Nguyễn Trung
Nhìn lại năm 2012: Mô thức Trung Quốc
Có thực sự thế kỷ XXI là "thế kỷ của Á châu" hay không? Dựa trên những nền tảng nào cho những cải cách chính trị và xã hội để Trung Quốc đạt được phẩm chất lãnh đạo mang tính đạo đức cao hơn phẩm chất lãnh đạo của Hoa Kỳ? Mô thức nào mà Trung Quốc sẽ có để thế giới có thể hướng về và thực sự an tâm nằm trong bóng mát của cường quốc kinh tế này?...
Nếu thường xuyên theo dõi các bài nhận định của các báo đài nước ngoài về tình hình kinh tế Trung Quốc, so sánh với sự phát triển của kinh tế Hoa Kỳ và thế giới còn lại trong tương lai, chúng ta thường thấy có hai chuyên gia cùng hai tác phẩm của họ được trích dẫn nhiều nhất.
Người thứ nhất là nhà kinh tế có gốc Ấn Độ Arvind Subramanian, đang phục vụ tại viện Peterson Institute for International Economics ở Washington. Trong tác phẩm Eclipse, ông tiên đoán rằng vào khoảng năm 2021 tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể vẫn còn nằm ở Washington, nhưng chủ tịch IMF sẽ là người Trung Quốc. Hoa Kỳ lúc bấy giờ bị suy thoái nặng nề vì nợ quốc gia quá lớn nên rất cần sự tài trợ của IMF, tức cần tiển trợ giúp của Trung Quốc, để ổn định nền kinh tế của mình. Vị chủ tịch Trung Quốc sẽ đưa ra một loạt các yêu sách mà Hoa Kỳ phải thực hiện để được IMF giúp đỡ. Một trong những yêu sách đó là Hoa Kỳ phải đánh thuế trên các công dân của mình chí ít cũng phải là 40%. Ngoài ra còn có những yêu sách khác mà khi thực hiện, Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực cả trên những mặt khác ngoài kinh tế. Như việc phải đóng cửa các căn cứ quân sự đắt tiền của Hoa Kỳ ở Á châu chẳng hạn.
Thật ra ông Subramanian cho rằng kinh tế Trung Quốc thật sự vượt qua kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2010 và đã trở thành thế lực kinh tế lớn nhất trên toàn cầu. Dĩ nhiên Trung Quốc cũng sẽ trải qua những giai đoạn khó khăn (khủng hoảng ngân hàng, có quá nhiều người già yếu v.v.), có thể sẽ vào năm 2015. Nhưng ông tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt qua được những trở ngại để tiếp tục phát triển mạnh như hiện nay. Tức là mức độ phát triển sẽ sút giảm xuống còn khoảng 7%, để rồi sẽ gia tăng trở lại, trong khi kinh tế Hoa Kỳ chỉ phát triển vào khoảng 2,5% theo tiên đoán thật "lạc quan". Trong vòng mười năm, đồng Đô-la sẽ bị đồng Nhân dân tệ lấn áp. Tóm lại, Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung sẽ bị che mờ (eclipse) trong bóng dáng của nền kinh tế ngự trị toàn cầu của Trung Quốc. Với nhận định có tính cách gây hấn này, ông Subramanian đã được đưa vào danh sách những "Nhà Tư Duy Toàn Cầu" của tạp chí Foreign Policy.
