Nguyễn Duy Chính


Đâu là văn hóa

 

Tôi đọc ở đâu đó – trên một mạng lưới trong nước – một bài viết ca tụng văn hóa Việt Nam đầy vẻ hãnh diện về quá trình của dân tộc với một gia tài văn chương khổng lồ. Quả thật đúng như thế. Mỗi người Việt đều là một nhà văn, một nhà thơ và đến nay thì lại là một… ca sĩ nữa thì phải.

Khỗ nỗi sự vĩ đại của văn chương là một thứ rất khó hình dung vì nếu một người ngoại quốc nào hỏi tôi những đặc điểm của văn hóa Việt Nam mà chỉ đem thơ văn ra chứng minh thì chắc chắn không có sức thuyết phục. Chẳng nói đâu xa, nếu như một anh chàng Congo nào đó khoe về văn chương Phi châu thì dù có ngưỡng mộ trong lòng nhưng chính bản thân tôi cũng không thể nào thưởng thức cái gia tài của họ một cách trọn vẹn được. Văn chương là cái gì rất độc đáo nên người ngoài cuộc khó có thể rung cảm như chính người trong cuộc, đến ngay tiếng Việt viết cho người Việt mà còn có kẻ thích, người không nữa là.

Ngẫm nghĩ lại, việc rao giảng cái văn hiến của chúng ta hình như vẫn chưa vượt qua được món hàng văn chương, thơ phú. Vô khối người cố gắng giải thích cho người ngoại quốc cái hay, cái tinh tế, cái thi vị của Nguyễn Du, cái hóm hỉnh, cái u mặc gợi tình của Hồ Xuân Hương – một cách tuyệt vọng. Gần đây thì người ta có thêm một món mới có vẻ dễ ăn hơn. Đó là nhạc Trịnh Công Sơn, như một thăng hoa của nghệ thuật Việt Nam để đem đi đấm xứ người. Một món hàng văn hóa mà nhà nước Việt Nam cũng thường cố gắng xuất khẩu thật rầm rộ là “truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm” nhưng hình như không đắt khách cho lắm, chỉ có độc một mình đồng chí Fidel Castro của nước Cộng hòa Cuba nghèo kiết hưởng ứng nhiệt thành.

Tôi nghiệm ra rằng, để được người khác để ý và thực tình thưởng lãm, chúng ta phải có cái gì khác hơn là chỉ thơ văn và mấy cái lẩm cẩm như địa đạo Củ Chi, bãi mìn Điện Biên Phủ… hay đường mòn Trường Sơn. Đất nước mình đã tốn không biết bao nhiêu công sức vào văn chương, vật chất lẫn tinh thần. Dưới thời phong kiến, hàng triệu người bỏ cả đời trau giồi thơ phú cốt chiếm được chút công danh, nhưng rồi hầu như tuyệt đại đa số không còn biết đến, nếu như may mắn đỗ đạt thì cũng chỉ được cái tiếng… trong làng chứ có mấy ai được sang… ở nước. Còn cái lượng xương máu đổ vào việc chống ngoại xâm – thật cũng có mà tưởng tượng ra để giết anh em trong nhà cũng có – xem ra rất nhiều nhưng thế giới chẳng ai thèm để ý, chỉ hỏi xem hiện nay các anh có cái gì chứ không hỏi chuyện ông cha chúng ta hào hùng ra sao, đánh thắng những ai? Có khi người ta lại tưởng chúng ta là một dân tộc hiếu chiến, thích chém giết. Không hiếm người to mồm khoe khoang đủ các thành tích nhưng nếu ai chịu khó lục lọi trong các bộ sách lớn của thế giới thì hầu như họa hoằn lắm mới kiếm được vài hàng về lịch sử Việt Nam ngoại trừ những cuộc chiến khốc liệt vài chục năm gần đây mà thiên hạ thấy tội nghiệp cho người Việt Nam hơn là cảm phục. Thành thử phần nhiều chỉ là mình nói mình nghe mà thôi.

