Hoàng Giang


Nỗi cay đắng của người gặp may

Trận hải chấn thảm khốc rơi đúng vào lễ Giáng Sinh 2004, để lại một vết đau lịch sử sẽ được người ta nhắc lại nhiều nghìn, rất có thể nhiều chục nghìn năm sau. Gần ba trăm ngàn nhân mạng đã trở thành tro bụi hoặc nằm trong mấy chục ngàn nấm mồ cá nhân và tập thể là chứng tích của một Pompeï thứ hai.

Nỗi đau chung của một triệu người trong những vùng đất bất hạnh bỗng dưng trắng tay, gia đình vỡ vụn, cũng đúng vào dịp tưởng nhớ đến Chúa giáng trần, đã làm nhân loại toần cầu mở lòng. Những chiến dịch quyên góp tài vật khắp thế giới đã mang đến một an ủi, một chút xoa dịu nỗi đau. Người Việt Nam (tị nạn và di dân) tại nhiều quốc gia cũng đã đứng ra tổ chức những chương trình văn nghệ với nhiều nghệ sĩ tên tuổi, những cuộc lạc quyên, đi bộ… giúp dân những quốc gia bị nạn đã thu hút được nhiều đồng hương. Mặc dù Việt Nam là một nước may mắn trong vùng, lãnh thổ tuy nằm cách tâm địa chấn vài giờ bay, nhưng chỉ có một nạn nhân, trong khi có những nước bên kia đại dương, dọc bờ biển Phi châu xa hơn năm ngàn cây số cũng chịu thảm cảnh hàng chục, hàng trăm người chết.

Quả thực đây là một may mắn, lộc trời đã dành cho dân Việt.

Thế nhưng, giả sử – một giả sử bất nhân – tâm chấn động không nằm ở Ấn Độ Dương mà ở Thái Bình Dưong, và như thế, Việt Nam cũng sẽ là một nước hứng chịu những ngọn sóng thần, thì hậu quả sẽ ra sao? Có lẽ người Việt hải ngoại khắp thế giới sẽ gây một chiến dịch lạc quyên toàn cầu cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà?

Nhưng rất có thể, nếu chuyện giả sử trên đây xảy ra, người Việt chúng ta sẽ không có được thái độ tích cực như hiện nay.

Giở ngược tờ lịch treo tường, hai tháng trước đó thôi, trận bão số 4 (Muifa) đã tàn phá dữ dội một vùng châu thổ sông Cửu Long, và tiếp theo là một trận lụt và sạt lở đất đã để lại hậu quả khốc hại cho hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam. Số người chết và sự thiệt hại của hai thiên tai này phải gọi là đáng kể, với gần một trăm người chết.

Nhưng người Việt hải ngoại khi đó đã không tỏ thái độ sốt sắng như chúng ta đã thấy sau cơn sóng thần Giáng sinh.

Có thể, như trong các chương trình văn nghệ tình thương hay quyên góp cứu trợ trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ban tổ chức đã nêu lý do: chúng ta nên ra tay cứu giúp các nước đã một thời cưu mang những người tị nạn vượt biên, băng rừng. Để đáp lại lời kêu gọi này, những người Việt tị nạn đã tích cực hưởng ứng những chương trình ca hát thiện nguyện, những cuộc lạc quyên tài vật.

Như vậy có phải chăng chúng ta đã quên ngay những người cùng mang giòng máu Việt? Vì trong quá khứ họ đã chẳng giúp chúng ta? Ngoại trừ thân nhân, gia đình, thì chúng ta đã làm ‘nghĩa cử cá nhân’, gửi tiền gửi đồ về giúp trực tiếp mỗi khi gia đình gặp cảnh bão lụt, mất mùa.

Hoặc là bão lụt đã gắn liền với dân Việt cũng như trường hợp dân Bangladesh, dân Sri Lanka, năm nào cũng vậy, riết rồi chẳng đáng quan tâm?