Người thứ hai là nhà khoa học và là ký giả người Anh Martin Jacques với tác phẩm Khi Trung Quốc Thống Trị Thế Giới (When China Rules the World), quyền sách đã thuộc hạng bán chạy nhất ở Âu-Mỹ châu và cả ở Trung Quốc. Ông tiên đoán về sự "suy tàn của thế giới Tây phương" trước sự phát triển vượt bực của Trung Quốc. Trước thế kỷ XIX, Trung Quốc được xem như là một quốc gia có nền kinh tế và văn minh lớn nhất của nhân loại. Sau hai thế kỷ suy nhược của Trung Quốc, Tây phương đã ngự trị thế giới. Theo Martin Jacques điều đó không hoàn toàn hợp lý. Ngay cả hiện nay trên bàn cờ chính trị quốc tế, Trung Quốc đã hành xử như một quốc gia nhỏ bé hơn tư thế lớn lao thật sự của mình. Nhưng người Trung Quốc đã ý thức được điều đó. Cộng vào tâm tính từ ngàn xưa về dân tộc và đất nước Trung Hoa khi xem quốc gia mình là trung tâm văn hiến, còn các quốc gia chung quanh chỉ là man di, mọi rợ, Tây phương nói riêng và thế giới nói chung sẽ chứng kiến sự ngự trị của Trung Quốc trong tương lai.
Những tiên đoán trên, mặc dù dựa trên kiến thức uyên bác và sự nghiên cứu của các chuyên gia tầm vóc, có thật sự chính xác không thì chúng ta phải chờ xem. Nhưng chúng ta vẫn có thể phản biện nếu chúng ta nhìn vấn đề phát triển kinh tế của Trung Quốc từ các góc độ khác. Thứ nhất: ta cần đối chiếu các tiên đoán trên với thực tế đã xảy ra hoặc đang xảy ra. Thứ hai: sự phát triển kinh tế của một quốc gia còn tùy thuộc vào các yếu tố khác ngoài kinh tế. Như trường hợp Nhật là một cường quốc trước Thế chiến thứ hai với sự phát triển về kinh tế và khoa học kỹ thuật. Nhưng do mộng bành trướng quyền lực, Nhật lao vào cuộc phiêu lưu quân sự và nến kinh tế Nhật phải phục vụ cho nhu cầu quân sự. Cuối cùng Nhật là quốc gia bại trận và chỉ phát triển sau Thế chiến thứ hai qua sự viện trợ của Hoa Kỳ. Hơn nữa, chúng ta cũng phải quan tâm đến các vấn đề khác, bởi vì sự phát triển thật sự của một quốc gia với các tiêu chuẩn đúng đắn về tự do của con người hay an sinh xã hội không hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế mà còn tùy thuộc vào các phạm vi khác như văn hóa, chính trị, xã hội v.v.
Về mặt thực tế, không phải đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ bị tiên đoán sẽ là quốc gia kinh tế tụt hậu trước một một quốc gia khác đang trên đà phát triển vượt bực. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh từ năm 1946 đến năm 1960, kinh tế của Liên Sô đã phát triển với con số trung bình 7% hàng năm. Nhiều tiên đoán đã cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị kinh tế Liên Sô vượt qua vào đầu thập niên bảy mươi. Nhưng kinh tế Sô Viết đã bị suy thoái với chỉ số khoảng 2% trong thập niên sáu mươi. Các kế hoạch kinh tế đã thiếu nền tảng và cơ cấu của một cơ chế thị trường nên đã không đem lại hiệu quả mong muốn. Cộng với sự chạy đua võ trang với Hoa Kỳ, sự sụp đổ của nên kinh tế Liên Sô đua đến sự sụp đổ của đế quốc Cộng sản Liên Sô như thế giới đã chứng kiến.
Vào thập niên tám mươi, kinh tế Hoa Kỳ đã bị đe dọa bởi sự phát triển của nền kinh tế Nhật. Chỉ số phát triển hàng năm ở Nhật đã nhanh hơn ở Hoa Kỳ. Điều này ít nhiều làm va chạm đến tự ái Hoa Kỳ bởi vì Nhật là quốc gia bại trận vào Thế chiến thứ hai, phát triển nhờ sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Hơn nữa chánh trị và xí nghiệp giữa hai quốc gia nầy có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều nhận định đã cho rằng Hoa Kỳ phải xét lại nền tảng kinh tế của mình và học hỏi thêm về cơ chế kinh tế Nhật. Nhưng kể từ năm 1990, kinh tế Nhật đã chậm phát triển do vấn đề bất động sản thì những nhận định trên đã tự biến mất. Thay vì là cường quốc kinh tế số một như đã được tiên đoán, Nhật trở thành cường quốc kinh tế đúng hàng thứ ba trong năm 2010 sau khi bị Trung Quốc vượt qua.
