Nguyễn Quốc Khải


Dân Chủ Hóa Hoặc Là Chết –
Tại Sao Cộng Sản Trung Quốc Phải Đối Phó Với Cải Tổ Hoặc Cách Mạng?

 

Hình (Xinhua, 1981): Chủ Tịch Nhà Nước Đặng Tiểu Bình (trái), người khởi xướng chương trình cải tổ kinh tế Trung Quốc vào năm 1976 và Tổng Bí Thư Đảng CSTQ Hồ Diệu Bang, người chủ trương dân chủ hóa Trung Quốc.

 

Vào năm 2011, đứng trước Hiệp Hội Hoàng Gia (Viện Khoa Học Anh Quốc), Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) tuyên bố rằng Trung Quốc của tương lai sẽ trở thành một quốc gia thực hiện dân chủ hoàn toàn, pháp quyền, công bằng và công lý. Không có tự do, sẽ không có dân chủ thực sự. Không có bảo đảm về quyền kinh tế và chính trị, sẽ không có tự do thật sự.” ông Eric Li, trong một bài báo có tựa đề Sinh Tồn của Đảng (The Life of the Party), không nói hời hợt về dân chủ như vậy. Thay thế vào đó, ông Li, nhà tư bản mạo hiểm có cơ sở tại Thượng Hải (Shanghai), tuyên bố rằng cuộc tranh luận về dân chủ hóa Trung Quốc đã tắt ngủm: Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không những sẽ còn nắm quyền hành trong tay; sự thành công của ĐCSTQ trong những năm tới sẽ còn củng cố mô hình độc đảng và trong tiến trình sẽ thử thách sự khôn ngoan của Tây Phương về phát triển chính trị.” ông Li có thể phát động một cuộc chạy đua quá sớm.

Theo ông Li sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng đối với đường hướng tổng quát của Trung Quốc chứng tỏ rằng dân Trung Quốc ưa thích tình trạng chính trị hiện nay.Trong một quốc gia không có tự do phát biểu ý kiến, yêu cầu dân chúng đánh giá thành tích của những nhà lãnh đạo, giống như tổ chức một cuộc thi chỉ có thể chọn một câu trả lời có sẵn. Những cuộc điều nghiên nghiêm chỉnh hơn với cách đặt những câu hỏi bớt nhậy cảm về chính trị đã đem lại những kết quả trái ngược với kết luận của ông Li. Theo cuộc điều nghiên vào năm 2003 được đề cập đến trong tài liệu “Những người Đông Á Nghĩ Thế Nào về Dân Chủ” (How East Asians View Democracy), được hiệu đính bởi những nhà nghiên cứu Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew Nathan, và Doh Chull Shin, 72,3% những người Trung Quốc được thăm dò ý kiến nói rằng họ tin là dân chủ là “một khát vọng cho nước của chúng tôi hiện nay,” và 67% nói rằng dân chủ “thích hợp cho nước của chúng tôi hiện nay.” Hai con số này ăn khớp với những con số của những quốc gia có nền dân chủ bền vững trong vùng Đông Á kể cả Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan.

Có những đòi hỏi nhiều dân chủ hơn tại Trung Quốc. Sự thật là khối chống cải tổ ở trong ĐCSTQ nắm lợi thế kể từ vụ đàn áp tại Quảng Trường Thiên An Môn (Tiananmen Square) vào 1989. Nhưng gần đây, những tiếng nói đòi cải tổ trong nội bộ ĐCSTQ đang tăng cường sức mạnh và được hỗ trợ bởi những đòi hỏi sự trung thực, minh bạch, và trách nhiệm bởi hàng trăm triệu người dùng Internet. Những lãnh tụ mới của Trung Quốc xem ra ít nhất bằng lòng chấp nhận một giọng điệu ôn hòa hơn những người tiền nhiệm. Những lãnh tụ tiền nhiệm từng đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ chống lại việc “tây phương hóa” hệ thống chính trị của Trung Quốc. Cho đến bây giờ, điều ngăn cản Trung Quốc tiến tới dân chủ không phải là thiếu nhu cầu nhưng là thiếu cung cấp. Có thể là khoảng cách này sẽ bắt đầu khép lại trong hơn 10 năm sắp tới.

