nga hay không là những điều chưa được tiết lộ.

Snowden đã từ Hawaii bay sang Hong Kong và ở đó trong thời gian thông tin tối mật về việc chính quyền Hoa Kỳ thực hiện chương trình theo dõi các cuộc điện thoại và hoạt động internet của người dân được tiết lộ.

Tại sao không phải là ở đâu khác mà là ở Hong Kong – một phần lãnh thổ của Trung Quốc?

Luật pháp và chính trị

Anh ta không thể kém thông minh đến nổi không chuẩn bị trước cho mình nơi nơi tỵ nạn để khi không ở lại Trung Quốc được, anh phải đệ đơn xin tỵ nạn đến nhiều nước và lần lượt bị từ chối?

Hay là, sau khi có trục trặc trong việc sắp xếp với chính quyền Bắc Kinh, anh buộc phải rời Hong Kong?

Những người có khuynh hướng thiên tả ở Mỹ cùng với các tập đoàn tư bản, có thể nói, đã trợ giúp đắc lực cho sự lớn mạnh về kinh tế cũng như uy tín ngoại của Trung Quốc trên thế giới (như họ đã từng góp phần gia tăng sức mạnh ngoại giao cho cộng sản Bắc Việt), chúng ta hoàn toàn có thể hoài nghi về Snowden theo hướng này.

Một hành động vì tiền có sự thôi thúc về mặt tinh thần của tư tưởng chính trị?

Có một ví dụ sống động về chuyện này. Tôi biết một người Mỹ da trắng làm ăn ở Việt Nam. Khi được hỏi về tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, anh ta nói: tôi vẫn thấy nhiều người tham gia mạng xã hội và viết blog tự do mà không hề chịu sự sách nhiễu nào(?).

Khi so sánh Việt Nam với Hoa Kỳ, anh ta tỏ vẻ buồn bã và cho rằng người Việt thật may mắn khi được sống trong một đất nước ít tội phạm hơn nước Mỹ. Không phải người Mỹ nào cũng

nhận thức sống động những gì họ được hưởng ở Mỹ là rất tốt đẹp, dù không hoàn hảo.

Snowden sinh trưởng ở Mỹ, được nhìn thấy mọi điều tốt đẹp vậy mà khi bỏ trốn xong, anh ta nói với báo chí rằng anh lo lắng cho an toàn của người thân và điều đó làm anh "không ngủ được”; trong khi cho đến nay, người thân của anh vẫn bình yên vô sự với tất cả phẩm giá trong một nền pháp trị vào hàng tốt nhất trên thế giới.

"Nên nhớ Hoa Kỳ không là thiên đường nhưng cũng không phải là địa ngục của những nhà hoạt động xã hội như Trung Quốc và Việt Nam. Có biết bao nhóm bảo vệ Nhân quyền trên đất nước này. "

Cách phát biểu đầy dụng ý của anh cho thấy anh đang cố gắng biện minh cho hành động chưa xác định được động cơ của mình và tỏ rõ thái độ chính trị thiên tả.

Xét về mặt luật pháp, việc một nhân viên làm trong ngành tình báo tiết lộ thông tin tối mật liên quan đến an ninh quốc gia là hành động phản bội, phản bội lại lời thề trung thành với đất nước và mang thông tin do hệ thống tình báo thu thập được đưa ra công khai là một hành vi đánh cắp tài sản.

Trong xã hội dân chủ, người ta không tranh đấu để bảo vệ quyền riêng tư và tự do dân sự bằng cách tiết lộ thông tin tình báo.

Nếu muốn đấu tranh cho Tự do và Quyền của người dân, sao anh không chọn cách là một nhà hoạt động Nhân quyền, thay vì là một nhân viên chính phủ trong ngành tình báo?

Nên nhớ Hoa Kỳ không là thiên đường nhưng cũng không phải là địa ngục của những nhà hoạt động xã hội như Trung Quốc và Việt Nam. Có biết bao nhóm bảo vệ Nhân quyền trên đất nước này.

Người ta có thể chỉ trích bằng những lời lẽ nghiêm khắc nhất, có thể tự theo đuổi những cuộc điều tra và phanh phui thông tin về tình trạng lạm dụng quyền lực của giới lãnh đạo theo cách khác mà không cần phải đánh cắp tin tình báo và đối mặt với cáo buộc hình sự nặng nề.

Đạo đức và công lý

Chúng ta cũng có thể nhìn nhận vụ việc theo chiều hướng khác.

Dù việc tiết lộ này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Hoa Kỳ trước Trung Cộng và Nga, nhưng vì những tiết lộ (có thể) chỉ giới hạn trong việc chính quyền Hoa Kỳ theo dõi người dân, chứ không phải là những bí mật có thể khiến nước Mỹ bị tấn công, nên tạm thời giả định những tuyên bố tốt đẹp về động cơ của anh là sự thật.

Nếu chỉ xét vấn đề trên bình diện đạo đức, chúng ta có thể dành sự cảm thông nhất định cho hành động này nếu động cơ thật đúng như lời anh nói.

