Hoàng Giang
Lòng tin của con người trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại
Hoa Kỳ và Liên Âu đang trải qua hai cuộc khủng hoảng Tài chánh và Kinh tế liên tiếp nhau 2008 và 2011.
Khủng hoảng năm 2008 bắt nguồn từ nợ tư, mà biến động lớn nhất là vụ khủng hoảng tín dụng địa ốc thứ cấp tại Hoa Kỳ. Khi thị trường địa ốc bị chựng lại, người ta mới phát hiện ra có nhiều nợ ‘khó đòi’, không riêng gì nợ cá nhân, mà còn do những ngân hàng và quỹ tín dụng đem những nợ này tái đầu tư trong thị trường tài chánh. Sụ chòng chéo của những món nợ khó đòi trên thị trường địa ốc đã dẫn đến sự phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ của tập đoàn tài chính Lehman Brother ngày 15/09/2008, với tổng trị giá tài sản năm 2007 là hơn 91 ngàn tỉ đô la. Nhiều gia đình không còn đủ khả năng trả nợ mua nhà, căn nhà bị nhà băng xiết đem phát mãi, kéo giá nhà xuống theo, cứ thế quay vòng. Hệ thống nhà băng Landsbanki ở Băng Ðảo quốc (Iceland) sụp đổ do ngân hàng chi nhánh Icesave đôn tiền lời tới mức không trả nổi. Khủng hoảng tài chánh năm 2008 đưa đến tình trạng các ngân hàng không còn tin tưởng nhau như trước nữa, với hậu quả là sự lưu thông tiền tệ giữa các ngân hàng bị ngưng trệ. Các ngân hàng cũng gắt gao hơn trong việc xét cho vay tiền mua nhà, sự khó khăn này một phần có tác động trên giá nhà và cho đến nay người ta vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì sáng tỏ trong thị trường địa ốc.
Năm 2011, khủng hoảng bắt đầu bằng nợ công. Chính phủ đối mặt với nguy cơ không trả được tiền công trái do thất thu thuế, hậu quả của suy trầm kinh tế cộng với mức gia tăng thất nghiệp (tăng chi giảm thu trong ngân sách quốc gia) và tiền lãi ở mức rất thấp. Một số quốc gia trong khối Liên Âu đang đứng trước nguy cơ phá sản, với Hy Lạp là nước mang rủi ro cao nhất, kéo theo sau đó là những quốc gia Ý (ngân sách quốc gia từ tháng 11/2011 đã đặt dưới sự giám sát của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF), Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha… Suy trầm kinh tế liên tiếp trong 3 năm khiến cho những quỹ hưu bổng thua lỗ trong việc đầu tư. Tại Hòa Lan, mức bảo đảm tiền hưu của những quỹ này đã xuống dưới 100% (tức là có nguy cơ không thể trả tiền hưu theo như lời hứa)… Những chỉ số trên thị trường chứng khoán lạc mất phương hướng, chao đảo mạnh mỗi khi có một dấu hiệu xấu, để rồi sau đó lại vọt lên mà không ai có thể tìm ra lời giải thích.
Phải chăng thế giới đang ở trên con sóng kinh tế tài chính?
Muốn tìm nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng hiện nay có lẽ ta phải lui lại hơn 60 năm, những năm trước khi thế chiến thứ hai chấm dứt (1944). Khi đó, qua thỏa ước Bretton Woods giữa đại diện của 44 quốc gia đồng minh, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế được thành lập, với quy định Mỹ kim là đơn vị tiền tệ căn bản trong hối đoái, mà Mỹ kim khi đó được bảo đảm bằng vàng (kim bản vị), theo một mức chuyển đổi được mọi thành viên ấn định. Khi đó tiền của các quốc gia trên thế giới được bảo đảm bằng quý kim (vàng, bạc), có những quốc gia định giá đơn vị tiền tệ của mình bằng một ngoại tệ mạnh (thí dụ đô la Mỹ).
