Hoàng Giang
Giải Trần Nhân Tông cho ai?
Giải Trần Nhân Tông năm 2012 sẽ được trao cho hai vị lãnh tụ đang được thế giới chú ý: Tổng thống Miến Ðiện U Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch đảng Liên Minh Dân Chủ Toàn Quốc Miến, đảng đối lập quan trọng nhất ở Miến Ðiện.
Tin này được một người bạn ở Hoa Kỳ cho hay vào đầu tháng 9. Ngày Viện Trần Nhân Tông ra mắt, tháng 4/2012, chính anh cũng là người đã sốt sắng báo tin mừng, là một viện mang tên Việt được thành lập ở Hoa Kỳ, có liên lạc với đại học Harvard v.v…
Thế nhưng khi tháng 9 sắp qua, sực nhớ lại, vội vào website của Viện để tìm xem hình ảnh lễ phát giải được diễn ra sao, và nhất là vì muốn biết bà Aung San Suu Kyi đã gửi gấm thông điệp gì trong diễn văn nhận giải. Giải mang tên Giải Thưởng Hòa Giải (Tran Nhan Tong Reconciliation Prize), trong thời gian gần đây. Còn ai xứng đáng nhận giải hơn là cặp Thein Sein – Suu Kyi. Ðang từ đối lập, chọi nhau chí choé, một bên quân phiệt độc tài, một bên vào tù ra khám, chợt nhận ra đất nước quan trọng hơn hết, cả hai đều một lượt mở vòng tay, tìm con đường hòa giải, cũng là con đường có thể sống còn của Miến Ðiện.
Thế nhưng – lại thế nhưng – cả một sự ngỡ ngàng. Tôi đã lùng khắp web http://trannhantong.net mà cũng không thấy hai điều muốn kiếm. Chỉ thấy vỏn vẹn tin là giải được trao vào ngày 22/9/2012. Vài ngày sau, sự thực đã hiển lộ: cả hai vị đều không đến nhận giải. Lý do được nêu ra là “do chương trình hoạt động bận rộn”.
Những ngày tiếp theo là một làn sóng tin rộ lên trên internet, đầy dẫy những thắc mắc về lai lịch các nhân vật chủ chốt của Viện Trần Nhân Tông và chuyện không trao giải. Hóa ra phần lớn những người Việt chủ chốt trong nhóm này đã từng là, hay vẫn là cán bộ gộc của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều nhân vật khi đọc trong tiểu sử chẳng thấy có gì liên hệ với Hòa giải, Yêu thương cả. Những người này chắc cũng mù tịt về vua Trần Nhân Tông, vị Phật hoàng, người sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm, nổi tiếng vì sau khi dẹp xong giặc, ngài đã bỏ hết triều đình cung điện để đi tu.
Giáo sư Thomas Patterson, Chủ tịch Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải trong buổi trao đổi với tờ báo Tuần Việt Nam đã nói: “Nhiều năm trước, tôi là một người lính Mỹ tới Việt Nam và tôi đã đem lòng yêu đất nước, con người và lịch sử của các bạn. Đó là thời điểm lần đầu tiên tôi nhận biết về Trần Nhân Tông, vị Vua đã hoàn thành được điều mà nhiều người không làm được: chiến thắng quân Mông Cổ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2010 tôi mới có được một sự hiểu biết đầy đủ về tầm vóc của ông khi tôi tới Việt Nam cùng vợ và có cơ hội thăm Yên Tử ở Quảng Ninh. Đó là nơi tôi bắt đầu ngưỡng mộ sự hy sinh không chút vị kỉ của ông đối với đất nước. Đó là sự vô tư không vị kỉ, sự khiêm tốn mà chúng ta tìm thấy ở cuộc đời Hồ Chí Minh hay George Washington.”
So sánh thế nào được? Trần Nhân Tông đánh đuổi giặc Nguyên-Mông xâm lăng, Hồ Chí Minh phát động cuộc chiến tranh nhắm vào chính đồng bào của ông, khiến cho cả Mỹ Nga Tàu mượn cớ đổ quân vào. Trần Nhân Tông sau khi đất nước yên bình, vào chùa tu. Hồ Chí Minh trụ trên ngai Chủ tịch đến cuối đời, sau khi nướng cả triệu sinh linh trong những trận đánh biển người...
Nhưng thực tình tôi không để ý đến những tiểu tiết trên cho lắm. Chỉ thấy có điều gì không ổn. Một giải thưởng khi đã dự định trao cho ai là đã có sự thông báo, bàn luận về những tiết mục trong lễ trao giải. Người được giải cho dù vì lý do nào đó không đến được, cũng có thể cử người đại diện đi nhận thay. Như vậy lý do đưa ra “vì bận rộn” rõ ràng là một lời từ chối khéo.
Tại sao lại từ chối?
Phải chăng vì giải này quá yếu, không thể so sánh được với huy chương vàng của Quốc hội Hoa Kỳ vừa trao cho bà Aung San Suu Kyi hai hôm trước đó, một huy chương chưa từng bao giờ được trao cho một thường dân? Không bõ công đến nhận chăng? Chưa chắc. Lễ trao giải Trần Nhân Tông tổ chức ở đại học Harvard mà, một nơi có thể dùng làm diễn đàn được.
