Hoàng Giang


Đâu là giới hạn?

911 ngày đã trôi qua kể từ khi Pim Fortuyn, chủ tịch đảng LPF bị bắn gục chiều ngày 06/05/2002, kết quả của sự trả đũa cho những lời phê phán nặng nề của ông về vấn đề môi trường và xã hội đã đi quá mức có thể chịu đựng của một cá nhân. Vào lúc những bàn tán xung quanh vấn đề ‘tự do phát biểu ý kiến cá nhân’ tại Hòa Lan đã bắt đầu lắng dịu, thì Theo van Gogh, người chắt của họa sĩ lừng danh Vincent van Gogh đã bị một kẻ Hồi giáo cuồng tín ‘thi hành án tử’ một cách dã man ngày 04/11/2004 vì những châm biếm ‘hỗn xược’ của ông đã làm xúc phạm một số người Hồi giáo. Một lần nữa vấn đề ‘tự do phát biểu ý kiến cá nhân’ lại nổ bùng, được tranh luận ráo riết trên toàn cõi Hòa Lan nói riêng và Âu châu cũng như toàn thế giới nói chung. Hòa Lan rúng động vì nước này được thế giới biết đến như một quốc gia nhỏ bé, người dân hiền hòa nhưng cũng rất ‘bạo mồm bạo miệng’ và có những cách giải quyết xã hội không theo khuôn mẫu ‘bình thường’. Amsterdam được biết đến như một thành phố đông dân hiếm hoi trên trái đất này, một nơi người ta có thể làm đủ mọi chuyện một cách thản nhiên, miễn là đừng đụng chạm quá lố đến tự do cá nhân hay sự an toàn thân thể của những người xung quanh. Hai vụ ‘dùng võ lực khóa mõm vĩnh viễn kẻ hành xử tự do ngôn luận giữa thanh thiên bạch nhật’, tưởng như chỉ xảy ra ở những xứ ‘chậm tiến’ Á Phi, không ngờ lại diễn ra ở một quốc gia nổi tiếng về tự do là Hòa Lan.

Và như thế cái chết của Pim Fortuyn cũng như vụ Theo van Gogh bị bắn và cắt cổ giữa ban ngày chỉ vì ‘hành xử quyền tự do ngôn luận’ đã làm người Hòa Lan chấn động thực sự. Mọi người đều đồng ý kiến với ông thị trưởng Cohen của Amsterdam là ‘xã hội Hòa Lan từ nay đã thay đổi’, và Nữ hoàng Beatrix cũng bày tỏ mối quan ngại trong những lần tiếp xúc với dân chúng để trấn an.

Có thực là xã hội Hòa Lan đã thay đổi không?

Câu hỏi này nếu đặt ra cho một nhà triết học hay một vị lãnh đạo tôn giáo là thừa, vì câu trả lời sẽ là: ‘Dĩ nhiên. Xã hội đã, đang, và sẽ thay đổi’, bởi xã hội tự thân nó biến chuyển mỗi giây phút theo với con người và đà tiến hóa chung.

Thế nhưng, ‘xã hội đã thay đổi’ trong trường hợp này được dân gian hiểu là: ‘từ nay ta phải cẩn thận miệng mồm, kẻo mang họa’, và đây mới chính là nỗi lo của mọi người. Lo vì từ chỗ quen ‘ăn to nói lớn’ nay rơi vào tình trạng ‘phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’ là một xúc phạm nặng nề đến cách ứng xử hàng ngày của người dân Hòa Lan. Trên đầu mỗi người bỗng dưng lởn vởn chiếc máy chém vô hình.

