Nguyễn Tiến Cảnh
Đi tìm một hình thái đấu tranh mới
Lịch sử nhân loại luôn luôn biến đổi. Bản tính con người có khuynh hướng tiến lên. Người làm chính trị luôn luôn hô hào, cổ võ cách mạng. Cách mạng là đạp đổ những cái xấu, xây dựng những cái mới tốt đẹp hơn. Lịch sử thế giới đã phô bày biết bao cuộc cách mạng, nhưng chưa có cuộc cách mạng nào hoàn toàn và đúng nghĩa của nó. Từ cuộc cách mạng 1789 của Pháp tới cuộc cách mạng cộng sản Nga Marx-Lenin đã làm đảo lộn hoàn cầu, nhưng thế giới và con người vẫn chưa đạt được mục đích HẠNH PHÚC. Hồ chí Minh đã đem chủ thuyết cộng sản vào Việt Nam, hô hào làm cách mạng. Người quốc gia cũng hơn một lần làm cách mạng, từ lúc khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp đến thời đệ I, đệ II Việt Nam Cộng Hòa. Biết bao nhiêu máu đã đổ trải dài trên quê hương thân yêu hơn 50 năm trường để có ngày hôm nay, một guồng máy cai trị tàn ác nhất, thối nát nhất. Chính quyền cộng sản Việt Nam.
Thế rồi, việc phải đến đã đến. Cộng sản toàn cầu tan rã, thế giới lưỡng cực đã biến thái. Đảng cộng sản Việt Nam cảm thấy không thể cưỡng lại được bánh xe tiến hóa của thế giới đã hô hào đổi mới kinh tế, hòa hợp hòa giải để xây dựng đất nước. Người Việt hải ngoại, một số đảng phái chính trị có vẻ cũng hồ hởi chờ ngày về nước xây dựng quê hương. Nhưng xây dựng thế nào, làm sao cùng nhau sát cánh xây dựng để đất nước được nhờ, toàn thể đồng bào, nhất là đồng bào nghèo đói thấp cổ bé họng nơi những làng quê hẻo lánh bùn lầy nước đọng và những xóm nghèo lao động nơi thị thành được hưởng mới là quan trọng. Phải chăng chúng ta cần phải làm một cuộc cách mạng thực sự .
Đi tìm một hình thái đấu tranh mới
Với 100 năm nô lệ, kéo thêm 50 năm chiến tranh dành độc lập và nội chiến Quốc – Cộng, một thời gian quá dài chỉ cổ võ đấu tranh hận thù, chém giết tàn phá, sự nghi kỵ chia rẽ đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người chúng ta, vào nếp sống của cả dân tộc. Chúng ta nổi tiếng khắp thế giới là những người giỏi chiến tranh phá hoại, can trường đối kháng, nhưng lại rất dở phải đoàn kết để xây dựng.
Chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm đau đớn với tệ trạng này. Sau khi đấu tranh thành công, đạp đổ được một cơ cấu chính quyền thối nát, chính quyền mới đã mau chóng đưa chúng ta vào một tình trạng tồi tệ hơn trước. Vì không phá vỡ được vòng kiểm tỏa của những tàn tích tiêu cực này, ta đã phải làm đi làm lại cùng một cuộc cách mạng. Càng những lần về sau càng đắt giá hơn những lần trước.
Sau khi đã góp rất nhiều xương máu giúp cộng sản đoạt chính quyền, lần này dân tộc ta đang phải đối diện với một guồng máy cai trị tàn ác nhất, thối nát nhất. Đó là chính quyền cộng sản. Chưa lần nào tệ hại như lần này. Dân tộc ta đang trải qua cơn quốc nạn thập tử nhất sinh.
Đến đây, một vấn đề quan trọng cần được đặt ra là làm sao để một khi thoát khỏi cơn quốc nạn cộng sản, chúng ta không phải chìm ngập vào một cơn quốc nạn khác như những lần trước. Hay nói cách khác: Ta phải tìm một hình thái đấu tranh mới cho lần này, để đây là lần chót, cách mạng không trở thành phản cách mạng nữa. Sau lần này, dân tộc ta phải có được một nền hòa bình vĩnh cửu, phúc lợi toàn dân, tự do dân chủ nhân quyền tràn lan. Vì cứ theo đà kinh nghiệm cấp tính, nếu thêm một lần phản cách mạng nữa, chắc chúng ta sẽ rơi xuống hố diệt vong.
