Hoàng Giang


Ðầu năm nói chuyện văn hóa Việt ở hải ngoại

 

Hàng năm, trong không khí nô nức, hay bùi ngùi chuẩn bị đón Tết tha hương thì chắc chắn có nhiều người trong chúng ta cũng đang suy tư về cuộc diện đất nước trong tương lai.

Ðiều này chúng ta có thể thấy được qua những bài quan điểm, nhận định, lá thư đầu năm… là những tiết mục dường như không thể thiếu trong một số báo Xuân.

Ngoài đề tài chính trị luôn là điểm nóng cho những lời bàn cuối năm kèm những tiên đoán những diễn biến có thể sẽ đến trong năm mới, một đề tài khác cũng thường được đề cập tới ở hải ngoại, đó là chuyện bảo tồn văn hóa Việt ở xứ người. Nhất là mỗi năm chúng ta mỗi nhận ra thêm những biến đổi nội tâm sâu xa hơn trong quá trình hội nhập. Và bỗng dưng ta tự hỏi: còn bao nhiêu thế hệ nữa có thể nói được câu: “Hòa Lan là quê hương thứ hai của tôi?”

Học giả Phạm Quỳnh đã viết: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn.” Nhiều người trong chúng ta cũng cho rằng: “Lớp dạy tiếng Việt còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn (ở quê người) thì văn hóa Việt vẫn còn tồn tại.”

Nhưng đã hơn một niên học rồi, các em người Hòa Lan gốc Việt đã không còn có thể đến lớp học Việt ngữ nữa. Chương trình học tiếng mẹ đẻ trong chương trình giáo dục dành cho những em dưới 12 tuổi trong những gia đình nhập cư tại Hòa Lan, do Bộ Giáo dục đề xướng từ 1985, đã chính thức chấm dứt từ hè 2004, một chuyện mà ai cũng thấy là sẽ phải đến sau một thời gian ngắc ngoải.

Trong nỗ lực cứu vãn tình hình đã trở nên gần như tuyệt vọng, chúng ta may mắn còn được thấy một số nhỏ giáo viên có nhiệt tình và các tổ chức tôn giáo đang cố gắng duy trì một số lớp dạy tiếng Việt, được tổ chức vào cuối tuần. Nhưng những lớp này sẽ kéo dài được bao lâu?

Thế là từ đây người Việt ở Hòa Lan thực sự đối diện trước hai câu tự vấn nhức nhối. Trước mắt là: làm thế nào để giữ văn hóa Việt, sau đó đi xa hơn sẽ là câu hỏi: nỗ lực giữ văn hóa Việt ở hải ngoại (nói chung và ở Hòa Lan nói riêng) cần thiết đến đâu?

Ðặt ra câu hỏi này không phải là bi quan hay cố tình phỉ báng văn hóa Việt. Nhưng trong khi người mình nói ‘tiếng ta còn thì văn hóa Việt còn', thì người bản xứ lại biểu lộ ưu tư khi thấy lớp Việt ngữ đã không còn nữa, cho dù bằng sức của chúng ta: “Tôi thấy mấy bạn Việt Nam dễ dàng bỏ rất nhiều tiền mua chiếc xe hơi mới, mua nhà to, nhưng sao họ không dành ra một chút tiền thôi – có đáng là bao – để tự tạo lớp cho con cái họ còn có thể tiếp tục theo học tiếng Việt.”

Tức là, dưới nhãn quan của họ, người Việt ở Hòa Lan không thực sự có nhu cầu khuyến khích thế hệ sau học tiếng Việt, mà theo họ, tiếng ‘mẹ đẻ' là cái cầu không thể thiếu để tiếp cận văn hóa gốc. Hay là ‘mẹ' đã không còn nói tiếng Việt nữa?

Chẳng lẽ chúng ta lại trả lời với họ một cách lấp liếm bằng lập luận: ‘cha mẹ ở nhà dạy con được rồi'. Nói là lấp liếm, vì chúng ta ai cũng biết là việc giáo dục trong thời đại mới đòi hỏi một khả năng sư phạm và phương tiện tối thiểu, tức là phải có trường lớp, có giáo viên. Nếu cha mẹ không có khả năng sư phạm, chẳng lẽ lại phó thác việc này cho Karaoke, phim bộ Hongkong và đài truyền hình VTV4, kèm lời giải thích: ‘để cho chúng nó nghe tiếng Việt quen, riết rồi chúng sẽ tự nói được. Lâu lâu, tiền để dành đủ, đưa chúng về Việt Nam ít tuần, vừa thăm nhà, vừa thực tập ngôn ngữ, một công hai chuyện.'

Có thể như vậy đi. Nhưng ta phải làm sao để có thể truyền lại văn hóa Việt (theo ý chúng ta) cho thế hệ nối tiếp? Một văn hóa Việt đúng theo ý chúng ta. Hay đành chấp nhận văn hóa Việt hiện tại trong nước là chuẩn mực, trong khi chúng ta hàng ngày than phiền là xã hội Việt Nam suy đồi, con người ở đó biến chất một cách đáng sợ?

Như vậy trưóc hết phải tìm hiểu xem văn hóa Việt có những đặc trưng nào. Khi được hỏi, chúng ta thường đề cao văn hóa Việt bằng những đặc tính như : trọng lễ nghĩa, vâng lời, nhớ ơn cha mẹ (qua hình thức thờ cúng tổ tiên)...

