Hoàng Giang
Dân biểu không chịu nghe lời dân biểu
Quyết định đặt tên chính thức cho khu phố Việt Nam ở một khu thương mại tại San José (Bắc California) là ‘Saigon Business District' đã gây nên một làn sóng phẫn nộ của người Việt tại thành phố này
Nhiều người Việt Nam muốn khu thương mại này sẽ được gọi là Little Saigon, như tên khu phố nổi tiếng của họ ở Bolsa, được nhiều người mệnh danh là ‘thủ phủ của người Việt tị nạn'. Một cuộc thăm dò ý kiến của tờ báo San José Mercury Times cũng cho thấy đại đa số người tham dự đã chọn tên ‘Litle Saigon'. Nhưng cuối cùng tên náy lại không được chung quyết.
Tên Saigon Business District do Madison Nguyễn đưa ra. Bà là nghị viên gốc Việt đầu tiên của Hội đồng thành phố Bắc California, đắc cử năm 2005. Theo bà, tên ‘Saigon Business District' có được sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, cũng như qua cuộc tiếp xúc với một số đại diện hội đoàn cũng như cá nhân trong khu thương mại và vùng phụ cận. Người Việt Nam thì nói bà đã không hỏi ý kiến họ mà lại hỏi ý kiến những cơ sở buôn bán và hội đoàn của các sắc dân khác để tranh thủ số ý kiến ủng hộ.
‘Little Saigon' là một tên ít nhiều gắn liền với sinh hoạt chính trị của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Little Saigon cũng là một tên khá ‘nhạy cảm' với chính phủ Việt Nam. Báo chí và các cơ quan truyền thông trong nước luôn luôn cố né tránh tên này. Đây cũng là một lý do thầm kín khiến nhiều người Việt ủng hộ tên Little Saigon, như một biểu tượng đối kháng lại nhà cầm quyền Việt Nam.
Nhiều người trong quá khứ đã hết lòng ủng hộ bà Madison Nguyễn trong chiến dịch tranh cử thì nay tỏ ra thất vọng và giận dữ. Họ có cảm tưởng bị phản bội nặng nề. Sự căm phẫn đã tạo nên một luồng sóng công kích, từ những bài viết đả kích, nhục mạ cho đến những lá thư, kiến nghị gửi cho các cấp chính quyền, và những cuộc biểu tình nhiều tuần liên tiếp để phản đối và đòi bãi nhiệm bà.
Theo ý họ, bà Madison Nguyễn không còn đứng ở trong hàng ngũ những người Việt tị nạn, bà đã phản bội họ một cách trắng trợn.
Cũng theo họ, sinh hoạt dân chủ đã bị chà đạp nặng nề qua vụ việc này.
Trên thực tế, những nhận định trên đều đúng, chỉ tiếc một điều là những người này đã đưa ra một nhận định đáng lẽ họ phải biết từ những ngày họ vận động người Việt dồn phiếu cho bà, để có thể vinh danh bà là ‘người Việt đầu tiên đắc cử vào ghế nghị viên thành phố'.
Và đây cũng là một cơ hội để chúng ta có dịp suy nghĩ về vai trò của một dân biểu, nghị viên.
Trong sinh hoạt chính trị hiện nay, chúng ta phải chấp nhận hai sự thực hiển nhiên:
Thứ nhất, chúng ta rất ít khi thấy một nhân vật khi đã đắc cử rồi, lại giữ đúng y lời hứa của mình với cử tri.
Lý do đơn giản: họ ra ứng cử không vì quyền lợi trực tiếp của cử tri, mà trước hết là quyền lợi của bản thân họ, sau đó là quyền lợi của đảng đã đề cử họ ra tranh cử.
Thứ hai: Khi (nhờ tài hay nhờ may mắn) đắc cử rồi, điều họ sẽ làm là hành xử trên căn bản quyền lợi tương quan của tất cả mọi khuynh hướng của dân cư trong địa phương theo nhãn quan riêng của họ, hay trong quốc gia theo nhãn quan của đảng; và xa hơn nữa, quyền lợi của quốc gia trong liên hệ với những quốc gia khác trong vùng và trên toàn cầu. Quyền lợi này có thể rất khác với quyền lợi của nhóm dân đã từng ủng hộ họ.
Ngoài ra, có những điều họ đã hứa khi tranh cử nhưng trên thực tế họ biết là sẽ không thể thực hiện được, vì những ràng buộc liên quốc gia, và bị hạn chế bởi những qui định quốc tế. Hoàn cảnh này rất dễ tạo ra tình trạng ‘hứa cuội' rồi sau đó đổ thừa cho những yếu tố khách quan mà không ai bắt lỗi được.
