Hoàng Đức Phương


Một ý kiến về dự án thành lập Câu Lạc Bộ Văn Hóa Hải Ngoại

 

– Tại sao người Việt lập cư nước ngoài lại có nhu cầu bảo tồn và phát huy văn hóa dân Việt?
– Sinh hoạt ra sao để đạt được mục đích mong muốn?

Đó là hai vấn đề mà tôi xin được đưa ra đây để chúng ta cùng nhau thảo luận sao cho có một trung tâm Văn Hóa Việt có tầm vóc đại học nhân văn (học làm người), tương xứng với người và phù hợp với thế toàn cầu hóa đang đi tới.

 

A.- Nhu cầu

1.- Nhận định

– Người Việt Hải Ngoại không bị chi phối bởi bất cứ đường lối chính trị nào cả, vì thế nên cái nhìn của họ dễ trung thực nếu họ thực tâm muốn giải quyết nan đề của dân tộc.
– Con cháu chúng ta sẽ có quê hương thứ hai nếu chưa muốn chối bỏ nguồn gốc của mình. Tức là hòa nhập vào xã hội tiếp cư nhưng không bị hòa tan để mất căn cước của mình. Buồn cho những người không còn căn cước, khác chi những đứa con hoang.
– Chúng ta đang có mặt trên khắp năm châu. Đây là một lợi điểm mà người xưa không có, mà người xưa có muốn cũng không làm được.
– Nếu có ý chí thì chúng ta có thể góp phần của mình để đem an bình đến cho nhân loại, trong đó có sự an bình của chúng ta va thế hệ kế thừa.

Nói cách khác là: Con cháu chúng ta sẽ giữ vai trò sứ giả hòa bình cho nhân loại. Không làm được là tại vì không muốn làm chứ không phải vì thiếu thông minh, thiếu trí tuệ hay thiếu khả năng và phương tiện.

Thật vậy, dân Việt tự hào là thông minh không lẽ lại chịu thua kém người? Bằng chứng là đầy dẫy những người gốc Việt đã được vinh danh bên Mỹ, bên Úc vì xuất chúng trong ngành nghề của họ. Sở dĩ được như vậy là vì họ sinh sống trong môi trường thuận lợi cho sự phát triển con người, hơn nữa thành thạo tiếng nói địa phương nên dễ hòa nhập với người.

Vậy thì không lẽ chúng ta (người Việt Hải Ngoại đủ mọi thế hệ) lại không thể đề ra được một dự án hữu hiệu và khả thi để giải quyết vấn nạn chung của nhân loại hay sao? Đây là mơ ước thứ hai sau khi đã kết hợp được dân tộc trong thế hòa đồng chung bằng Văn Hóa Việt. Không kết hợp được thì chẳng làm được chi ráo trọi. Phần này xin được nói sau.

Thế nào là người Việt?

– Không phải cứ mang dòng máu Việt, nói tiếng Việt là đương nhiên thành người Việt.
– Người Việt là người phải có Tâm Việt và Hồn Việt thì mới cảm nhận và thấu hiểu tim óc người xưa qua bút tự lưu truyền được, đồng thời mới có khả năng truyền đạt kinh nghiệm và tâm hồn của mình cho thế hệ kế thừa.

Vậy thì

– Không phải chỉ sống trong nước Việt mới là người Việt.
– Mà cũng không phải đã là người Việt rồi thì không có trách nhiệm gì đối với xã hội tiếp cư và cộng đồng nhân loại.
– Người Việt phải biết sống cho mình và sống cho người.

Do đó

– Đã trót sinh ra làm người Việt thì phải cố gắng trở thành người Việt tốt cái đã, còn không thì chẳng thành người gì tốt được cả.
– Muốn thành người Việt tốt thì phải thấm nhuần Văn Hóa Việt, vì đó là cái vốn của mỗi người dân Việt trước khi lao đầu vào xã hội để tranh đua cùng người. Muốn thấm nhuần văn hóa dân tộc nào thì phải thấu triệt lịch sử của dân tộc đó.

