Hoàng Giang
Hoàng Sa - Trường Sa và Ðiếu Ngư, một vấn đề, hai thái độ
Ðầu tháng 9/2012, chính phủ Nhật tuyên bố đã mua một nhóm đảo nhỏ nằm giữa Trung Hoa Lục Ðịa và Nhật Bản từ một tư nhân. Nhóm đảo này có tên Nhật là Senkaku, tên Trung Quốc là Ðiếu Ngư.
Vài ngày sau, một nhóm người Trung Quốc đã đổ bộ lên quần đảo này, Nhật bắt giam họ rồi trục xuất về Trung Quốc.
Nổi giận trước hành động của Nhật mà Trung Quốc cho là một hình thức gây hấn, người dân Trung Quốc đã biểu tình ở gần 50 thành phố. Chính phủ Trung Quốc lên tiếng kết án Nhật xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.
Toàn bộ diễn tiến cuộc xung đột này làm những người Việt lưu tâm đến thời cuộc không khỏi đặt sự so sánh với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian vừa qua trong vụ tranh chấp biển đảo.
Năm 2009 Trung Quốc dựa vào tài liệu lịch sử đã tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ lấn sâu vào vùng biển Nam Hải thành một cái “lưỡi bò” liếm tuốt xuống phía nam, trong vùng này ngoài một diện tích biển còn bao gồm phần lớn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn là vùng tranh chấp của nhiều nước trong vùng, trong số đó Việt Nam có giữ nhiều bằng chứng nhất chứng tỏ là những đảo này thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Sau đó liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc đã tỏ thái độ gây hấn lộ liễu như cắt cáp thăm dò biển của tàu Việt Nam, bắt ngư dân Việt, tổ chức tập trận trong vùng, cho tàu chở người đến đóng ở một số đảo… Người dân Việt căm phẫn biểu tình, nhưng chính quyền không những không bày tỏ thái độ tôn trọng lòng yêu nước của họ mà còn qui cho những người biểu tình tội danh “tụ tập bất hợp pháp”, “gây rối an ninh”… Một số người đã bị bắt, những blog bị khóa, bloggers bị truy tố về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”… Chỉ cho đến khi làn sóng căm phẫn lên cao, chính phủ Việt Nam mới phản đối lấy lệ, mặt khác lại tổ chức những buổi “giải độc”, cho rằng phải giải quyết bằng thương thuyết, không nên biểu tình.
Ðồng ý. Chuyện căng thẳng giữa hai nước, trong trào lưu hiện đại, phải được giải quyết trước hết trong bàn hội nghị, hay qua phân xử theo công pháp quốc tế. Nhưng thật nghịch lý khi viện dẫn lý do này để đàn áp những người bày tỏ thái độ bất bình khi thấy ngoại nhân xâm nhập lãnh thổ mà cha ông họ đã đổ xương máu giữ gìn. Nơi người dân thường, nỗi bất bình này chẳng có liên quan gì đến việc phải tôn trọng tình hữu nghị, hay công pháp quốc tế. Anh là bạn tôi mà ngang nhiên vào nhà tôi cướp đồ đạc thì tôi phải la cho mọi người trong xóm biết, thế thôi. Hơn nữa, họ chỉ biểu tình trong ôn hòa, không hề sử dụng vũ lực. Trong thời đại smartphone, bất kỳ biến cố sôi nổi nào cũng có thể tìm thấy những khúc phim do người ngoại cuộc (và dĩ nhiên do cả người trong cuộc) quay và phát tán. Có ai thấy trên YouTube một khúc phim nào của người biểu tình ở Việt Nam dùng vũ lực chống lại an ninh không? Hay chỉ có những đoạn phim quay cảnh ba bốn nhân viên an ninh dùng vũ lực khống chế những người đang hô khẩu hiệu. Ít nhất, trong chuyện này, ta thấy một điểm son của chế độ: họ không dàn dựng một khúc phim giả cảnh người biểu tình gây hấn với công an cảnh sát.