 

Không có gì thật sự vĩ đại 

Hình (Washington Post, 2-6-1989): Nhân cái chết của ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), cựu tổng bí thư của ĐCSTQ, vào ngày 15-4-1989 và những biến động tại những nước Cộng Sản Đông Âu và Liên Bang Xô Viết, hàng trăm ngàn thanh niên sinh viên tụ tập tại Quảng Trường Thiên An Môn trong hơn một tháng để tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang và đòi tự do dân chủ. Nhà cầm quyền Trung Quốc với sự đồng ý của lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình, đã thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình và gây ra vụ thảm sát vào ngày 4-6-1989.

 

Ông Li xác nhận rằng Trung Quốc có những vấn đề như phát triển kinh tế chậm, không cung cấp đủ dịch vụ xã hội, và tham nhũng, nhưng ông cho rằng ĐCSTQ có nhiều khả năng để giải quyết những vấn đề này hơn bất cứ một chính phủ dân chủ nào. Ông Li lý luận rằng ĐCSTQ sẽ có thể làm những quyết định khó khăn và theo rõi cho đến khi hoàn tất nhờ vào khả năng tự sửa sai, cấu trúc trọng dụng nhân tài, và tính chất chính thống phổ thông (popular legitimacy) của ĐCSTQ.

Trong sáu thập niên cai trị, ĐCSTQ đã thử mọi thứ từ tập thể hóa đất đai cho đến Bước Nhẩy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa cho đến tư nhân hóa. Theo ông Li, điều này làm cho ĐCSTQ trở thành “một trong những tổ chức chính trị tự cải tổ trong lịch sử thế giới cận đại.” Bất hạnh thay, thủ tướng của Trung Quốc không có niềm tự tin của ông Li rằng Bắc Kinh có thể học hỏi từ những tai họa của quá khứ và có thể sửa những sai lầm. Vào tháng Ba vừa qua, phản ứng trước vô số vụ tham nhũng, ông Ôn Gia Bảo cảnh cáo rằng nếu không có sự cải tổ chính trị, “những thảm họa lịch sử như cuộc Cách Mạng Văn Hóa có thể lại xẩy ra.”

Trung Quốc có vẻ vượt hàng năm ánh sáng ra ngoài hai giai đoạn thảm khốc cho đất nước là Bước Nhẩy Vọt và cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Tuy nhiên ĐCSTQ chưa bao giờ phủ nhận hoặc chấp nhận tội cho cả hai giai đoạn này. ĐCSTQ cũng không đặt vấn đề làm thế nào để ngăn chặn những tai họa tương tự trong tương lai. Trong một hệ thống không có sự quy định trách nhiệm thật sự hoặc kiểm tra đối trọng (check and balance), những ưu tư của ông Ôn Gia Bảo – và của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đã phải trải qua những nỗi kinh hoàng của những biến cố trên – là chân thật và được chứng minh là đúng.

Sau khi ca tụng khả năng thích ứng của ĐCSTQ, ông Li tán dương hệ thống trọng dụng nhân tài của đảng. Ở điểm này, ông Li nhắc đến câu chuyện của ông Khâu Hà (Qiu He), một người có sáng kiến về chính sách công, đã từ một đảng viên thấp kém tại một quận hạt xa xôi trở thành phó bí thư tỉnh ủy của tỉnh Vân Nam. Hệ thống chính trị của Trung Quốc uyển chuyển đủ để cho phép một người như ông Khâu Hà thí nghiệm những cuộc cải tổ. Đây là một lý do khiến cho hệ thống chính trị của Trung Quốc đã không sụp đổ sớm hơn. Tuy nhiên, một điểm kỳ quặc là ông Li dùng câu chuyện của ông Khâu Hà để chống lại dân chủ. Những điểm đặc trưng của hệ thống chính trị của Trung Quốc đã cho phép ông Khâu Hà thử nghiệm những sáng kiến về chính sách, ủy nhiệm (nguyên tắc giao phó trách nhiệm quyết định cho giới chức thấp nhất) và chế độ liên bang, thật sự là nền tảng của một thể chế dân chủ hoạt động vững vàng. Không giống như Trung Quốc, nơi mà chính quyền trung ương ra những sắc lệnh ủy quyền và phân quyền liên bang, phần lớn những thể chế dân chủ phân quyền một cách trân trọng theo hiến pháp.