Thật vậy

– Ta không thể đi xây dựng đất nước cho người mà lại đi phỉ nhổ và chối bỏ cội nguồn của mình như ông Hồ Chí Minh và đảng Việt cộng chẳng hạn. Lúc đó thì ta làm nô lệ cho người mà không hay, còng lưng đi tàn phá đất nước của mình để xây dựng đất nước cho người. Con người đó làm gì còn tự hào dân tộc để ngửa mặt nhìn đời nữa!
– Bút tự tuy ký thác tâm hồn người Việt nhưng nó mang tâm trạng chung của đại đa số người dân sống trong xã hội lúc đó. Có như vậy thì bản văn đó mới được tiếp tục lưu truyền trong dân gian và xếp vào loại văn học được.

Tỷ dụ người viết có quan tâm và lo lắng đến vận mạng của dân tộc, của đất nước thì mới có bản văn như: Bình Ngô Đại Cáo, Hịch Tướng Sỹ, Rồng Tiên Khai Quốc, Tiết Liêu, Xưng Hô, tình nghĩa vợ chồng qua chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu, Phạm Công Cúc Hoa, Trầu Cau và vô số chuyện truyền tụng trong dân gian như Thạch Sanh, An Tiêm, Tiên Dung, Trương Chi…

Những bản văn này bắt buộc phải làm rung cảm được Tâm Hồn của tuyệt đại quần chúng thì mới được lưu truyền từ đời này qua đời khác, còn không thì đã tắt ngúm từ lâu rồi.

2.- Nhu cầu thành lập Câu Lạc Bộ Văn Hóa Hải Ngoại (CLBVHHN)

Muốn là người Việt tốt thì bắt buộc phải biết lịch sử Việt một cách đầy đủ và trung thực, phải biết văn hóa Việt gốc thì mới có thể kếp hợp với nhau trong thế hòa đồng dân tộc để xây dựng xã hội với các yếu tố cần thiết thì xã hội mới bền chặt được. Nhất là phải thấm nhuần các học thuyết giữ nước của xã hội Văn Lang theo tiêu chuẩn:

Kết hợp bằng Tâm, cư xử với nhau bằng Đức
Bình đẳng tột cùng, thân thương tột độ.

Đó là quan niệm của nếp sống nông nghiệp, tức nếp sống của dân Việt đã có từ ngày lập nước Văn Lang (gần 5.000 năm rồi).

Còn quan niệm của nếp sống Du Mục là:

Kết hợp với nhau bằng tiền, cư xử với nhau bằng lý.
Bình đẳng trước Pháp Lý.

Nhưng Công Lý lại tùy thuộc ông quan tòa!

Nếu chưa cảm nhận được những điều này để có phản xạ đồng thuận trước một sự kiện xảy ra thì lúc đó Hồn Việt đã lãng quân nên Tâm Tư bất an, Tinh Thần thác loạn. Nhìn đâu cũng thấy dân Việt là dở, cái gì của người cũng hay cũng đẹp. Từ đây đến Vọng Ngoại, Tự Ti và nguyền rủa Tổ Tông không bao xa.

Hãy nhìn lại tư tưởng thế hệ đã qua thì rõ, nhất là con người Cộng Sản đang nắm quyền ngày hôm nay và phản ứng của họ trước vụ Hoàng Sa, Trường Sa và rước đuốc Bắc Kinh vừa qua.

Tại sao cũng chủ thuyết Cộng Sản mà dân Pháp, dân Mỹ, dân Anh không bị sa bẫy mà chỉ có những dân tộc u tối vì bị nô lệ ngoại bang mới bị sa lầy?

Nếu quả thực đó là nguyên nhân đưa đến sự tiêu vong thì chúng ta không có cách gì tốt hơn là: Mau mau phục hoạt lại nền văn hóa dân tộc để thoát cảnh tù túng tâm hồn và tụt hậu vật chất.

Quy luật sống trong xã hội loài người

Từ cổ chí kim, từ đông sang tây xã hội loài người chém giết lẫn nhau chỉ vì sự hiếu thắng (tức khí) hay lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản của con người mà ta gọi là Mặt Trận Kinh Tế .

