Hoàng Giang
Đuốc Thế Vận 2008 đi vào lịch sử
Có lẽ trong lịch sử thể thao thế giới, chưa bao giờ xảy ra những chuyện khôi hài như chuỗi ngày rước đuốc Thế Vận Hội 2008.
Đuốc Thế Vận, biểu tượng của tinh thần hữu nghị và thể thao, niềm hãnh diện của nước đăng cai, thì trong chặng đường rước năm 2008 từ đỉnh Olympia v ề Bắc Kinh , ngọn đuốc giống như một nhân vật quốc tế cao cấp nhưng lại bị quá nhiều người thù ghét. Hàng rào cảnh sát an ninh dày đặc như thể bảo vệ một yếu nhân chính phủ. Giá mà ngọn đuốc biến thành một lãnh tụ thì còn dễ coi hơn. Ở Anh, Pháp, Úc, đuốc đã trở thành mồi lửa châm cho những cuộc xô xát gi ữa hai phe ủng hộ và chống đối cuộc rước đuốc . Rất hài hước, ngọn đuốc đã phải trốn chui trốn lủi như ở Paris, hay ban tổ chức phải viện đến chiến thuật ‘Dương Đông Kích Tây' như ở San Francisco, bí mật thay đổi lộ trình vào giờ chót, cốt để có được vài phút truyền hình ‘hoành tráng' cho dân chúng Trung quốc được nở mặt. Chưa kể những màn biểu diễn ‘kungfu' của đoàn bảo vệ đi theo hai bên, nhắm vào những người giận dữ muốn giựt hay thổi tắt đuốc, được truyền tải khắp trên mạng toàn cầu.
Bởi vì lần này, đuốc Thế vận được người ta xem như một nhân vật kiêu căng, hành xử một cách kém văn minh, bất chấp dư luận. Đuốc Thế vận 2008 = nhà cầm quyền Bắc Kinh. Không phải ‘người ta xem', mà do nước đăng cai tổ chức, Trung quốc, đã lộ liễu đồng hóa nước Trung Hoa với ngọn đuốc. Đây có lẽ là lần thứ hai trong lịch sử Thế vận, sau lần chính phủ Hitler vào năm 1936 phát kiến ra cuộc rước đuốc như một quảng cáo cho chế độ Quốc Xã và chủ nghĩa phát xít. Nhưng trong 70 năm qua, thế giới đã đổi khác rất nhiều về mặt nhận thức, và về những phương tiện truyền thông. Mọi diễn biến được đưa ngay lên mạng cho mọi người cùng xem và phê phán theo chuẩn mực đạo lý thế kỷ 21.
Những phản đối quanh cuộc rước đuốc nhắm vào nhiều điểm người ta không chấp nhận được về thái độ ngạo mạn, coi thường quần chúng của Bắc Kinh: quan điểm của chính phủ Trung quốc về những quyền căn bản của con người, xuyên qua thái độ của nhà cầm quyền đối với quốc gia Tây Tạng (điển hình là những cuộc đàn áp dã man những người dân Lhasa tháng 3 vừa qua), những gì đã và đang xảy ra ở Darfur (Sudan) qua bàn tay của Trung quốc, và ngay cả đến những hậu ý chính trị rõ ràng của chính quyền nước này, khi dùng ngọn đuốc như một hình thức gián tiếp xác nhận chủ quyền của mình trên một số vùng lãnh thổ. Khi Thủ tướng Trung quốc Uông Gia Bảo ngày 18/03 lên tiếng cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma cố tình xúi dục dân Tây Tạng gây hỗn loạn ở thủ đô Lhasa, làn sóng phản đối đã nổ bùng.