Có một vấn đề nữa với câu chuyện về ông Khâu Hà: đối với mỗi ông Khâu Hà, có vô số những chính trị gia Trung Quốc được ĐCSTQ thăng chức vì những lý do kém tích cực. Đơn giản là những dữ kiện có hệ thống không xác nhận sự quyết đoán của ông Li rằng cả hệ thống chính trị của Trung Quốc trọng dụng nhân tài. Trong một cuộc phân tách kỹ lưỡng dữ kiện kinh tế và chính trị, những nhà khoa học chính trị Victor Shih, Christopher Adolph, và Mingxing Liu không tìm thấy những bằng cớ chứng tỏ rằng những viên chức Trung Quốc với những thành tích kinh tế tốt dễ được thăng chức hơn là những người có thành tích xấu. Vấn đề quan trọng hơn cả là sự đỡ đầu – điều mà ông Wu Si, một nhà sử học nổi tiếng và một chủ biên ở Trung Quốc, gọi là “luật chìm” của hệ thống thăng cấp.

Ông Li cho rằng một người với địa vị của ông Barack Obama trước khi ông ta được bầu làm tổng thống không thể tiến xa được trong chính trị Trung Quốc. Ông Li đúng, nhưng trường hợp ngược lại cũng đúng. Hãy xem trường hợp ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), nguyên là một thành viên của Bộ Chính Trị và vợ của ông thú nhận giết người, với lương của một công chức, ông có thể cho con trai ra học ở nước ngoài một cách khó hiểu, giám sát chiến dịch khủng bố đỏ nhằm vào những nhà báo và luật gia, tra tấn và tống giam một số không rõ công dân mà không được xét xử một chút gì cả. Không một người nào có thành tích như ông Bạc Hy Lai có thể tiến rất xa tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Bạc Hy Lai đã vượt trội lên tại Trung Quốc. Và trước khi suy sụp, ông Bạc Hy Lai nắm trong tay quyền lực không bị kiềm chế như ông Khâu Hà và đã sử dụng quyền lực này để làm phục hồi lại mọi yếu tố của cuộc Cách Mạng Văn Hóa mà ông Ôn Gia Bảo chống.

Một vấn đề khác mà ông Li nêu lên là tính chất chính thống phổ thông của ĐCSTQ. Nhưng tham nhũng và lạm dụng quyền thế làm hao mòn sự chính thống này. Đây là một trong những bài học mà những nhà lãnh đạo đảng rút tỉa được từ trường hợp Bạc Hy Lai. Thật đáng chú ý rằng cả hai ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), chủ tịch nước sắp hết nhiệm kỳ, và ông Tập Cận Bình (Xi Jinping), tân chủ tịch nước, vừa đây cảnh báo kịch liệt rằng tham nhũng có thể đưa đến sự sụp đổ của đảng và nhà nước. Những lãnh tụ này đúng, đặc biệt vì tình trạng kinh tế đi xuống hiện nay tại Trung Quốc. Điều này không có nghĩa là một vài cá nhân lãnh đạo ĐCSTQ không còn được kính trọng rất nhiều bởi dân Trung Quốc. Nhưng những người này là những người chủ trương cải tổ trong đảng, như ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), người đã khởi xướng cải tổ thị trường Trung Quốc vào cuối thập niên 1970 và ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), tổng bí thư ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình. Thực tế là những nhà cải tổ tiếp tục được dân chúng ưa chuộng hiện nay tạo một cơ hội cho ĐCSTQ: Đảng này có thể theo đuổi một chương trình cải tổ chuẩn bị trước để thực hiện một cuộc chuyển tiếp từ từ và hòa bình sang chế độ dân chủ, tránh những sự hỗn loạn và biến động đột ngột đang bao trùm Trung Đông. Nhưng điểm chính yếu là bắt đầu những cải tổ này ngay bây giờ.