– Sức lao động chân tay và trí óc của con người cũng là một phương tiện sản xuất, nó thuộc về địa hạt Kinh Tế nên mới phát sinh ra dân nô lệ: còng lưng đi làm cho kẻ khác hưởng.

– Đất đai cũng thuộc về phương tiện sản xuất nên mới có sự lấn đất giành dân.

– Ngày xưa truyền thông chưa phát triển nên loài người chỉ có ba mặt trận là:
a) Văn Hóa : Dùng để kết hợp dân tộc trong thế hòa đồng (hợp quần tạo sức mạnh).
b) Chánh Trị : Dùng để áp đảo đối phương tự ý nhượng bộ.
c) Quân Sự : Dùng để ép buộc đối phương phải nhượng bộ.

Vì nhu cầu ăn cướp quyền sống nên sau khi đặt được nền thống trị rồi thì kẻ xâm lăng lập tức tìm ngay cách để cách ly hay tiêu diệt nền văn hóa của kẻ bị trị, và đồng thời thay thế vào đó bằng một nền văn hóa nô dịch, ngu dân, biến kẻ bị trị thành thấp hèn, ngu xuẩn để cai trị cho dễ. Lịch sử đã chứng minh điều này ngay từ thời nô lệ Tàu cho tới nay vẫn không thay đổi.

Thật vậy
– Muốn nói đến độc lập thì trước tiên phải nói đến độc lập Tư Tưởng cái đã.
– Mà Tư Tưởng lại là cốt lõi của Văn Hóa.
– Mà Văn Hóa thì lại luôn luôn biến đổi để phù hợp với cách sống văn minh khoa học.
– Trong khi đó thì khoa học luôn luôn thăng tiến không ngừng vì con người luôn luôn muốn cải thiện đời sống.
– Vì cuộc sống luôn luôn thăng tiến nên con người bắt buộc phải có tinh thần Cầu Tiến , nếu muốn tồn tại . Ý nghĩa này nằm ngay trong danh xưng Việt của chúng ta. Việt có nghĩa là vượt qua mọi trở ngại để thăng tiến cùng người.

Tư tuởng này đã được cha ông ký thác trong truyện Rồng Tiên Khai Quốc, trăm trứng trăm con để nhắc nhở con dân đất Việt hãy luôn luôn cố gắng đừng để tụt hậu trong xã hội loài người. Chuyện Rồng Tiên diễn tả trận chiến 20 năm khắc nghiệt giữa lãnh vương vùng Lạc Việt (Quảng Đông ngày hôm nay) tên là Câu Tiễn (600 tr.CN) và vua Phù Sai của nước Ngô (Phúc Kiến, Hàng Châu và Hồ Nam ngày hôm nay).

Muốn thoát khỏi nô lệ triền miên thì dân bị trị có nhu cầu kết hợp trong thế hòa đồng để tạo sức mạnh Tâm Linh (tức trí tuệ, mưu lược, dũng cảm, quyết tâm).

Muốn có kết hợp vững bền thì phải cố gắng phát huy nền Văn Hóa của mình trước khi đánh bại kẻ thù. Đó là lý do để kẻ thống trị quyết tâm hủy diệt văn hóa và ý chí vùng lên của kẻ bị trị.

Xét vậy thì chúng ta có nhu cầu xây dựng CLBVHHN để kết hợp lòng dân trong thế hòa đồng thì mới hy vọng thoát khỏi được mối nhục tụt hậu ngày hôm nay.

Tại sao lại là người Việt Hải Ngoại chủ động mà không phải là người trong nước đề xướng? Xét rằng công tác này ai làm được thì cứ làm, chẳng cần phải khiêm nhường chờ đợi người khác đề xướng rồi mới phụ họa.

Hơn nữa trong nước đã và đang bị nhồi sọ bằng nền văn hóa nô dịch Mác Lê với khẩu hiệu: con người là công cụ sản xuất cho đảng Cộng Sản Nga Tàu hưởng để rồi ca tụng:

Trăm năm trồng người, người thành công cụ
Luồn cúi Nga Tàu khinh rẻ tổ tông!