Năm 2001, khi được chấp thuận đăng cai tổ chức Thế vận 2008, Trung quốc đã hứa sẽ cải thiện nhiều mặt, trong đó có vấn đề nhân quyền, nhưng cho đến cận ngày tổ chức, người ta mới thấy rằng đây chỉ là những lời hứa cuội, nhất là qua sự đàn áp dã man những cuộc chống đối của người Tây Tạng đòi một sự tôn trọng chủ quyền trên phần lãnh thổ của họ. Sự tranh đấu này của Tây Tạng đã làm cho bộ mặt từ lâu vẫn núp trong tối của Trung quốc bị phơi trần ra ánh sáng phán xét của công luận thế kỷ 21. Một số nguyên thủ quốc gia (Pháp Đức…) đã tuyên bố không tham dự lễ khai mạc. Quốc hội Âu châu trong phiên họp ngày 12/04/2008 với đa số tuyệt đối (580/24) đã ra một nghị quyết về Tây Tạng và kêu gọi các lãnh tụ thế giới tẩy chay buổi lễ khai mạc Thế vận nếu Trung quốc không chịu nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma.
Thực sự, trong kỳ xét duyệt năm 2001, Trung quốc là một ứng viên sáng giá, và nhiều quốc gia đã hy vọng qua đó quan hệ giao thương với Trung quốc sẽ được nâng cấp, một giải pháp khả dĩ để giải quyết nền kinh tế toàn cầu. Người ta cũng hy vọng một Trung quốc chuyển mình để hòa nhập với dòng chính của thế giới. Do đó, cho dù biết trước những yêu cầu của Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận và những lời hứa của Trung quốc sẽ đưa đến một sự điều chỉnh hòa hợp không giống những tuyên bố và hứa hẹn ban đầu, nhưng những gì xảy ra trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 đã đi quá mức người ta có thể chịu nhịn. Chủ tịch Ủy Ban Tổ chức Thế vận Jacques Rogge vào đầu tháng 04/2008 đã lên tiếng nhắc nhở Bắc Kinh về những giao ước ‘đạo lý' đã thỏa thuận với nhau, nhưng quả thực đã quá muộn.
Sự đòi hỏi của dân Tây Tạng đụng với quyết tâm nắm giữ vai trò thống trị hoàn toàn và độc đoán trên khắp lãnh thỗ Trung quốc cùng các nước chư hầu, đã làm trong một thời gian ngắn mấy trăm người chết vì bạo lực đã trở thành một ngòi nổ kích thích những hành động đập phá. Bởi vì, trong khi cuộc chiến ý thức hệ chưa nguội hẳn thì nhân loại đang đi vào một cuộc xung đột giữa độc tài kiểu mới (quy chụp đối thủ là khủng bố) và nhiều người/tổ chức không tùng phục mô thức xã hội này chợt nhận ra rằng những ‘đòn ngoạn mục' cộng thêm YouTube, Google, sms… là thứ vũ khí lợi hại nhất để chống lại.
Cũng vì thế, lần đầu tiên, những biện pháp an ninh tối đa đã được áp dụng, một lực lượng hùng hậu quân đội và cảnh sát đã được huy động để thi hành công tác ‘bảo vệ một biểu tượng của sự đoàn kết trên tinh thần thể thao', một công tác vừa tế nhị vừa phức tạp. Tế nhị như nhiệm vụ gửi quân đến Irak, Afghanistan… để duy trì hòa bình. Phức tạp vì Thế Vận Hội ngoài những liên quan đến chính trị, còn tiềm ẩn những liên hệ trên các mặt bang giao kinh doanh và dịch vụ quảng cáo, bán bản quyền phát thanh và phát hình… Thế vận hội, cũng như những giải bóng đá, tennis đã không còn thuần là thể thao nữa.
Vì thế, một cuộc tẩy chay rộng lớn sẽ có ảnh hưởng không lường trước được về số thu do quảng cáo, một nguồn tài chánh quan trọng giúp Ủy Ban Tổ chức Thế Vận có thể duy trì hoạt động. Tuy điều này từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra ở mức đáng quan ngại, nhưng ai bảo đảm rằng trong kỳ Thế vận lần này sẽ không xảy ra những màn bắt cóc, bom mìn để gây tiếng vang, như Trung quốc đã la hoảng lên như một bào chữa cho những biện pháp đàn áp đầy bạo lực ở vùng biên giới Tây Tạng.