 

Tìm kiếm sự thật

Hình (Keystone – France): Hai chiến dịch Bước Nhẩy Vọt (1958-1961)và Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) đã làm đảo lộn tình trạng chính trị, kinh tế và xã hội Trung Quốc. Hậu quả là hàng chục triệu người chết đói.Bước Nhẩy Vọt nhắm công nghiệp hóa nhanh chóng bằng số nhân lực dồi dào và sản xuất tập thể. Cách Mạng Văn Hóanhắm tiêu diệt tư bản, áp đặt chế độ Cộng Sản, và loại trừ những đảng viên cao cấp chống ông Mao Trạch Đông về sự thất bại của Bước Nhẩy Vọt.

 

Sau khi duyệt qua những điều tích cực về hệ thống chính trị của Trung Quốc, ông Li chuyển sang những vấn đề của Tây Phương. Ông thấy tất cả những vấn đề của Tây Phương – giai cấp trung lưu tan rã, cơ sở hạ tầng đổ vỡ, nợ nần, chính trị gia bị nhóm lợi ích chiếm đoạt – gây ra bởi nền dân chủ phóng khoáng (liberal democracy). Nhưng những vấn đề này không chỉ giới hạn cho những chính phủ dân chủ phóng khoáng. Chế độ độc tài cũng trải qua những kinh nghiệm này. Hãy nghĩ đến cuộc rối loạn kinh tế đánh vào những chánh phủ quân nhân ở châu Mỹ Latin vào hai thập niên 1970 và 1980 và tại Nam Dương vào 1997. Chỉ những chính quyền độc tài có nền kinh tế tập trung (centrally-planned economies) không có những hệ thống tài chánh mới thoát khỏi những cuộc khủng hoảng tài chánh. Những nền kinh tế tập trung này trải qua một tình trạng kinh tế trì trệ lâu dài thay vì trải qua những chu kỳ lên xuống đột ngột.

Ông Li dùng dữ kiện của tổ chức Transparency International để lập luận rằng nhiều chế độ dân chủ tham nhũng hơn là Trung Quốc. Bỏ qua một vấn đề mỉa mai là dùng dữ kiện của một tổ chức cam kết phát huy sự minh bạch để bào chữa một chế độ độc tài mờ ám, lập luận của ông Li để lộ ra một điểm giải tích sâu sa hơn. Để phát hiện tham nhũng phải cần đến tin tức.Trong một chế độ độc đảng, tin tức thực bị giữ kín và hiếm hoi. Mạng I Paid A Bribe (Tôi Hối Lộ) tại Ấn Độ được thiết lập vào 2010 để dân Ấn Độ có thể tường trình một cách khiếm danh những trường hợp dân phải hối lộ để nhận được dịch vụ của chính phủ. Tính đến tháng 11-2012 trang mạng này đã ghi nhận được 21.000 hồ sơ về tham nhũng. Khi người dân Trung Quốc thiết lập những trang mạng tương tự như I Made A Bribe và 522phone.com, chính quyền đã đóng những mạng này. Do đó, thật là vô ích để so sánh 21.000 trường hợp tại Ấn Độ với không trường hợp nào tại Trung Quốc và kết luận rằng Ấn Độ tham nhũng hơn. Tuy nhiên đây lại chính là cách ông Li đã làm.