Vậy thì nhiệm vụ của người ngoài vòng kiềm tỏa là tháo gỡ sự u tối trong đầu kẻ bị trị thì mới cứu được nhau thoát khỏi hiểm họa tiêu vong này..

Trong suốt chiều dài của lịch sử, chưa bao giờ dân Việt lại hèn kém và tủi nhục như ngày hôm nay. Xuất cảng Lao Nô để làm nô lệ tình dục cho người dưới mỹ từ “cô dâu Đài Loan, Hàn quốc” hay “Hợp Tác Lao Động Quốc Tế” để các cô gái Việt chưa tròn 30 đã được rao bán trên mạng điện tử với 3.000 Mỹ kim. Đó là cái nhục của dân tộc cần phải xóa bỏ.

Người trong nước thì bị môi trường làm thui chột, trong khi đó người Việt Hải Ngoại lại có rất nhiều điều kiện thuận lợi để làm công tác này. Thứ nhất là truyền thông thuận tiện, thứ hai là tài chánh dồi dào.

Nếu chúng ta không làm thì chẳng ai có thế thay thế chúng ta được. Không lý ta lại đi thỉnh ông Tây ông Mỹ về nhà dạy con cháu chúng ta cách xưng hô, xuất phát từ danh từ Đồng Bào va quy luật âm vận của tiếng Việt, mà ngay chính chúng ta cũng không biết nếu chưa nghiên cứu nguồn gốc của sự kiện. Nhờ họ thì khác, chỉ thay đổi chủ, còn thân phận nô lệ vẫn hoàn nô lệ.

Nhìn lại lịch sử nô lệ thì chúng ta thấy rõ ràng:

– Ngàn năm nô lệ Tầu tinh thần giành tự chủ chưa bị tê liệt bằng trăm năm nô lệ Tây Phương.
– Mà trăm năm nô lệ Tây Phương tinh thần tự chủ chưa bị băng hoại bằng 60 năm nô lệ tư tưởng bác Mác, bác Lê và bác Mao để hãnh diện được làm nô lệ cho người. Nhìn vụ Hoàng Sa và Trường Sa đang xẩy ra thì thấy.
– Nếu thực tâm muốn cứu nguy dân tộc thì đừng tự dối lòng mình.

Vậy thì, chúng ta có thể làm được gì?

Tuy không có khả năng thay đổi toàn diện, lấp biển vá trời, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều điều để từ từ chuyển hóa tâm thức của toàn dân Việt để tạo thế kết hợp cái đã.

Trước hết là khôi phục lại Tâm Việt và Hồn Việt để nâng cao ý chí dấn thân rồi mới nói tới lịch sử và văn hóa dân tộc để thấy sức mạnh tâm linh của dân Việt chưa hề được khai thác đúng mức. Sau đó mới phân tích các học thuyết cứu nước của người xưa trong hoàn cảnh nguy khốn để rút kinh nghiệm cho bài toán ngày hôm nay.

Ngoài ra, muốn giải bài toán tụt hậu thì phải thẩm định bối cảnh lịch sử toàn cầu ngày hôm nay. Sau đó mới có thể đề ra những phương án cứu nguy dân tộc như đấu tranh bất bạo động để khóa súng kẻ thù, né tránh bạo lực, khai thác công lý với sự hỗ trợ của dư luận quốc tế, nhất là cơ quan truyền thông và phối hợp với các dân tộc cùng hoàn cảnh để tạo sức mạnh chung. Cao hơn thì gọi là học thuyết, kế sách hay sách lược đấu tranh để giành lại quyền tự chủ.

Đấu tranh bất bạo động để quật ngã kẻ thù đã có tự ngàn xưa như kế sách diệt Ngô (Bình Ngô Sách) của Quốc Sư Nguyễn Trãi với chủ trương mưu phạt Công Tâm; hoặc Toàn Dân Vi Binh của Đức Thánh Trần.

Phương thức đấu tranh bất bạo động chỉ khác nhau ở chỗ áp dụng mỗi thời mỗi khác, thiên biến vạn hóa. Ngày xưa không có lá phiếu nên phải dứt điểm bằng bạo lực, ngày nay có lá phiếu nên dứt điểm bằng “Diễn Biến Hòa Bình” mà Việt Cộng đang lo chuyển của ra ngoại quốc để chạy thoát thân.