Có lẽ cái tài gọt dũa văn chương được phát triển cùng cực chẳng qua bởi vì mình… nghèo. Ấy là chuyện ngày xưa còn tiếp nối đến tận ngày nay. Làm thơ, làm câu đối là việc ít tốn kém, trong tầm tay. Mừng đám cưới, chia buồn đám ma, một đôi câu đối, một bài thơ thời xa xưa chắc chắn rẻ hơn cái phong bì hay một vòng hoa trong thời đại mới. Nói nghe có vẻ khinh bạc, một nho sinh ngồi trong nhà cầu cũng có thể… rặn ra được một bài thơ, có khi lại còn nhiều hương vị hơn sáng tác ở nơi án thư, bàn viết. Đó cũng là một nghề không vốn trông vào cái tài trời cho. Hay thì gọi là thơ, kém một tí ta gọi là… vè. Thành thử hình như năm nào vào dịp tháng tư cũng có một số bài thơ đầy uất hận, hào khí ngất trời được forward qua lại trên e-mail mà tôi biết chắc chắn rằng suốt 365 ngày qua, tác giả lo nghĩ nhiều đến chuyện tiểu đường, cao máu, béo phì… hơn là chuyện nước non. Thế nhưng kiến tha lâu đầy tổ nên sau mấy chục năm nhiều người cũng in được một tập thơ mong mỏng để gửi tặng bạn bè làm duyên văn nghệ và chút bút mực gọi là di sản cho con cháu.

Thế nhưng văn hóa không lẽ chỉ có bấy nhiêu? Một cô gái muốn quyến rũ người khác ít ra cũng phải có tí ngoại hình. Thì các cụ đã bảo “người đẹp về lụa”, tuy bộ áo không làm nên thầy tu, nhưng không phải vì thế mà nhất định cho là thứ gỗ tốt nên không cần đến nước sơn nữa.

Đã có lắm người nói như đinh đóng cột rằng nước ta sở dĩ không có những công trình to lớn là vì các bậc vua chúa không muốn phí hao tiền của, xương máu của nhân dân vào cung vàng điện ngọc, lâu đài tráng lệ, hay các công trình qui mô. Có thật vua quan, chính quyền Việt Nam thương dân hơn người khác không? Chắc cũng còn phải xét lại.

Một điều hiển nhiên nhất là chúng ta gần như hoàn toàn không có những công trình kiến trúc lớn. Vĩ đại lắm thì đến kinh thành Huế là cùng. Chúng ta cũng không có công trình điêu khắc nào cho ra hồn, ngoại trừ một vài pho tượng mà xuất xứ còn đáng ngờ vì rất có thể là các cụ ngày xưa thửa từ bên Tàu đem về chứ chưa chắc là do người mình tạc lấy. Biết chắc là đồ nội hóa họa chăng chỉ có mấy hình chạm trổ thật thô kệch ở vài ngôi đình thấy trong quyển Mỹ Thuật và Công Nghệ Việt Nam. Hội họa thì lại càng nghèo nàn, bốn ngàn năm của chúng ta thật là một con số không ngoài vài bức tranh gà, tranh lợn của làng Đông Hồ chẳng đáng để sánh vai với thế giới. Về âm nhạc thì tôi không dám lạm bàn. Thế nhưng hình như Việt Nam cũng chỉ mới phát triển tới mức làng xã, hội hè với những “nghệ sĩ nhân dân nghiệp dư” đóng góp trong những ngày mùa, ngày lễ chứ chưa trở thành một tầng lớp xã hội như các quốc gia khác, cũng không phải là một ngành còn để lại những công trình nghiên cứu qui mô, chỉ mãi sau này chúng ta mới thấy có một số tác phẩm do người Pháp chủ động thực hiện. Tuy âm nhạc của nước ta rất đa dạng nhưng vẫn có tính cách địa phương và gần như là một biến thể của thơ văn hơn là một nghệ thuật được phát triển về cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

Nếu một dân tộc mà bốn chân đứng – điêu khắc, kiến trúc, hội họa, âm nhạc – ọp ẹp như thế thì chúng ta cũng nên xét lại mình. Chung qui cũng tại nghèo, nghèo nên tầm nhìn của chúng ta rất hạn chế, khó vượt ra khỏi cái nhu cầu thiết yếu nhất là làm sao cho đầy được cái dạ dầy. Chỉ có khi nào người ta no đủ thì các công trình khác mới đi theo. Mà no đủ rồi còn phải có thời gian, có phương tiện, có được một tầng lớp sĩ phu để tâm hồn bay bổng mà sáng tác, đất nước phải thanh bình, có được một quần chúng biết coi trọng người nghệ sĩ và xã hội có đủ nhu cầu cho những nghề đó sống được. Quan trọng không kém, chính quyền phải có một kế hoạch thực hiện những công trình. Tất cả những điều kiện ắt có và đủ như thế không phải dễ.