Những người kết án sinh hoạt dân chủ bị chà đạp thực ra cũng không thấu hiểu sự khai triển và áp dụng dân chủ trên thực tế xã hội hiện tại.
Trong sinh hoạt dân chủ ta không thể loại bỏ yếu tố vận động hành lang và vận động dư luận, võ khí không thể thiếu trong việc lèo lái.
Có những thủ thuật trong trò chơi ‘dân chủ' đã giúp cho một phe nhóm chiếm được quyền hành một cách ‘hợp pháp', như vận động dồn phiếu và nhường phiếu.
Cũng có những trường hợp rất ‘phản dân chủ' trong một xã hội dân chủ, khi đại đa số dân biểu đồng tình với một quyết định hoàn toàn không hợp ý dân. Tăng thuế là một thí dụ điển hình. Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chánh Hòa Lan – Wim Kok – đã để lại cho hậu thế lời mỉa mai ‘đồng 25 xu của ông Kok' khi ông quyết định đánh thêm số phụ thu này trên mỗi lít xăng vào năm 1991 để bù vào phần thâm thủng cán cân chi thu quốc gia, với lời hứa sẽ bãi bỏ khi kinh tế đi lên, nhưng bây giờ ai cũng biết 25 cent này đã trở thành vĩnh viễn. Quyết định gởi quân sang Afghanistan hay Irak để ‘giữ hòa bình' cũng là một quyết định không được đại khối dân chúng Hòa Lan ủng hộ, nhưng hoàn cảnh đã khiến chính phủ không thể có một quyết định khác hơn.
Trong sinh hoạt xã hội đa diện hiện nay, một ứng cử viên chỉ có thể chứng minh lập trường của mình qua một quá trình hoạt động lâu dài ở địa phương hay ở trong đảng, với những thành quả có thể đo lường được, và với một sự nhận xét khách quan. Điểm lại những gì Madison Nguyễn đã làm trong những năm tham gia sinh hoạt chính trị trong quá khứ, người ta có thể thấy bà là một người không có chủ trương đối đầu một cách cứng rắn đối với nhà nước Việt Nam. Tóm lại, quan điểm của bà về một thế bang giao Mỹ Việt đã rất khác với quan điểm của đại đa số những người Việt tị nạn thuộc thế hệ thứ nhất, những người đã bị tù đày, đàn áp bởi chế độ cộng sản.
Người viết bài không có ý khuyên người dân đừng chống đối những dân biểu, nghị viên đã được họ tín nhiệm bầu lên. Nhưng trong trường hợp bà Madison Nguyễn, hành động ủng hộ bà trong chiến dịch tranh cử để có thể vinh danh một người Việt (đã thắng những ứng cử viên khác không cùng màu da) nhưng lại không lưu tâm đến những gì họ có thể sẽ gặp một khi bà thắng cử, có thể coi là một sự phí phạm năng lực hay không?
Con đường chính trị, ở một số người, cũng chỉ như những cái job bác sĩ, kỹ sư… Hãy để họ hành sử như họ đang xây dựng sự nghiệp như một ông bác sĩ, một vị kỹ sư, và nhận xét họ cũng như bệnh nhân nhận định về một ông bác sĩ có lương tâm hay không.
Trong xã hội, chỉ có những ‘chính trị gia' mới ráo riết đòi hỏi dân chủ. Người dân thực ra không đòi dân chủ. Họ chỉ đòi một sự tự do nằm trong khuôn khổ văn hóa mẫu mực của dân tộc, sự no ấm cho gia đình và bản thân, và một sự bình đẳng tương đối. Nói một cách khác hơn, họ chỉ đòi hỏi làm sao để cá nhân họ, để những người thân và nếu có thể được, những người nằm trong tầng lớp của họ không bị đối xử bất công. Một phần nào đó, ta có thể cho rằng chỉ có dân chủ mới đem lại những điều trên. Nhưng rất khó để thuyết phục người dân hiểu được luận cứ này, nếu không có một cơ chế truyền thông tự do, nhưng trong sáng và mang tính xây dựng. Và nhất là nếu để người dân thấy tiếng nói của họ chẳng có ai nghe thì ‘dân chủ' của mấy vị cầm quyền và ‘đại diện dân' cũng chỉ là ‘dân chủ' trong phe nhóm của họ mà thôi.
Hoàng Giang
(01/2008)