Bùi Văn Đỗ
Cộng đồng người Việt quanh ta
Viết về Cộng Đồng người Việt ở hải ngoại trong dịp này, chúng ta không thể nào không viết về Tết Việt Nam. Tết Việt Nam là một đề tài không phải nhỏ hẹp chỉ thu tóm được trong một bài, mà thường chủ đề này là cả một số báo riêng biệt dành cho báo Xuân hay báo Tết. Vì nó là một chủ đề lớn, gom góp bao tinh hoa từ ngàn đời của cả một dân tộc, được biểu hiện trong dịp Tết của người Việt Nam, từ phong tục tập quán, lễ nghi, thời gian chuẩn bị như: nuôi gà, nuôi heo, để chuẩn bị cho dịp lễ Tết có của để ăn, để cúng, để biếu người bề trên hay những chỗ ân tình đã làm ơn làm nghĩa cho mình. Rồi còn phải chuẩn bị: gạo (nếp) đậu, rượu (ở miền quê dịp Tết có những gia đình tự nấu rượu để dùng); tiền để lì xì cho con, cháu, chắt, chưa kể chuẩn bị lau chùi đỉnh trầm, chân đèn, nhang, nến, câu đối, dựng cây nêu, mua vài ba bánh pháo nếu nhà có của ăn của để. Bài viết này chỉ đề cập đến một số phong tục tập quán và lòng biết ơn của người Việt trong dịp Tết nguyên đán.
I- Ngày Tết trước tiên là ngày nhớ ơn ông bà cha mẹ, nên cho dù đi làm ở xa cách mấy cũng chuẩn bị về xum họp với gia đình. Ngày 30 Tết nhà nào nhà ấy rộn rã hẳn lên, dọn nhà dọn ngõ, lau lại những khung ảnh của người thân, làm sạch sẽ lư hương đỉnh trầm, bàn thờ; tối ba mươi Tết trên bàn thờ của từng nhà, đèn nhang, hoa quả, mâm cơm để cúng tổ tiên ông bà (trước đó ít ngày, từ ngày 23-12 âm lịch, con cháu thường ra viếng mộ tổ tiên, làm sạch sẽ các phần mộ người thân). Đây là một truyền thống rất tốt, rất quý của các gia đình Việt Nam vào ngày Tết, nhớ đến ông bà tổ tiên những người đã sinh ra mình. Có những người ở trong các tôn giáo khác như Tin Lành, Thiên Chúa Giáo thì ngoài việc chuẩn bị một bàn thờ tổ tiên cho chu đáo, họ còn kéo nhau đến nhà thờ dự lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và cầu phúc lành cho năm mới.
Bước vào ngày đầu năm mùng một những người có ông bà, cha mẹ thì buổi sớm đã tới chúc mừng năm mới cha mẹ, ông bà của mình. Đây là một tập quán tốt lành đã có từ lâu đời, ngày nay vẫn còn duy trì dù cho xã hội có nhiều nét thay đổi và văn minh hơn trước. Việc đưa quà, tiền, biếu ông bà cha mẹ vào dịp Tết này nói lên lòng người con, người cháu thảo hiếu, nhớ ơn và biết ơn người đã cưu mang sinh ra, nuôi dậy ta lớn khôn thành người, giúp ta vào đời. Nhiều con, cháu thành danh do cha mẹ, ông bà khéo nuôi nấng dậy dỗ nên đã thành danh, thành tài khi góp mặt với xã hội.
Nhân những ngày đầu năm này, ông bà hay cha mẹ thường lì xì cho các cháu để lấy hên bằng những bao lì xì màu đỏ, trong có tiền, để các cháu lấy hên cho năm mới, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau ăn uống vào ngày tết. Từ tập quán này chúng ta thấy dù người Việt lưu lạc ở nơi đâu trên thế giới, những dịp Tết họ thường quy tụ lại tổ chức Tết, gọi là Tết của Cộng Đồng Người Việt Nam, sau các mục thường lệ đầu tiên như: chào cờ, mặc niệm, lễ Tổ Tiên thì bao giờ cũng có phần lì xì cho các em thiếu nhi mà ông chủ tịch Cộng Đồng thường mặc áo thụng, đội khăn đóng cùng với mấy vị bô lão trong cộng đồng, những người vừa lễ ông bà tổ tiên trên bàn thờ, đứng ra lì xì cho các em.
Tập tục lâu đời của Việt Nam ta thì ngày mồng một tết cha mẹ, ông bà, ngày mồng ba tết thầy cô giáo:
“Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”.