Nếu chỉ hoàn toàn căn cứ vào các con số thì kinh tế Liên Âu, với 27 quốc gia hội viên, cũng có thể vượt qua kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng do những mâu thuẫn nội bộ, sự khác biệt giữa cơ chế và quyền lợi kinh tế đã không làm cho khối này có một nền kinh tế thật sự hội nhập và thống nhất để trở thành thế lực kinh tế hàng đầu.
Tuy được xem như đã vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2010, nhưng trên thực tế kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn lớn gấp hai lần kinh tế Trung Quốc. Trước khi phải đối phó với vấn đề có quá nhiều người già yếu vào năm 2015, kinh tế Trung Quốc phát triển với chỉ số 8%. Đây là chỉ số rất lớn trong một quốc gia bình thường, tuy nhiên Trung Quốc phải cần chỉ số phát triển từ 6% đến 8% để có thể cung cấp đủ công ăn việc làm cho hàng chục triệu người từ nông thôn đổ ra thành phố hàng năm. Hơn nữa, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc còn tùy thuộc vào thị trường của Tây phương. Nếu thị trường này bị suy thoái hay khủng hoảng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền văn minh cổ thuộc loại vĩ đại của nhân loại. Hơn cả các quốc gia có nền văn minh cổ vượt xa như Ai Cập, nền văn minh Trung Quốc vẫn tiếp nối đến thời hiện đại. Tuy nhiên sau thế kỷ XIX, với nền văn hóa Nho gia từ chương, Trung Quốc vẫn không tự cứu được mình và bị cả Nhật ở Á châu cùng các cường quôc Âu châu xâm chiếm. Sau đó Trung Quốc du nhập tư tưởng Cộng sản, một ý thức hệ quá độ phát xuất từ Tây Phương đã bị hầu hết các quốc gia Tây Phương tiến bộ từ bỏ. Cho đến thế kỷ XXI, Trung Quốc vẫn chưa đóng góp một dấu ấn nào đáng kể trên văn hóa nhân loại về mặt tự do và nhân quyền. Người Trung Quốc đoạt giải Nobel Văn học đầu tiên vào năm 2000, Gao Xingjian (được nhiều người Việt Nam biết đến với tên Cao Hành Kiện), phải sống lưu vong ở Pháp. Người Trung Quốc thứ hai đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2010, Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), bị cầm tù. Là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc vẫn chú trọng đến sự bành trướng thế lực bá quyền hơn là các giá trị hòa bình, nhân quyền tương xứng với một cường quốc văn hiến. Vấn đề tranh chấp Biển Đông, sự ủng hộ các quốc gia độc tài như Sudan, Bắc Hàn, Syria trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc cho thấy rõ điều đó.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc dẫn đầu thế giới, quốc gia nầy sẽ có thêm nhiều đồng minh trên thế giới, nhà kinh tế Subramanian cũng đã tiên đoán điều này. Tuy nhiên trong một bài báo của tờ New York Times, giáo sư Yan Xuetong, một giáo sư uy tín về môn khoa học chính trị của đại học Tsinghua ở Bắc Kinh đã cho rằng: "Một quốc gia muốn có được nhiều đồng minh, quốc gia đó phải có những tiêu chuẩn và giá trị hấp dẫn". Đó là những tiêu chuẩn giá trị nào? Ông Yan Xuetong không nhìn về mặt kinh tế mà nhìn về mặt chính trị: "Trung Quốc cần phải có một từng lớp lãnh đạo mang tính đạo đức cao hơn Hoa Kỳ!"