Bây giờ, những phản ứng tự phát của quần chúng đã giảm, người ta đã có đủ thời giờ và điều kiện để thu thập dữ kiện và tự tra vấn. Sự ‘xét lại vấn đề’ này có thể ví như phản ứng quần chúng khi cuốn phim ‘Indecent Proposal’ (Lời Đề Nghị Bất Chính) ra đời. Khi mới nghe qua chủ đề và cốt truyện phim, xoay quanh lời đề nghị của tỷ phú John Gage với cô Diana Murphy trong cửa tiệm dưới hầm là sẽ trả một triệu để ngủ với cô trong một đêm và cô đã chấp nhận, bỏ mặc lời phản đối của anh chồng David, đại đa số đã lên án nặng nề sự coi rẻ giá trị luân lý đạo đức vợ chồng, và kêu gào: ‘Không thể để như vậy được’. Thế nhưng, khi xem trọn phim, với các tình tiết đã đưa tới quyết định này, không ít người đã thay đổi quan điểm, từ ‘kết án nặng nề’ đã trở thành ‘giảm án’ hoặc ‘thông cảm’ cho một tình huống ‘có thể xảy ra được và chưa biết mình sẽ quyết định ra sao nếu gặp tình huống đó.’ Điều này cho thấy rằng những điều kiện phụ thuộc, và hoàn cảnh đã có tác động không nhỏ trên lời phê phán mỗi sự việc.

Nếu đem những phát biểu và bài báo của Pim Fortuyn và nhất là của Theo van Gogh lên bàn cân đạo đức mà xét, không thể chối cãi là hai ông đã nhiều lần đi quá mức giới hạn ‘bất thành văn’ của một nhóm người. Trong một số trường hợp, có thể coi đó là sự mạ lỵ, châm biếm một thành phần trong xã hội một cách hoàn toàn chủ quan mang tính cường độ mà không dựa trên bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, nếu vụ việc đem ra tòa, sẽ dằng dai và chưa chắc đã giành được phần thắng, vì những phức tạp của pháp lý khi định tội danh.

Điều đó mang một ý nghĩa: đây là một cuộc chiến không cân sức.

Pim Fortuyn có các thế lực ủng hộ, có diễn đàn chính trị, có tài ăn nói, tuy bậm trợn nhưng vẫn hàm chứa một lý luận riêng, và quan điểm trước sau như một của mình. Theo van Gogh có khả năng dùng ngòi bút và vị thế của mình trong báo giới, là nhà bỉnh bút thường xuyên của nhật báo Metro, tuy là báo phát không nhưng có số phát hành không nhỏ. Để đối lại, khi cá nhân cảm thấy bị xúc phạm mà không có được ngòi bút sắc bén hay lý luận chặt chẽ để phản bác, cũng không có cơ hội để tranh luận, cuối cùng họ sẽ chọn một vũ khí mà đối phương không có, đó là bạo lực.

Tóm lại, đây là một cuộc đấu súng mà đối thủ chọn vũ khí khác nhau.

Mặt khác, nó cũng nói lên sức mạnh của ngòi bút. Người tranh đấu bằng lời lẽ dễ chiếm thiện cảm của xã hội, vì đây là một hình thức tranh đấu bất bạo động, hợp với trào lưu thế giới hiện nay. Đồng thời, nó cũng nói lên trăn trở của những người cầm bút: viết tức là đã tự kiểm duyệt, nhưng tự kiểm duyệt dựa trên căn bản nào và làm sao dung hòa được ý tưởng xuất hiện trong đầu cho vừa khuôn với mực thước xã hội? Tự do tư tưởng không đồng nghĩa với tự do phổ biến tư tưởng qua ngôn từ.

Những lời mạ lỵ theo cảm tính, tuy phát nguồn từ tự do tư tưởng, lại được nhiều người ví như dùng súng bắn vung vãi bất kể ai. Nếu trong một xã hội mà người ta cho những lời lẽ này là thái độ của một kẻ khùng điên, và không thèm để ý đến, thì cũng giống như trong một thành phố hỗn loạn, mọi người tự do bắn lộn nhau, nhưng bằng đạn giả, chẳng làm ai chết.