Thực ra, lý do chính làm người Việt nước ngoài không hăng hái tham gia vào những cuộc cứu trợ thiên tai cho đồng bào trong nước vì một chướng ngại: niềm tin của người Việt vào nhà cầm quyền Việt Nam như cái chén rớt lên rớt xuống nhiều lần từ mấy chục năm qua.

‘Tiền gửi về chạy vào túi bọn chóp bu hết,’ đây là một câu nói chúng ta thường nghe. Cũng bởi vì mọi chương trình, công tác phân phối phẩm vật cứu trợ đều phải thông qua nhà nước, ngay cả đối với những tổ chức phi chính phủ có tầm vóc quốc tế như Hội Chữ Thập Đỏ.

Có những tổ chức phi chính phủ được lập ra chỉ chuyên thực hiện những công tác giúp người dân ở Việt Nam. Ở Hòa Lan ta có thể kể đến Hội Y Tế Hòa-Việt. Tuy thế họ lại bị người Việt nước ngoài coi như là tổ chức hội đoàn thân chính quyền, giúp hội này thì cũng như giúp nhà cầm quyền, mà trong tình trạng hiện nay, dấu hỏi luôn được đặt ra là: ‘liệu có đến tay người dân? Hay lại vào túi đám bộ hạ tay chân?’ hoặc là: ‘giúp để họ rảnh tay gia tăng hành động chà đạp nhân quyền à?’

Gửi phẩm vật cứu trợ qua các tôn giáo, thì cũng phải qua những tổ chức mà nhiều người cho là ‘Giáo hội quốc doanh.’

Và như thế nhiều người Việt hải ngoại đã làm thinh khi quê hương mình bị nạn trời. Trong khi đó, nhìn vào bảng định mức tham nhũng hàng năm được công bố, cho đến giờ này Việt Nam và Indonesia vẫn như hai anh chạy bộ lẹt đẹt cạnh nhau, trong toán chót của đoàn lực sĩ.

Những người dân ở Việt Nam may mắn không gặp nạn sóng thần, vì thế, khi có dịp nghe thông tin về những chiến dịch quyên góp của người Việt nước ngoài cho những quốc gia lân bang của họ, sẽ cay đắng và tự hỏi: ‘mình đã làm gì để tới nỗi người cùng dòng máu bỗng có thái độ thờ ơ?’ Còn những người Việt tị nạn, hai mươi, ba mươi năm trước may mắn đã đến bến bờ tự do và nay đã lập nên cơ nghiệp ở xứ người cũng cay đắng khi nghĩ rằng: ‘mình muốn giúp đồng bào mà không được, chỉ vì cái chướng ngại kia.’ Những ca sĩ trong các show cứu trợ, trong phút nghỉ giữa chừng, biết đâu họ chẳng nghĩ: ‘có muốn hát giúp Việt Nam cũng đành chịu, bị chụp mũ tay sai Việt Cộng thì chỉ có nước bỏ xứ mà đi.’

Có bạn bảo với tôi rằng: “Vậy thì dẹp cái chướng ngại đó, là mọi chuyện tức khắc sẽ khai thông.”

Nhưng sự việc không đơn giản, nếu một ngày nào đó bạn trực nhận ra rằng: chỉ với lý thuyết, chúng ta chưa tạo được một niềm tin đủ vững mạnh nơi người dân trong nước. Và vì vậy họ đành chấp nhận một người, mặc dù không tin tưởng lắm, nhưng cũng đã mấy chục năm sống kề cận nhau, và ‘biết tẩy’ nhau. Đó là nhà cầm quyền, cho dù phải chịu thái độ ‘cha chú’ của họ.

Đây mới chính thực là vấn nạn của ‘người Việt’ và người ‘nước ngoài mang gốc Việt Nam.’

Hoàng Giang.
(Tháng 01/2005)


Cái Đình - 2005