Hoàng Giang


Cái giá phải trả

 

Một chuỗi thiên tai: động đất, sóng thần, với hậu quả tiếp theo là một loạt nhà máy điện hạt nhân bị hư hỏng đến tê liệt, với nguy cơ nhiễm xạ một vùng lớn đã giáng xuống khu vực tỉnh Sendai của nước Nhật trong tháng 3/2011. Tổng số thiệt hại vật chất được kể là lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, có thể lên đến hơn 300 tỉ đô la. Số người thiệt mạng tìm thấy sau hai tuần đã vượt qua con số 10.000 và nếu cộng với số người bị mất tích có thể sẽ lên đến 25.000 người, chỉ thua trận Ðại địa chấn Kanto năm 1923 phá hủy phần lớn thành phố Tokyo với 142.000 người chết.

Trận động đất và cơn sóng thần tháng 3/2011 vừa qua đã gây tác hại nặng nề đến cuộc sống của người dân Nhật chẳng kém gì những trận động đất, sóng thần ở Indonesia (Giáng sinh 2004) và Haïti (đầu năm 2010)... Thế nhưng, điều làm cả thế giới ngạc nhiên là phản ứng và cách hành xử của người dân Nhật trước thảm nạn xảy đến cho họ. Sự nhẫn nại, chịu đựng và điều lạ nhất là: không có cảnh cướp bóc, hôi của, giành giựt phẩm vật cứu trợ, thủ đoạn dìm hàng đầu cơ tích trữ như đã xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Người dân Nhật dường như tự động đứng ra điều khiển guồng máy xã hội trong địa phương của mình, không cần những biện pháp cứng rắn của chính phủ trung ương được thi hành bởi quân đội hay cảnh sát để tái lập trật tự. Người dân Nhật nhẫn nại đứng xếp hàng chờ mua trong siêu thị hay chờ phát thực phẩm, mền chiếu... trong giá lạnh trên dưới không độ. Những người già ngồi bó gối an phận, không than van...

Một ký giả của Trung Ương Nhật Báo của Nam Hàn đã viết: “Chúng ta vẫn còn phải học hỏi nhiều từ Nhật Bản, và còn xa chúng ta mới có thể trở thành một nước tiên tiến.

Cái gì đã giúp cho người Nhật có được thứ “vũ khí mềm” có thể chinh phục cả thế giới như vậy? Chúng ta có thể kể ra một số yếu tố:

1.- Yếu tố địa lý nhân văn:

Nước Nhật, về phương diện địa lý, nằm trên một quần đảo. Nhìn theo khía cạnh nhân văn, chúng ta thấy cư dân ở những đảo quốc, biệt lập với đất liền thường có một cách tạo lập xã hội dựa trên căn bản sống hài hòa với gia đình, địa phương và thiên nhiên. Malta, Tân Tây Lan, Băng đảo, Anh quốc... là những thí dụ. Dân đảo Phú Quý ở Việt Nam cũng có một tổ chức xã hội riêng của họ. Lý do được người ta đưa ra là những cư dân trên đảo ít chịu ảnh hưởng của những nước láng giềng. Nhật chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng nước Nhật sống yên bình bên cạnh anh khổng lồ Trung Hoa mà không bị đô hộ. Vào thế kỷ thứ 13, Mông Cổ làm bá chủ châu Á, chỉ riêng những cuộc chinh phạt Việt Nam và Nhật Bản bị đánh bại. Do hoàn cảnh địa lý, đất nước ít tài nguyên thiên nhiên, Nhật đã tránh được sự dòm ngó của những quốc gia lân bang.

2.- Yếu tố cấu tạo lãnh thổ và tổ chức xã hội.