Nhưng xã hội Hòa Lan hiện nay không thuần dân da trắng với một nhân sinh quan kết tụ được qua kinh nghiệm trải dài nhiều thế hệ sống trong an bình. Sự pha trộn mầu da quá nhanh đã làm xã hội Hòa Lan trở nên phức tạp, với hệ luận là văn hóa chung, vốn là sự giao kết không lời giữa các thành viên trong xã hội, đã thay đổi quá nhanh, do sự góp mặt ngày càng quan trọng của các chuẩn xã hội có nguồn từ Á, Phi… cũng như từ bắt nguồn từ văn hóa Hồi giáo, Phật giáo…

Con cái có thể nói chuyện ngang hàng với cha mẹ, và bằng những cách xưng hô dành cho bạn bè là điều mà ở thời điểm này vẫn chưa được nhiều nền văn hóa dung nhận. Nói chi những phát biểu theo kiểu Pim và Theo. Chưa kể nếu người ta thấy nguy cơ những phát biểu này sẽ được một số người đồng tình, thì nó lại được đồng hóa với khích động.

Chúng ta có thể cho rằng nếu nhận thức được là xã hội Hòa Lan đã thay đổi theo chiều hướng như trên, Pim cũng như Theo không nên làm thế để chuốc họa vào thân. Tuy nhiên, theo cách nghĩ chung của đa số người ‘Hòa Lan’, xã hội cũng cần có những người đảo lộn vấn đề. Có xung khắc mới đi đến đột phá và cải tiến. Thay vì làm theo thói quen từ A đến Z, xã hội cũng cần có những người trăn trở, tìm cách thử làm từ Z đến A, hoặc bắt đầu từ M, biết đâu nó sẽ thành một trật tự ‘tân A-Z’? Nếu không có Columbus ‘thử đi về phía Tây để tìm đường mới đến Ấn Độ’, có lẽ cho tới khi nhân loại chế tạo được phi cơ bay đường dài, mới biết sự có mặt của châu Mỹ trên trái đất. Người ta có quyền đảo lộn mọi thứ, nhưng đâu đó vẫn tiềm ẩn một số giới hạn của tự do được mọi người đồng ý. Giới hạn này thay đổi, co giãn tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Giới hạn trong thời chiến khác với giới hạn trong thời bình.

Tự do trong mỗi quốc gia cũng tương tự. Tự do phải được hành xử trong sự tôn trọng người khác và nằm trong văn hóa, luật và lệ của quốc gia, xã hội. Có những quốc gia cho điều này là sự tự nhiên, nhưng cũng có những quốc gia như Việt Nam, trong đó nhà cầm quyền đã thêm vào hiến pháp, luật định một số từ để nhấn mạnh điểm này. Người Hòa Lan áp dụng dân chủ trong đời sống không bằng cách đa số bắt thiểu số phải hoàn toàn tùng phục. Họ luôn để ra một ‘khoảnh đất dung thân’ cho những phần tử thiểu số. Cách sống ‘tranh đấu không phải để tận diệt đối phương mà là để đối phương tự diệt’, có lẽ đã mang lại sự đặc thù cho xã hội Hòa Lan.

Đương nhiên mỗi quốc gia có một giới hạn riêng cho quyền hành xử tự do dân chủ. Nếu giới hạn bị áp đặt đơn phương bởi nhà cầm quyền, đó là xứ độc tài. Nếu buông lỏng quá trớn, sẽ thành vô tổ chức. Một giới hạn đúng mức và làm mọi người hài lòng chỉ có thể đạt được qua đối thoại với nhau và chấp nhận nhau trong một xã hội mà người dân có ý thức đúng đắn về sinh hoạt quần thể. Với những người tranh đấu cải tổ xã hội, một trong những mục tiêu tranh đấu là để điều chỉnh giới hạn này cho phù hợp với các điều kiện lãnh thổ, nhân văn của NƯỚC ĐÓ nhưng đồng thời cũng phải lưu ý đến sự hòa hợp giữa những điều kiện quốc gia và trào lưu quốc tế.

Hoàng Giang
Hòa Lan - Tháng 11/2004


Cái Đình - 2004