Nên biết rõ rằng có những chế độ dân chủ tham nhũng. Như ông Li đã vạch rõ, Argentina, Nam Dương và Phi Luật Tân có những thành tích kinh khủng về điểm này. Những lãnh tụ độc tài quân phiệt tàn nhẫn đã cai trị những quốc gia này nhiều thập niên, trước khi họ cởi mở. Những chế độ độc đoán này đã tạo ra những hệ thống tham nhũng mà những chế độ dân chủ mới được thiết lập sau phải đối phó.Những chế độ dân chủ phải chịu trách nhiệm về những thất bại trong việc tiêu diệt tham nhũng, nhưng không ai nên nhầm lẫn triệu chứng với nguyên nhân.Chắc chắn rằng những chế độ chuyên quyền tham nhũng rất nhiều so với những chế độ dân chủ trên khắp thế giới. Phúc trình 2004 của Transparency International cho thấy là ba viên chức tham nhũng nhất trong hai thập niên trước đó là Suharto, cai trị Nam Dương cho đến 1998; Ferdinand Marcos, lãnh đạo Phi Luật Tân cho đến 1986; và Mobutu Sese Seko, tổng thống của nước Dân Chủ Cộng Hòa Congo cho đến năm 1997. Ba lãnh tụ độc tài này đã cướp của dân nghèo tổng cộng 50 tỉ Mỹ kim.

Theo một phúc trình được phổ biếntrong một thời gian ngắn trên mạng của ngân hàng trung ương Trung Quốc vài tháng trước, kể từ 1990, những viên chức tham nhũng Trung Quốc – vào khoảng 18.000 người – đã chuyển ra nước ngoài tổng cộng khoảng 120 tỉ Mỹ kim. Con số này tương đương với toàn bộ ngân sách giáo dục của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1978 – 1998. Ngoài sự mất mát hoàn toàn về tài chánh, tham nhũng đã gây nên tình trạng cực kỳ xấu xa về an toàn thực phẩm, vì các viên chức được hối lộ đã không thi hành luật lệ. Phúc trình 2007 của Ngân Hàng Phát Triển Á châu ước tính rằng 300 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm mỗi năm. An toàn thực phẩm không phải là tai họa duy nhất. Hối lộ gây ra tai nạn sập cầu và công trình xây cất làm chết người và những chất phế thải từ những nhà máy hóa học làm độc hại môi trường – và che đậy những bê bối này.

Vấn đề không phải là Trung Quốc nhân nhượng tham nhũng. Chánh quyền thường xuyên xử tội những viên chức liên hệ. Và một số là những viên chức cao cấp như Thành Khoa Kiệt (Cheng Kejie), nguyên là phó chủ tịch Nghị Hội Nhân Dân Toàn Quốc (National People’s Congress) trước khi bị hành quyết vào 2000, và Trịnh Tiêu Du (Zheng Xiaoyu), giám đốc Cục Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm, bị hành quyết vào 2007. Vấn đề là thiếu vắng hệ thống kiểm soát và đối trọng về quyền hành và sự thiếu sót những cách ngăn chặn tham nhũng tốt nhất, đó là sự minh bạch và tự do báo chí.

 

Dân chủ sớm muộn sẽ tới

Mặc dù ông Li lập luận rằng hệ thống độc đảng của ĐCSTQ là hệ thống tốt nhất cho Trung Quốc, ông ta cũng trình bầy một số cải tổ nhậy cảm để cải thiện hệ thống này. Ông đề nghị những tổ chức phi chính phủ mạnh hơn để giúp chánh quyền cung cấp dịch vụ tốt hơn; những phương tiện truyền thông độc lập hơn để giúp kiểm tra tham nhũng; và những yếu tố của một hệ thống dân chủ nội bộ đảng (intraparty democracy) để giúp phơi bầy “những chuyện cá nhân hay riêng tư xấu xa của đảng và ngăn chặn những hành vi không thích đáng.” ông Li đúng. Mỉa mai thay đây lại chính là những thành tố cốt lõi của một nền dân chủ hoạt động vững vàng.

