Nguyễn Văn Trần
Dân chủ cộng đồng và khả năng đóng góp xây dựng Việt Nam ngày mai
Nói về dân chủ và cộng đồng không tránh khỏi đề cập đến sự thành hình cộng đồng và sự diễn tiến những tư tưởng chánh trị áp dụng vào việc quản trị cộng đồng. Từ ngữ cộng đồng , trước tiên hàm chỉ "cộng đồng quốc gia".
Ngày nay, thế giới mở rộng, cộng đồng là tập hợp riệng biệt từng sắc dân sống ở ngoài quốc gia quê quán. Ý niệm về dân chủ (tức quyền của dân) và quốc gia có thể giản lược trong vài câu:
"Con người lúc ban sơ đã sanh sống thành nhóm. Những nhóm họp lại thành xã hội. Xã hội thủ đắc cho mình một quyền lực. Quyền lực tự biến thành Nhà nước. Nhà nước định hình và tồn tại trên sự đồng thuận. Sự đồng thuận phải được minh thị, sự minh thị phải được tái lập." (1)
Ngày nay, thật may mắn cho chúng ta có hai Việtnam: Việtnam quốc nội và Việtnam hải ngoại. Việc xây dựng cộng đồng Việtnam hải ngoại rất quan trọng, bởi nó sẽ cho ta những kinh nghiệm thiết thực để xây dựỉng đất nước sau này.
Cộng đồng Việtnam hải ngoại dầu sống dưới các chế độ dân chủ tự do vẫn có người ưu tư tự hỏi, Việtnam sau cộng sản có thể thay đổi trở thành một nước dân chủ không?
Dân chủ có phải là đáp ứng đòi hỏi của toàn dân Việtnam không, bởi lịch sử Việtnam là lịch sử các chế độ quân chủ, rồi qua cộng sản độc tài kia mà?
l.- TÍNH DÂN CHỦ TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM.-
a/- Từ 1946, Việtnam có tất cả 6 bản Hiến Pháp, trong đó miền Nam có 2 bản: 1956 và 1967.
Bản Hiến Pháp 1946 chỉ có giá trị một tài liệu văn khố vì không được ban hành áp dụng. Các bản Hiến Pháp sau đó của miền Bắc chỉ là công cụ đàn áp xã hội để bảo vệ chế độ độc tài về mặt luật pháp. Hai bản Hiến Pháp của miền Nam dưới chế độ Đệ l và Đệ ll Cộng hòa tuy chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng cũng đã giữ được cho miền Nam nền tảng tối thiểu của một chế độ dân chủ tự do.
Như vậy, trước khi mất độc lập, Việtnam chưa có một chế độ dân chủ nhưng không có nghĩa là quốc dân Việtnam đã không hưởng được những điều mà ngày nay người ta gọi là quyền công dân . Dưới thời quân chủ, luật pháp của nhà vua chỉ nhằm ngăn cấm người dân làm những việc có phương hại đến kỷ cương xã hội, mà không quy định và bảo vệ những điều mà người dân phải được hưởng theo như ngày nay chúng ta gọi là quyền.
Mãi đến thế kỷ thứ 19, tiếng Quyền (Droit / Right) mới được du nhập vào Việtnam qua ngõ Nhựt Bổn. Và nhờ đó, chúng ta ngày nay có được từ ngữ quyền quen thuộc như nhơn quyền, dân quyền , quyền dân sự và chánh trị.
b/- Dưới thời quân chủ, mặc dầu chưa có tiếng quyền theo sự hiểu biết của ngày nay, người dân Việtnam không vì thế mà hoàn toàn bị đặt dưới sự khống chế của những nhà lãnh đạo. Nền chánh trị Việtnam lúc bấy giờ được xây dựng trên chủ trương là mọi người, từ vị thiên tử đến thứ dân, đều có nhiệm vụ phải chu toàn. Nếu chánh quyền làm tròn nhiệm vụ của mình thì người dân được hưởng điều mà ngày nay được gọi là quyền ( nhơn quyền, dân quyền ).