Nên nhớ là thời nay chúng ta không đấu tranh đơn độc như thời nhà Trần, nhà Lê, không có giới tuyến hậu phương và tuyền tuyến một cách rõ ràng mà chỉ có chiến địa răng lược gài nhau mà thôi.

Nay Việt Cộng không còn tự do tung hoành như thời điểm thập niên 1980 nữa. Chúng muốn áp dụng bạo lực lắm, nhưng không được vì bối cảnh lịch sử đã hoàn toàn thay đổi. Vì thế nên người dân phải biết khai dụng lợi điểm thiên thời này cho đúng lúc.

Nguyên nhân suy thoái

Chúng ta có ai nghĩ rằng tinh thần bảo vệ Đế Chế chứ không bảo vệ sức sống của dân tộc lại bắt nguồn từ đường lối chính trị của vua Lê Thánh Tôn hay không?

Thật là oái oăm, nhà Hậu Lê đã dựa vào mặt trận Văn Hóa để tạo chiến thắng Quân Sự lẫy lừng. Ấy thế mà ngay sau khi chiến thắng oanh liệt lại là lúc Văn Hóa bắt đầu suy đồi, tư duy bắt đầu lạc hướng.

Có ai nghĩ rằng Mạc Đăng Dung là người đã có viễn kiến hướng về ngoại thương, canh tân tư tưởng dân Việt để bắt kịp văn minh kỹ thuật Tây Phương không? Rất tiếc thất bại là vì tư duy lạc hướng của toàn dân bắt nguồn từ đường lối chánh trị của vua Lê Thánh Tôn: Bảo vệ Đế Chế.

Mấy ai đã biết nỗi ưu tư và sách lược Canh Tân con người của Ngô Thì Nhiệm?

Mấy ai đã biết chương trình Phục Việt và Liên Minh Châu Á (Việt, Tầu và Thái) của Hoàng Đế Quang Trung và vua Càn Long?

Ai cũng nghĩ rằng anh em Tây Sơn tranh ăn nên bất hòa, mà sự thực là bất đồng chánh kiến nhưng vẫn hòa đồng tư tưởng kiến quốc an dân.

– Nguyễn Nhạc thì chủ trương bình định miền Nam trước, thống nhất đất nước sau.
– Còn Nguyễn Huệ thì chủ trương thống nhất đất nước trước, bình định miền Nam sau.

Hai đường lối đều đúng với hai cái tài quản trị đất nước của hai người.

Vì Nguyễn Huệ qua đời quá sớm nên nhà Tây Sơn thất bại và kéo theo cái nhục của dân tộc. Từ đó tinh thần vọng ngoại càng lúc càng sâu đậm nên mới có nghịch cảnh ngày hôm nay.

–Sau khi đã phân tích nguyên nhân suy thoái thì nay chúng ta phải làm gì?

– CLBVHHN có góp được phần nào chăng trong vấn đề giải tỏa tư duy lạc hướng không?

Lợi khí

Truyền Thông và Vận Chuyển là hai lợi thế mà ngày trước chưa có. Vậy thì chúng ta lợi dụng hai vũ khí này ra sao để có lợi ích cho việc tìm hiểu và phổ biến nền Văn Hóa Việt?

Sức mạnh của Truyền Thông và Vận Chuyển

Cục diện đã hoàn toàn thay đổi

– Nhờ truyền thông và di chuyển nên mọi bưng bít thông tin đều bị phá vỡ, không còn sự khoanh vùng để người mạnh ức chế người yếu nữa. Không còn độc quyền giáo dục với chánh sách ngu dân để bốc lột cho dễ.
– Giải pháp quân sự không giải quyết được nạn nhân mãn. Nó chỉ làm bần cùng hóa nhân loại mà thôi.

Lý do: Bom đạn chính xác đến độ chỉ có thể phá hủy toàn bộ phương tiện sản xuất để ép người phải theo mình. Sau đó kẻ thua thì tỵ nạn kinh tế sang nước thắng trận để lập nghiệp. Kết quả là chỉ thay đổi được người lãnh đạo theo ý muốn chứ không thay đổi được cuộc sống của người dân. Rút cục thắng thành thua.