Không có một quốc gia nào lại có thể chỉ chấp nhận những thành tố căn bản của một nền dân chủ mà không chấp nhận tất cả. Không thể nào duy trì được những cuộc bầu cử sơ cấp sống động hoặc tổ chức những buổi họp hay các nhóm chiến lược tại cấp tiểu bang như Iowa, nhưng lại có một chính quyền trung ương vận hành theo kiểu Stalin. Hãy xem Đài Loan, nơi mà nền dân chủ tiến hóa qua thời gian. Vào đầu thập niên 1970, ông Tưởng Chính Quốc (Chiang Ching-kuo), người trở thành tổng thống vào năm 1978, bắt đầu cải tổ đảng nắm chính quyền, Quốc Dân Đảng (Kuomingtang), để cho phép những cuộc bầu cử tranh đua tại địa phương, dân Đài Loan tham gia (trước đó, chỉ có những người sống tại lục địa Trung Quốc mới được phép giữ những chức vụ quan trọng), và kiểm tra bởi công chúng tiến trình thành lập ngân sách của đảng. Ông cũng trả tự do cho những tù nhân chính trị và trở nên khoan dung hơn đối với báo chí và những tổ chức phi chính phủ. Khi Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Democratic Progressive Party), một đảng đối lập, xuất hiện vào năm 1986, đó là một thành quả tự nhiên của những cải tổ do ông Tưởng Chính Quốc chủ trương. Đối với Đài Loan, sau cùng người ta không thể phân biệt giữa dân chủ và dân chủ toàn bộ. Đây cũng sẽ là sự thật đối với Trung Quốc.

Và đây là một điều tốt. Ông Li đúng khi nói là Trung Quốc đã đạt được tiến bộ kinh tế và xã hội lớn lao trong một vài thập niên. Nhưng quốc gia này cũng chứng tỏ thiếu hiệu quả trong việc tạo ra phát triển toàn bộ, giảm bất bình đẳng lợi tức, loại trừ hối lộ, và ngăn chặn thiệt hại về môi trường. Đây là lúc thử nghiệm dân chủ. Như những học gỉa David Lake và Mathew Baum đã trình bầy, một sự kiện đơn giản là những chế độ dân chủ tốt hơn các chế độ độc tài trong việc cung cấp dịch vụ công cộng. Và những quốc gia chuyển tiếp sang dân chủ sẽ tìm thấy sự tiến bộ ngay lập tức. Trung Quốc đang nhìn thấy một vài hiệu quả này: Nancy Qian, một nhà kinh tế tại Đại Học Yale, cho thấy rằng việc tổ chức bầu cử tại cấp làng ở Trung Quốc đã cải thiện trách nhiệm và gia tăng chi phí về dịch vụ công cộng.

Một Trung Quốc dân chủ khó có thể làm hơn Trung quốc ngày nay về mức phát triển theo tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP), nhưng ít nhất phát triển sẽ toàn bộ hơn. Những lợi ích không chỉ đến với chính phủ và một số ít những nhà tư bản thân thuộc, mà cho đa số dân Trung Quốc, bởi vì một chế độ dân chủ hoạt động vững vàng sẽ thăng tiến thành quả tốt nhất cho đại đa số.

Có hai khía cạnh của nền kinh tế Trung Quốc báo hiệu con đường dẫn đến dân chủ hóa. Một là mức GDP bình quân đầu người. Một vài nhà khoa học xã hội tin rằng Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng cửa này đến cái mức mà phần đông xã hội chắc chắn phải bắt đầu dân chủ hóa – giữa 4000 Mỹ kim và 6000 Mỹ kim. Như học giả Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) đã nêu ra, trong 25 quốc gia với GDP bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc, không có tự do hoặc chỉ có một phần tự do, 21 nước sống sót được là nhờ cậy vào những tài nguyên thiên nhiên. Ngoài nhóm ngoại lệ này, các nước đều trở thành dân chủ khi trở nên giầu có hơn.