Nhiệm vụ của nhà cầm quyền, tức nhà vua, gọi là thiên mạng . Còn nhiệm vụ của thứ dân gọi là dân bổn.
Theo tư tưởng chánh trị cổ thời, nhà lãnh đạo một cộng đồng hay một quốc gia là người được Trời chọn và ban cho một cái mạng , nhờ đó người ấy có quyền sai khiến hết mọi người và trừng phạt những ai không tuân lịnh hoặc làm trái lịnh của mình. Quan niệm dân bổn được hiểu dân là gốc của nước. Gốc có vững thì nước mới yên!
Tư tưởng "thiên mạng" và "dân bổn" dẫn đến chủ trương là nhà lãnh đạo cộng đồng phải hết lòng phục vụ mọi người. Có được một nhà lãnh đạo làm tròn sứ mạng do Trời giao phó thì dĩ nhiên muôn dân sẽ được sống yên vui thuận theo đạo lý. Trời theo dõi người thi hành thiên mạng qua dân, nên "Trời thấy như dân thấy, Trời nghe như dân nghe", bởi vì "Trời thương dân, nên ý dân là ý Trời". (2)
Nếu nhà lãnh đạo không làm tròn nhiệm vụ, mà còn cư xử hung bạo với dân, làm cho dân oán than thì Trời sẽ thể theo ý dân mà thu hồi cái mạng đã ban cho.
c/- Về mặt cơ cấu, chế độ quân chủ thời xưa đươc chia ra làm nhiều thứ bực phân minh, khác nhau theo thứ tự từ chí cao đến chí thấp. Ngôi vua đươc trao truyền theo lối thế tập. Những chức vụ và phẩm tước khác, người dân thường do tài đức và công nghiệp mà có. Từ đời nhà Lý (thế kỷ 11 - 13) những chức quan cho thứ dân, những người đươc tuyển chọn, qua các kỳ thi công cộng. Việc tổ chức thi cử và mở trường dạy học đã được các đời vua sau tiếp nối. Nên nhớ, việc mở trường dạy học hoàn toàn tự do, miễn thầy dạy học không dạy điều gì phạm đến đạo lý. Và người học giỏi chẳng những được tuyển dụng làm quan mà còn được xã hội trọng vọng.
Như thế, ở thời quân chủ cực thịnh, mọi người dân Việtnam bình thường đều có thể tham gia chánh sự nếu có tài đức. Sự bình đẳng và phổ quát về việc này được đề cao trong sách vỡ lòng dạy chữ nho ngày xưa (Ấu học ngũ ngôn thi):
"Tướng tướng bản vô chung
Nam nhi đương tự cường" (3)
(Các quan và tướng đều không phải thuộc một giòng giống nào. (Vậy) Kẻ làm trái phải tự sức của chính mình mà đạt đuợc).
d/- Chế độ quân chủ Việtnam thời trước chẳng những quan tâm lắng nghe ý kiến của người khác, của cả dân chúng, mà còn khuyến khích việc phát biểu chánh kiến. Từ đời nhà Lý trở đi, mỗi triều đại đều lập những cơ quan có nhiệm vụ phê phán những sai trái của triều đình, gọi là Ngự Sử Đài hay Đô Sát Viện. Ngoài ra, các quan chức khác hoặc thường dân cũng có quyền dâng sớ lên vua để bày tỏ ý kiến của mình. Ông Chu văn An dâng sớ xin vua chém đầu bảy kẻ nịnh thần vốn là bầy tôi yêu quý của vua Dụ Tông (thế kỷ 14) nhưng không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn từ quan. Sau đó, nhà vua mời ông ra giúp nước, ông vẫn từ chối. Thế mà nhà vua không xử phạt ông như tội khi quân. Trái lại, nhà vua còn tỏ ý kính trọng lòng cương trực của bực sĩ phu. Cho đến đời Minh Mạng (thế kỷ 19), nhà vua đã nhiều lần ngỏ ý muốn nghe lời ngay thẳng của cấp dưới. Và quả thật, vua Minh Mạng đã nghe và đã tôn trọng những ý kiến chánh đáng của cấp dưới. (4)
e/- Một chánh quyền biết quý trọng dân, lấy dân làm gốc, thì phải tổ chức luật pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của dân và phải thi hành luật pháp công minh chống lại những áp bức của kẻ có nhiều quyền thế.