Chưa kể những vận động viên đã mất công tập dượt mấy năm với hy vọng đoạt được huy chương, họ thực sự gắng sức trên tinh thần thi đấu một cách thượng võ, thật không dễ thuyết phục họ bỏ cuộc. Hơn nữa, người ta chỉ muốn phản đối sự lạm dụng Thế vận hội cho một mục đích chính trị bá quyền của Bắc Kinh, và đòi hỏi chính phủ Trung quốc xử sự như một nước văn minh theo trào lưu của thế kỷ 21, chứ không chống Thế vận hội.
Vì thế, khi những ngày sôi nổi trong cuộc ‘giương móng vuốt' ban đầu đã qua, người ta đã có thời gian để suy xét về những hệ quả của một bầu khí chống đối sôi sục. Những xung đột có nguy cơ trở thành một cuộc chiến kinh tế. Quả thực, sự mọc rễ của hàng hóa Trung quốc trong mảnh đất kinh tế thế giới đã đến mức ‘báo nguy'. Hai cuộc thăm dò ý kiến của tạp chí Financial Times ở Anh và của viện Harris ở Hoa Kỳ vào tháng 03 và 04/2008 cho thấy khoảng 35% người (ở Hoa Kỳ và 4 nước Tây Âu) được phỏng vấn đã cho rằng mối đe dọa do Trung quốc trên sự ổn định toàn cầu đã vượt qua bất kỳ cường quốc nào khác. Cũng thật khôi hài khi đài truyền hình Hòa Lan quay cảnh đội banh Tibet trong quyết tâm không muốn mang giày Trung quốc chế tạo đã phải ‘chân không' bước ra khỏi tiệm bán đồ thể thao. Rất có thể sẽ có một ngày nào đó Trung quốc ngang nhiên dùng sự đe dọa tẩy chay hàng của các nước tiên tiên làm một vũ khí lợi hại bắt chẹt những quyết định chính trị kinh tế toàn cầu? Cao Ủy Đặc trách Thương mại EU, Peter Mandelson mới đây cũng đã phát biểu là Tây phương cần hợp tác với Trung quốc vì lợi ích của chính họ.
Hơn nữa, qua những giải quyết xung đột quốc tế, người ta đã rút ra được một kết luận là những biện pháp cứng rắn như tẩy chay, ngăn cấm… không mang lại kết quả mong muốn. “Có la lớn thì bạn cũng sẽ chẳng đạt được gì ở Trung quốc,” đó là lời kêu gọi của chủ tịch IOC vào ngày 26/04 vừa qua.
“Nếu có đối thoại thì chắc chắn sẽ khá hơn,” người ta nói. Nhưng, quả tình đã có đối thoại, tuy không đúng mức. Những cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh và đại diện Đức Đạt Lai Lạt Ma trong quá khứ cũng đều đã tan vỡ.
Người ta cũng đã nhận chân rằng: dân Trung quốc, ý đồ lợi dụng đuốc Thế vận của nhà cầm quyền Bắc Kinh, và tự thân Thế vận hội, một cuộc gặp gỡ thể thao quốc tế là những thực thể khác nhau, không thể đánh đồng làm một.