Trong tương lai, toàn cầu hóa sẽ đi đến một ngôi nhà hoàn vũ chung mà quốc gia chỉ là một vùng tự trị hành chánh mà thôi.

Ở đâu dễ sống là người ta bu tới. Do đó Liên Hiệp Quốc đang hô hào tôn trọng tất cả các nền văn hóa của mọi sắc dân, để sau cùng giao lưu thành một nền văn hóa của loài người thì mới vĩnh viễn xóa bỏ mọi xung đột bằng bạo lực được. Trái đất là Thiên Đàng mà không biết hưởng!

Vì thế nên dân nào phát huy kịp thời bản sắc của mình thì dân đó có chân đứng trong ngôi nhà hoàn vũ; còn chối bỏ nền văn hóa của mình thì sẽ bị đào thải theo luật thiên nhiên như rác rưởi trôi theo sông biển, lúc hợp lúc tan, sống không có định hướng.

Thực vậy

Nếu dân số cứ gia tăng, môi sinh cứ bị phá hủy, khí quyển cứ nóng dần thì nước biển sẽ dâng cao, đất sống sẽ bé dần.

Lúc đó không những nguồn nước khô cạn và ô nhiễm mà còn thiếu luôn cả không khí để thở nữa. Nều không mau mau tìm biện pháp để chung hưởng hạnh phúc thì những điều trên sẽ tới trong vòng một trăm năm nữa thôi. Khoa học đã từng báo động nhiều lần rồi.

Công dụng của nền văn hóa Việt

Xét rằng nền văn hóa Việt gốc có khả năng giải quyết vấn nạn của nhân loại, chẳng nhiều thì ít, ta nên khai dụng.

Biết sự hữu dụng rồi thì phải phổ biến để mọi người cùng áp dụng.

Hiện nay môi trường phát huy tốt nhất là sinh hoạt các hội đoàn, đảng phái của người Việt ở khắp năm châu.

Nay chúng ta có mặt ở khắp năm châu, mang quốc tịch của các nước tân tiến nhất nhì trên thế giới, tiếng nói có nhiều lợi điểm vì ta lấy tư thế của người dân sở tại nên dễ được lắng nghe. Thế hệ chúng ta có thể nói bập bẹ hay không thoát ý tiếng sở tại, nhưng con cháu chúng ta không gặp những khó khăn này vì chúng mang hai quốc tịch: Quốc tịch gốc Việt và quốc tịch nơi sinh. Điều này mỗi ngày mỗi rõ nét. Do đó vấn đề canh tân tư tưởng và thay đổi tư duy là cần cho sự sinh tồn của dân tộc.

Ngoài vấn đề canh tân tư tưởng, thay đổi tư duy còn phải bảo vệ và phát huy bản sắc của mình để có thể đứng trong cộng đồng nhân loại.

Vì thế cho nên chúng ta có nhu cầu thành lập Câu Lạc Bộ Văn Hóa Hải Ngoại càng sớm càng tốt.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nghĩ tới. Đã có nhiều người bắt tay vào việc rồi nhưng chưa thành công vì lắm chông gai, vì lòng người chưa thức tỉnh, vì đại đa số chỉ than trách, nguyền rủa, làm thì ít mà chỉ trích vô tội vạ thì nhiều.

Đôi khi còn xảy ra hiện tượng người không có kinh nghiệm lại lên mặt dạy những người dấn thân cho đại cuộc. Chẳng khác chi ông kỹ sư đi dạy ông bác sĩ về môn y khoa mà chính ông ta chưa hề theo học y khoa lấy một buổi.

 

B.- Sinh hoạt

Có rất nhiều phương thức sinh hoạt, riêng tôi xin đưa ra một vài cách sinh hoạt để chúng ta cùng nhau thảo luận. Vạn sự khởi đầu nan.

1.- Sinh hoạt nội bộ

Tạo những buổi họp định kỳ bằng SKYPE do một người điều động và một người làm biên bản lưu trữ để có thể tra cứu sau này. Biên bàn này sẽ cho vào CD theo số thứ tự cùng với chủ đề sinh hoạt.