Về mặt này, Việtnam có hai bộ luật, được sử dụng cho đến năm 1975 với nhiều cải tiến, và còn tồn tại đến ngày nay, là bộ Quốc Triều Hình Luật (hay luật nhà Hậu Lê), (thế kỷ 15 – 18) và bộ Hoàng Việt Luật Lệ (luật nhà Nguyễn, thế kỷ 19 – 20).
Hai bộ luật này là sản phẩm của chế độ quân chủ nhưng chứa đựng một nội dung có nhiều điểm tiến bộ hơn so với luật pháp của Tây phương ngày nay.
Án tử hình phải được nhà vua duyệt xét rồi mới thi hành. Vua Minh Mạng thường bảo các quan chức rằng mạng nguời rất quí nên các viên chức xử án phải xem xét mỗi án tử hình nhiều lần, dầu cho nhà vua đã xem qua. Và phải tâu lại nếu thấy còn chỗ nghi ngờ.
Các nhà vua thời trước còn cho phép và khuyến khích dân chúng đệ đơn kêu oan cho bổn thân hay cho người trong họ.
Người dân ngày xưa còn được phép đón đường vua đang đi để trình bày các nỗi oan ức của mình. Vua Minh Mạng đã cho đặt trống Đăng Văn để người dân có điều gì muốn trình tấu lên vua thì chỉ có việc đánh trống. Các quan chức Lục Bộ và Đô Sát Viện đi theo nhà vua để thu nhận mọi thỉnh nguyện hoặc ý kiến phê phán chánh sách cai trị của triều đình.
Dưới thời quân chủ cực thịnh ở Việtnam, người dân có quyền tự do đi học, dự thi và tham chánh. Về những quyền tự nhiên của con ngưòi, người dân được luật pháp quân chủ bảo vệ tương đối tốt khi nhà vua châu toàn thiên mạng. Quan niệm về "thiên mạng" và sự "châu toàn thiên mạng" phù hợp với lý thuyết chánh trị thời trung cổ Tây phương về "Minh vương" (roi juste). Quan niệm này được ghi vào luật trung cổ: "Nhà vua được chọn và tấn phong để đem lại công lý cho mọi người". Giáo hội Thiên Chúa Giáo nhìn nhân tư tưởng này không phải biểu hiện sự tự lập chánh trị mà là vai trò đặc biệt của quyền lực dân sự. Nhà nước quân chủ, từ ngay khi ra đời, hành sử chức năng của vị "thẩm phán tối cao" và chính vì thế mà Nhà nước quân chủ đươc thiết lập trên cơ sở luật pháp.
Như vậy, quan niệm về "Minh vương" của thời trung cổ Tây phương cho thấy luật pháp là điều có trước chủ quyền quốc gia. Luật pháp thể hiện chủ quyền qua hành động của nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền – nhà vua – tự tách rời khỏi luật pháp, thì sẽ không còn là vị "Minh vương" nữa mà sẽ trở thành bạo chúa. Cũng như khi nhà vua không cai trị nghiêm chỉnh thì vương hiệu "vua" sẽ bị mất. (5)
Lúc bấy giờ ở Việtnam và Tây phương quyền dân chủ chưa được biết đến nên chưa được thể chế hóa. Do đó, người dân chưa biết hành sử quyền người dân của mình như ngày nay mà thôi.
