Hoang Giang
Hội nhập trong xã hội toàn cầu hóa
Hội nhập (của người nhập cư) được mọi người hiểu là cùng chung sống với dân bản xứ một cách hài hòa. Điều đó có nghĩa là những cung cách sống, ăn ở, giao tiếp... tuy có thể khác với văn hóa, phong tục của dân bản địa, nhưng vẫn tôn trọng một số qui luật chính của xã hội mà người nhập cư đang sinh sống. Sự khác biệt không được gây nên xung khắc trong giao tiếp. Hội nhập chỉ có thể đặt ra khi quốc gia dung chứa chấp nhận sự hiện hữu của người nhập cư như một thực thể, một thành viên của xã hội cần được tôn trọng.
Trên thực tế, hội nhập là một khoảng vô hình nằm ở giữa con đường với hai đối cực, một đầu là (bị/chịu) đồng hóa hoàn toàn, đầu kia là níu giữ hoàn toàn bản sắc riêng. Để có thể hòa hợp với nếp sống trong một quốc gia mới, người nhập cư phải từ bỏ một phần phong cách sống riêng có nguồn gốc từ bản sắc của dân tộc mình và chấp nhận thâu nạp một số ý niệm mới về xã hội, phong tục của xứ lạ. Đứng ở đâu trên con đường này, tùy thuộc vào hoàn cảnh, và tùy thuộc vào sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của hai quốc gia. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, hội nhập là một sự cho đi một phần cái riêng của mình để nhận lại một phần cái chung của quần thể xã hội.
Đòi hỏi một con người phải phân thân làm hai, một nửa sống trong môi trường văn hóa bản quốc trong gia đình, một nửa phải cố gắng uốn nắn cho giống ngườì bản xứ khi ra ngoài giao tiếp với xã hội, là một đòi hỏi quá mức nơi người nhập cư. Để có thể tồn tại, người nhập cư sẽ (từ vô thức) chọn lọc ra một số yếu tố mà cá nhân họ cho là không còn thích hợp, để đổi lấy một số đặc tính văn hóa của quốc gia đang cư ngụ mà họ thấy là cũng không làm phương hại nhiều đền nền văn hóa họ đã quen.
Trong tiến trình hội nhập của một sắc dân thiểu số, luôn luôn có sự giằng co giữa hai nhóm có khuynh hướng cực đoan đối chọi nhau: một nhóm luôn luôn hướng về quốc gia gốc và một nhóm chối bỏ quốc gia gốc của mình. Ở giữa là một khối đa số với phản ứng tùy theo hoàn cảnh cho phép, để có thể tồn tại. Với khối đa số này, tiến trình hội nhập nhanh hay chậm chỉ là một hệ quả của việc mưu sinh.
Trong tương lai, với sự tiếp diễn và lan rộng của tiến trình toàn cầu hóa, sự việc sẽ không còn đơn giản như trong mô hình xã hội hiện nay.
Con người trong tương lai sẽ không còn bị lệ thuộc nhiều vào nhưng giao tiếp với xã hội họ đang sống. Phương tiện truyền thông và di chuyển trong thời đại mới sẽ tiếp tục thu ngắn khoảng cách địa dư và làm mờ nhạt dần những dị ứng với văn hóa lạ. Ngoài ra xã hội sẽ nảy sinh những dịch vụ mới, nhằm phục vụ nhu cầu con người trong (gần như) tất cả mọi lãnh vực. Người ta có thể hoàn toàn không cần phải đi ra ngoài nữa. Tất cả mọi chuyện đều giải quyết trong phạm vi bốn bức tường với đầy đủ tiện nghi, nhắn tin bằng sms hay hội thoại (với hình ảnh trực tiếp) cùng gia đình, bạn bè ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trong khi đó vì nhu cầu phát sinh, sẽ có những dịch vụ mới nhằm lo lắng chu đáo mọi thứ, từ ăn uống, mua bán, y tế, giao dịch thuế má. luật pháp v.v.... Tất cả dịch vụ, nếu muốn, đều có thể qua truyền thông, chi tiêu đều qua nhà băng điện tử...
Khi đến tình trạng đó, rất có thể vấn đề hội nhập vào trong xã hội đang sống sẽ trở thành vô nghĩa. Thực ra, không phải vô nghĩa, mà là xã hội theo mô hình cũ (hàng xóm, làng xã, quốc gia: thấy tận mắt, nghe tận tai) đã trở thành xã hội ‘ảo' (cảm nhận qua đường truyền thông). Hơn nữa, chính quốc gia họ đang sống cũng sẽ phải đối đầu với vấn nạn hội nhập trong một thế giới mang tính toàn cầu. Ở những quốc gia ít người như Hòa Lan, thảm họa ‘mất bản sắc quốc gia' giờ đã chập chờn trước mắt.
Thời xa xưa, khi nhập cư tại một nước là chấp nhận chặt đứt mọi mối dây liên lạc với quốc gia gốc. Hoạ hoằn một lá thư gửi về quê hương (hay ngược lại). Nhưng trong thời đại toàn cầu, sự giao dịch và thông tin nhanh lẹ đã nuôi dưỡng quan hệ của người nhập cư với quốc gia chính gốc. Chính vì thế mà có những ‘ghetto kiểu mới' xuất hiện (do tự nguyện), và người sống trong những ‘ghetto' này đang đòi hỏi một thứ ‘quyền tự trị', một lãnh địa trong quốc gia. Sự thành hình và hiện hữu của mô hình xã hội này sở dĩ tồn tại và phát triển, vì trong cái ‘ghetto' này sẽ nảy sinh ra một thành phần giữ nhiệm vụ trung gian giữa ‘những người sống trong khu xóm ngoại quốc' và xã hội bên ngoài. Cả hai, xã hội bên ngoài và ‘khu xóm', đều cần đến nhau như một hợp tác để sinh tồn. Những khu Chinatown, Lombok, hay Little Saigon... có thể coi là những ví dụ.
Ngoài ra, do nhu cầu ràng buộc với xã hội không còn nữa, khuynh hướng cá nhân (thường được gọi là ‘cá nhân chủ nghĩa') sẽ dần phát triển. Mặt khác, ngoài thế giới thực sẽ có nhiều thế giới ảo cùng lúc hiện diện với sự phân bổ, khoanh vùng khác nhau.
Đến lúc ấy nan đề về sự hội nhập chắc chắn sẽ phức tạp và khó giải quyết hơn. Một cá nhân có thể có cuộc sống rất cô lập ở xã hội thực, nhưng lại hoàn toàn hội nhập ở một xã hội ảo nào đó. Để đối lại, xã hội sẽ có những thái độ cứng rắn hơn với người nhập cư, sự xung đột dưới tác động của truyền thông sẽ dễ bùng nổ thành bạo loạn mang tính tập thể.
Đây là điều mà chưa mấy người nghĩ tới. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nó sẽ tới. Phải chăng đây cũng là một lý do khiến vấn đề hội nhập ở Hòa Lan tuy nhiều lần được khơi dậy (mỗi khi có xung đột giữa những sắc dân) nhưng rồi lại nhanh chóng chìm vào quên lãng. Dường như người ta có linh cảm là những đối thoại theo hình thức hiện nay đã không mang lại kết quả như ý.
Hoang Giang