Nhưng năm 1971, Hoa Kỳ chấm dứt chế độ kim bản vị của đồng Mỹ kim, thế giới chuyển sang một bước ngoặt quan trọng trong sinh hoạt kinh tế tài chính: giá trị của đồng tiền không dựa theo trị giá vàng mà được quy định trên sự tín nhiệm của đồng tiền đó trong mậu dịch quốc tế. Vì sức ép của thị trường, trữ lượng quí kim chỉ có hạn, các quốc gia lần lượt bỏ chế độ lấy quý kim làm bản vị mà chuyển sang hình thức đánh giá đồng tiền trên thị trường hối đoái thế giới qua trị giá tổng sản lượng của quốc gia, để rồi dần dà đến tình trạng hiện nay tại nhiều các quốc gia đã phát triển trên thế giới (Hoa Kỳ, EU) là đồng tiền được đánh giá qua mức tin cậy của dân chúng (trong nước cũng như với các nước có trao đổi mua bán) đối với đồng tiền đó. Chính sách này, cũng khởi thủy từ ý kiến của những cơ quan tài chính thế giới, mà dẫn đầu là Hoa Kỳ, cho phép chính phủ in một số tiền lớn hơn nhiều lần mức hàng hóa tương đương, đã đưa đến tình trạng hiện nay trên thị trường thương mãi tài chính: Tài sản của các công ty được đánh giá qua trị giá cổ phần, hay qua chương trình đầu tư trong tương lai. Giá cổ phiếu là một giá ảo, căn cứ trên mức độ tin cậy của thị trường vào công ty đó. Giá trị của chương trình kế hoạch đầu tư trong tương lai cũng là một lời hứa, những biến động bất chợt của thị trường có thể đột nhiên làm giảm hay tăng tiềm năng huy động vốn của hãng ngoài dự tính. Có thể chỉ vì một lý do không đâu, như trong mùa hè 2011 có những công ty tự dưng bị đánh tuột giá, nguyên do sau đó tìm ra là hiện nay có nhiều người chơi cổ phần đã lập chương trình cho computer tự động ra lệnh bán (hay mua) những cổ phần đã định trước khi mà giá thị trường giảm hay tăng ngoài mức chịu đựng của họ. Trong kỳ nghỉ hè, chỉ vài chiếc computer ra lệnh bán cổ phần, cũng làm giá cổ phiếu tuột xuống, với hệ quả là những computer khác ra lệnh bán tống bán tháo cổ phần tồn kho, càng bán giá càng giảm, đưa đến sự tuột dốc bất ngờ không cản kịp. Tóm lại, mọi giá trị trên thị trường hiện nay phần lớn dựa vào lòng tin của con người.
Nhưng tình hình ngày càng trở nên bấp bênh. Những công ty con sáp nhập với nhau thành những công ty lớn hơn, rồi thành những tổ hợp, tập đoàn có mạng lưới toàn cầu. Mỗi lần sáp nhập, doanh số tăng lên, doanh số tăng đưa đến giá trị cổ phần cũng tăng theo do bởi sự gia tăng tin tưởng nơi cách kinh doanh của công ty. Khi giá trị công ty tăng thì uy tín cũng sẽ tăng, dễ huy động vốn, dễ mượn tiền ngân hàng để ‘kinh doanh’ tiếp, có nghĩa là lại có thể nuốt thêm một số công ty nhỏ khác…, mặc dù mỗi lần công ty nhỏ bị nuốt là một lần có cải tổ nhân sự (sa thải nhân công) nhưng ít ai để ý. Cứ thế vòng quay lại tiếp tục, những đại công ty hiện nay đã sang tay với giá hàng chục tỉ đô la. Doanh số cũng tính bằng cả chục tỉ. GSK, công ty hoạt động trong lãnh vực thuốc men và săn sóc y khoa với doanh số năm 2010 là 28,4 tỉ bảng Anh, 93 ngàn nhân viên trong bộ phận kinh doanh trải rộng trên hơn 100 quốc gia. ArcelorMittal, tổ hợp sản xuất sắt thép lớn nhất thế giới, với sản lượng hơn 100 triệu tấn mỗi năm, khoảng 320.000 người, doanh số tăng từ 5,17 tỉ USD năm 2002 lên 89,28 tỉ USD năm 2008 (tức 16 lần – do khủng hoảng kinh tế năm 2008 doanh số năm 2009 xuống còn 65 tỉ) là những thí dụ của những tập đoàn công ty tương đối đơn giản. Còn trong ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư…, con số càng khủng khiếp hơn, nhưng cũng bí mật hơn, vì những công ty này đã trở thành những tập đoàn kinh doanh tài chính. Họ khôn khéo cắt sinh hoạt của mình thành từng phần, để dễ xoay trở mỗi khi gặp khó khăn (các phần trong tập đoàn không bị liên đới chịu trách nhiệm cho sự thua lỗ).