ll.- NHÌN QUA CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM HẢI NGO ẠI.-
a/- Trong những sắc dân sống ở hải ngoại có lẽ Việtnam là một sắc dân "non trẻ" hơn hết. Trưóc năm 1975, người Việt ở hải ngoại chỉ mới có lối 150 ngàn, sống phần lớn ở Pháp và ở các nước gốc thuộc địa của Pháp. Chỉ mới sau 30/4/1975, biến cố cộng sản Hànội cưỡng chiếm miền Nam và thực thi, rập khuôn theo Tàu, chánh sách thanh lọc xã hội đã làm tăng lên đông đảo và nhanh chóng khối người Việt hải ngoại bằng những phong trào vượt biên và vượt biển vĩ đại. Hiện tượng này đã làm xúc động lương tâm thế giới tự do. Khối người Việt tỵ nạn cộng sản đã trở thành một cộng đồng Việtnam hải ngoại quan trọng, ước tính phải có đến 3 triệu người đang sanh sống trên gần 90 quốc gia, trong số đó, Hoa kỳ có khoảng 1 triệu 300 ngàn người, Pháp 180 ngàn người, Úc 250 ngàn người, Canada 180 ngàn, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Áo, mỗi nơi từ 5 ngàn đến 50 ngàn. (6)
Trong gần đây, sau biến cố Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, khối nguời Việt ra đi từ miền Bắc sanh sống tại đây, dưới hình thức hợp tác lao động hoặc du học, đã xin tỵ nạn và ở lại định cư. Một số khá lớn đã vượt qua Tây Đức và Tây Âu để định cư. Tính về số "tuổi đời”, đây là một cộng đồng “non trẻ" hơn. Phải nói, chỉ từ sau khi bức tường Bá Linh bị phá vỡ, những người Việt sanh sống từ các nước thuộc Liên Xô và Đông Âu cũ mới bắt đầu sanh sống thành hình cộng đồng, tuy về cơ bản vẫn chưa phải là cộng đồng đúng mức. Trước kia họ chỉ là những cá nhơn nam nữ đến làm ăn hoặc học hành ở vùng này có thời hạn. Ngoài ra họ không sống theo đơn vị gia đình. Ngày nay thì những cá nhơn này đã kết hợp thành gia đình và bắt đầu có con. Một số khác, sau khi có công ăn việc làm và được phép thường trú, làm thủ tục bảo lãnh vợ con từ miền Bắc qua theo diện đoàn tụ gia đình.
b/- Những người Việtnam đi từ miền Nam sau biến cố 30/4/1975 có những đặc tính xã hội khác hơn. Họ ra đi phần lớn với nguyên cả gia đình vợ chồng con cái. Có nhiều gia đình ra đi với cả cha mẹ, ông bà lớn tuổi. Khi ra đến hải ngoại, họ di chuyển từ trại tạm cư này qua trại tạm cư khác, và sau cùng, định cư với toàn bộ gia đình. Họ bắt đầu nếp sống mới. Mỗi người trong gia đình, tùy theo tuổi tác và khả năng, bắt đầu lại sanh hoạt hằng ngày, tuy phần lớn không tiếp tục được việc làm ở Việtnam trước kia. Ngoài ưu tư giải quyết đời sống gia đình, tất cả đều mang một ưu tư chung là tranh đấu khôi phục quê hương để có thể trở về sống nơi quê nhà bình an. Cuộc sống mới vừa tạm ổn thì từ đây những đoàn thể bắt đầu xuất hiện thành hình theo thành phần xã hội và tuổi tác. Từ Hội Ái hữu đến những đoàn thể mang màu sắc chánh trị như lực lượng, đảng, mặt trận…, tất cả đều lấy hoạt động "chống cộng" là chủ yếu.
