Oscar Salemink
Phương pháp vết mực không tác dụng
Một chiến thuật cũng tạo ra trong nhân dân nhiều kẻ thù
Quốc hội Hòa Lan phải ra quyết định có hay không gia hạn sứ mạng Afghanistan trong một một tình thế mà quân đội Hòa Lan càng lúc càng vấp thêm nhiều chống đối, và những tổ chức nhân quyền Afghanistan cáo buộc quân nhân Hòa Lan vi phạm quyền con người.
Tuần vừa qua NAVO đã cùng nghị hội ở Noordwijk để bàn về những nan đề của đồng minh và về sự (thiếu) đoàn kết trong quan hệ với ISAF (International Security Assitant Force: Lực lượng Trợ giúp An ninh Quốc tế, chú thích của dịch giả). Đây là một tình thế khác hẳn những gì người ta đã kỳ vọng có thể tạo dựng khi bắt đầu sứ mạng – một sứ mạng mang phần lớn sẽ được mang tính ‘xây dựng' trong đó an ninh sẽ được thiết lập qua phương pháp mang tên ‘phương pháp vết mực'.
Cho dù trong những nguồn tin dành cho đại chúng ít có thông tin về chiến thuật này, nhưng tôi cũng không lấy làm lạ là phương pháp này rõ ràng là một thất bại. Điều này không chỉ có dính dáng đến tính mau quên cố hữu của các viện nghiên cứu khiến cho những cơ quan cứ mỗi lần lại phải đề xuất ra những phát kiến đã cũ mèm. Cũng chẳng phải nó có dính dáng đến những phân tích thiên lệch khiến cho những tình huống phức tạp được đơn giản hóa thành những biểu đồ đúng/sai, hay những đánh giá quá lạc quan và những tiên liệu không đếm xỉa gì đến những khúc mắc. Thực ra, nó nằm ở trong những trở ngại của ngay chính phương pháp vết mực đó.
Tôi đã nghiên cứu ‘phương pháp vết mực' ở một nơi mà phương pháp này đã được khai triển và áp dụng, nói ngay ra là ở Việt Nam . Đó là một cuộc nghiên cứu dài hơi, về mối liên quan giữa kiến thức nhân học về xã hội và văn hóa bản địa ở một mặt, và ở mặt khác những quyền lợi kinh tế, chính trị và quân sự, và vết mực này nhiều lần đã lộ rõ trong khoảng thời gian từ 1890 đến 1975. Sau 1890 vết mực mới là vết dầu, nhưng về nguyên tắc – vết dơ sẽ loang đều ra từ một tâm điểm nơi giọt đầu tiên rơi xuống – chúng đều giống nhau cho cả mực và dầu.
Chiến thuật này đã được đại tá Gallieni khai triển – năm 1914, với cấp bậc thống chế, ông được tôn vinh là người bảo vệ Paris – và đã được áp dụng thành công trong việc triệt hạ sự chống đối việc cai trị của Pháp ở Việt Nam. Ông cho rằng quân số của những đạo quân viễn chinh quá nhỏ để có thể kiểm soát hữu hiệu một vùng hoang vu rộng lớn, và vì thế cần phải sử dụng những xung đột trong vùng. Với một lý thuyết cổ điển, trong đó những hiểu biết về văn hóa được đem gắn liền với kế hoạch thực dân chia để trị, ông viết: “Mỗi tổ hợp của nhiều cá nhân – một sắc dân, một giống dân, một bộ tộc hay một gia đình – đều được diễn tả bằng một con tính cộng của những quyền lợi chung hay nghịch nhau. Nếu mà những thói tục phải được tôn trọng, thì cũng có những tranh chấp mà chúng ta phải làm cho nó sứt mẻ ra và tranh thủ phần lợi về mình, bằng cách dàn cho nhóm này chống nhóm nọ, và bằng cách hỗ trợ một nhóm để dẹp những nhóm khác.”
Sự ổn định của nền đô hộ, hậu quả của phương pháp vết dầu loang, được xây dựng trên sự trợ giúp và võ trang cho một nhóm bằng sự trả giá của những nhóm khác, đã tỏ ra hữu hiệu khi nền cai trị thực dân của Pháp còn vững mạnh. Sau Thế chiến thứ 2, lực lượng chống đối có vũ trang từ phía Việt minh cộng sản đã trở nên đáng kể, mặt yếu của phương pháp vết mực đã lộ ra, bởi vì không những nó tạo nên những người ủng hộ mà còn tạo nên những người bất mãn và những người chống đối. Khi những người chống đối được giúp đỡ và được võ trang, hay khi một kẻ thù biết động viên nhóm người bất mãn lớn đó, thì ưu điểm quân sự lại xoay chuyển thành nhược điểm. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc rút lui của Pháp ra khỏi Việt Nam được đánh dấu bằng hai thất bại quân sự ở vùng rừng núi đa sắc tộc – Điện Biên Phủ ở miền bắc và An Khê ở vùng Tây nguyên – đồng thời cũng là sự phá sản của chiến thuật vết dầu loang.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam ‘kiểu Mỹ', Lực lượng Đặc biệt Hoa K ỳ – cho tới năm 1964 đặt dưới sự chỉ đạo của CIA – từ 1960 đã du nhập phương pháp vết mực vào vùng Tây nguyên đa sắc tộc, vào thời điểm những người cộng sản đe dọa chiếm vùng này. Chương trình bao gồm sự vũ trang cho những bộ lạc sắc tộc – dưới tên gọi là Người Thượng – để họ bảo vệ làng xóm riêng của họ, và việc thành lập những đơn vị cơ động nhỏ để đến tiếp viện cho những chiến sĩ khi làng bị tấn công. Cũng nằm trong phạm vi chương trình còn có nhiều kế hoạch phát triển với tầm mức nhỏ để có cớ mà chiến đấu tiếp và là sự hỗ trợ tinh thần cũng như sự tuyên truyền chống lại sự kỳ thị sắc tộc đáng ngờ của nhà chức trách dân sự và quân sự Nam Việt Nam . Phương pháp vết mực dựa trên căn bản là từ những làng an ninh sẽ tiến tới chuyện những vùng lân cận và những làng khác sẽ được bình định.