S ự đối nghịch giữa chính trị và đạo đức
Tại sao cách mạng lại trở thành phản cách mạng? Tại sao những người làm cách mạng thành công lại sớm bị hủ hóa? Vì cách mạng không thuần túy chỉ là những hoạt động thuộc phạm vi chính trị và quân sự, mà còn có một chân đứng trong cơ sở đạo đức. Cách mạng là nơi chính trị và đạo đức phải gặp nhau. Người làm cách mạng chân chính luôn luôn phối hợp chính trị với đạo đức, dùng đạo đức hướng dẫn chính trị, coi chính trị là phương tiện để giúp người dân có được hạnh phúc, coi quốc gia và dân tộc là chính và là trọng.
Nhưng thực tế, đạo đức và chính trị là hai sinh hoạt biệt lập. Mỗi bên có đối tượng riêng, phương pháp riêng, nhu cầu riêng. Trọng tâm của chính trị là tranh dành quyền lực trong quốc gia bằng mọi phương tiện và thủ đoạn. Đạo đức trái lại là những đòi hỏi giá trị cao đẹp trong đời sống con người; nhưng thực tế lại chỉ thu hẹp vào các sinh hoạt tôn giáo, cho các bậc tu hành. Trên nguyên tắc, ai cũng có những bổn phận đạo đức. Trên thực tế, những người cầm quyền càng cao càng ít đạo đức hơn những người khác. Giai cấp bị trị luôn luôn có một đời sống đạo đức hơn giai cấp thống trị. Các người làm chính trị hay nói: Nhân đức vặt thường làm hỏng việc lớn. Theo ý họ, việc lớn là việc chính trị, việc quốc gia “đại sự”, còn tất cả những đòi hỏi đạo đức được gắn nhãn hiệu là nhân đức vặt. Thông thường những người làm chính trị không bận tâm tới vấn đề đạo đức. Họ là những người tham danh, tham quyền, tham lợi. Thực tế cũng chứng minh: không thủ đoạn quỷ quyệt, không tham danh quyền lợi một cách mạnh mẽ, không thể thành công trong chính trị. Một người với ý chí cường quyền mạnh mẽ, vừa tranh đoạt được quyền bính, lại là thứ quyền chuyên chính như chế độ cộng sản, thì con đường đưa tới phản cách mạng cũng chỉ là chuyện tất nhiên.
Như trên đã nói đạo đức và chính trị đi hai con đường khác nhau. Đạo đức đặt vấn đề tốt xấu, chính trị chủ ý tới lợi hại. Do đó đạo đức và chính trị thường kình chống nhau. Vì độc quyền nắm quyền lực, chính trị thường lấn lướt đạo đức.. Chính trị lộng hành, trùm lấp mọi sinh hoạt quốc gia, cho đạo đức là những gì lẩm cẩm. Nhưng mỗi khi chính trị và đạo đức giao thoa nhau là mỗi lần chính trị bị đạo đức đánh bại. Tất cả những chế độ độc tài thối nát, đi ngược lại những giá trị đạo đức đều lần lượt theo nhau xup đổ.
Lịch sử chỉ chứng kiến những cuộc khởi nghĩa nhân danh giá trị đạo đức đạp đổ chính trị bạo ngược, không có trường hợp ngược lại. Chỉ có chính trị mạo danh đạo đức, chưa bao giờ thấy đạo đức mạo danh chính trị. Chính trị và đạo đức gặp nhau trước khi thành công, chính trị và đạo đức là bạn. Gặp nhau sau khi thành công, chính trị và đạo đức là thù. Khi đạo đức chưa đứng lên, chính trị mạnh. Khi đạo đức đứng lên, sức mạnh của chính trị như tòa nhà xây trên cát. Đạo đức như nước, chính trị như lửa.
Sau khi một cuộc cách mạng thành công, chính là thời kỳ giao thoa của đạo đức và chính trị. Ở thời kỳ này, nếu chính trị đi ngược đạo đức sẽ bị đạo đức quật ngã. Đất nước chúng ta hiện đang ở thời điểm chính trị và đạo đức giao thoa.
Vậy thì muốn tránh những vết xe đổ trước đây, nghĩa là khởi nghĩa lần này chúng ta phải để chính trị và đạo đức giao thoa nhau sớm hơn. Chính trị và đạo đức phải gặp nhau, phối hợp hành động ngay trong thời kỳ đấu tranh, trong phương pháp đấu tranh, lúc thành công, sau khi thành công và trong cung cách trị dân. Đấy chính là trọng tâm của vấn đề tìm kiếm một hình thái đấu tranh mới.