Dĩ nhiên, ta có thể hiểu tại sao nhà cầm quyền Việt Nam hành xử như vậy. Nhìn ngược lại gần 70 năm trước, từ sự kiện Cách Mạng Tháng Tám 1945, một số đảng viên Cộng sản đã trà trộn trong đám người đang tụ tập bìểu tình chống Pháp để nửa chừng nhảy ra, giương cờ đỏ sao vàng chiếm lĩnh diễn đàn, và rồi sau đó họ cũng công nhận là đã “cướp chính quyền”. Ðã làm vậy, hẳn họ biết nguy cơ tiềm ẩn. Một nhóm người nào đó có thể cũng sẽ trà trộn trong đám biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm biển đảo mà phất cờ hô hào lật đổ chế độ. Gương Ai Cập, Syrië còn sờ sờ ra đó. “Ða nguyên”, “Dân chủ” nguy hiểm lắm, phải diệt ngay từ trong trứng nước, nhất là trong thời đại mà tin nhắn, Facebook đã dẫn tới những biến chuyển thời cuộc không ngờ ở những nước Trung Ðông. Ðây chắc hẳn mới là lý do chính khiến nhà nước Việt Nam ra tay triệt hạ những cá nhân nào có triển vọng lôi kéo được quần chúng theo mình.
Lý do chính thứ hai, thực tế hơn, nằm ở lãnh vực kinh tế. Hy sinh một vài cá nhân để quảng cáo cho thế giới thấy một Việt Nam an bình, một môi trường đầu tư kinh doanh tốt trong diễn tiến thị trường nhà đất, chứng khoán, khủng hoảng nhà băng… đang là nồi cơm sôi sục và có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào, đó là nỗ lực hiện tại của chính phủ Việt Nam.
Cho dù phân tích biện giải loanh quanh, người ta cũng không thể nào hiểu được vì sao cũng tranh chấp biển đảo với nước láng giềng, mà dân Trung Quốc hùng hổ biểu tình chống Nhật, đằng sau có chính phủ ủng hộ, phản kháng đích danh trên diễn đàn quốc tế, còn trong khi đó chính quyền Việt Nam yếu xìu, chỉ dám dè dặt loan tin “tàu lạ”, “người lạ” gây “vụ việc”, rồi khi người dân chỉ đích danh “thằng Tàu” thì hoảng hốt bịt miệng không cho nói tiếp?
Có những tin đồn đãi là vài nhân vật chóp bu trong Bộ Chính Trị đã bị Trung Quốc mua chuộc hay hù dọa bằng lá bài tẩy nào đó đã nắm được, nhưng tôi không tin lắm. Có vẻ Việt Nam đang tìm mọi phương cách không cho Trung Quốc mượn cớ để xua quân xâm chiếm, thí dụ như Trung Quốc có thể dựng chuyện hay kích động cho người Việt bạo động chống lại công nhân Trung Quốc đang làm trong những cơ sở kỹ nghệ hay quặng mỏ của họ, để họ nhân đó hô hoán lên và mang quân sang lấy tiếng “để bảo vệ cơ sở, nhân viên thi hành hợp đồng giữa hai quốc gia”, thì thành đại họa. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Nhưng chẳng lẽ lại nhịn nhục mãi như thói quen suốt một ngàn năm trường? Hơn nữa, trong thời đại này, chuyện gây hấn bằng vũ lực khó xảy ra, vả lại Trung Quốc cũng không cần thiết phải sử dụng đến ngón đòn có thể làm mất thể diện quốc tế như vậy. Chỉ cần cắt (hay giảm) lượng hàng hóa xuất sang Việt Nam là thấy hậu quả ngay, đòn này Trung Quốc vừa mới tung ra với Nhật trong vụ tranh chấp mấy hòn đảo Senkaku/Ðiếu Ngư vừa qua như một sự thăm dò.
Bởi thế, điểm khác biệt trong vụ tranh chấp biển đảo, giữa Tàu-với-Nhật và Tàu-với-Việt, chính là sự lệ thuộc kinh tế. Trung Quốc ho xuống phía nam là Việt Nam co rúm vì nhìn quanh chẳng có ai. Giữa thị trường Trung Quốc 1,3 tỉ dân với thị trường Việt Nam hơn 80 triệu, câu trả lời quá dễ. Trung Quốc ho sang phía Ðông, Nhật chẳng rúng động bao nhiêu vì họ có ràng buộc kinh tế chặt chẽ với nhiều nước trên thế giới.
Bởi thế Việt Nam đang đi tìm thế quân bình trong mối quan hệ hỗ tương kinh tế qua những nỗ lực kiếm đối tác ở Hoa Kỳ và Liên Âu trước khi quá muộn. Thế nhưng, mối đe dọa thực sự nằm ở lương thực. Trung Quốc đang dồn nỗ lực phát triển công nghệ mà bỏ lơ nông nghiệp, một phần do môi trường ngày càng bị tàn phá hủy hoại do công nghệ. Trong khi đó, hơn một tỉ người ngày càng đòi ăn nhiều và ăn sang hơn.
Hoàng Giang
(09/2012)