Họ "chống cộng" ngay những ngày đầu ra hải ngoại bằng cách kết hợp những cựu quân nhân miền Nam cũ và tìm cách xâm nhập về Việtnam để mong lập những ổ kháng chiến nhằm lật đổ chế độỉ cộng sản bằng võ lực. Những người khác lên tiếng tố cáo trước dư luận quốc tế sự vi phạm nhơn quyền nghiêm trọng của Hànội để vận động quốc tế làm áp lực cho Hànội phải thay đổi chế độ. Ngày nay, gần như hầu hết các tổ chức người Việt hải ngoại đều dựa vào quốc tế làm lợi thế và lấy nhơn quyền làm võ khí tấn công Hànội. Thắng lợi có nhưng chưa đủ để làm chế độ thay đổi qua dân chủ. Đây là mặt tích cực và cũng là đặc tính chung và nổi bật của cộng đồng người Việt hải ngoại trước những cộng đồng sắc dân khác sống cùng địa phương.
Trong thời gian gần đây, một số ít tổ chức nhìn lại sanh hoạt của cộng đồng Việtnam hải ngoại và kịp thấy thế hệ ll đã thật sự trưởng thành và thế hệ lll đang manh nha. Họ bắt đầu nghĩ đến xây dựng cộng đồng về một số mặt mà từ trước đến giờ vì dồn hết nỗ lực tranh đấu "chống cộng" nên đã để thiếu sót hoặc xem nhẹ. Do đó, những hoạt động văn hóa có chiều sâu đã bắt đầu xuất hiện nhằm khôi phục và phát huy văn hóa dân tộc đã bị mai một dưới chế độ cộng sản ở trong nước. Ở hải ngoại, lớp trẻ trưởng thành trong nền văn hóa bổn xứ nên xa lạ với cội nguồn dân tộc. Những tổ chức làm văn hóa hãy còn quá ít, có khi chỉ mới hoạt động ở từng văn nghệ mà thôi.
Trung tâm Nguyễn Trường Tộ đang nỗ lực vượt qua những "cái khó" nội tại để thực hiện hoài bão văn hóa cho cộng đồng Việtnam hải ngoại đồng thời nếu có điều kiện tốt sẽ tìm bắt mạch giao lưu về trong nước. Văn hóa của Trung tâm Nguyễn Trường Tộ vẫn mang ít nhiều màu sắc của một thứ "văn hóa chánh trị", tức "văn hóa tranh đấu" dân tộc.
Mà tranh đấu bằng văn hóa chánh trị thì những người làm văn hóa không thể không đề cập đến dân chủ cho Việtnam. Mà Việtnam có thể có dân chủ được không? Và thứ dân chủ nào?
lll.- DÂN CHỦ VÀ DÂN CHỦ NÀO?
a/- Như đã trình bày trên đây, cho đến ngày mất nước, Việtnam vẫn chưa có được một chế độ dân chủ hoàn chỉnh, tuy tinh thần dân chủ vẫn thể hiện khá rõ nét qua nếp sống văn hóa dân tộc ngay cả dưới thời quân chủ.
Ngày mai này, người Việtnam khi muốn làm dân chủ, tưởng nên học hỏi những kinh nghiệm lịch sử quí báu của các nền dân chủ Tây phương và Hoa Kỳ để giúp chúng ta hiểu rõ hơn những vấn đề sẽ đặt ra cho xứ sở của chúng ta và giúp chúng ta chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, vì các nền dân chủ ấy sẽ giúp chúng ta thấu hiểu được ba ý niệm cơ bản để xây dựng đất nước ngày mai. Đó là những quyền bất khả nhượng, chủ quyền và dân chủ.
Những quyền bất khả nhượng là những quyền tự nhiên của con người mà mọi Nhà nước không thể tước đoạt và cũng không thể ban phát cho chúng ta, bởi những quyền ấy là sở hữu của chúng ta. (7) Đó là quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần và quyền chống lại áp bức của Nhà nước.
Các dân tộc Anh, Mỹ, Pháp đã nhơn danh những quyền này làm những cuộc cách mạng của họ.
– Chủ quyền quốc gia thuộc toàn dân, nghĩa là người dân tự mình cai trị chính mình.
– Dân chủ là sự cai trị bởi dân và vì dân.
