Nguyễn Trung


Đấu Tranh Đòi Hỏi Dân Chủ ở Miến Điện

 

Điều mọi người nghĩ rằng sẽ xảy ra thì nay đã xảy ra. Quân đội và cảnh sát dã chiến Miến Điện đã bắn vào đoàn biểu tình ở Rangoon vào ngày hăm sáu tháng chín vừa qua, sau tám ngày xuống đường. Tin tức đầu tiên ghi nhận được là hai nhà sư và một thường dân bị tử thương, ngôi chùa quan trọng Shwedagon ở Rangoon và các chùa khác bị bao vây, dân chúng và các tu sĩ bị hành hung, khoảng ba trăm tu sĩ và thường dân bị bắt.

Chế độ quân phiệt tiếp tục gia tăng đàn áp và khủng bố đối lập trong những ngày kế tiếp. Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), những nhân vật quan trọng trong phong trào đòi hỏi dân chủ đã bị bắt. Người ta không biết số phận của hàng nghìn tăng sĩ, thường dân và sinh viên bị bắt hiện giờ ra sao? Thế giới đã ủng hộ và dành mọi cảm tình cho nhân dân Miến Điện. Mặc dầu biết rằng Miến Điện giao thương với các quốc gia Á châu như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan…, Liên Hiệp Âu Châu vẫn gia tăng lệnh cấm vận, nghiêm cấm xuất nhập khẩu gỗ, đá quí, khoáng sản từ Miến Điện. Đề nghị của Hà Lan cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Miến Điện không đuợc LHÂC chấp nhận (công ty năng lượng Total của Pháp vẫn hoạt động tại Miến Điện). Liên Hiệp Quốc đã cử đại diện đến Miến Điện ghi nhận tình hình.

Trong những ngày cuối tháng chín, qua các kênh truyền hình và báo chí, thế giới đã thấy hàng chục nghìn tăng sĩ trong tăng bào màu đỏ sẫm cùng với dân chúng diễu hành qua các đường phố của Rangoon. Dân chúng đã nắm tay nhau kết thành các mắt xích dài để bảo vệ các tăng sĩ. Hàng chục nghìn thường dân đứng hai bên đường cổ võ ủng hộ. Các đại diện của các tổ chức đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ cho Miến Điện ở hải ngoại đã trình bài lập trường và trả lời các cuộc phỏng vấn của các ký giả trên thế giới.

Giá xăng dầu tăng vọt đột ngột vào giữa tháng tám là nguyên nhân của cuộc biểu tình. Miến Điện là quốc gia giàu có về nhiên liệu, khí đốt, gỗ và đá quí. Điều nghịch lý là dân chúng phải trả giá xăng gia tăng lên đến 66%, dầu 100% và khí đốt 535%. Cuộc sống hằng ngày của người dân bình thường bị xáo trộn, khủng hoảng trầm trọng. Tất cả các lợi tức quốc gia rơi vào tay nhóm cầm quyền, đại đa số nhân dân sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật. Cuộc biểu tình ban đầu chỉ do dân chúng các khu nghèo và giới sinh viên tham dự, nhưng sau đó dưới sự phát động của Phật gíáo, cuộc biểu tình đã nhanh chóng trở thành cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ, giải thể chế độ quân phiệt, tự do cho các tăng sĩ và tù chính trị bị bắt giữ từ năm 1988.