Khởi đầu, chương trình đạt nhiều thành quả trong việc chống lại Việt cộng, nhưng cũng đã đẩy những nhóm dân tộc thiểu số tới chỗ chống lại chính quyền Nam Việt Nam, khiến cho cơ chế chính trị không thể đứng vững được. Giữa 1963 và 1965, khi một chuỗi chống đối của những sắc sân thiểu số chống lại chính thể của mìền Nam Việt Nam xẩy ra trong những trại của Lực lượng Đặc biệt, chương trình đã bị giải thể. Lực lượng Đặc biệt trở thành một phần của quân đội chủ lực Hoa K ỳ (chiến dịch Switchback) và người Tây Nguyên trở thành một phần của quân đội chủ lực Nam Việt Nam, và họ bị đẩy ra khỏi vùng cư ngụ riêng của họ.
Những kế hoạch phát triển hữu hiệu có tầm mức nhỏ được chuyển sang Chương trình Tái thiết Nông thôn (Tên này thực là giống với những Toán Tái Thiết Vùng tại Uruzgan), mà do sự cứng ngắc và tham nhũng trong việc thi hành đã đẩy dân chúng rời xa thay vì hấp dẫn họ.
Những ưu điểm quân sự thâu đạt được đã trở lại thành số không vì được xây dựng trên nền tảng của chính sách chia và trị, chúng đã làm cho chính trị không thể đứng vững được, trong một tình thế mà người Mỹ đúng ra phải cân nhắc từ trước về vấn đề chủ quyền của Nam Việt Nam. Sự phá sản của vết mực rõ ràng là đau đớn khi Quân Lực Nam Việt Nam chịu những thiệt hại nặng nề trong vùng chiến lược Tây Nguyên vào tháng ba năm 1975, như dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của Sàigòn vào ngày 30 tháng tư 1975.
Hình ảnh của phương pháp vết mực nổi bật từ đây, gợi cho ta thấy rằng nó có thể thành công một phần, với điều kiện là những nhóm địa phương, dưới sự che chở của một sức mạnh quân sự từ bên ngoài, được võ trang chống lại những nhóm khác, và có được một chút gì đó để chiến đấu. Nhưng đúng vào lúc sức mạnh bên ngoài – quân thực dân hay sự can thiệp của lực lượng từ nước ngoài – rút lui, hay đúng vào lúc sự chống đối về chính trị và quân sự trở nên nghiêm trọng, phương pháp này không còn hữu hiệu nữa. Ngược lại: phương pháp này hiển nhiên đã tạo nên nhiều kẻ thù, và từ đó tự chuốc lấy thất bại.
Lịch sử đã cho thấy phương pháp đáng nghi này đã chỉ ‘thành công' do sự gieo rắc chia rẽ và chỉ khi nào sức mạnh quân sự từ ngoài rõ ràng chiếm thế thượng phong – điều này đã không có được trong trường hợp Afghanistan. Về lâu về dài phương pháp vết mực sẽ mang lại hậu quả thảm hại cho sự hòa hợp giữa các nhóm dân.
Tôi không biết giới lãnh đạo quân sự Hòa Lan và quốc hội nghĩ thế nào mà lại gởi quân đội sang Afghanistan với một chiến thuật như thế. Có lẽ người ta suy diễn thế giới trong hai phạm trù Thiện (Karzai) và Ác (Taliban) mà không tính toán đến sự phức tạp của mối dây liên hệ bản xứ – cũng như người Mỹ ở Việt Nam đã cho rằng họ ‘Thiện' và vì thế sẽ thu phục được tâm hồn. Một ảo vọng đắt giá.
Trong trường hợp giới lãnh đạo quân sự có một ngụ ý khác về ‘vết mực' thì đã đến lúc họ phải làm gì minh bạch hơn là hai câu trong những văn kiện về chính sách. Dường như ông tân B ộ trưởng Hợp tác Phát triển Bert Koenders xem những vết mực và những toán Tái thiết Vùng ở Uruzgan như là những mô thức hấp dẫn. Nếu từ quá khứ suy ra được tương lai thì điều đó sẽ không hứa hẹn nhiều tốt đẹp.
Nguyễn Hiền
Dịch từ nguyên tác: Inktvlekmethode werkt niet.
Tác giả – Oscar Salemink
Nguồn: www.nrc.nl/opinie/article805859.ece/Inktvlekmethode_werkt_niet