Trong khi đó Trung quốc đã nhanh chóng nhận định tình hình lắng dịu, đo lường được sự do dự của những nước Tây phương để tận tình khai triển lợi thế của mình: chiến thuật ‘lấy thịt đè người', dùng con số đông Hoa kiều ở khắp mọi nơi, những người đương nhiên muốn quốc gia mình được coi là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, để tạo sự hiện diện đa số trong tất cả những chuyến rước đuốc. Lòng ái quốc và niềm hãnh diện quốc gia của dân Trung quốc được hâm nóng dữ dội. Cựu nữ đấu viên kiếm thuật Kim Tinh (Jin Jing) trong ngày rước đuốc ở Paris bị một người Tây Tạng xô đẩy khỏi xe lăn nhưng vẫn cố ôm ngọn đuốc Thế vận đã tắt vào lòng, được truyền thông Trung quốc ca tụng như một anh hùng quốc gia. Hơn 3 triệu thư vả mail ủng hộ Thế vận được gởi từ nhân dân Trung quốc đến Ủy Ban Tổ chức. Trong hào khí đó (hãy tưởng tượng bạn là người Trung quốc, tôi chắc bạn cũng xử sự như vậy), một sự đối đầu cứng rắn ẩn chứa nhiều rủi ro. Hàng ngàn dân Trung quốc ở Vũ Hán, Côn Minh, Diên An đã xuống đường đòi tẩy chay hàng của siêu thị Pháp Carrefour như một sự trả đũa. Từ nhãn quan đó, một chiến thuật đã được Bắc Kinh tận tình áp dụng. Tại những quốc gia ngọn đuốc đi qua, đường xá phủ rợp ‘đại kỳ' Trung quốc khổ lớn che lấp những lá cờ Tây Tạng (và Việt Nam), che lấp luôn cả những lá cờ với 5 vòng tròn Thế Vận. Lực lượng giữ an ninh được gởi tới từ Trung quốc. Sự khuynh loát này thay vì nhận lãnh chỉ trích của truyền thông hay của những nước ngọn đuốc đi qua, nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Không ai đặt ra câu hỏi giả dụ Thế Vận Hội được tổ chức ở Hoa Kỳ và nước này cũng đem cờ sao sọc khổ lớn đi diễu khắp nơi như thế, cộng thêm đoàn bảo vệ yếu nhân ‘body guard' vây quanh ngọn đuốc, chuyện gì sẽ xảy ra và truyền thông thế giới sẽ phản ứng thế nào? Có lẽ chỉ có Úc đưa ra lời chỉ trích, nhưng đó là bắt nguồn từ đề nghị quá sỗ sàng của Trung quốc chạm đến tự ái quốc gia (Trung quốc sẽ gửi đoàn bảo vệ và quân đội tới nếu Úc không đủ khả năng). Các nước khác lặng thinh hay chỉ phản đối lấy lệ, vì biết có phản ứng với một anh cứng đầu cũng bằng thừa, nhất là khi chưa có một qui định rõ ràng. Luật chỉ được đặt ra khi đã có người vi phạm. Có thể nói từ sau San Francisco, báo chí truyền thanh truyền hình đã ‘cố tình' làm nguội đi sự chống đối. Có lẽ trong hoàn cảnh lúc này, đây là giải pháp tốt đẹp nhất để có thể đưa đến một cuộc đối thoại. Một cuộc đối thoại sẽ xảy ra khi Trung quốc cảm thấy mục đích của họ (biểu dương lực lượng) đã hoàn tất. Những lời hứa hẹn vì thế đã (và sẽ) được đưa ra như những cái phao để mọi người nắm lấy, để hy vọng và… tiếp tục chờ đợi một chuyện khó xảy ra!!!
Bây giờ (tháng 05/2008), ngọn đuốc đã rời Âu châu, tiếp tục chặng đường xuyên Á khá êm ả. Những lời phản kháng rồi cũng sẽ nhạt dần. Nhưng ít ra, ngọn đuốc Thế vận lần này đã thực hiện được một chức năng căn bản của ‘ngọn đuốc': soi sáng cho thế giới thấy những gì đang xảy ra ở Tây Tạng, Việt Nam… Phải nói là những quốc gia này tương đối còn may mắn. Có những dân tộc đang mòn mỏi chờ một ngọn đuốc soi sáng cho thế giới thấy những gì đang xảy ra trong nước mình, như Congo, Zimbabwe, Bắc Hàn…
Hoàng Giang
(05/2008)