Là quốc gia thuộc địa của Anh, Miến Điện độc lập vào năm 1948. Nhưng vào năm 1962, tướng Na Win đã đảo chánh, quyền lực quốc gia rơi vào tay quân đội qua sự lãnh đạo của Hội Đồng Phục Hồi An Ninh và Trật Tự Quốc Gia. Năm 1988, do hậu quả của biện pháp đổi tiền mới, cuộc nổi dậy đòi hỏi dân chủ đã bị chế độ quân phiệt đàn áp đẫm máu: khoảng ba nghìn người tử thương. Vào năm 1989, tổ chức Liên Minh Quốc Gia cho Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi dự định phát động biểu tình tiếp tục đòi hỏi tự do dân chủ. Tổ chức LMQG bị đàn áp, bà bị chế độ quân phiệt quản chế tại gia, các nhân vật lãnh đạo trong tổ chức bị cầm tù. Chế độ quân phiệt đã đổi tên quốc gia Birma thành Myanmar, thủ đô Rangoon (là thủ đô đến năm 2005, sau năm này, chính phủ đã dời đô về Naypyitaw) có tên khác là Yangon. Năm 1990, tổ chức LMQG đã thắng lớn qua cuộc bầu cử, nhưng chế độ quân phiệt không công nhận kết quả bầu cử và không chịu chuyển giao chính quyền. Thế giới trong thời gian này đã biết nhiều về bà Aung San Suu Kyi. Một năm sau, năm 1991, bà được trao tặng giải Nobel hòa bình. Vào năm 1992, tướng Than Shwe nắm quyền lãnh đạo. Dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc, chế độ quân phiệt đã tồn tại đến ngày hôm nay. Bà Aung San Suu Kyi vẫn bị quản chế tại gia. Tổng cộng trong mười tám năm, bà đã bị chế độ cầm tù mười hai năm.

Miến Điện cũng là một quốc gia có truyền thống Phật giáo như Việt Nam. Phật giáo ở đây thuộc hệ phái tiểu thừa Nguyên Thủy, tương đối chưa bị chế độ độc tài phân hóa và lũng đoạn nhiều như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giữa các vị tăng ni và dân chúng bình thường có sự liện hệ gắn bó. Thế giới đã thấy được điều đó qua hình ảnh dân chúng đã đem thân mình làm các mộc chắn để bảo vệ các vị tăng sĩ. Phật tử Miến Điện có truyền thống ít nhất một lần trong cuộc đời, đến tu học trong các chùa một thời gian ngắn để tạo công đức. Trẻ em cũng được cha mẹ gởi đến chùa tu học. Trong nhiều trường hợp, mái chùa cũng là nơi dung thân cho các trẻ em nghèo, nơi các em được hưởng một nền giáo dục thường có phẩm chất cao hơn chương trình giáo dục trong các trường công lập của nhà nước. Tương tự như trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Phật giáo Miến Điện đã là tác nhân chính cho sự thành lập các trường học đầu tiên để đào tạo nhân tài. Phật giáo cũng đã giữ vai trò then chốt trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Miến Điện vào năm 1948 và trong cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ, chống chế độ độc tài quân phiệt hiện nay. Tuy nhiên, dưới chế độ kiểm soát và bưng bít thông tin, các nhà quan sát cho rằng chỉ khoảng mười phần trăm tăng ni tham dự vào cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ.

Các chế độ độc tài, cho dù độc tài cộng sản hay độc tài quân phiệt, đều có chung đặc điểm: kiểm duyệt và bưng bít thông tin. Có thể nói Miến Điện là quốc gia đóng kín thông tin vào bậc nhất thế giới. Chỉ khoảng 6% dân có thể vào được internet qua hai hệ thống của Bộ Viễn Thông và của Bagan Cybertech (BC). Về phần điện thoại, cũng chỉ khoảng 6,8 % dân số sử dụng phương tiện truyền thông này. Du khách không được mang điện thoại di động vào nội địa. Các thẻ SIM giá khoảng US 5200,-, chỉ dành cho giai cấp danh phận, có thế lực và các viên chức cao cấp nhà nước. Chính quyền có thể đọc được nội dung các e-mail gởi đi; nếu người gởi đánh các địa chỉ của hotmail hay gmail, sẽ nhận được hàng chữ ‘access denied'. Các đài truyền thông, website của các tổ chức nhân quyền đều bị phong tỏa. Ngay khi cuộc chống đối bắt đầu vào tháng tám, chính quyền quân phiệt đã gia tăng kiểm soát truyền thông nhằm ngăn chận không cho những hình ảnh chống đối được phổ biến trên thế giới. Những người mang máy thu hình đã bị hành hung. Báo chí địa phương bị bắt buộc phải tắt hệ thống điện thoại di động, các ký giả ngoại quốc bị trục xuất khỏi Miến Điện.