Vào đầu tháng 11-2012, báo chí quốc tế chú ý đến hai sự việc quan trọng. Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Wang Quwen, một sinh viên Trung Quốc ở đại học Bắc Kinh, đã theo dõi cả hai biến cố trên và đã nhận xét về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ: "Phải mất một ít thời gian để tôi có thể hiểu được những điều xảy ra ở Hoa Kỳ, nhưng các hào hứng chính trị trong cuộc bầu cử ở đây thật tuyệt vời". Về Đại Hội Đảng ở Trung Quốc: "Thật là kinh khủng! Mọi quyết định thay đổi nhân sự đều đã được thực hiện mà chúng tôi không thể hiểu được chúng thành hình như thế nào và chứng tôi cũng không hề được tham dự vào những quyết định đó.". Nhận xét đơn giản của một người trẻ đã phác họa sự khác biệt cơ bản giữa sinh hoạt chính trị ở Trung Quốc và Hoa Kỳ như thế nào.
Trong Đại hội Đảng, cựu tổng bí thư Hồ Cẩm Ðào (Hu Jintao) đã cảnh cáo hậu quả của vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc có thể làm suy sụp đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời kêu gọi phải tìm biện pháp nhằm giảm thiểu sự khác biệt quá lớn giữa người giàu và nghèo. Vấn đề tham nhũng được đặt ra có thể xem là hậu quả của vụ tai tiếng do lạm quyền và tham nhũng của lãnh tụ cao cấp Bạc Hy Lai (Bo Xilai). Vấn đề này trầm trọng đến nỗi được báo chí xem là biến cố gây nhiều giao động cho Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ biến cố Thiên An Môn năm 1989. Hơn nữa, báo chí Hoa Kỳ đã vạch trần các tài sản kếch xù của gia đình các lãnh tụ cao cấp trong đảng, kể cả cựu thủ tướng Uông Gia Bảo (Wen Jiabao) và tân tổng bí thư Tập Cận Bình (Xi Jinping). Tham những không chỉ giới hạn trong tổ chức đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn lan tràn trong bộ máy nhà nước. Ngoài việc làm giàu do tiền tham nhũng, các quan chức nhà nước còn chuẩn bị trước các lộ trình tẩu thoát hay hạ cánh an toàn, với các biệt thự, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài hay giấy phép được làm việc ở một quốc gia Tây phương cho chính bản thân và gia đình để dự phòng cho trường hợp nhỡ một mai mình bị bắt và truy tố.
Qua thống kê được thực hiện của Báo China Youth Daily, bất công giữa giàu và nghèo được nhân dân Trung Quốc xem là vấn nạn thứ nhất, tham nhũng trong thành phấn lãnh đạo cao cấp đứng hàng thứ hai. Bất công giữa giàu nghèo ở Trung Quốc hiện lớn hơn ở Hoa Kỳ. Xã hội Trung Quốc còn phải đối phó với các vấn nạn khác đang xảy ra hàng ngày: Ô nhiễm môi sinh đưa đến các xung đột, phản kháng xã hội (theo thống kê báo chí có trung bình khoảng 500 vụ mỗi ngày); vấn đề tranh chấp ruộng đất; các bất cập trong xã hội trong lĩnh vực y tế hay dưỡng lão v.v.
Nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nếu Trung Quốc có chính sách nhằm ổn định và phát triển toàn vùng Đông Nam Á. Nhưng do nhu cầu phục vụ kinh tế và cùng với chính sách bành trướng bá quyền, Trung Quốc đã lấn chiếm biển, đảo ở Biển Đông, gây xung đột với hầu hết các quốc gia trong vùng. Trung Quốc đã từng tuyên bố rằng ranh giới quyền lợi của Trung Quốc trên biển kéo dài xuống đến Ấn Độ Dương, tức sẵn sàng tranh chấp với cả Ấn Độ. Do các biến cố dồn dập ở Trung Đông nên vấn đề Đông Nam Á ít được quan tâm hơn kể từ sau vụ tranh chấp quần đảo Ðiếu Ngư (Senkaku) giữa Nhật và Trung Quốc. Nhưng báo chí quốc tế đã xem đây là một trong những điểm nóng của thế giới.