Dân chủ không phải được định nghĩa bởi nguồn gốc quyền lực, mà do dân chúng bị cai trị có kiểm soát được thường xuyên và hữu hiệu người cầm quyền cai trị mình hay không. Dân chủ như vậy chỉ là những định chế do người dân thiết lập ra để thực hiện an ninh trong xã hội và bảo vệ những quyền tự do căn bổn của họ. Trong một chế độ dân chủ, Nhà nước không gì khác hơn là một tập hợp những định chế do con người sáng tạo. Quyền lực cho phép Nhà nước hành sử chức năng của mình mà không cho phép Nhà nước có quyền đứng trên xã hội. Bởi trong chế độ dân chủ, luật pháp biểu thị chủ quyền quốc gia. Nói cách khác, đó là nền dân chủ pháp trị .
b/- Trong số những người Việtnam ngày nay tranh đấu cho dân chủ ở hải ngoại, có người cổ súy dân chủ đa nguyên để nhằm phản bác lại thứ dân chủ mà cộng sản Hànội đang hô hào xây dựng cho Việtnam, đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa .
Nhóm chữ dân chủ đa nguyên rất gợi hình nên làm cho nhiều người tưởng tượng rằng trong nền dân chủ ấy, nhiều sự khác biệt được tôn trọng. Nhưng về mặt thể chế đa nguyên lại không giúp hội ý được về cơ sở của một nền dân chủ. Như vậy, phải chăng những "người dân chủ đa nguyên" muốn đem "dân chủ đa nguyên" để đối lập với dân chủ xã hội chủ nghĩa mà thường bị hiểu sai lạc là " dân chủ tập trung "?
Theo người cộng sản, thì về thể chế chánh trị, đại loại chỉ có hai nền dân chủ hoàn chỉnh và phổ biến hơn hết. Đó là dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa . Hai nền dân chủ này được định hình trên hai hình thái kinh tế khác nhau, là kinh tế tư sản và kinh tế tập trung. Như vậy, rõ ràng với người cộng sản không có dân chủ tập trung mà chỉ có dân chủ xã hội chủ nghĩa và tập trung dân chủ .
Khi nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa thì, về phương diện hoạt động và thể chế, dân chủ phải có quan hệ hữu cơ, gắn liền với tập trung để "chế độ dân chủ kết hợp chặt chẽ với chế độ tập trung". Từ mối liên hệ này, tập trung dân chủ trở thành một nguyên tắc, một đòi hỏi tất yếu trong thể chế của chủ nghĩa xã hội. Đây là "nguyên tắc cốt tử " của đảng cộng sản trong lãnh đạo chánh trị đối với xã hội và lãnh đạo Nhà nước (9). Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép người cộng sản đảm bảo cho đảng cộng sản có sức mạnh thống nhứt về tư tưởng, chánh trị và tổ chức, để biểu hiện và khẳng định đó là đảng cầm quyền, tập trung vào đảng trọn vẹn quyền lực quốc gia để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị trên cả nước.
Như vậy dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ chỉ là phương pháp thi hành quyền lực lên xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản . Tuy gọi là dân chủ nhưng dân chủ xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không tôn trọng nguyên tắc căn bổn là chủ quyền quốc gia thuộc toàn dân, bởi người dân không có quyền kiểm soát nhà cầm quyền. Thực tế ở Việtnam ngày nay cho thấy người dân bình thường, không phải đảng viên đảng cộng sản, chẳng những không có quyền tham gia chánh sự như dưới thời quân chủ, mà còn không có quyền phát biểu ý kiến khác hơn là ý kiến của nhà cầm quyền. Những bổn án tù của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, … là bằng chứng điển hình.
Tóm lại, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhơn dân…, đều không phải là dân chủ mà chỉ là một mỹ từ trang điểm cho độc tài toàn trị. Dân chủ đa nguyên, tuy không phải là dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng chỉ mới đọng lại ở từng gợi hình mà thôi.
Ta có thể dùng nhóm chữ "dân chủ pháp trị " để hàm ý diễn tả một nền dân chủ đích thực. Nền dân chủ pháp trị nên chọn áp dụng cho Việtnam sau khi cộng sản không còn nữa.
