Huỳnh Khôi


Những cái nhìn sai lầm về xã hội dân sự tại Việt Nam

 

Chiến tranh lạnh chấm dứt. Mỹ và các nước tự do thoạt đầu đặt nhiều hy vọng vào tiến trình bành trướng của nền dân chủ toàn cầu. Hàng loạt các nước cộng sản từ bỏ cái chủ nghĩa mà họ đã tốn bao nhiêu xương máu bảo vệ, mở màn cho đợt sụp đổ của các chính quyền toàn trị. Nhưng sự lật ngã của các mảnh domino Nga Sô, Đông Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc đã không đủ ảnh hưởng tới Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn như mọi người mong đợi. Đối với các nước ngoan cố giữ vững chế độ độc tài này, người ta chỉ còn đặt kỳ vọng vào phong trào tiến hóa giai đoạn, song song với sự phát triển kinh tế, mở rộng thông tin, và xây dựng mầm móng xã hội dân sự để làm môi trường cho tự do, dân chủ.

Tại những nước cộng sản còn lại, các cuộc biểu tình phô trương ước vọng tự do của người dân được chính quyền Mỹ đặc biệt chú ý. Trong thế kỷ 20, các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người da đen, cho phụ nữ, các phong trào bảo vệ môi trường, v.v… đều bắt rễ từ các tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organizations). Cách nhìn xã hội dân sự như một xúc tác cho các thay đổi chính sách của một quốc gia đã được người Mỹ công nhận và xem như chuyện hiển nhiên. Vì vậy, tuy không nói ra, nhưng chính quyền Mỹ cũng ngầm mong là xã hội dân sự tại các nước độc tài sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tự do dân chủ phát triển.

Nhưng xã hội dân sự là gì? Việt Nam có xã hội dân sự không và nó đóng vai trò gì trong tiến trình tự do hóa và dân chủ hóa đất nước?

Định nghĩa của xã hội dân sự thay đổi tùy theo chiều rộng hoặc chiều dài của từ ngữ. Ở cái nhìn rộng nhất, xã hội dân sự bao gồm mọi nhóm và mọi hoạt động không bị ràng buộc bởi chính quyền: các hội kinh doanh, các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị, tổ chức truyền thông, báo chí tư nhân, hội từ thiện, câu lạc bộ, v.v... Riêng hoặc chung, tất cả các tổ chức này đều góp phần giúp mở rộng tánh đa nguyên của xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ của xã hội và chính quyền.

Vì chính quyền Việt Nam lúc nào cũng tìm cách dẹp tắt các tổ chức chính trị, bài viết này sẽ chỉ dùng một phần định nghĩa của xã hội dân sự để chú trọng vào các tổ chức thiện nguyện, phi chính trị, có thể phát triển được tại Việt Nam hiện giờ.

Các nhà xã hội học đều công nhận rằng sự hiện diện của các tổ chức phi chính phủ thường là dấu hiệu tiến nhanh của xã hội. Khi đất nước càng được tự do, các tổ chức phi chính phủ càng có cơ hội nắm lấy một số chức năng mà chính quyền trong quá khứ độc quyền quản lý (thí dụ như các công tác xây cầu ở vùng sâu, vùng xa; ủy lạo nạn nhân bão lụt, câu lạc bộ thể thao, v.v...) Trong tương lai, những tổ chức phi chính phủ lại còn có tiềm năng trở thành các tiếng nói chung, có ảnh hưởng đáng kể đến sự thay đổi chính sách quốc gia. Vì các lý do trên, tuy chủ trương không làm chính trị (hoặc ít nhất là không làm chính trị một cách lộ liễu), các tổ chức ấy có thể giúp mở rộng môi trường hoạt động chính trị tại Việt Nam .

Mặc dù vậy, nhiều chính trị gia và các nhà hoạt động dân chủ tại hải ngoại thường chỉ nhận xét hời hợt, lướt qua, hoặc thậm chí làm ngơ trước sự hiện diện của các tổ chức phi chính phủ, phi chính trị tại Việt Nam.

Có ba nguyên nhân cho sự thiếu sót này.