Điều kiện thứ hai về cấu trúc báo hiệu tiến trình dân chủ hóa là sự phát triển nóng bỏng của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ chậm lại, làm gia tăng những tranh chấp và làm cho nạn tham nhũng trở thành một gánh nặng trầm trọng hơn để có thể gánh chịu. Khi kinh tế phát triển, người ta sẵn sàng chịu đựng một vài hối lộ. Khi kinh tế không phát triển, cùng một mức tham nhũng cũng không thể được dung thứ. Nếu Trung Quốc tiếp tục với tình trạng chính trị hiện nay, những cuộc xung đột gần như chắc chắn sẽ tăng cường mạnh mẽ, và nguồn tài chánh thất thoát ra nước ngoài hiện nay đang gia tăng vì niềm tin vào tương lai kinh tế và chính trị Trung Quốc đang giảm xuống, sẽ còn tăng tốc hơn trước. Nếu không ngăn chặn, việc các thành phần kinh tế ưu tú mất tin cậy sẽ cực kỳ nguy hiểm cho kinh tế Trung Quốc và có thể gây ra sự bất ổn tài chánh trầm trọng.

Chúng ta nên nhớ rằng việc dân chủ hóa nằm trong tay ĐCSTQ. Về điều này, sự việc cũng trở nên tốt đẹp hơn.Ngay cả một vài nhân vật có thế lực và ảnh hưởng của Trung Quốc nay đã tin rằng sự ổn định không được tạo ra bởi sự đàn áp nhưng bằng cởi mở về chính trị và kinh tế. Gần đến ngày Đại Hội Đảng thứ 18 được tổ chức vào tháng 11, một lá thư ngỏ kêu gọi minh bạch và dân chủ nội bộ đảng nhiều hơn đã được phổ biến trên Internet. Một trong những tác giả của lá thư này là ông Chen Xiaolu, một người con trai nhỏ nhất của một trong những tướng lãnh có nhiều huy chương nhất của quân đội Trung Quốc và cũng là một cựu phó thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao và một phụ tá được tin cậy của Thủ Tướng Chu Ân Lai. Ông Chen và nhiều nhân vật ưu tú Trung Quốc không còn tin rằng tình trạng hiện nay có thể tồn tại được.

Kể từ 1989, ĐCSTQ không chấp nhận bất cứ một cải tổ chính trị thật sự nào, mà hoàn toàn chỉ trông cậy vào mức phát triển cao để duy trì quyền cai trị. Chiến lược này chỉ thành công khi nền kinh tế đang phát triển nhanh – môt điều mà Bắc Kinh (Beijing) không thể chấp nhận như một của trời cho. Một điều vô cùng quan trọng là hoặc ĐCSTQ chấp nhận những cải tổ chính trị hoặc bị bắt buộc phải làm như vậy vì một cuộc khủng hoảng thê thảm. Thay đổi một hệ thống chính trị dần dần bằng một cách thức có kiểm soát tốt hơn là một cuộc cách mạng hung bạo. ĐCSTQ có thể phục hồi được uy tín bằng một sứ mệnh cải tổ và ĐCSTQ có thể cải thiện chế độ chính trị của Trung Quốc mà không phải từ bỏ quyền lực. Không nhiều chế độ độc tài có được cơ hội này; ĐCSTQ không nên phung phí nó.

"Please use your liberty to promote ours" - Aung San Suu Kyi

 

Nguyên tác: “Democratize or Die – Why China’s Communists Face Reform or Revolution.”, Yasheng Huang
Foreign Affairs, January/February 2013
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
5-1-2013

—————————————

ÔngYasheng Huang là giáo sư về chính trị kinh tế và quản trị quốc tế tại Trường Quản Trị Sloan thuộc Viện Đại Học Kỹ Thuật Massachusetts (MIT) và là tác giả của cuốn sách “Chủ Nghĩa Tư Bản với Đặc Tính Trung Quốc: Kinh Doanh và Nhà Nước.

 


Cái Đình - 2013