So với Hoa Kỳ hiện nay, tiềm năng quân sự về mặt vũ khí và tài chánh của Trung Quốc hãy còn thua xa mặc dù Trung Quốc có quân số nhiều hơn. Trong năm 2012 Trung Quốc cũng đã rầm rộ ra mắt tàu sân bay đầu tiên của mình. Hoa Kỳ hiện có mười một chiếc. Trong vùng Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc xem như khu vườn sau nhà mình, Hoa Kỳ có những căn cứ quân sự ở Nam Hàn và Nhật với hàng chục ngàn binh sĩ. Nhưng điều quan trọng hơn là trên thế giới, Hoa Kỳ có khoảng 40 đồng minh quân sự có thể hỗ trợ Hoa Kỳ trong chiến tranh, Trung Quốc chỉ có một đồng minh duy nhất là Bắc Hàn. Những quốc gia trong vùng liên hệ với Trung Quốc về mặt ngoại giao và chánh trị vẫn luôn e dè Trung Quốc. Điển hình là Việt Nam, quốc gia trải qua nhiều kinh nghiệm lịch sử xương máu với người láng giềng phương bắc. Mặc dù hiện nay bị lệ thuộc vào kinh tế, không dám phản ứng mạnh khi lãnh hải và lãnh thổ bị Trung Quốc xâm chiếm, chính sách ngoại giao bị Trung Quốc áp đặt và nhất là phải cố bám vào Trung Quốc để có thể giữ vững chế độ Cộng sản, nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng vẫn tìm cách để có một nơi ẩn nấp dưới tàn dù an toàn của Hoa Kỳ. Nhưng nếu Trung Quốc vì lý do thỏa mãn nhu cầu tài nguyên, dầu hoả, khí đốt v.v. nhằm phục vụ cho nền kinh tế của mình mà gây xung đột trên biển Đông và bất ổn trong vùng thì nền kinh tế của Trung Quốc có tiếp tục phát triển như ông Subramanian đã tiên đoán chăng? Hoặc Trung Quốc sẽ rơi vào hoàn cảnh như nước Nhật trong Thế chiến thứ hai?
Sơ lược qua vài điều liên hệ đến văn hóa, nhân quyền, kinh tế, xã hội, quân sự của Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là có thực sự thế kỷ XXI là "thế kỷ của Á Châu" hay không? Dựa trên những nền tảng nào cho những cải cách chính trị và xã hội để Trung Quốc đạt được phẩm chất lãnh đạo mang tính đạo đức cao hơn phẩm chất lãnh đạo của Hoa Kỳ? Mô thức nào mà Trung Quốc sẽ có để thế giới có thể hướng về và thực sự an tâm nằm trong bóng mát của cường quốc kinh tế này? Và nếu mô thức đó được phác họa và đặt nền tảng, lãnh đạo Trung Quốc có đủ quyết tâm và ý chí để thực hiện hay sẽ cầm tù những người đề ra như trường hợp Linh Bát Hiến Chương? Măc dù đã kêu gọi đừng để mất nhiều thời gian trong việc thực hiện các cải cách, cựu tổng bí thư Hồ Cẩm Ðào đã tuyên bố trong Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18 vừa qua: "Con đường xã hội chủ nghĩa với các đặc tính Trung Quốc phải được tiếp tục bảo tồn".
Nhìn sang năm 2013, người Việt Nam trong và ngoài nước, nhất là giới trẻ, hằng quan tâm đến vấn đề đất nước tất biết rằng chúng ta sẽ phải đầu tư trí tuệ và hành động cho mô thức nào của quê hương Việt Nam trong tương lai.
Nguyễn Trung