Người Việt Nam có một truyền thống rất đáng trân quý là tôn trọng những cô thấy giáo, người đã dậy mình biết đọc, biết viết, mở mang sự hiểu biết ở đời; coi thầy cô như bậc quân sư, chỉ đứng sau hàng cha mẹ người đã sinh ra ta mà thôi, cho nên ngày mồng một đến tết cha mẹ, ông bà thì dành ra ngày mồng ba Tết để đến tết cô hay thầy giáo dậy mình. Nếu ngày ấy ta còn nhỏ thì cha hay mẹ dẫn ta đến tết thấy cô giáo, nếu đã lớn khôn thì tự ta đem đồ lễ cha mẹ đã mua sắm sẵn tới nhà, chúc mừng năm mới và biếu thầy cô giáo; nếu là học sinh lớn, hay đã là sinh viên thì ngày mùng ba tết người học trò đến chúc mừng năm mới và tết thầy, những người thầy, cô mà người sinh viên ấy quý mến nhất trong các giáo sư của họ.
Chúng ta ở xứ hiền hòa đất thấp hoa tulpen, đã chứng kiến bao nhiều lần lễ Giáng Sinh và tết dương lịch, chúng ta đã có cái nhìn và so sánh. Lễ Giáng Sinh và tết dương lịch của người bản xứ là những ngày của các gia đình, không khí toàn xã hội rộn rã hẳn lên , việc mua hàng hóa và sắm sửa; người đi làm xa, xa nhà, xa quê hương cũng lấy ngày nghỉ để trở về nhà thăm người thân, vợ con, cha mẹ, ông bà, anh chị em. Chỉ khác với Việt Nam ta ở vùng nhiệt đới xứ ấm là vào dịp lễ Tết phố xá đông người, nhất là giới trẻ, còn lễ Giáng Sinh và ngày tết dương lịch ở đây, người ta tập trung đi lễ ở nhà thờ, rồi quây quần bên nhau trong các gia đình ăn uống. Ngày 31-12 thì đón giao thừa, giờ giao thừa điểm họ mở rượu, đốt pháo bông, pháo nổ và chúc mừng nhau năm mới được vạn sự như ý. Dịp lễ Giáng Sinh và tết dương lịch họ cũng nhớ ơn người trên, những kẻ đã làm ơn cho mình bằng cách cho quà, thăm viếng, xét cho cùng cũng tương tự như ngày Tết Việt Nam của chúng ta.
Còn những truyền thống đẹp khác đã đi sâu vào văn hóa Việt như chiếc áo dài Việt Nam, chiếc áo dài mà chúng ta thấy trong các dịp lễ Tết, những người có chức có quyền, hay các vị nhân sĩ, các bô lão có chức vị mặc để tế lễ Tổ Tiên. Cho nên trong văn hóa Việt Nam, chiếc áo dài cũng là những nét văn hóa truyền thống mà chúng ta gặp được không những ở trên quê hương, mà ngay cả ở xứ lạ quê người, mỗi dịp lễ Tết Việt Nam, những dịp có lễ cưới, lễ hỏi thì ta thấy có nhiều tà áo dài đẹp bay phất phới trước gió, nhất là cô dâu thường là ngoài áo cưới theo tây, bao giờ cũng có mặc áo dài khăn đóng theo truyền thống Việt Nam (Xin nói cho rõ áo dài Việt Nam khác với loại áo xường xám của người Hoa).
II.- Nhân đề cập đến các truyền thống đẹp trong dịp Tết của người Việt, mà chúng ta ở hải ngoại hằng ngưỡng vọng, duy trì, phát huy và giữ lại. Có những tiếng xấu mới xuất hiện các năm gần đây ở nước ngoài mà chúng ta nghe và đọc được trên các phương tiện truyền thông như: báo, truyền thanh, truyền hình hay trên internet, người tiếp nhận như chúng ta cảm thấy hổ thẹn, ta cũng nên nhủ bảo nhau, người biết, nhất là lớp con, cháu, được học hành tử tế ở các quốc gia định cư, nghe, hiểu và biết. Nên thẳng thắn nói ra cho các bậc phụ huynh, cha mẹ, anh chị hiểu để ngưng lại những tham lam hại người, nhất là hại những lớp người trẻ ở đây; giết người không phải bằng súng, bằng đạn, bằng bỏ chất độc vào thức ăn, mà bằng bạch phiến, tạo cho giới trẻ nghiện ngập, bỏ bê học hành và phá hỏng tương lai.
Buôn bán ma túy, trồng các loại cây tạo ra chất ma túy, mà ở các quốc gia có người Việt Nam hiện diện như Anh, các nước ở vùng Âu Châu như Đức, Pháp, Hòa Lan, Bỉ, Các nước vùng Bắc Âu như Đan Mạch, Na-Uy, Thụy Điển, những nước vùng Đông Âu như Ba Lan, Tiệp, Hungary v.v… Rồi các nước vùng Bắc Mỹ như: Canada, Mỹ, các người trồng và buôn bán đã bị bắt, các tin tức ấy được đưa lên, không ai là không biết. Người Việt chúng ta nói chung, đặc biệt giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài có bổ phận và trách nhiệm nói cho các phụ huynh biết để tránh những việc làm bất hợp pháp có hại cho xã hội, có khi hại ngay cho chính gia đình và con cháu của chúng ta.