Ðằng sau những con số này là những gì mà những nhà tài phiệt và chủ nhân những cổ phần đang toan tính. Với họ, chỉ thuần có tiền lời và giá trị của cổ phiếu họ đang giữ là điều họ phải bằng mọi giá củng cố. Những cổ phiếu này mang giá trị của lòng tin ở thị trường vào kết quả kinh doanh của công ty trong hiện tại và hướng kinh doanh trong tương lai. Do bởi công ty lúc nào cũng muốn bành trướng qua việc nuốt những công ty nhỏ hơn, cho nên cần vốn. Tiền lời trả cho cổ phần chỉ là con số tượng trưng, gần bằng 0. Vì giá trị của cổ phần là giá của lòng tin, cho nên chỉ một tin nhỏ tung ra là công ty không thực hiện được kế hoạch kinh doanh, hay một lời báo trước của công ty là kết quả không đạt như kế hoạch đã đề ra cũng khiến cho cổ đông viên ‘trừng phạt’ bằng cách tống khứ cổ phần để chạy sang một công ty khác nhiều hứa hẹn hơn. Phản ứng dây chuyền khiến cho trị giá của công ty có thể trong một ngày tuột dốc. Cổ phần của Polycom, một công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ cung cấp phương tiện hội họp qua truyền hình (videoconferences), trong ngày 25/10/2011 mất 1/4 trị giá là một thí dụ điển hình. Tổ hợp nhà băng Dexia của liên quốc Pháp-Bỉ bị tuột dốc liên tiếp, có nguy cơ phá sản đã làm chính phủ nước này ngày 10/10/2011 phải ra quyết định bỏ 4 tỉ euro để mua một phần trong kế hoạch cứu vãn kinh tế, tức là qua đó tạo lại niềm tin vào Dexia nơi người dân, là đã có chính phủ đứng bảo đảm. Hành động này cũng nhằm chặn đứng rủi ro là chân lý ‘too big to fail’ (ý nói những cơ sở lớn tới mức không thể sụp đổ) sẽ không còn đúng nữa, thì hậu quả chẳng biết sẽ khủng khiếp bực nào.
Tóm lại, cả nền kinh tế hiện nay, được chỉ huy bởi hoạt động của thị trường tài chánh, phần lớn dựa vào niềm tin của người dân trên toàn thế giới. Nếu niềm tin giảm, kinh tế sẽ giảm. Nếu niềm tin mất, sẽ là đại họa. Lý do giản dị: tiền chúng ta đang cầm chính là lòng tin. Nếu lòng tin tiến đến con số không, tiền trở thành vô giá trị.
Nhưng lòng tin của con người trong thời đại hiện nay lại bi chi phối bởi một động lực khó nắm giữ: phương tiện truyền thông đại chúng qua mạng internet hoạt động song hành với hệ thống truyền thông chính thống của quốc gia. Thói quen của đại đa số quần chúng là thích nghe những chuyện giựt gân, những tin đồn mang tính tiêu cực. Phản ứng của quần chúng thường mang tính nông nổi, nhất thời. Phong trào Occupy Wall Street chiếm giữ khu phố quanh phố Wall ở New York và lan sang hàng trăm thành phố khác ở những quốc gia then chốt trong thị trường tài chính như London (Anh) , Madrid (Tây Ban Nha), Frankfurt (Ðức), Rome (Ý), Tokio (Nhật), Sydney (Úc), ngay cả ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ở Hòa Lan phong trào Occupy xảy ra ở Amsterdam, Den Haag, Heerlen, Rotterdam, Enschede, Zwolle, Maastricht. Trong tất cả những vụ biểu tình ngồi hay ngủ lều, người ta chỉ ghi nhận được sự phẫn uất của những người biểu tình khi họ cho là 99% dân chúng bị 1% còn lại (là các tập đoàn kinh tế tài chính, mà Wall Street là biểu tượng) lợi dụng qua những thủ đoạn lũng đoạn thị trường. Tuy nhiên, cho tới giờ này người ta chưa thấy những người ‘chủ trương’ (chưa rõ là cá nhân hay tổ chức nào) đề ra một hướng giải quyết khả thi. Khi Hy Lạp đứng trước nguy cơ phá sản, điều này được thấy rõ qua những chỉ trích về chế độ xã hội, hạn tuổi về hưu, chính sách thuế khóa, ngay cả chuyện tham nhũng mỗi năm mất 1 tỉ đô la tiền trợ cấp người già do những trường hợp từ trần mà không khai báo. Phải chăng những chuyện này không có khi EU tiến hành thủ tục xét duyệt cho Hy Lạp nhập khối EU? Hay cả EU đều biết mà vì lý do nào đó không công bố, vì hy vọng qua Hy Lạp người ta sẽ cản được làn sóng người tị nạn đến từ Bắc Phi bằng cách dồn chúng cho Hy Lạp giải quyết?