Các bổn văn lịch sử về quyền con người bao hàm cả quyền ngưòi dân làm chủ đất nước và vận mạng của mình như bổn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776) và bổn Tuyên ngôn nhơn quyền và dân quyền của Pháp (1789) đều nêu lên những quyền thiêng liêng bất khả hủy diệt của con người. Chánh quyền quốc gia có bổn phận phải tôn trọng và bảo vệ những quyền này.
Riêng lịch sử thành lập nước Cộng hòa liên bang Đức đáng đem lại cho chúng ta một bài học quí báu để hình dung một nước Việtnam sau cộng sản.
Nước Đức từ 1949 quả là một Nhà nước pháp trị (Etat de droit) .
Những quyền căn bổn thủy chung vẫn là tối thượng và bất khả nhượng. Khởi thủy, con người sở hữu những quyền này trước và ngoài quyền lực Nhà nước. Chung cuộc thì Nhà nước phải bảo vệ và phát huy những quyền này. Đó là nền tảng của chế độ dân chủ ở Đức. (9)
Thể chế liên bang còn giúp củng cố nền dân chủ pháp trị của Đức, để nhờ đó các địa phương đều có quyền phát triển những đặc thù của địa phương mình, làm cho đời sống kinh tế, xã hội và chánh trị của người dân được phong phú và hài hòa.
Việtnam ngày mai này, sau khi chế độ cộng sản không còn nữa, sẽ phải xây dựng cho mình một chế độ dân chủ tự do. Dân chủ chẳng những cần để chấm dứt chế độ cộng sản độc tài một cách ôn hòa, không xáo trộn xã hội, mà còn cần để động viên toàn dân tham gia tái thiết đất nước. Dân chủ sẽ là sức bật đưa Việtnam vươn lên ngang hàng với các nước trong vùng trong một thời gian ngắn.
Nền dân chủ Việtnam ngày mai này phải là một phần kết quả đóng góp, xây dựng của cộng đồng Việtnam hải ngoại nhờ thâu thập, học hỏi những kinh nghiệm của các nền dân chủ nơi quốc gia mình sanh sống.
Nhưng sự đóng góp cho Việtnam ngày mai chỉ thực hiện được tốt đẹp khi, ở hải ngoại, ngay trong những sanh hoạt cộng đồng, chúng ta có biết áp dụng dân chủ bằng vận dụng những hiểu biết của chúng ta về dân chủ hay không? Tổ chức cộng đồng được xem như mô hình quốc gia thâu nhỏ và giản lược. Khi điều hành những tổ chức này, người điều hành phải tôn trọng những nguyên tắc căn bổn về tổ chức đã chấp thuận.
Thái độ gia trưởng chỉ "biết có ta" mà "không có người" là khởi điểm tình trạng thiếu vắng tinh thần dân chủ. Mà tệ nạn này thường dẫn đến những hành động phá hoại tổ chức cộng đồng.
Nguyễn Văn Trần
_______________________
Chú thích :
1.- Olivier Duhamel, Les Démocraties, Paris 1999.
2.- Trích dẫn theo Nguyễn ngọc Huy, "Vị trí của Hồ chí Minh trong diễn tiến nhơn quyền tại Việt Nam", trong "Hồ chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp", Nam Á Paris, 1990.
3.- Theo Nguyễn ngọc Huy, tài liệu đã dẫn.
4.- Theo Nguyễn ngọc Huy, nt.
5.- Michel Senaillart, Machiavélisme et raison d'Etat, Paris, 1989. (p.p.16-17)
6.- Tạp chí Cộng sản, 08/03, Hội nhập và hướng về quê hương.
7.- Fitche, Considérations sur la Révolution française, 1793, Paris.
8.- Nguyễn tiến Phồn, Dân chủ và tập trung dân chủ, Hànội, 2001.
9.- Olivier Duhamel, Les démocraties, Paris, 1999.