Thứ nhất - Người ta xét đoán sai lầm là hiện nay tại Việt Nam không có đời sống xã hội dân sự. Hoặc nếu có, thì nó cũng còn quá ít, quá mới, và quá lạ với đại đa số quần chúng. Cũng trong cách nhìn này, chính quyền Việt Nam hoàn toàn không bị ảnh hưởng hoặc miễn nhiễm trước sự đòi hỏi, chất vấn của người dân. Nguyên nhân chính cho sự ít ỏi của các tổ chức phi chính phủ là vì người dân thiếu khái niệm thành lập các tổ chức xã hội. Vì vậy xã hội dân sự tại VN chỉ có thể được đánh thức trong tiến trình dân chủ hóa, mà thường là do sự giựt dây của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Vì quan niệm trên, mọi khích động trong xã hội – như phong trào biểu tình đòi đất đai, đình công v.v... – thường được xem (nhầm) là tín hiệu của tiến trình phát triển dân chủ thay vì nhìn nhận chúng chỉ là phong trào đòi quyền lợi (không liên quan gì đến chính trị) của người dân.

Những ai có về Việt Nam nếu chú ý sẽ thấy rằng trong nước hiện nay có nhiều tổ chức xã hội. Mặc dù hoạt động của chúng bị giới hạn, thậm chí có khi bị đàn áp, nó vẫn có sức tồn tại dẻo dai. Các hội đoàn ủy lạo thiên tai, các hoạt động từ thiện tôn giáo (xây cầu, chuyên chở bệnh nhân cần cấp cứu đến bệnh viện, các nhà thuốc nam miễn phí, v.v...) càng ngày càng mạnh, tạo thêm niềm tin trong dân chúng, cắt rời dân chúng ra khỏi cái “dây rốn” (1) của chính phủ.

Thứ hai - Người ta thường xem xã hội dân sự tại Việt Nam là một khối, có tính chất đồng nhất và thống nhất. Tính đồng nhất và thống nhất ở đây là lòng khao khát tự do, dân chủ. Theo cách nhìn của cộng đồng người Việt tại hải ngoại thì mỗi người dân trong nước đều là những động lực đòi hỏi chính phủ phải đa nguyên, đa đảng. Trên thực tế thì đại đa số dân Việt Nam , nhất là nhóm trẻ, không chú tâm vào chính trị. Ở phương diện lý thuyết, nó quá xa vời với đời sống hàng ngày của người dân. Thật ra thì mong muốn của người trong nước cũng thay đổi và đa dạng như mong muốn của những người ở các nước tự do vậy. Phần đông lo chuyện cơm ăn, áo mặc và học vấn cho con mình. Chỉ có một phần ít trí thức là có nhận thức chính trị. Khi Việt Nam càng phát triển kinh tế, được gia nhập vào WTO thì xã hội dân sự lại càng thêm phức tạp và sự khác biệt ý thức chính trị của người dân càng nới rộng ra, thậm chí có thể đưa đến những mâu thuẫn trong ý thức hệ. Điển hình như ở Trung Quốc, mặc dù sự phát triển của tầng lớp kinh doanh tư nhân có giúp một phần cho việc tự do hóa các phương tiện thông tin báo chí, chính tầng lớp doanh nhân này lại có ý thức chính trị bảo thủ hơn hết. Họ sợ sự thay đổi của chính quyền sẽ làm hỗn loạn các cơ hội làm ăn của họ.

Thứ ba - Nhầm lẫn thứ ba thường vấp phải trong cái nhìn về xã hội dân sự là khi người ta cho rằng chính quyền và xã hội lúc nào cũng có sự xung đột. Xã hội dân sự thường được định nghĩa là một sức lực đối chọi với chính phủ. Vì mọi cải cách chính trị là vấn đề ăn thua giữa người dân và chính phủ nên xã hội dân sự càng ngày càng phải được tách rời ra khỏi chính quyền, càng ngày càng phải đương đầu trực tiếp với chính quyền.

Kế hoạch trên tuy “cần” nhưng không “đủ” để phát triển hữu hiệu xã hội dân sự tại Việt Nam . Trên phương diện chính trị, quan niệm trên không những “hạn hẹp”, nó còn tạo chướng ngại cho tiến trình đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam .

Trên thực tế thì trong một chế độ toàn trị không có biên giới rõ rệt giữa chính quyền và xã hội. Ngược lại, chính phủ xâm nhập vào xã hội để uốn nắn nó. Mặc dù chúng ta nỗ lực tăng thêm sự tách rời giữa chính phủ và xã hội, ít nhất là trong thời điểm này, khi lằn ranh còn mù mờ, chúng ta cần phải tìm thêm một chính sách, kế hoạch và phương tiện hoạt động toàn diện hơn.

Sự phát triển của xã hội dân sự trong tiến trình tự do hóa Việt Nam không nhất thiết chỉ đập vỡ cái khuôn của mối liên hệ giữa chính quyền và xã hội – nó còn là một tiến trình nhào nắn, phân vai lại. Muốn cho xã hội dân sự phát triển, chính quyền và xã hội phải đồng ý định nghĩa lại vai trò và chỗ đứng của người dân. Ở định nghĩa mới này, xã hội là một tập họp của nhiều cá thể riêng biệt chứ không phải là một khối thuần nhất. Người công dân không phải chỉ có sự liên hệ với nhau (trong xã hội) mà còn cần phải có liên hệ với chính phủ. Vì lý do đó, một số hoạt động phát triển xã hội dân sự phải xảy ra trong chính các lĩnh vực được chính phủ điều khiển hoặc chấp nhận.

Tại Trung Quốc, luật thuế má chung cho mọi công dân đã mở đầu cho một khái niệm mới. Người dân Trung Quốc nhận thức được sự thay đổi chỗ đứng của mình: từ “đầy tớ của Đảng” sang “chủ nợ” của chính phủ. Họ đã bắt đầu đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm làm sáng tỏ và báo cáo các chi thu. Các câu lạc bộ phụ nữ lúc đầu được thành lập để trao đổi kiến thức quản lý gia chánh từ từ mở rộng hoạt động thành các phong trào chống chính sách một con. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng lên tiếng phanh phui các vụ tham nhũng có liên quan đến công trình khai thác lâm sản. Gần đây nhất, khi chính quyền Trung Quốc ban lệnh giới hạn mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó, các hội bảo vệ súc vật đã phản ứng mạnh mẽ. Nhìn chung thì những tổ chức xã hội trên tuy có khi được xem là bàn tay dài của chính phủ, nhưng chỉ có chúng là có môi trường thuận lợi để gióng tiếng nói thay đổi chính sách quốc gia.

Nhìn một cách xa hơn, các tổ chức này – tạm xem như những phương tiện liên hệ giữa xã hội và chính quyền – còn có thể đem lại nhiều mối lợi cho quá trình phát triển tự do chính trị. Khi có những đảng viên thức tỉnh, nhận thấy và mong muốn thay đổi, họ có nhiều triển vọng củng cố chỗ đứng của mình hơn nếu họ có thể tạo được liên minh với các thành phần, tổ chức trong xã hội dân sự có cùng quan điểm. Vào thập niên 80 ở Trung Quốc, thành phần tiến bộ trong chính phủ đã liên kết với các tầng lớp trí thức trong xã hội để chống đảng. Những người tiên phong cho việc xây dựng một xã hội dân sự cần nhận thức được quy tắc cốt yếu của phong trào phát triển tự do là: những thay đổi nào có được sự đồng ý của chính quyền – cho dù chỉ là đồng ý ngầm – sẽ có nhiều cơ hội tồn tại và thành công hơn là các tổ chức bị cấm đoán.

Albert Einstein từng nói: “Chúng ta không thể tìm giải đáp cho vấn đề với cách suy nghĩ đã có khi đặt vấn đề” (2) Một số ý kiến đưa ra trong bài này có thể tạo sự khó chịu, bất đồng, có khi còn dẫn đến sự giận dữ từ người đọc. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn sự việc, các lý thuyết, các giới hạn của khuôn khổ hành động (3) để xã hội dân sự tại Việt Nam có thể phát triển và thành công hơn.

 

Huỳnh Khôi
12/4/2006

______________

Chú thích:

(1) Umbilical cord
(2) “We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them” – Albert Einstein
(3) Paradigm


Cái Đình - 2007