2.- Truyền bá

– Viết sách giáo khoa để cung ứng cho các hội đoàn muốn có sinh hoạt Văn Hóa Việt.
– Dịch sang các tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh và Pháp để con cháu chúng ta hấp thụ trọn vẹn tư tưởng Việt, hấp thụ cách suy nghĩ và nếp sống của người Việt.
– Chuyện các em học tiếng Việt sẽ tính sau. Không thể vì tiếng Việt ngô ngọng mà không được quyền biết đến lịch sử, biết đến nếp sống và hào khí của tổ tiên chúng.
– Tổ chức những khóa giảng về Văn Hóa Việt có thu hình và ghi âm. Sau đó chuyển qua CD hay DVD để phổ biến và gây vốn tiếp tục chương trình.

Các chương trình giảng dạy hay phổ biến này sẽ giúp chánh quyền sau này có tài liệu dồi dào để soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục học đường và quần chúng để thay thế cho chương trình giáo dục Mác Lê trái với tinh thần tôn ti của dân Việt qua nếp sống làng xóm và cách xưng hô đã thành nếp từ gần 3.000 năm nay rồi.

Bất cứ triều đình nào, dân chủ hay độc đoán, nếu muốn người dân giữ nước thì bắt buộc phải giảng dạy khóa Nhân Văn Việt Tộc, tức học làm người Việt.

Chỉ có chánh quyền nô dịch, sống nhờ thế lực ngoại bang mới hủy diệt chương trình học làm người Việt (tức Nhân Văn Việt Tộc).

– Không cần phải đợi khi nắm quyền mới có thể giáo dục con em được.Vậy tại sao chúng ta không làm ngay từ bây giờ?

– Ở hải ngoại có ai cấm chúng ta làm công tác này đâu? Có ai cấm chúng ta dạy con cháu mình lịch sử Việt, Văn Hóa Việt, Tư Duy Việt (cách suy nghĩ), Tiếng Việt đâu?

– Không làm hay chưa làm là vì chúng ta thờ ơ với vận mạng dân tộc, sống chết mặc bây ta thụ hưởng cái đã. Đó là tư duy lạc hướng để mạnh ai nấy sống.

– Trước đây cũng đã có nhiều người đề xướng và bắt tay vào việc này, nhưng chưa được toại nguyện thì đã qua đời.

– Muốn cho nhiều người tham gia thì tôi nghĩ chúng ta nên soạn thảo sơ lược lịch sử Tư Tưởng dân Việt và bộ Việt Học Toàn Thư để làm căn bản cho sự tìm hiểu chánh xác về nếp sống tâm linh và vật chất của toàn dân Việt, về cách suy nghĩ và hành động nhân ái, đô lượng khoan dung của dân Việt

Những loại tài liệu sau đây có thể giúp chúng ta soạn thảo những bộ sách nói trên:
– Luật lệ của các triều đại đã qua.
– Ca dao, tục ngữ, huyền thoại, bia ký, kiến trúc đình, chùa, miếu. Phong tục các làng.
– Lịch sử đồ gốm, đồ đá và đồ đồng cho chúng ta biết khả năng chánh xác về sự thay đổi của nền Văn Hóa Việt, trong đó có sự thay đổi cách suy nghĩ.

Những tài liệu trên là cái vốn quý để sáng tạo ra những đề án Canh Tân Con Người, xây dựng đất nước.

Canh tân con người tức Canh Tân Tư Tưởng và Thay Đổi Tư Duy sao cho ngang tầm thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mà mình là một thành viên.

3.- Xây dựng thế hệ tiếp nối

Làm cách nào để mở rộng tầm hoạt động, mọi người ưu tư đến Văn Hóa Việt có thể tham gia thoải mái, sau đó tiếp nối công tác này là điều cần phải lưu tâm. Mục này tôi chỉ xin đưa ra, chưa có ý kiến và đợi mọi người đóng góp.

 

Hoàng Đức Phương
sáng lập viên Hội Văn Hóa Việt Nam tại Pháp

 


Cái Đình - 2009 .