Và một lần nữa chúng ta lại phải đối mặt với vấn đề mang tính triết học và là mâu thuẫn cố hữu trong hệ thống triết chính trị của con người: an ninh cho đa số hay tự do cá nhân nên được ưu tiên.

Thực sự, xã hội con người luôn ở trong một tình trạng mâu thuẫn và mọi nỗ lực đều mang tính tương đối, việc giữ cân bằng là vô cùng cần thiết.

Chính quyền Obama cho rằng việc theo dõi là phụ hợp với Đạo luật Patriot và vì phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố. Đó có vẻ là một lý khá tốt.

Nhưng nếu những vụ như vậy chìm trong bóng tối mà không có nguy cơ bị phát hiện, chính quyền sẽ tiếp tục có những hành động vượt quá quyền lực đến thế nào?

Mục đích chỉ tốt đẹp thực sự khi phương pháp thực hiện nó là đúng. Không thể nhân danh tập thể quốc gia để tước đoạt tự do cá nhân vì, “phúc lợi quốc gia” thực chất là gì khi phúc lợi của cá nhân bị xâm phạm?

Ở một khía cạnh nào đó liên quan đến công lý, Snowden đã làm điều cần thiết, với điều kiện là chúng ta có thể xác định được lợi ích của hành động này lớn hơn thiệt hại chung mà nó gây ra cho nước Mỹ.

Dù hành động này vi phạm nghiêm trọng luật pháp của một nền dân chủ đầy thành tựu và mang lại sự trừng phạt lớn dành cho người thực hiện, việc tiết lộ thông tin này vẫn có hai tác dụng tích cực:

Nó là một hồi còi sắc cảnh báo chính quyền Obama nói riêng và các chính trị gia Hoa Kỳ nói chung về những giới hạn của quyền lực mà họ được người dân trao cho trong một thể chế dân chủ, rằng sự lạm dụng và đi quá xa gây tổn hại cho nền dân chủ là không chấp nhận được. "Quyền lực có xu hướng tha hoá...", điều đó không có ngoại lệ.

Vụ tiết lộ thông tin này sẽ là một báo động hữu ích khác cho ngành tình báo Hoa Kỳ. Họ sẽ ý thức sinh động hơn nhu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống tình báo cùng các kẽ hở của nó.

Những năm trở lại đây, chúng ta nghe rất nhiều thông tin về việc các bí mật tình báo, quốc phòng, tin học... của Hoa Kỳ bị đánh cắp mà kẻ chủ mưu hoặc được lợi không ai khác hơn là Trung Cộng và trục các nước bất hảo.

"Chính quyền Trung Quốc và Nga nhân vụ scandal này để đánh trả lại những chỉ trích của Hoa Kỳ về vấn đề Nhân quyền."

Hơn bao giờ hết, ngay thời điểm này, Hoa Kỳ phải chính đốn lại hệ thống nhân sự và kỹ thuật để bảo vệ các thành tựu của mình trong sự nổi dậy đầy thách thức, bất hảo và hung hăng của Trung Cộng.

Vài dòng cuối cùng dành riêng cho các dư luận viên ở Việt Nam. Sẽ thật là lố bịch nếu các bạn đánh đồng Snowden với những người đối kháng đấu tranh cho Dân chủ ở Việt Nam.

Mọi sự đánh đồng, một cách logic, nên được đặt trên cùng nền tảng với hai đối tượng tương đồng nhất định. Ở đây, hai đối tượng này quá khác biệt, hoạt động trong hai lĩnh vực cũng quá khác biệt, dù kết quả là cùng vạch trần những sai phạm của chính quyền.

Thật vậy, bày tỏ quan điểm chỉ trích chính quyền và tiết lộ thông tin tình báo không hề giống nhau về bản chất.

Trong thể chế dân chủ, việc tiết lộ thông tin tình báo là một tội hình sự nặng nề, còn việc bày tỏ thái độ phê phán chính quyền một cách ôn hoà không bao giờ bị khép vào tội hình sự.

Chính quyền Trung Quốc và Nga nhân vụ scandal này để đánh trả lại những chỉ trích của Hoa Kỳ về vấn đề Nhân quyền.

Vì thế, không lý luận dài dòng, một sự thực sự không thẻ chối cãi là: bất chấp hành động của Snowden, người thân của anh vẫn được an toàn trong mọi sự tôn trọng của chính quyền và luật pháp; điều này không thể xảy ra ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác.

Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được những gì đã thực sự xảy ra.

Nhưng dù sao chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, dù vụ Snowden đã phơi bày những khiếm khuyết trong ngành Hành pháp Hoa Kỳ, nhưng một người Mỹ đủ cân nhắc và kiên nhẫn cũng như không chịu sự tác động của một thế lực bất hảo, sẽ không chọn cách đấu tranh cho quyền riêng tư và tự do dân sự như cách của Snowden.

Huỳnh Thục Vy
( Trích từ BBC, 09/07/2013)

 


Cái Đình - 2013