Chúng ta vượt biên ra nước ngoài tỵ nạn, mưu cầu hai chữ tự do, tạo cơ hội cho con cháu vươn lên bằng con đường học tập, vì sống trong chế độ độc tài CSVN chúng ta không có tự do, không có Nhân Quyền, con em của chúng ta không vươn lên được vì có chuyên mà thiếu hồng, nên khi ra đến nước ngoài, đã có môi trường tốt, chúng ta nhất định không tạo thêm ra gánh nặng cho quốc gia sở tại, không vi phạm những luật lệ mà quốc gia này cấm đoán. Nếu vì hoàn cảnh tuổi tác, ngôn ngữ không thể tham gia thị trường lao động với người bản xứ, phải ngồi nhà lãnh trợ cấp xã hội, chúng ta cũng nhất định không vi phạm luật pháp của quốc gia sở tại.
Được ở đây nhờ vào lòng hảo tâm của các quốc gia tư bản giầu có, họ đã chấp nhận cho chúng ta cư trú vì lý do tỵ nạn; từ đó mới nảy sinh ra các lý do khác như bảo lãnh đoàn thụ thân nhân, cha mẹ, vợ con, anh chị em. Nếu ở đây chúng ta không vui, không hài lòng, chúng ta có quyền xin trở về sống ở Việt Nam. Không nên ở lại rồi làm phiền cho quốc gia sở tại bằng cách vi phạm vào những luật lệ mà quốc gia sở tại cấm cản như: gian lận tiền trợ cấp, tiền bảo hiểm sức khỏe, ly dị giả, kết hôn giả, buôn bán và trồng cây cần sa trong nhà. Những gian lận của chúng ta trước sau cũng sẽ bị bắt, bị truy tố ra trước luật pháp, bị đòi lại những số tiền đã gian lận.
Chúng ta cũng nên biết rằng, trong những quốc gia dân chủ, pháp trị, mọi chi phí tiền bạc để điều hành quốc gia là do tiền đóng thuế của mọi người dân. Con, cháu của chúng ta lớn lên ở đây, đi làm việc đều phải đóng thuế, trong số tiền thuế này có những thứ dùng để đài thọ cho những phúc lợi của xã hội mà ít nhiều chúng ta có thừa hưởng. Nên chúng ta có bổn phận phải bảo vệ luật pháp, tôn trọng của chung, của nhà nước vì đó là phúc lợi chung của mọi người sống ở đây. Cố tình gian lận dưới bất kỳ hình thức nào như: buôn bán, sản xuất chất Heroin dưới bất kỳ hình thức nào là chúng ta đã vi phạm pháp luật. Không nên vì một con sâu làm hư nồi canh. Một việc làm bất hợp pháp, tai tiếng ảnh hưởng đến cả Cộng Đồng Việt Nam của chúng ta.
Người Việt chúng ta đã có những nét văn hóa riêng, độc đáo và đẹp, lưu truyền từ đời trước đến đời sau, dù cho đất nước đã từng xẩy ra phong ba bão táp, đã có thời bị cai trị bởi người phương Bắc cả ngàn năm, họ cũng không thể đồng hóa được chúng ta. Sở dĩ như vậy vì chúng ta có văn hóa và ngôn ngữ riêng là chữ Nôm. Ngày nay vì chế độ độc tài CSVN, chúng ta phải lưu vong tỵ nạn. Nhưng truyền thống văn hóa Việt Nam, những nét đẹp, những đức tính như: cần cù, kiên nhẫn, chăm học, chăm làm, quyết tâm không để mất đi. Những tác hại, ô nhiễm của chế độ gây ra gần cả thế kỷ qua, vì chính sách sai lầm về giáo dục, đã gieo vào lòng người dân Việt tính vô cảm, vô tâm, không còn biết phân biệt thiện, ác, không chạy đến cứu người khi hoạn nạn, mà chỉ chạy đến để tìm cách hôi của của nạn nhân.
Cái tính vô tâm vô cảm đó lan ra và ảnh hưởng cả đến những người Việt đã xa lánh đảng, tỵ nạn ở các nước tự do tư bản. Người Việt ở hải ngoại cần đề phòng và tìm mọi cách phục hồi lại những nét đẹp truyền thống của người Việt, nhắc nhở nhau tôn trọng pháp luật của các nước đã cưu mang, để khi biết được, thấy được chúng ta là người Việt Nam, người bản xứ sẽ dành cho chúng ta cái nhìn thiện cảm và quý mến.
Bùi Văn Đỗ