Có thực như vậy không?

Mở sách lịch sử xã hội Hòa Lan, hay hỏi những người Hòa Lan lớn tuổi về nếp sống của họ năm mươi năm trước, chúng ta cũng có thể biết được người Hòa Lan khi đó ăn ở với nhau ra sao. Tôi nghĩ họ sống với nhau cũng thuận thảo, trên kính dưới nhường. Con cái gọi cha mẹ là ‘U' chứ không là ‘je' như hiện tại. Họ cũng cần cù, cũng tằn tiện như dân Việt. Thế thì văn hóa Hòa Lan thời ấy có khác gì văn hóa Việt chúng ta vẫn đề cao? Ngoại trừ việc thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma, nhưng những tập tục này chúng ta cũng thấy ở những nước Á châu khác, duy chỉ có khác nhau chút ít ở mặt hình thức.

Hoặc giả, chúng ta cho áo dài là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam, cần bảo tồn, như trong những buổi tổ chức sinh hoạt Tết nhất, lễ lộc chúng ta vẫn thường thấy, thường nghe người ta ca tụng chiếc áo dài Việt Nam? Thế nhưng, hiện nay có lẽ không tìm đâu ra một vị cao niên có thể kể cho ta nghe về những năm đầu thế kỷ trước, tức là chưa đầy một trăm năm, khi chiếc áo dài ra đời, nó đã bị các cụ gắn liền với phong trào nữ giới đòi lên tiếng (với các phong trào phái nữ đi xe đạp, chơi thể thao...). Xã hội Việt Nam, dưới mắt các cụ thời ấy, có nguy cơ đảo lộn luân thường, vì thế chiếc áo và những người cổ xúy nó đã chịu không biết bao nhiêu lời chê bai. Chỉ một trăm năm thôi, mà hiện tượng xấu cũng đã có thể biến thành nét đẹp.

Ðọc tới đây, có thể bạn sẽ cho rằng, nếu người dân ở Việt Nam tiếp tục đối xử thô lỗ, nói năng cục cằn với nhau (theo như nhận xét của nhiều người trong chúng ta) thì một trăm năm sau thô lỗ và cọc cằn sẽ trở thành một nét biểu trưng cho văn hóa Việt Nam, và được người Việt đề cao? Chuyện này chúng ta chưa thể kiểm chứng, nhưng tôi nghĩ là khó tìm lý lẽ phủ nhận một chuyển biến như vậy trong lịch sử xã hội. Chúng ta hãy nhìn lại sự phát triển văn hóa tại Hoa Kỳ trong hơn 200 năm để thấy rằng cách ăn ở, xử thế của dân Hoa Kỳ rõ ràng là không giống cách ăn ở của dân Anh quốc, cũng chẳng giống cách xử thế của dân Da Ðỏ, nhưng nền văn hóa Hoa Kỳ hiện nay vẫn được nhiều người đề cao và quảng bá.

Vì thế, xét cho cùng, khó mà chắt lọc ra điểm nào đáng gọi đặc trưng của văn hóa Việt Nam, tuy trong giao tiếp hàng ngày chúng ta có thể nhận ra người này là người Việt, người kia ‘hình như' là người Tàu (tức không phải người Việt). Chi li hơn nữa, người trong nước có thể nhận ra anh/chị đó là ‘Việt kiều', còn chúng ta ở hải ngoại cũng không cần hỏi lý lịch, chỉ xem cách xử thế mà đã biết ‘tên đó ở trong nước ra'.

Do đó, chuyện bàn luận văn hóa Việt (sẽ) ra sao, và phải giữ văn hóa Việt theo con đường nào, hay bận tâm đến Văn hóa Việt trong và ngoài nước, là chuyện không dễ dàng, vì văn hóa tự nó không dễ dàng chịu sự chi phối của quyền lực lãnh đạo cũng như của những nhà đạo đức.

Cách hay nhất, có lẽ vẫn là cách ‘giữ văn hóa Việt theo ý của mỗi người'. Miễn là người đó luôn ý thức mình là người Việt. Ý thức Việt sẽ tự tạo cho tập thể một mẫu mực ăn ở thuận theo số đông, và đó chính là văn hóa hướng thượng.

Nếu nghĩ được như vậy, thì ta sẽ tìm được vị trí xứng đáng của lớp dạy tiếng mẹ đẻ, cũng như tìm ra được những hình thức khác để có thể duy trì bản sắc văn hóa riêng của một cộng đồng nhập cư, ngay cả trong hoàn cảnh của người Việt tại Hòa Lan, với con số ít ỏi và chưa có được một khu phố Việt.

Hiện nay, trong viễn ảnh toàn cầu hóa, khi các nền văn hóa mang bản sắc quốc gia có nguy cơ mờ nhạt để cùng hòa chung với mạng toàn cầu, những quan niệm văn hóa Việt phải thế này hay phải thế kia cũng sẽ dễ dàng vượt khỏi tầm hiểu biết hay dự phóng của cá nhân, nếu chúng ta cứ đi theo lối suy luận đã được cha ông để đặt.

 

Hoàng Giang


Cái Đình - 2005