Hay là bà cảm thấy không cần phải kết bạn với Việt Nam, vì đã có Hoa Kỳ và những cường quốc trên thế giới ủng hộ và tiếp sức rồi. Không thể trông cậy viện trợ từ Việt Nam được, khi Việt Nam còn đang điêu đứng về kinh tế?
Cũng không phải. Bởi một người đang tìm sự hòa giải, sẽ không bao giờ từ chối một cơ hội kết thân với một người láng giềng. Thứ hai, bà hay ông Thein Sein có thể từ chối ngay khi được đề nghị giải thưởng, để ban tổ chức có thể quyết định chọn người khác, hay hoãn đến năm sau. Dù sao cũng tiết kiệm được chi phí tổ chức, hơn nữa cũng không bị lâm vào thế bối rối như hiện nay. Giải trao không có người nhận thì biết làm sao bây giờ?
Nhưng chẳng biết trong hậu trường, chuyện gì đã xảy ra để đến nông nỗi này.
Suy nghĩ nát óc. Chợt nhớ ra là hơn ba năm trước đó, người phát ngôn của Việt Nam, Lê Dũng, đã bày tỏ quan điểm của Việt Nam trước lời kêu gọi của ASEAN đòi Miến Ðiện phải trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, là ông không phê phán quyết định ngày 11/8/2009 quản thúc bà: “Theo quan điểm của chúng tôi thì vụ của bà Aung San Suu Kyi là vấn đề nội bộ của Miến Ðiện.”. Và ông tuyên bố thêm: “Việt Nam hy vọng Miến Ðiện sẽ tiếp tục đưa lộ trình dân chủ vào cuộc chuẩn bị bầu cử vào năm tới.”
Lời tuyên bố này khi ấy đã gây bất bình cho Asean, và nay xét lại, có thể là lý do khiến bà Aung San Suu Kyi không mặn mòi với giải Trần Nhân Tông chăng? Ngay cả với ông U Thein Sein, cũng khó ăn nói. Chẳng lẽ ông lại bảo nhỏ những người trong Ủy ban trao giải: “Tôi đã mang lộ trình dân chủ vào rồi, còn các bạn Việt Nam sao chưa thấy nhúc nhích gì hết, mà lại còn có khuynh hướng xa rời con đường dân chủ?”
Rồi khi xem lại cơ cấu và sự hình thành của Viện, thì ra là một số học giả đứng ra lập một hội độc lập. Harvard chẳng có dính dáng gì vào đó. Hội mượn oai hùm của vài nhân sự. Tôi nghĩ hay mình cũng lập một hội tương tự và quyết định trao một giải nào đó cho ai đó…
Còn giải “Giải thưởng Hòa Giải Trần Nhân Tông” năm 2013 theo tôi có lẽ nên trao cho Nguyễn Tấn Dũng và những vị trong Bộ Chính Trị đã nghĩ ra Nghị quyết 36 để mong tạo hòa giải giữa người Việt Nam ở nước ngoài với người Việt trong nước là tiện nhất. Ðó là lấy hứng từ bản tin ngày 26/10 vừa qua trên tờ The Economist, mang tựa đề “Lãnh đạo Việt Nam: Chúng ta tha tội cho chúng mình” (Vietnam’s Leadership: we forgive us) kể chuyện anh lái xe ôm Phạm Văn Bình, trong cơn say đã leo lên tượng Trần Nguyên Hãn ở chợ Bến Thành, tượng người võ tướng đã đánh đuổi quân Minh xâm chiếm Việt Nam. Ông Bình cuối cùng bị phạt số tiền tương đương 36 đô la, trong khi đó những vụ cưỡng chiếm đất đai, tham nhũng, lạm phát phi mã, khủng hoảng nhà băng, công ty nhà nước sụp đổ và thất nghiệp đang là đầu mối cho những vụ biểu tình phản đối. Tình trạng này là do tội của ai? Có nguồn tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có dính dáng đến vụ xì-căng-đan ngân hàng ACB và công ty thủy sản Vinashin với số tiền lỗ 4,5 tỉ đô la. Trong kỳ họp trung ương vừa qua, mười bốn nhân vật trong Bộ Chính Trị đã “nghiêm khắc tự kiểm điểm và long trọng hứa sẽ sửa sai”. Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cho biết sẽ không có biện pháp kỷ luật nào được thi hành với toàn Bộ Chính Trị hay một thành viên trong Bộ Chính Trị.
Thành tích hòa giải, xóa tội này ngang ngửa với chuyện vua Trần Nhân Tông, sau khi dẹp giặc xong, khi cận thần dâng lên danh sách những người đã tiếp tay cho giặc, ngài đã truyền lệnh đốt hết, như một hình thức tha tội cho mọi người. Bộ Chính Trị Việt Nam vì thế, ngoài nghị quyết 36, quả thật xứng đáng được trao tặng giải Trần Nhân Tông cho kỳ tích tương đương nêu trên.
Hoàng Giang
(10/2012)