Bởi vậy EU bằng mọi giá phải cố gắng cứu Hy Lạp khỏi cơn khủng hoảng. Một quốc gia trong EU phá sản sẽ mang tới những hậu quả tai hại không ai đoán trước, mà trong trường hợp xấu nhất sẽ là sự mất vị trí then chốt của đồng euro trong thị trường mậu dịch quốc tế, tức là niềm tin vào đồng euro tan biến. Hy Lạp và các quốc gia trong khối G8, G20 đang chơi bài tháu cáy với nhau, còn những thành viên khác của Liên Âu cũng rõ bài toán hiện nay là bằng mọi giá phải giữ bình ổn đồng euro, cho dù phải chảy máu ngay tại quốc gia của họ.
Ðồng thuận có được giữa những quốc gia EU sau một cuộc họp suốt đêm đã đưa đến những biện pháp can thiệp cứu nguy kinh tế vào ngày 27/20/2011: cho Hy Lạp ‘xù’ 50% số nợ từ EU, tăng số tiền cho Hy Lạp vay thêm 100 tỉ, gia tăng trữ lượng của quỹ khẩn cấp EU lên 1000 tỉ euro… Khi đưa ra chuỗi những con số 0 này, chính phủ các nước EU chỉ muốn dùng nó để nâng niềm tin của người dân vào một Liên Âu còn đoàn kết và vững mạnh. Niềm tin này sẽ chuyển vào đồng euro làm nó vẫn gắng gượng giữ được vị thế mạnh trong mậu dịch quốc tế. Ít người chú ý vào con số thực: với 1000 tỉ euro người ta có thể làm một con đường nhựa chạy 25 vòng trái đất (nếu giá mỗi km đường là 1 triệu euro), và số tiền này sẽ từ đâu mà có ngoài hai cách: in thêm tiền, hoặc chỉ là lời hứa. Lời hứa này cũng mang giá trị như lời bảo đảm của ngân hàng trung ương “De Nederlandsche Bank” là tiền gửi ngân hàng của mỗi trương chủ sẽ được bảo đảm tới 100.000 euro cho mỗi trương mục, nó đặt trên căn bản là mức rủi ro một ngân hàng bị phá sản gần như 0. Tác dụng của nó là mang lại niềm tin cho mọi công dân Hòa Lan trước tin đồn ‘nhà băng X có nguy cơ sập tiệm’. Không ai nghĩ thêm chuyện gì sẽ xảy ra khi chân lý ‘too big to fail’ không còn đúng nữa, thí dụ tất cả mọi người có tiền gửi ở ngân hàng X đều đồng loạt rút tiền một lượt, thì chuyện gì sẽ xảy ra (Ðầu năm 2011 trên internet đã xuất hiện lời kêu gọi thử làm hành động này với một nhà băng ở Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng chuyện đó đã không xảy ra, trong ngày đó chỉ có chưa tới 10 người làm theo lời kêu gọi). Ðúng hơn, hiện nay mọi người đều tự trấn an là một cuộc đại khủng hoảng kinh tế tài chính giáng vào các nước tiên tiến, như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930, sẽ không xảy ra trong một tương lai gần, hay nếu có xảy ra thì sẽ không có tác động lớn đến cá nhân mình. Người ta phải cố tin vì thực ra mọi người đều cảm thấy bất lực. Và cũng chính vì thế, lòng tin bắt buộc phải tin sẽ là nhiên liệu giúp cho hệ thống kinh tế tài chánh – cũng như sinh hoạt xã hội hiện tại – tiếp tục hoạt động theo mô hình của nó hiện giờ, trước khi nó tự tan rã để chuyển sang một mô hình khác.
Hoàng Giang
(11/2011)