Tuy nhiên các hình ảnh và các đoạn phim của hàng nghìn vị sư xuống đường biểu tình dưới sự ủng hộ của dân chúng vẫn được phổ biến hằng ngày trên báo chí và các kênh truyền hình trên thế giới. Trong hoàn cảnh ký giả ngoại quốc chuyên nghiệp không còn điều kiện để có thể hành nghề trong Miến Điện, những người đấu tranh dân chủ đã đảm nhận vai trò thông tín viên, chuyển hình ảnh và thông tin trong nước ra ngoài bằng cách sử dụng cả hệ thống mạng của nhà nước. Theo báo Anh The Guardian, hình ảnh và tin mới nhất được chuyển đi rất nhanh qua các quán cà phê internet. Ngoài ra các phương tiện của các sứ quán, các xí nghiệp và các tổ chức phi chính phủ cũng được sử dụng.

Khác với Việt Nam, những người đấu tranh cho dân chủ ở Miến Điện đã tìm được đồng thuận và họ đã qui tụ vào tổ chức đấu tranh dân chủ dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi.

*

Việt Nam hiện nay là một trong những nước kinh tế phát triển nhất trong vùng và thu hút được nhiều đầu tư từ các cường quốc kinh tế. Đời sống dân chúng ít nhiều đã trở nên dễ thở hơn, tạm thời không có khủng hoảng xã hội nặng nề như trường hợp ở Miến Điện. Tuy nhiên, trong chiều hướng chỉ phát triển kinh tế, các bất công xã hội và sự suy đồi của các giá trị đạo đức sẽ càng hiện rõ nét, sự đòi hỏi về công bằng xã hội cùng các quyền tự do căn bản sẽ trở nên cấp thiết hơn trong mọi tầng lớp nhân dân. Vấn đề của đối lập là có qui tụ được đồng thuận và hoạt động phối hợp tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ từ nam đến bắc, trong và ngoài nước, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới hay không?

Cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ bất bạo động ở Miến Điện bị đã bị chính quyền độc tài quân phiệt đàn áp. Điều đó có thể đã làm nhiều người thất vọng. Nhưng đấu tranh đòi hỏi dân chủ là cuộc đấu tranh cách mạng dài hơi, đòi hỏi nhiều ý chí và nhận thức mới. Những biến cố trong những ngày cuối tháng chín vừa qua ở Miến Điện chắc chắn đã kích thích nhiệt tình của những người đấu tranh dân chủ trong vùng. Những bài học có thể đã được rút tỉa, những kinh nghiệm có thể đã được ghi nhận để chuẩn bị cho thời gian tới, phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của quốc gia mình về một số các vấn đề như: thời điểm; sự tham gia đấu tranh của thế hệ trẻ, nhất là giới sinh viên; vai trò của Phật giáo; khả năng của đối lập; phối hợp trong và ngoài nước, sử dụng khéo léo các phương tiện truyền thông hiện đại để thông tin và vận động hiệu quả sự hỗ trợ của quần chúng cũng như dư luận thế giới...

Việc Trung Quốc đã cực lực phản đối quốc hội Mỹ trao huân chương cao quý nhất cho đức Đạt Lai Lạt Ma cùng việc phải huy động hàng chục nghìn công an để bảo vệ an ninh cho đại hội đảng lần thứ 17 đã cho thấy tâm lý luôn dao động của các chính quyền độc tài, lo sợ sự nổi dậy và lớn mạnh của các phong trào đòi hỏi tự do dân chủ.

Tin nhận được trước khi bài viết được gởi đi: chế độ quân phiệt đã cử đại diện đến gặp bà Aung San Suu Kyi. Cuộc nói chuyện diễn ra trong vòng 75 phút, nội dung không được tiết lộ. Ngoài ra, dưới áp lực của thế giới, chế độ quân phiệt đã trả tự do cho bảy chục tù nhân chính trị, trong đó có mười ba tăng sĩ và năm thành viên thuộc tổ chức của bà Aung San Suu Kyi.

Đã có thời mọi người đều nghĩ rằng bức tường Bá Linh không thể nào sụp đổ chỉ trong vài ngày.

 

Nguyễn Trung.
(10/2007)

 


Cái Đình - 2007