Chi ến lược nhân hòa
Thế nào là hình thái đấu tranh mới? Người làm chính trị dùng phương châm: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Họ tự cho phép dùng bất cứ phương tiện gì, miễn đạt được mục đích, thông thường là những phương tiện phản đạo đức. Tại sao tình trạng này lại có thể xẩy ra một cách ngang nhiên, rộng rãi và có tổ chức như trong thời đại chúng ta? Vì chính chúng ta đã đặt sai vấn đề đạo đức ngay từ đầu khi quan niệm rằng CHÂN THIỆN MỸ là cứu cánh của con người. Thật ra HẠNH PHÚC mới là cứu cánh của con người. Chân Thiện Mỹ chính là phương tiện thích đáng nhất để đạt hạnh phúc. Dùng một phương tiện phản đạo đức để đạt một cứu cánh đạo đức là quan niệm sai lầm phát xuất từ tiền đề giả tạo nêu trên
Đưa chính trị trở về gặp đạo đức, chính là tìm những phương tiện đạo đức để đạt những mục tiêu chính trị. Tức là để đạo đức và chính trị gặp nhau ngay từ điểm khởi hành.
Ngay từ khởi hành ta cần xác định mục tiêu và phương tiện rõ ràng. Mục đích tối hậu của ta không phải là chống cộng. Chống cộng chỉ là một chặng đường phải qua để đạt tới mục đích là xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ, an bình, thịnh vượng. Chống cộng chỉ là một phương tiện, một giai đoạn ngắn trên con đường cứu nước và dựng nước. Cộng sản là một trở ngại lớn cần phải vượt qua, nhưng còn nhiều trở ngại lớn hơn nữa, khó vượt qua hơn nữa: Tàn tích của sự chia rẽ, phân hóa, đố kỵ, tham lam, vị kỷ, mất niềm tin, đánh phá lẫn nhau… đã ăn sâu trong đáy lòng mỗi người chúng ta. Muốn thắng những trở ngại này, chỉ có hai phương pháp: đối nội dùng TU THÂN, đối ngoại dùng NHÂN HÒA. Không thể xử dụng nổi đạo đức làm phương tiện hành động nếu không có tu thân và nhân hòa. Tu thân là bước một, nhân hòa là bước hai, sau đó là đoàn kết, sau nữa mới là chống cộng… và phải nhiều bước khác nữa mới đạt được tự do dân chủ.
Cổ võ chống cộng ngay ở bước khởi hành là một việc làm không những vô ích mà còn có thể gây phản tác dụng, tạo ra thêm những tranh chấp không cần thiết về chính kiến, đường lối. Giai đoạn đầu không là huấn luyện quân sự, không phải là quyên góp tiền bạc mua vũ khí mà là TU THÂN. Mỗi người tu sửa thân mình để hòa được với nhau, đoàn kết với nhau, rồi mới đi tới những giai đoạn khác.
Ở thời đại chúng ta, tu thân không còn là một việc làm riêng rẽ, chủ quan, nội tâm như thời Khổng Tử, nhưng là một vận động liên đới nhân hòa. Cái TÔI đi gặp cái ANH, cái CHÚNG TA. Từ đó, tu thân tạo ra sức mạnh đạo đức.
Tu thân dẫn tới nhân hòa. Ta lại tin tưởng lẫn nhau. Hàng ngũ lại xiết chặt. Ngọn cờ nhân hòa dựng lên ở đâu, niềm tin tụ về nơi đó. Nhân hòa là nền tảng sức mạnh của ta, là phương pháp chỉ đạo mọi hoạt động. Nhân hòa trở thành chiến lược căn bản. Cuộc chiến đấu của ta trở thành cuộc chiến đấu nhân hòa.
Chiến thuật hòa hợp hòa giải do cộng sản đưa ra sẽ bị hòa tan trong chiến lược nhân hòa của ta. Hòa của cộng sản là thủ thuật chính trị. Hòa của ta là cả một cuộc chiến rộng rãi, bao hàm từ phương pháp tới mục đích, từ chủ quan tới khách quan, từ cá nhân tới tập thể, từ bạn tới thù. Hòa của ta là hòa từ hậu cứ tới tiền phương, hòa theo lòng người cả nước, hòa như ngọn triều dâng lên cuốn hết rác rưởi của chế độ độc tài thù hận. Hòa giúp ta nắm được trọn vẹn yếu tố nhân hòa của tam tài: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa , đưa cuộc tranh đấu của ta tới thắng lợi hoàn toàn.
Mong ước thay.
Bs. Nguyễn Tiến Cảnh
Trích website của H ội Thân hữu Việt Nam www.vnfa.com