Nước Nhật thành hình do ba mảng đại lục dưới biển ép vào nhau (mảng Âu Á, mảng Bắc Mỹ và mảng Phi-luật-tân), đất nơi giáp giới ba mảng này đã bị đùn lên thành vùng quần đảo Nhật Bản – Inđô. Nước Nhật có khoảng 10% số núi lửa đang hoạt động trên thế giới. Mỗi năm Nhật ghi nhận hơn 1500 trận địa chấn, trong suốt thiên niên kỷ vừa qua Nhật đã gánh chịu 227 trận đại địa chấn. Dân Nhật đã quá quen với địa chấn, quốc gia này có một hệ thống báo động sóng thần tinh vi và chính xác, một hệ thống thông tin cảnh báo địa chấn, sóng thần dày đặc, những cuộc tập dượt thường xuyên trong trường học và ở nơi làm việc. Tin tiên đoán thời tiết ở Nhật bao giờ cũng kèm theo hai tin: có phải mang dù không, và sóng cao bao nhiêu, mặc dù chỉ hơn mức bình thường 10cm. Những khúc phim quay cảnh những đợt sóng thần đang ùa vào bờ trong khi đó xe cộ trên con đường xa lộ bên trên vẫn di chuyển như thể không có chuyện gì xảy ra, vì “người ta nghĩ nó cũng bình thường như những trận động đất khác”. Tóm lại, người Nhật sống thường xuyên trong mối đe dọa động đất, sóng thần, tất nhiên họ thấu hiểu một chân lý: nếu tai họa này xảy ra cho người khác thì nó cũng rất có thể sẽ xảy ra cho mình.

3.- Yếu tố văn hóa, tôn giáo:

Nước Nhật có hai tôn giáo mạnh song hành nhau: Thần Ðạo Shintô và Phật giáo. Thần đạo có thể coi như là tôn giáo nguyên thủy của Nhật Bản. Phật giáo Nhật du nhập từ Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6 và được xiển dương vào thế kỷ thứ 8 do hai đại sư: Saicho và Kobo. Thần đạo ở Nhật chịu ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo, nhưng hai tôn giáo bổ khuyết cho nhau trong đời sống hàng ngày: những lễ khi sống (sinh đẻ, cưới hỏi) được tổ chức trong đền, tang lễ lại thường được tổ chức trong chùa. Trong hoàn cảnh đó, Khổng giáo du nhập Nhật Bản qua đường văn hóa mà không qua sự đô hộ, đã sống chung với Thần Ðạo và Phật giáo một cách hài hòa. Tư tưởng Khổng và Phật được thể hiện qua sự giáo dục gia đình, trường học, xã hội. Người Nhật trọng những lễ nghi, những giá trị đạo đức Khổng giáo đề ra: Nhân Nghĩa Lễ Tín (Trí ít được nói đến vì nó nằm trong giáo dục gia đình và học đường). Thần Ðạo cho con người sự cẩn trọng trong cách hành xử khi ý thức rằng hành động (xấu) của mình sẽ bị Thần phán xét (trừng phạt), Phật giáo tạo cho con người sự cân bằng trong lý Nhân Quả...

Khổng giáo ở Nhật chịu ảnh hưởng nhiều của Chu Hi, với thuyết lý và khí có mối tương quan. Tuy nhiên từ cuối thế kỷ thứ 9 Nhật đã không còn cử phái đoàn sứ thần qua Trung Hoa nữa, khi họ cảm thấy mô thức xã hội Trung Hoa không thích hợp với văn hóa Nhật. Khổng giáo ở Nhật còn được bồi bổ thêm bằng tinh thần võ sĩ đạo trui rèn con người sức chịu đựng, một tôn ti trật tự gia đình, xã hội. Tinh thần này được nêu cao trong những triều đại Edo, Mạc Phủ. Ít nhiều, những võ sĩ samurai dưới thời Ðại tướng quân Tokugawa đã áp đặt một kỷ luật cứng rắn lên xã hội Nhật, mà ảnh hưởng còn kéo dài cho tới ngày nay.

4.- Yếu tố lịch sử cận đại

Những tiếp xúc với Tây phương đã cho người Nhật cơ hội học hỏi những môn khoa học chính xác của họ. Minh Trị Thiên Hoàng, thức tỉnh trước khủng hoảng dân tộc và sự đe dọa của Tây phương qua nhiều hiệp ước bất bình đẳng, đã cố gắng bằng mọi cách canh tân nước Nhật, tạo điều kiện cho nước Nhật phát triển theo đường lối tư bản chủ nghĩa, dần dần đưa nước Nhật lên hàng ngũ một cường quốc trên thế giới. Nhưng chỉ 50 năm sau, sự kiện Nhật Bản thua trận thế chiến thứ II, rồi không được phép có quân đội đã thành một mối nhục cho tinh thần võ sĩ đạo của họ. Sự nhục nhã đã tạo cho người dân Nhật một quyết tâm bằng mọi cách phải hơn được những cường quốc thắng trận. Ðể có được điều này, cần một kỷ luật gắt gao và một tùng phục tuyệt đối mà chúng ta có thể thấy qua cung cách giáo dục ở trường (học cắm cúi từ sáng đến tối), phương cách làm việc (người chủ chịu trách nhiệm tinh thần rất nặng về những bước thăng trầm của cơ sở, nhân viên chịu một kỷ luật làm việc nhiều khi đưa đến tình trạng karoshi – lao lực tới mức đột tử), giáo dục gia đình khắt khe, con cái phải tập chịu đựng vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt... Nhờ vậy, và một phần do sự trợ giúp của Kế hoạch Ổn Ðịnh Kinh tế của Tổng thống Truman, kỹ nghệ Nhật Bản đã phát triển mạnh do tạo được uy tín về phẩm chất và sự tin cậy.