So sánh với những quốc gia nhỏ bé hơn, kể cả những quốc gia bị xóa sổ như Chiêm Thành hay suýt bị tiêu diệt như Chân Lạp thì công trình văn hóa có thể sờ thấy được của mình cũng kém xa. Ấy là trên đường Nam Tiến tổ tiên ta đã đốt phá rất nhiều, nay chỉ còn lại một vài di tích.

Sở dĩ tôi viết bài này, không phải để chê trách hay than phiền về cái kém cỏi của ông cha mình. Ai lại bất hiếu bất mục như thế. Có điều là trông xưa để nói chuyện hôm nay. Một xã hội được gọi là văn minh khi có một quá trình tích lũy vật chất cũng như tinh thần lâu đời, Không thể trông vào những phù phiếm ăn xổi, cái hào nhoáng mặt ngoài quả đúng là “phồn vinh giả tạo”.

Muốn như thế, người ta phải có một cơ sở, một hạ tầng, một nền móng vững chắc, một “master plan”và một “road map”trước khi tiến hành từng bước. Những bước ấy không phải là những lễ hội mà mê tín nhiều hơn thành kính, người bóc lột người một cách chụp giựt hay những ngày kỷ niệm mừng chiến thắng chỉ cốt cho một đám lính già có dịp huênh hoang, phét lác, những tượng đài ở khắp ngã đường góc phố trông Tàu chẳng ra Tàu, Nga chẳng ra Nga; vừa cản trở giao thông, vừa bẩn mắt. Công trình lớn cho đến nay hình như vẫn chỉ cố làm cho được cái bánh chưng dài, cái bánh dầy to, cái pháo bự, cái võng rộng… để may ra được ghi vào Fact Book của thế giới. Qui mô của một quốc gia chắc không thể chỉ là một cái “làng” lớn với tiên chỉ, thứ chỉ và lý dịch suốt ngày bận rộn hoạnh hoẹ đám cùng đinh.

Mới đây tôi được đọc một số bài tham luận trong đại hội nhà văn VII mà kẻ sĩ của thế kỷ 21 chỉ dám “rón rén, gãi đầu gãi tai” xin nhà nước cho họ được tự do như những người cầm bút thời Pháp thuộc. Thật tội nghiệp cho giới đọc sách khi đời sống tinh thần còn kém xa người dân mất nước mà vật chất thì lại càng tệ hại hơn so với đàn anh đi trước 70 năm.

Quả lẩn thẩn – nếu không nói là khôi hài và chua chát – nếu toàn dân Việt Nam cũng chỉ xin chính quyền Việt Nam có được cái “viễn kiến” và “hà khắc” như bọn thực dân vì nhìn lại thì cái xã hội Việt Nam do người ngoài cai trị còn tốt đẹp hơn hôm nay nhiều. Cứ xem hai thành phố Hà Nội và Saigon thời bọn Tây cà lồ kìm kẹp thì đủ biết. Ngăn nắp, sạch sẽ hơn, nhất là không có cái mả chình ình ở giữ thủ đô mà theo qui định thì không một công trình kiến trúc nào trên cả nước được bề thế hơn “lăng Bác”.

Ngày hôm nay, khi nhắc đến Việt Nam, người nước ngoài chỉ biết đến như một nơi du lịch và giải trí rẻ tiền, kể cả những thì thầm mà chúng ta dù ở chiến tuyến nào thì cũng không lấy gì làm tự hào cho lắm. Cho nên, khi người ta hỏi về văn hóa Việt Nam, tôi vẫn không biết gì hơn là dẫn họ đi ăn phở, dù biết rằng phở cũng chỉ mới xuất hiện gần đây và sở dĩ nó ngon là vì nấu bằng thịt bò của… Mỹ.

 

Nguyễn Duy Chính

 


Cái Đình - 2008 .