***

Vì thế chúng ta có thể thấy rằng ít nhất 4 yếu tố trên đã cấu thành đặc tính của dân tộc Nhật Bản, một dân tộc sống thường xuyên giữa những khắc nghiệt của thiên nhiên, giỏi chịu đựng, chịu chấp hành một kỷ luật sắt, và dứt khoát không chịu để bị mang tiếng xấu. Một điểm khác nữa là ảnh hưởng rất lớn của Thần đạo và Phật giáo trong xã hội Nhật. Người Nhật cam chịu với số phận (Trời) đã dành cho họ, họ không du nhập những chủ thuyết đối chọi với nền văn hóa của họ, cho nên chủ nghĩa cộng sản đã không có cơ hội nẩy mầm trên đất Nhật. Tuy nước Nhật không phải là nước trong sạch vào hàng đầu trên thế giới (chỉ số tham nhũng năm 2010 theo International Transparency là 7,8, ngang hàng với Anh 7,6 và Ðức 7,9, thua cả Úc 8,7, Hòa Lan 8,8 hay Canada 8,9), nhưng dường như chuyện này không được nhiều người biết, bởi trên thực tế nó không có ảnh hưởng bao nhiêu tới bộ mặt xã hội của Nhật.

Ðể đổi lại, toàn thể dân chúng Nhật thường xuyên phải sống trong những ràng buộc kỷ luật và lễ nghi chặt chẽ. Những suy nghĩ của họ cũng có thể rất khác. Thí dụ trong mục tiêu chế ngự những tai nạn có thể xảy ra trong những nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, người ta đã suy nghĩ nhiều phương cách, kể cả lập ra một đội cảm tử, chịu hy sinh thân mình, xông vào nơi nhiễm phóng xạ cao với hy vọng giảm được thảm họa. Ðây là một cân nhắc, không phải một hành động liều mạng do cảm tính. Ðúng như Gregory Pflugfelder, giám đốc Trung tâm Donald Keene về văn hóa Nhật Bản ở đại học Columbia đã nhận xét: “Trật tự xã hội và kỷ luật như vậy đã được tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên tôi nghĩ rằng người Nhật dễ dàng tiếp tục thói quen này ngay cả khi có nguy biến xảy ra”. Thực ra, xã hội Nhật, trong hoàn cảnh đó, đã phát sinh những hình thức cho dân chúng có cơ hội ‘xả xú báp’, qua những truyện bằng tranh anime với những màn làm tình, bạo lực đến nơi đến chốn, những sự phản kháng ngấm ngầm trong giới trẻ qua quần áo, tóc tai, những khách sạn ‘1 giờ’... Giới trẻ Nhật bình thường giống như đất nước họ, là những hỏa diệm sơn có lửa sục sôi ngầm bên dưới. Nhưng khi có biến, họ trở lại cái vỏ bên ngoài, bình tĩnh và chấp hành kỷ luật tuyệt đối.

***

Trong thời gian qua, nhiều người đã ca ngợi, thán phục tinh thần tự giác cao độ của người Nhật trước thảm họa. Nhưng họ không biết rằng, muốn đạt được điều đó, không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của nhiều yếu tố lịch sử, xã hội, văn hóa… và là một cuộc thực tập duy trì những giá trị luân lý đạo đức triền miên ngày nọ sang ngày kia. Ðó chính là cái giá phải trả để có được niềm tự hào dân tộc và sự ngưỡng mộ của thế giới. Câu hỏi đặt ra là: Bạn có sẵn lòng trả cái giá đó không?

 

Hoàng Giang
(03/2011)

 


Cái Đình - 2011